Pages

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chăm sóc sức khỏe răng miệng

Trẻ dưới 12 tuổi chưa nên dùng kem đánh răng người lớn'
Thường xuyên lấy cao răng, khi thấy tổn thương tạo thành hố trên răng thì nên đi trám. Với răng khôn, nếu mọc ngầm trong xương hoặc biến chứng nặng thì có thể phải nhổ... Đó là một số lời khuyên của bác sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV răng hàm mặt Trung ương trong buổi tư vấn sáng nay.

- Cháu nhà tôi được 2 tuổi, cháu mọc được 16 cái răng, vào buổi sáng miệng cháu rất hôi, cháu lại chưa thể đánh răng được, tôi chỉ dùng khăn lau qua miệng cho cháu. Xin bác sĩ chỉ cho tôi cách chăm sóc răng miệng cho cháu và làm thế nào để tránh sâu răng cho cháu. (Nguyễn Thị Dung, 29 tuổi, Vũng Tàu)

- Ông Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương Hà Nội:

Trường hợp cháu 2 tuổi có 16 răng mà bị hôi miệng vào buổi sáng có thể do sâu răng. Nếu cháu có răng sâu, nhất là các răng hàm thì phải hàn răng (nếu có lỗ sâu trên mặt răng làm thức ăn lưu giữ trong đó, gây mùi hôi hoặc tủy răng bị viêm, hoại tử cũng gây hôi).

Tốt nhất, chị nên đưa cháu đến cơ sở nha khoa khám để được bác sĩ xác định đúng nguyên nhân gây hôi miệng và hướng dẫn cách giữ vệ sinh răng miệng cho cháu.

Về cách chăm sóc răng cho trẻ, nên cho cháu uống nước sau khi ăn hoặc uống/bú sữa. Việc dùng khăn làm sạch bề mặt răng là nên làm. Lưu ý: Không nên để thức ăn nhất là các thức ăn có nguồn gốc gluxit như đường, kẹo, sữa, socola... còn lưu giữ trên bề mặt răng, vì các chất này nhanh chóng được chuyển hóa thành axit. Khi pH toan tính ở dưới mức 5,5 là có thể gây hủy chất khoáng của men răng, làm sâu răng. Vì vậy việc giữ cho bề mặt răng luôn sạch sẽ có tác dụng tránh sâu răng cho cháu.

- Việc chăm sóc răng miệng tưởng như đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện đều đặn, nhất là với trẻ em, vì chưa có sự tự giác như người lớn. Đồ ăn cho trẻ em bây giờ có rất nhiều chủng loại, đặc biệt là kẹo, bánh, bánh snack và các loại đồ uống có chứa đường khiến cho việc vệ sinh răng miệng của trẻ khó khăn hơn. Các bệnh nha khoa thường có mầm mống từ khi còn bé, đến khi trưởng thành sẽ rất khó để chữa trị và cải tạo. Vậy có những biện pháp nào chăm sóc răng miệng cho trẻ để đạt được kết quả tốt nhất. (Phùng Khánh Ly, 31 tuổi, Hà Nội)
Ảnh: Hà Tuấn Anh.

- Ông Nguyễn Bảo Giang Châu, Giám đốc Chương trình Bảo vệ nụ cười Việt Nam: Hiện nay, điều khó khăn nhất vẫn là hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng đắn cho các cháu bé. Và điều này cần sự hỗ trợ nhiều từ phía phụ huynh và giáo viên. Điều cần thiết nhất là chị nên giúp cháu đánh răng ít nhất 1 ngày 2 lần, buổi sáng sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ vào buổi tối. Điều này sẽ làm giảm thiểu các bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ em.

Việc ăn các thức ăn chứa nhiều đường ở trẻ em thường không được khuyến khích bởi các chuyên gia nha khoa vì đường tạo môi trường cho vi khuẩn sâu răng phát triển, dễ dẫn đến bệnh sâu răng.

Chương trình Bảo vệ nụ cười Việt Nam đang có những hoạt động giáo dục, chăm sóc vệ sinh răng miệng cho các cháu bé ở độ tuổi tiểu học và mầm non, nhằm tạo thói quen chăm sóc răng miệng thông qua việc đánh răng đúng và sử dụng những thức ăn có lợi cho răng miệng. Tất cả những kiến thức về chăm sóc răng miệng chị có thể tìm hiểu thêm thông qua trang web www.danhrangsangvatoi.com. Chúc chị tìm được phương pháp giáo dục vệ sinh răng miệng phù hợp với bé.

- Hiện có rất nhiều quảng cáo về kem đánh răng, loại nào cũng cho mình là tốt? Vậy xin hỏi các chuyên gia loại nào đáng tin dùng? Liệu dùng kem đánh răng không "phù hợp", có ảnh hưởng đến răng miệng không? Với tôi, một số kem đánh răng có thể gây đau răng, sưng lợi hoặc thậm chí viêm họng. Những loại kem đó có thương hiệu trên Việt Nam và cả từ Mỹ hay Thuỵ Sỹ. Tôi chưa thấy nha sỹ nào nói về tác hại của kem đánh răng mà đa phần đều nói tốt như chắc răng, diệt khuẩn tốt, trắng răng... Xin chuyên gia có ý kiến. (Bảo Lộc, 29 tuổi, TP HCM)

- Ông Giang Châu: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem đánh răng khác nhau và có nhiều công dụng khác nhau đều nhằm mục đích bảo vệ răng miệng và ngăn ngừa sâu răng. Các loại kem đều có chứa những chất có lợi cho răng như flour, muối, chất làm trắng răng... đều ở mức độ an toàn cho người sử dụng. Tùy theo loại bệnh răng miệng đang bị mà bạn lựa đúng loại sản phẩm khuyến cáo sử dụng cho loại bệnh đó.

Ví dụ, nếu đang bị nhiệt miệng nên sử dụng các loại sản phẩm có thành phần được chiết xuất từ trà xanh hoặc răng bạn đang ngả màu vàng vì các lý do khác nhau thì bạn nên chọn các loại kem có chứa chất làm trắng răng. Bạn nên đến nha sỹ để kiểm tra tình hình sức khỏe răng miệng của mình định kỳ ít nhất 6 tháng một lần và được tư vấn nên sử dụng loại kem đánh răng nào có lợi cho bạn.

- Răng của tôi không trắng và tôi có ý định đi tẩy trắng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc này sẽ gây tổn hại đến men răng và sau đó răng sẽ bị xỉn, ngả sang một màu khác theo thời gian. 2) tôi cũng có ý định đi niềng răng nhưng sau khi chụp phim thì phát hiện có một răng bị nhiễm trùng và đã điều trị gần khỏi. Tuy nhiên, theo 1 số người, việc niềng răng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe. Thực sự, men răng của tôi không tốt và dễ bị sâu răng nên tôi rất phân vân. Xin bác sỹ tư vấn giúp. (Hoàng Lan, 29 tuổi, Hà Nội)

- Ông Trịnh Đình Hải: Như vậy răng của bạn Hoàng Lan có hai vấn đề: Một là răng không trắng, hai là răng bị lệch lạc (vì bạn có nhu cầu đi niềng răng, tức nắn chỉnh răng).

Về việc tẩy trắng răng, nếu được bác sĩ răng hàm mặt điều trị thì sẽ được hướng dẫn để tránh các yếu tố có thể gây tổn hại đến men răng. Nếu được hướng dẫn giữ gìn thì màu trắng của răng sẽ giữ được lâu hơn. Vì vậy, nếu bạn còn băn khoăn về màu răng thì chọn đúng bác sĩ nha khoa để được tẩy trắng.

Về ý định niềng răng (tức nắn chỉnh răng): Bạn có một răng bị nhiễm trùng đã được điều trị vẫn có thể nắn chỉnh được. Việc niềng răng đúng chỉ định và đúng phương pháp, đúng kỹ thuật sẽ không gây tổn hại đến sức khỏe.

Khi nắn chỉnh răng, các răng của bạn sẽ được gắn các dụng cụ như mắc cài, dây cung... làm khó giữ gìn vệ sinh răng miệng, nên có thể gây sâu răng. Tuy vậy, nếu bạn được hướng dẫn và thực hiện cách chải răng đúng và giữ vệ sinh răng miệng tốt, kiểm soát được mảng bám răng thì sẽ đề phòng được sâu răng.

- Xin có 2 câu hỏi gửi ông Giám đốc Viện RHM TƯ : 1. Tôi bị viêm áp xe quanh răng , tôi đã đến Viện RHM khám và được cho đơn thuốc uống nhưng uống theo đơn 5 ngày tuyệt nhiên không khỏi, xin hỏi tôi phải đến đâu khám tiếp và uống thuốc gì?

2. Tôi và vợ tôi đều là CB, phải xin về trước 1 tiếng để đi khám nhưng có mặt tại Viện RHM lúc 16h 20 là không còn ai làm việc (bằng chứng là ngày hôm qua 25/4/2011). Xin hỏi quy định của Viện RHM là làm việc đến mấy giờ? Xin cảm ơn ông! (Minh Tuấn, 40 tuổi, Sóc sơn, Hà Nội)

- Ông Trịnh Đình Hải. Trường hợp anh đã được chẩn đoán là bị áp xe quanh răng mà uống thuốc 5 ngày không khỏi thì anh nên quay trở lại bệnh viện để được xác định lại tổn thương và điều trị tiếp.

Giờ làm việc của bệnh viện bắt đầu từ 7giờ 30 đến 16 giờ 30. Trong giờ hành chính, thì tất cả các khoa phòng của bệnh viện đều tiếp nhận tất cả các quý bệnh nhân khám và điều trị các bệnh thuộc lĩnh vực răng hàm mặt. Từ 16 giờ 30 cho đến 7 giờ 30 sáng hôm sau, bệnh viện có bố trí nhiều kíp trực bao gồm, trực ở phòng khám, cấp cứu các bệnh về răng miệng và hàm mặt, trực khu nội trú và trực tại khoa gây mê hồi sức để có thể tiếp nhận và xử trí các trường hợp cấp cứu về răng miệng và hàm mặt. Mặc dù tập trung ưu tiên giải quyết các trường hợp cấp cứu nhưng những trường hợp không phải cấp cứu mà có các bệnh về răng miệng thông thường chắc chắn vẫn được khám, điều trị hoặc hẹn điều trị theo nhu cầu của người bệnh.

Trường hợp anh và phu nhân đến khám lúc 16 giờ 20 mà không có người làm việc thì bộ phận đó đã vi phạm quy chế, xin anh vui lòng cho biết đó là khoa nào, để chúng tôi xác minh lại và có biện pháp điều chỉnh.

Trân trọng cảm ơn anh.
Ảnh: Hà Tuấn Anh.

- Tôi bị lợi tụt khỏi chân một vài chiếc răng nên trông rất khó coi khi cười. Xin bác sĩ nói cho tôi biết cách chữa trị như thế nào cho phù hợp, nhanh. Vì tôi giờ đi làm nên rất bận, hầu như không có thời gian đến bệnh biện khám. Cảm ơn bác sĩ (Hà, 27 tuổi, Hà Đông, Hà Noi)

- Ông Trịnh Đình Hải: Trường hợp lợi tụt để bộc lộ thân răng lâm sàng dài hơn có thể do răng bị lệch lạc hoặc teo mô quanh răng, hoặc viêm quanh răng. Trường hợp bạn 27 tuổi thì nhiều khả năng là do răng bị lệch lạc. Nếu vậy, bạn nên đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (40 Tràng Thi, Hà Nội) để khám và điều trị nắn chỉnh răng.

Trường hợp không phải do lệch lạc răng hoặc không có viêm quanh răng, thì có thể phẫu thuật che phủ phần chân răng bị hở. Như vậy dù bận bạn vẫn phải đến khoa Nha chu, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương để được khám và điều trị.

- Bác sĩ cho tôi hỏi: việc cạo vôi răng được các nha sĩ khuyên nên thực hiện sau 6 tháng, vậy việc cạo vôi răng có ảnh hưởng đến răng miệng của mình như thế nào? Riêng tôi thấy việc cạo vôi răng làm cho khoảng cách giữa các chân răng với nhau ngày càng cách xa hơn, làm giảm thẩm mỹ của hàm răng, vậy việc cao vôi răng có nên thực hiện nữa hay không? (Phạm Ngọc Huệ, 36 tuổi, Thái Nguyên)

- Ông Trịnh Đình Hải: Vôi răng còn gọi là cao răng, và mảng bám răng gây nên tình trạng viêm lợi và viêm quanh răng. Khi viêm quanh răng là tiêu xương ổ răng và tạo thành túi lợi bệnh lý quanh răng, làm cho có mủ ở chân răng và răng lung lay. Nếu nặng thì các răng có thể di lệch. Vì vậy, việc lấy vôi răng là rất cần thiết.

Bạn thấy việc cạo vôi răng làm cho khoảng cách giữa các chân răng với nhau ngày càng cách xa hơn, có thể được giải thích như sau: giữa các răng bao giờ cũng có kẽ. Người trung niên và cao tuổi, lợi bị co làm hở chân răng và kẽ giữa hai chân răng sẽ rộng hơn. Trường hợp có cao răng thì cao răng sẽ che kín kẽ giữa hai răng, làm bạn hiểu lầm là răng khít. Việc lấy cao răng không thể làm cho khoảng cách giữa các răng ngày càng xa cách hơn, mà ngược lại sẽ giúp cho bạn vệ sinh răng miệng tốt hơn, kiểm soát được mảng bám răng và giữ cho mô quanh răng không bị viêm, giữ cho các răng không bị lung lay, di lệch, tức cột chặt các răng, không để chúng cách xa nhau.

- Tôi bị mọc lệch răng số 8 bên phía trái, thi thoảng bị tấy lên rất đau, bị sưng lệch hẳn một bên mặt... Tôi có đi khám và được tư vấn nên nhổ nhưng thấy bảo nhổ răng số 8 rất nguy hiểm vì động đến các dây thần kinh... Hơn nữa phải nằm viện để điều trị mất vài ngày (điều kiện công việc không cho phép nghỉ nhiều). Gần đây, tình trạng diễn ra càng nhiều và gần hơn. Xin bác sĩ cho ý kiến về trường hợp của tôi. Xin cảm ơn bác sĩ (Bùi Phúc Thái, 30 tuổi, Lâm Đồng)

- Ông Trịnh Đình Hải: Răng số 8 hay còn gọi là răng khôn, mọc ở trong giai đoạn từ 18 đến 30 tuổi. Do răng mọc sau, trong trường hợp xương hàm thiếu chỗ, răng thường lệch gây biến chứng, nhất là các răng khôn hàm dưới.

Khi xác định răng khôn không mọc đúng hướng, không đúng vị trí thì nên nhổ càng sớm càng tốt bởi vì răng này có thể gây biến chứng viêm quanh thân răng hoặc nặng hơn. Nhiều trường hợp còn gây sâu mặt xa răng số 7 (có trường hợp răng số 7 không giữ được). Vì vậy nhổ sớm sẽ giúp cho răng số 7 không bị ảnh hưởng.

Việc nhổ răng khôn là khó và hệ trọng hơn các răng khác. Tuy vậy, cũng không quá lo ngại động đến các dây thần kinh. Trong một số trường hợp mà răng khôn mọc ngầm trong xương hoặc biến chứng nặng thì có thể phải nhổ răng trong phòng mổ, dưới gây mê. Vì vậy, bạn phải sắp xếp thời gian cho việc điều trị răng khôn của mình.

- Thưa Bác sĩ! Trẻ 2-3 tuổi ta có thể vệ sinh răng miêng bằng cách nào, khi trẻ chưa biết súc miệng và nhổ ra và có phải đi khám răng định kỳ không? Rất cám ơn BS. (Đặng Văn Tuấn, 24 tuổi, Hà Nội)

- Ông Giang Châu: Đối với trẻ ở độ tuổi này anh nên sử dụng các loại dụng cụ đánh răng chuyên dùng cho trẻ độ tuổi mầm non. Các loại kem này đều có nồng độ chất bảo vệ răng ở mức độ an toàn nên nếu bé có nuốt vào cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Phương pháp đánh răng được khuyến khích hiện nay là bé nên đánh răng ít nhất 2 phút, không nên dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng để chất flour trong kem được tồn tại trên răng của bé lâu hơn, có tác dụng bảo vệ men răng cho bé. Ngoài ra, anh nên đưa bé đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng một lần.

- Bác sỹ tư vấn giúp tôi, tôi bị viêm nha chu rất nặng, hở hết chân răng và rất nhiều cao răng. Xin bác sỹ cho hỏi là có chữa được không và địa chỉ nào tốt nhất (tôi ở Hà Nội) cám ơn bác sỹ (Đoàn Đức Long, 30 tuổi, Bắc Giang)

- Ông Trịnh Đình Hải. Trường hợp bị viêm nha chu, hở chân răng và nhiều vôi răng là có thể điều trị được. Anh có thể đến khoa Nha chu, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương (40b Tràng Thi) để được điều trị.

- Bé mới mọc được 2 cái răng, thì có nên tập cho bé đánh răng từ bây giờ không? Và làm cách nào cho bé không bị viêm răng ? (Nguyen Thi Ha, 27 tuổi, Vung Tau)

- Ông Giang Châu: Chị nên bắt đầu chăm sóc răng cho bé ngay từ cái răng đầu tiên bằng các phương pháp và dụng cụ thích hợp được khuyến khích bởi nha sĩ. Khi bé mới mọc 1,2 cái răng chị đã có thể dùng bàn chải chuyên dụng để đánh răng cho bé.

Chị nên chăm sóc răng cho cháu thường xuyên, đánh răng cho bé sau khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối sẽ giúp cho cháu tránh được các bệnh răng miệng, trong đó có viêm răng.

- Cháu chỉ mới có 22 tuổi thôi, nhưng cháu phải trồng hết 4 răng giả ở phía trước hàm trên, còn các răng cốm phía trong đều sâu và viêm hết, gây ra chứng hôi miệng và hay sưng tấy lên, răng ngả sang màu ố vàng. Răng hàm trên của cháu dần bị hô ra ngoài, răng hàm dưới thì thưa, nói chung tình hình rất là tệ. Cho cháu hỏi là có cách nào để khắc phục và có hàm răng đẹp hơn không ạ. (Linh, 22 tuổi, Củ Chi, TP HCM)

- Ông Trịnh Đình Hải:

Một là, các răng cốm (miền Bắc gọi là răng hàm) bị sâu thì phải đến bác sĩ nha khoa để được hàn các sớm càng tốt. Việc hàn răng cốm không khó và cho kết quả tốt.

Hai là, về bốn răng giả ở phía trước hàm trên, tức các răng cửa trên: Nếu là răng giả cố định thì bạn cần lưu ý chải răng để kiểm soát mảng bám răng ở cổ răng vì khi có cầu chụp răng thì khó kiểm soát mảng bám răng ở cổ răng và hay gây viêm lợi.

Ba là, bạn có các răng cốm bị viêm hết, hôi miệng, các răng hàm dưới thưa, răng hàm trên bị hô ra ngoài... là các biểu hiện của bệnh viêm quanh răng. Để giải quyết triệt để vấn đề này, bạn nên đến cơ sở nha khoa để được điều trị và tư vấn chăm sóc dự phòng. Sau khi loại bỏ được viêm quanh răng, thì tùy vào hiện trạng hàm răng của bạn để lựa chọn giải pháp làm đẹp, ví dụ như: nắn chỉnh răng, làm lại các răng cửa hàm trên, trám răng thẩm mỹ để thu hẹp các kẽ răng thưa hàm dưới... Với trường hợp này, chúng tôi phải khám trực tiếp mới có thể đưa ra giải pháp cụ thể tối ưu.

- Cháu họ tôi đang sống ở Singapore được tổ chức khám chữa răng tại trường học 2 lần một năm, chứng tỏ họ rất quan tâm đến vấn đề nha khoa học đường. Xin hỏi bác sĩ Châu là ở Việt Nam có chương trình khám chữa răng nào dành cho các em học sinh hay không ( Nhat Minh, 44 tuổi)

- Ông Giang Châu: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện chương trình Nha học đường quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai trên toàn quốc với các hoạt động khám, chữa răng định kỳ...

Đồng thời, hai Bộ cũng phối hợp với Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, nhãn hàng P/S thực hiện chương trình Bảo vệ Nụ cười Việt Nam triển khai khám và chữa trị kết hợp với giáo dục chăm sóc vệ sinh răng miệng cho học sinh tiểu học và mầm non trên toàn quốc thông qua các xe nha lưu động.
Ảnh: Hà Tuấn Anh.

- Cháu 30 tuổi, mỗi lần bị lợi trùm lên răng hàm dưới cháu không nhai được, ăn uống khó khăn, vì vướng vào lợi. Cháu muốn hỏi bác sĩ làm cách nào để khắc phục bị lợi trùm? Cháu súc miệng nước muối có được không và có đỡ đau hơn không? Thường bị lợi trùm trong khoảng bao nhiêu ngày là hết bị lợi trùm. Cháu nghe nói là bị lợi trùm thì cắt bỏ đi sẽ hết, nhưng có người lại bảo cắt đi rồi lại mọc cái mới, cháu muốn hỏi trường hợp này ai đúng ai sai. Cắt bỏ lợi trùm có ảnh hưởng gì đến việc sinh sản không? (Giang, 30 tuổi, Hà nam)

- Ông Trịnh Đình Hải: Trường hợp răng khôn (răng số 8) hàm dưới thiếu chỗ, không thể mọc tới mặt phẳng cắn như răng số 7 được và có vạt niêm mạc che phủ lên một phần mặt nhai của răng mà bạn gọi là lợi trùm là khá thường gặp trên lâm sàng. Khi có lợi trùm thì tạo nên một khoang lưu giữ thức ăn và gây viêm quanh thân răng hoặc biến chứng nặng hơn.

Để xử lý trường hợp này, bạn cần đến cơ sở nha khoa để được khám xem liệu răng khôn đó có giữ được không. Nếu không giữ được thì nhổ càng sớm càng tốt. Trường hợp giữ lại được thì phải được cắt bỏ toàn bộ phần vạt niêm mạc che phủ mặt nhai và phía mặt xa thân răng để bộc lộ thân răng khôn. Có như vậy thì sẽ không lo bị "mọc lại cái mới" như bạn nói. Cắt lợi trùm không ảnh hưởng đến sinh sản.

- Xin các chuyên gia cho em hỏi về chương trình Bảo vệ nụ cười Việt Nam có đi đến các tỉnh thành để khám và chữa răng miễn phí cho các em học sinh không ạ? Vì chương trình này rất cần thiết đối với các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi khám răng thường xuyên. (Trần Kim Ngân, 20 tuổi, Q.10, TP.HCM)

- Ông Giang Châu: Hiện nay, chương trình Bảo vệ Nụ cười Việt Nam đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, đặc biệt là các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi nhu cầu khám và chữa răng rất lớn. Cho đến nay, chương trình đã được triển khai trên 12 năm, đã khám và chữa răng miễn phí cho hơn 5 triệu học sinh trên toàn quốc, giáo dục chăm sóc vệ sinh răng miệng cho hơn 6,5 triệu học sinh khối tiểu học và mầm non.

Chương trình vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới và mở rộng đến nhiều nơi mà cộng đồng có nhu cầu lớn về chăm sóc vệ sinh răng miệng nhưng điều kiện dịch vụ chăm sóc răng miệng còn thiếu.

Mục tiêu của chương trình nhắm tới một thế hệ Việt Nam tương lai không sâu răng và "Bảo vệ nụ cười Việt Nam".

- Tôi bị thiểu sản men răng, men răng xấu, răng mọc lệch, sâu răng, tôi mới sinh cháu được 3 tháng. Trước đây từng hàn thẩm mỹ 4 răng cửa hàm trên nhưng một thời gian là bị bong ra. Tôi muốn làm thẩm mỹ lại răng thì khi nào tôi có thể bắt đầu làm và nên dùng phương pháp nào là phù hợp nhất. (Huyền, 29 tuổi, Hà Đông)

- Ông Trịnh Đình Hải: Trường hợp thiểu sản men răng và men răng bị xấu mà bạn đã hàn thẩm mỹ bị bong, tôi chỉ có thể tư vấn lựa chọn giải pháp tối ưu cho bạn khi được quan sát trực tiếp.

Trường hợp có sâu răng, mặc dù bạn mới sinh cháu được 3 tháng, nhưng cũng nên đến cơ sở nha khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.

- Tôi nghĩ trách nhiệm giáo dục trẻ thói quen chăm sóc răng miệng không chỉ là của cha mẹ, gia đình mà còn của thầy cô, nhà trường. Vì mỗi ngày cháu gần như ở trên trường suốt. Vậy nhà trường có cách nào để giúp trẻ làm quen với thói quen này? (Hồng Anh, 37 tuổi, The Manor 2)

- Ông Giang Châu: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị, việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng cho bé cần có sự tham gia của nhiều thành phần có liên quan. Chính vì thế sẽ giúp cho bé hình thành được thói quen chăm sóc răng miệng tốt. Vai trò của giáo viên, nhà trường rất quan trọng trong thời buổi hiện nay vì họ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của các cháu bé rất nhiều, trong đó có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng.

Hiện nay, chương trình Bảo vệ Nụ cười Việt Nam đang kết hợp với nhà trường để giáo dục vệ sinh răng miệng cho các cháu, thông qua các hoạt động lồng ghép phù hợp giữa việc thực hành và vui chơi của các cháu, như các vở kịch với các nhân vật được các cháu yêu thích có nội dung chăm sóc răng miệng.

Ngoài ra, một số trường đưa chương trình chăm sóc răng miệng trở thành khóa học thường xuyên cho các cháu, lồng ghép với các hoạt động khám và chữa răng định kỳ.

- Cháu đang có bầu tuần thứ 34 nhưng răng bị sâu, thường xuyên đau nhức buốt về đêm gây mất ngủ, mệt mỏi. Bác sĩ chỉ cho thuốc chấm lợi và vitamin B2, vitamin C để chữa viêm lợi. Còn 2 chiếc răng sâu, bác sĩ có nói là bị sâu vào tủy rồi,. Bác sĩ cũng có hàn tạm thời vết sâu của một răng vào, vì nghi là tủy răng đã chết. Ngoài ra, lợi của cháu thường xuyên bị chảy máu. Có cách nào hết đau trong giai đoạn này không? Nếu cứ tình trạng này kéo dài cháu không biết có đủ sức để sinh em bé nữa không. (Phương Thanh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Ông Trịnh Đình Hải: Trường hợp răng sâu mà bạn đã bị đau nhức buốt về đêm gây mất ngủ là răng đã bị viêm tủy (không phải tủy chết vì tủy chết thì răng không còn cảm giác buốt nữa). Như vậy bạn cần đến cơ sở nha khoa càng sớm càng tốt để được điều trị tủy răng. Khi đã bị viêm tủy thì việc dùng thuốc chấm và các loại vitamin không có tác dụng.

Về việc lợi của bạn hay chảy máu, đây là biểu hiện của bệnh viêm lợi. Các thay đổi nội tiết trong thời kỳ bạn có bầu cũng là điều kiện thuận lợi để tăng thêm viêm lợi. Bạn nên đến cơ sở nha khoa để được điều trị và hướng dẫn cách tự chăm sóc kiểm soát mảng bám răng, nhất là trong thời kỳ bạn đang mang bầu và nuôi con nhỏ sau này.

- Xin hỏi bác sĩ Châu, chương trình bảo vệ nụ cười việt Nam dành cho đối tượng nào và làm sao để đăng ký tham dự vậy bác sĩ? (Thien Thanh, 38 tuổi)

- Ông Giang Châu: Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chương trình Bảo vệ Nụ cười Việt Nam. Chương trình này được triển khai đến các đối tượng trẻ em dưới 8 tuổi trong nhà trường và trong cộng đồng, đây là độ tuổi thích hợp để hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng đắn.

Để tham gia, bạn có thể liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, thành nơi bạn cư trú để đăng ký trực tiếp với chương trình.

- Thưa bác sĩ mỗi ngày em đánh răng khoảng 4-5 lần (sau các bữa ăn) và cứ ăn bất cứ cái gì là em lại đánh răng. Có người nói đánh răng nhiều như vậy không tốt. Vậy em muốn hỏi bác sĩ điều đó có đúng không. (Minh Huy, 21 tuổi, 50/2 đường 35 kp2 phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM)

- Ông Trịnh Đình Hải: Đánh răng sau bữa ăn để giữ cho các bề mặt răng luôn sạch là rất tốt, giúp phòng tránh sâu răng và viêm lợi. Tuy vậy, thông thường mọi người chỉ ăn 3 bữa sáng, trưa và tối, do vậy, thông thường có thể đánh răng sau các bữa ăn chính này. Trong một số trường hợp đặc biệt (không thường xuyên) thì cũng nên đánh răng sau khi ăn ngoài ba lần nói trên. Nếu bạn sử dụng bàn chải hợp lý (thay đúng kỳ hạn), kem đánh răng phù hợp và chải răng đúng phương pháp thì không sợ mòn men răng. Tuy vậy, hằng năm bạn cũng nên đi kiểm tra răng định kỳ để phát hiện tổn thương men răng, cũng như các bệnh răng miệng khác.

- Con nít có nên dùng kem đánh răng của người lớn không? Con trai năm nay 8 tuổi rồi, nên mình muốn bắt đầu tập cho bé đánh răng loại của người lớn luôn, như vậy có được không bác sĩ ? (Nguyễn Thị Mai, 36 tuổi, An Giang)
Ảnh: Hà Tuấn Anh.

- Ông Giang Châu: Các cháu bé được khuyến cáo nên sử dụng các loại kem đánh răng dành riêng cho trẻ vì nồng độ flour phù hợp với cơ địa của các cháu (dưới 500 ppm). Con nhà chị năm nay mới được 8 tuổi thì vẫn chưa phù hợp để sử dụng kem đánh răng của người lớn cho đến độ tuổi 12. Trong trường hợp không có kem dành cho trẻ em, chị có thể sử dụng kem của người lớn cho bé với dung lượng tương đương với kích thước của hạt đậu cho mỗi lần sử dụng.

- Bị sâu răng có nhất thiết phải đi trám răng, hay nặng hơn thì phải nhổ răng và trồng răng mới? Tôi bị sâu răng nhưng chỉ đánh răng để không bị nặng thêm, còn lỗ hỏng do bị sâu răng cũng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hay việc ăn uống nên tôi cứ để vậy. Xin bác sĩ cho lời khuyên. (Nguyễn Thị Như Quỳnh, 23 tuổi, 493/60 CMT8,Q10, HCM)

- Ông Trịnh Đình Hải: Trường hợp sâu răng đã thấy tổn thương tạo thành hố trên bề mặt răng thì nên đi trám răng. Trong trường hợp này, chỉ đánh răng không thì chưa đủ.

Chỉ nhổ răng trong trường hợp tổn thương sâu phá hủy nhiều mô cứng của răng. Đối với các răng trước, nếu mô cứng của thân răng phá hủy nhiều vẫn có thể giữ lại được bằng cách phục hồi thân răng tựa trên phần chân răng còn lại.

- Răng của con có những vết ố đen xung quanh chân răng ở phía trong hàm, và những răng đều bị vàng không được trắng. Con muốn hỏi bác sĩ là răng con bị gì và cách chữa ra sao, thưa bác sĩ. (Huyền Trang, 21 tuổi)

- Ông Trịnh Đình Hải: Cháu mới 21 tuổi thì không thể nhìn thấy chân răng của các răng phía trong hàm được. Có các vết ố đen ở thân răng là đã có biểu hiện của sâu răng rồi.

Vậy Huyền Trang nên đi khám bác sĩ nha khoa để xác định tổn thương.

Các răng bị vàng có thể có hai khả năng. Một là, do các chất ngoại lai bên ngoài bám vào mặt răng như cao răng, mảng bám răng, sắc tố thức ăn. Trường hợp này chỉ cần lấy cao răng, đánh bóng và chải răng đúng phương pháp là có thể cải thiện được vẻ đẹp của hàm răng. Hai là, màu vàng của răng là do bản chất của men răng. Nếu men răng láng bóng không có tổn thương men thì việc tẩy trắng răng cũng là giải pháp có thể lựa chọn trong trường hợp của cháu.

- Con trai tôi 3 tuổi, đánh răng không chịu dùng kem vì kem nào cháu cũng kêu cay. Xin bác sĩ tư vấn loại kem đánh răng nào ở VN dành cho các bé mà có vị ngọt? (Nguyễn Thanh Hải, 37 tuổi, TPHCM)

- Ông Giang Châu: Theo tôi được biết trên thị trường hiện có rất nhiều loại kem đánh răng dành cho trẻ em, chị có thể tham khảo các loại khác nhau để chọn một mùi vị phù hợp với bé nhất.

Nhưng theo tôi việc quan trọng nhất là chị nên khuyến khích và giúp cháu làm quen với việc đánh răng mỗi ngày bằng nhiều cách khác nhau để cháu nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh răng mỗi ngày sẽ giúp cho trẻ tránh những bệnh răng miệng về sau. Điều này cũng sẽ giúp cho cháu làm quen với các mùi vị của kem đánh răng.

- Chào bác sĩ, năm nay cháu 21 tuổi. Răng cửa hàm trên của cháu bị thưa rất nhiều. Khoảng 5mm. Cháu nghe nói với tình trạng của cháu chỉ có cách là bọc răng sứ. Tuy nhiên cách này sẽ phải mài bớt răng gây đau buốt, hôi miệng về sau. Với tình trạng như cháu thì có những cách chữa nào ạ? Cháu nên sử dụng cách nào? (Phương, 21 tuổi, Vĩnh Yên)

- Ông Trịnh Đình Hải: Với trường hợp của bạn, còn một giải pháp nữa có thể tốt hơn bọc răng sứ là nắn chỉnh răng. Kéo các răng để đóng khoảng 5mm kẽ răng giúp cho răng không bị mài và giữ được hình thể bản chất tự nhiên của răng và dễ dàng vệ sinh răng miệng hơn, và chắc chắn răng không bị ê buốt và không hôi miệng về sau như điều bạn lo ngại.

Để khẳng định chắc chắn về giải pháp tối ưu thì tôi phải được quan sát trực tiếp răng của em.

- Răng em đau và chảy mủ màu trắng. Sáng đánh răng hay bị nôn. Lâu ngày không biết có sao không? (Cao Hoài Nam, 33 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ)
Ảnh: Hà Tuấn Anh.

- Ông Trịnh Đình Hải: Răng của em bị đau và chảy mủ trắng là em đã bị viêm quanh răng rồi. Khi viêm quanh răng, thì xương ổ răng bị tiêu tạo thành túi lợi quanh răng. Túi lợi này có thể sâu 3-7mm hoặc hơn. Mủ sẽ hình thành và đọng lại trong túi lợi, thỉnh thoảng em sẽ thấy chảy mủ ra chân răng. Trong trường hợp này em còn thấy mùi khó chịu, và buồn nôn.

Bệnh viêm quanh răng nếu không được điều trị sớm và đúng cách thì sẽ tiến triển dẫn tới mất răng. Hơn nữa, các túi lợi quanh răng còn là ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng, cũng gây ra bất lợi về sức khỏe cho em. Vì vậy em nên đi khám nha khoa để được điều trị tích cực, kịp thời.

- Đề nghị bác sĩ cho biết răng giả (răng sứ) bao lâu thì phải làm lại? Có làm lại trên 2 cầu cũ được không? Và đề nghị bác sĩ hướng dẫn các giữ gìn, bảo dưỡng răng giả. Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng, 36 tuổi, Hà nội)

- Ông Trịnh Đình Hải: Bạn có răng sứ, tức răng giả cố định. Tùy theo từng trường hợp mà răng cố định có thể duy trì hằng chục năm. Một số trường hợp cần làm lại như:

- Teo mô quanh răng, lợi co làm hở rìa cổ răng sứ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

- Các răng trụ bị tổn thương do tải lực ăn nhai quá mức.

- Viêm quanh các răng trụ.

- Viêm tủy răng hoặc viêm quanh cuống các răng trụ: phải điều trị tủy các răng trụ.

Thời gian làm lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng các răng trụ, chất liệu răng giả, cách giữ gìn vệ sinh răng miệng, thói quen ăn uống...

Trường hợp làm lại cầu răng: vì một lý do nào đó phải tháo cầu mà các răng trụ còn lại vẫn tốt thì hoàn toàn có thể làm được cầu răng trên các trụ răng cũ. Trường hợp các răng trụ bị vỡ hoặc viêm quanh răng nặng thì có thể phải nhổ các răng này và việc phục hồi răng lại phải tính đến phương án khác.

Khi đã có răng giả (cố định) thì việc chải răng để kiểm soát mảng bám răng khó hơn. Bạn phải giữ vệ sinh răng miệng sao cho phần cổ răng các răng trụ luôn được làm sạch để đề phòng viêm lợi và sâu cổ răng các răng trụ.

Để đề phòng sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng và các bệnh răng miệng khác, chúng ta cần giữ vệ sinh răng miệng, mà quan trọng nhất là chải răng hằng ngày sau các bữa ăn và buổi tối trước lúc đi ngủ. Việc chải răng đúng phương pháp và lựa chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp giúp chúng ta có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời, bảo vệ được nụ cười Việt Nam rạng rỡ, tươi sáng.

Chúc các quý độc giả sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong việc chăm sóc răng miệng.

Đời sống

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

10 tình huống bất trắc cần dạy trẻ

Ghi nhớ số điện thoại gia đình để gọi về khi bị lạc, tuyệt đối không đi theo người lạ, không nhận quà bánh của người lạ vì có thể sẽ bị họ bắt cóc... là những kỹ năng mà trẻ cần được trang bị để đề phòng bất trắc xảy ra.
> Bé 8 tháng tuổi tập bơi/ Háo hức cho con học kỹ năng sống

Bà Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường mẫu giáo 19-5 (quận 3, TP HCM) khuyên, để giáo dục những kỹ năng này, phụ huynh cần đưa ra những tình huống cụ thể để trẻ trải nghiệm chứ không nên lý thuyết rập khuôn hoặc chỉ "cấm đoán" sẽ khiến trẻ mất đi khả năng phán đoán và tự ra quyết định. Bà chỉ ra 10 tình huống và cách xử trí thường gặp sau đây mà người lớn có thể áp dụng để tập huấn cho các em:

Ngay từ nhỏ, trẻ cần được giáo dục kỹ năng ứng biến khi gặp tình huống khó khăn. Ảnh: Thi Ngoan.

1. Bị lạc cha mẹ:

Trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên bé cần nhớ là bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ sẽ quay lại đây tìm bé. Trong trường hợp bị lạc ở ngoài đường, bé có thể mượn điện thoại của một người đi đường hoặc chú công an để gọi bố mẹ đến đón. Tuy nhiên tuyệt đối không đi theo người lạ, ngay cả khi họ nói là sẽ giúp bé tìm đường về nhà.

Còn nếu bị lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi đông người, sau khi đứng tại chỗ chờ một lúc lâu không thấy bố mẹ, bé hãy đến nói với các chú bảo vệ hoặc cô bán hàng nhờ họ thông báo lên loa. Sau đó ngoan ngoãn đứng ở đó chờ bố mẹ đến đón.

2. Không nhận quà bánh của người lạ:

Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu của kẻ xấu, cha mẹ nên dạy bé không nhận bất kỳ món đồ nào người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng "ba mẹ cháu không cho phép nhận". Sau đó bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ. Trong trường hợp người đó cứ bám theo ép bé ăn hay bắt lên xe thì phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu.

3. Khi người lạ nhận là bạn của bố mẹ đến trường đón bé:

Cô giáo Thu Hằng cho biết, theo nguyên tắc của các trường mẫu giáo, phụ huynh nhờ ai đến đón con phải gọi điện báo trước thì giáo viên mới cho phép. Tuy nhiên để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ vì tưởng là người quen, phụ huynh cần dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen hay thì bé hãy quay vào trường báo cho cô giáo biết, rồi nhờ cô gọi điện cho ba mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.

4. Quên mang theo tiền khi đi xe, mua hàng:

Mặc dù cha mẹ thường để sẵn cho bé một ít tiền lẻ trong cặp, tuy nhiên trong một số trường hợp bé đi mua đồ mà quên không đem theo tiền, bé có thể nhờ cô bán hàng gọi điện về cho ba mẹ đem tiền đến trả. Còn nếu lỡ lên xe buýt mà không có tiền trả thì bé nên tỏ thái độ thành khẩn xin lỗi bác tài xế hoặc người thu tiền và nói lý do để họ thông cảm. Để về nhà, bé nên đến nhờ một chú tài xế taxi chở về và ba mẹ sẽ trả tiền cho (ở đây nếu trẻ còn nhỏ chưa nhớ được địa chỉ nhà thì cha mẹ nên viết địa chỉ ra giấy để sẵn trong cặp cho bé). Cuối cùng nhớ lần sau trước khi đi đâu hãy kiểm tra lại túi tiền của mình thật kỹ.

5. Trong nhà xảy ra cháy:

Việc đầu tiên phải xem là nguyên nhân lửa bốc lên từ đâu. Nếu là một đám cháy nhỏ hoặc một chiếc chảo nấu ăn bốc cháy thì bé có thể dùng chiếc khăn nhúng nước rồi úp lên đám cháy đó để dập lửa. Tuyệt đối không được cầm chảo đang sôi mà mang đi nơi khác vì có thể bỏng tay và trong lúc di chuyển, gió sẽ làm lửa bốc lớn hơn. Nếu đám cháy quá lớn thì bé cần chạy thật xa khu vực có lửa rồi, la lớn tiếng và sang nhà hàng xóm để nhờ họ gọi đến số cứu hỏa 114.

Trong trường hợp bị lửa bén vào quần áo, bé không nên hốt hoảng bỏ chạy vì khi đó gió sẽ càng làm lửa cháy lớn hơn. Lúc này nếu quần áo dễ cởi thì bé nên cởi đồ ra rồi ngâm vào nước cho lửa tắt, còn nếu thấy không cởi ngay được thì nằm xuống sàn nhà lăn người qua lại hoặc lấy vải nhúng nước quấn vào chỗ cháy để dập lửa.

Nếu thấy không thể dập được lửa bé hãy kêu cứu thật to để người khác lấy nước, lấy chăn mền nhúng nước phủ lên người, dập lửa giúp mình. Cần lưu ý, tuyệt đối không được cầm bình cứu hỏa phun thẳng vào người khi đó vì hóa chất chữa cháy có thể gây nhiễm trùng vết bỏng.

6. Khi phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà:

Nếu đi đâu về mà thấy trong nhà có người lạ hoặc một sự việc bất thường, bé không nên xông vào ngay vì có thể kẻ trộm sẽ ra tay hành hung. Ở đây bé có thể chạy sang nhà hàng xóm để nhờ gọi điện cho bố mẹ hoặc đến trụ sở công can, tổ dân phố, ủy ban phường... gần đó để báo. Nếu được, bé nên đứng từ xa quan sát ghi nhớ các đặc điểm của kẻ lạ mặt kia cũng như biển số xe, kiểu xe để cung cấp thông tin cho cảnh sát điều tra.

7. Người lạ gọi điện thoại đến nhà:

Khi nghe điện thoại của người lạ, bé cần hết sức đề phòng, bằng mọi giá không được cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại di động của bố mẹ hoặc những thông tin về tài chính gia đình. Tốt nhất hãy nói rằng: "Ba mẹ cháu đang bận việc không nghe điện thoại được, có việc gì thì chiều tối bác gọi lại hoặc để lại số điện thoại để cháu về nói lại với ba mẹ". Nếu người đó tự nhận làm người quen và nằng nặc gạn hỏi thì bé hãy nói thẳng: "Ba mẹ cháu không cho phép nói chuyện với người lạ lâu xin bác thông cảm" rồi cúp máy. Trong trường hợp bị người lạ gọi đến nhiều lần đe dọa, trêu chọc thì bé có thể gọi số 113 để tố cáo với cảnh sát.

8. Khi người lạ gõ cửa:

Khi trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần dạy các em tuyệt đối không mở cửa cho người lạ vào nhà, kể cả người quen của bố mẹ, hàng xóm, thợ sửa ống nước, đồ điện hoặc là nhân viên thu tiền điện thoại....mà hãy hỏi họ có chuyện gì nhắn lại hoặc hẹn chiều tối đến gặp ba mẹ. Nếu thấy họ có dấu hiệu khả nghi hay rình rập, hãy gọi điện cho bố mẹ, hàng xóm, người thân, hoặc gọi 113 báo cảnh sát. (Gia đình nên niêm yết một vài số điện thoại hữu dụng ở một nơi cố định dễ thấy trong nhà để trẻ có thể dùng ngay khi cần).

8. Xảy ra cúp điện khi bé ở nhà một mình:

Điện trong nhà đột nhiên tắt ngấm, bé không được tự tiện kiểm tra bằng cách chạm tay vào nguồn điện, công tắc hay phích điện vì rất dễ bị giật. Hãy bình tĩnh, nếu đứng gần chiếc điện thoại thì nhấc lên gọi cho ba mẹ, còn không hãy chạy sang nhà hàng xóm để gọi nhờ.

Để đề phòng tình huống này, phụ huynh nên để sẵn đèn pin hoặc đèn sạc điện sẵn ở một nơi quy định trong nhà để trẻ dễ dàng tìm thấy khi xảy ra cúp điện. Trong trường hợp không còn cách nào khác, trẻ hãy bình tĩnh ra chỗ nào có ánh trăng chiếu vào (như cạnh cửa sổ, trước hiên nhà), hoặc sang nhà hàng xóm ngồi chờ đến khi bố mẹ về.

9. Đề phòng thông tin cá nhân rò rỉ trên mạng bị kẻ gian lợi dụng:

Ngày nay trẻ có thể lên mạng để kết bạn với nhiều người ở khắp nơi, trong đó đó có kẻ tốt, người xấu. Để tránh bị kẻ xấu tiếp cận thông tin cá nhân để lợi dụng hoặc tấn công, cô giáo Thu Hằng khuyên cha mẹ nên dặn dò con không nên cung cấp thông tin thuộc về cá nhân như: địa chỉ, số điện thoại nhà, tình hình tài chính, kế hoạch sắp tới của gia đình... Đồng thời khi kết bạn trên mạng, các em chỉ nên chia sẻ thông tin (có chừng mực) với một cộng đồng nhất định của mình như: bạn chung lớp, chung nhóm... để đảm bảo an toàn.

10. Dạy trẻ chơi với thú vật:

Trẻ em thường thích ôm ấp, vuốt ve, thậm chí hôn lên chó, mèo. Tuy nhiên cha mẹ cần chỉ cho bé biết có thể làm gì và không thể làm gì với con vật đó, đồng thời chỉ ra những tác hại của từng hành động cụ thể. Cần cảnh báo cho trẻ biết rằng, những hành vi như: giật đuôi, đánh mạnh, siết chặt... sẽ khiến con vật bộc phát tính hung dữ và quay sang cắn người.

Bên cạnh đó cần dạy trẻ, không bao giờ lại gần một con chó lúc đang ăn, ngủ hoặc đang gầm gừ, cắn nhau với con vật khác. Ngoài ra các nhà giáo dục cho rằng, cha mẹ không nên để trẻ em dưới 5 tuổi chơi với bất kỳ loại chó nào dù là lớn hay nhỏ vì sẽ rất nguy hiểm.

Thi Ngoan

Bí quyết đối phó khi bé biếng ăn

Khuyến khích trẻ thèm ăn chứ không ép ăn đủ số lượng'

Bố mẹ phải tin vào khả năng ăn uống của trẻ, hãy tạo cho bé cơ hội thèm ăn. Càng ép trẻ ăn càng dễ khiến bé có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Đó là lời khuyên của hai chuyên gia Hoàng Trọng Kim và Benny Kerzner trong buổi tư vấn về chứng biếng ăn ở trẻ tại VnExpress.net sáng 14/5.

- Con trai tôi 25 tháng, nặng 12kg. Ở nhà cháu không chịu ăn gì cả và cũng không uống sữa. Chưa bao giờ vợ chồng tôi có thể cho cháu ăn được 3 bữa/ngày. Chúng tôi đã thử thay đổi nhiều món nhưng cũng không có tác dụng. Đói lắm thì cháu chỉ ăn được một bữa món mà cháu thích ví như: bún hoặc phở. Xin hỏi cháu có biếng ăn không? Làm thế nào để khắc phục? Hay tình trạng của cháu là bị áp lực tâm lý khi bị ép ăn ở trường? (Diem Phuong, 32 tuổi, TP HCM)

- Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Trọng Kim: Chị Diễm Phương thân mến, con chị 25 tháng, 12 kg thì không thiếu cân lắm. Tuy nhiên, cháu chỉ ăn những món ưa thích thì có thể xếp vào nhóm kén ăn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, từ tâm lý cho đến bệnh lý. Muốn biết rõ nguyên nhân, chị phải đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để hỏi bệnh sử, khám, đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của cháu, tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Ở những trẻ từ 2 đến 3 tuổi như con chị, nguyên nhân tâm lý cũng thường gặp vì trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, có thể ham chơi hơn ham ăn. Do vậy, cha mẹ cần khéo léo trong cách xử trí, áp dụng đúng các nguyên tắc cho trẻ ăn, như: chọn thức ăn thích hợp với lứa tuổi của trẻ, không khí bữa ăn phải vui vẻ, không nên cố ép quá mức...

- Đối với trẻ biếng ăn, có nên ép trẻ ăn hay không? Trẻ 2 tuổi thì một ngày cần ăn tối thiểu bao nhiều kcal? Với trẻ chậm tăng cân, hấp thu kém (2~3 tuổi), có thể giảm cháo, tăng sữa lên cho trẻ không? Chế độ ăn như thế nào là hợp lý với các bé biếng ăn, chậm tăng cân? (Vu Anh Nguyet, 26 tuổi, Hà Nội)

- Giáo sư Benny Kerzner: Trong mọi trường hợp không nên được bắt buộc trẻ em ăn vì điều này xem ra còn nguy hiểm hơn là sự duy dinh dưỡng nữa. Chúng tôi làm nghiên cứu và thấy rằng bắt buộc trẻ thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm mẹ con và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu. Vì vậy, tôi không bao giờ đưa ra con số về thức ăn cần thiết cho cháu vì thường khiến các bà mẹ ngộ nhận là phải bắt cháu ăn đủ số lượng đó. Điều quan trọng là khuyến khích cháu thèm ăn chứ không phải bắt cháu ăn đủ số lượng.

Các bác sĩ cân nhắc trả lời trước nhiều câu hỏi của phụ huynh gửi đến nhờ tư vấn. Ảnh: Đức Quang

- Một số người cho rằng, nhiều trẻ em Việt Nam biếng ăn là do phải trải qua quãng thời gian ăn cháo quá dài, từ 1 tuổi đến 2-3 tuổi, theo ông, nhận định này có đúng không? (Đoàn Loan, 32 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Nhận định này rất hợp lý, bởi thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ chưa đủ răng phải chọn thức ăn loãng, trẻ lớn đủ răng thì chỉ thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Nếu cho ăn cháo kéo dài, thường xuyên thì trẻ chán ăn, thậm chí có thể tạo ra tâm lý sợ thức ăn loãng.

- Con gái tôi được 17 tháng, cháu được 10kg, đang mọc răng hàm cháu vẫn khoẻ và chơi ngoan. Ba tháng gần đây cháu bỏ ăn cháo và bột và cũng không tăng cân, tôi có cho cháu uống sữa Pedia sure, tôi rất lo lắng liệu sử dụng sữa thay thế như vậy trong thời gian dài có ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của cháu hay không. Làm sao để cháu ăn trở lại? (Nguyen Thanh Son, 31 tuổi, Đà Lạt)

- GS Hoàng Trọng Kim: Việc con anh bỏ thức ăn loãng cũng thường gặp, vì cháu đã có răng hàm, thích nhai những thức ăn đặc hơn cháo, bột. Hiện tại cháu đang dùng Pediasure là hợp lý vì đây là loại thức ăn dạng sữa và một số dưỡng chất khác tương đối đầy đủ, cân đối. Cháu có thể dùng lâu dài, nhưng trẻ từ 3 đến 4 tuổi trở lên thì phải dùng nhiều loại thức ăn đa dạng như người lớn thì mới giúp trẻ phát triển tốt được.

Muốn cháu ăn trở lại, nên bắt đầu bằng những thức ăn cháu thích rồi dần dần tập cho cháu ăn đa dạng sau.

- Bé nhà tôi gần 1 năm nay không thấy lên cân, 2,5 tuổi nặng 15kg, cao gần 1m. Mỗi ngày bé uống 300ml sữa công thức, 1 hũ yaour, 2 chén cơm, 4 cục pho mai, như vậy có đủ dinh dưỡng so với độ tuổi của bé không? (Nguyễn Thị Thanh Hương, 31 tuổi, Nha Trang)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 2,5 tuổi, nặng 15 kg, cao gần 1m là không bị suy dinh dưỡng. Về mặt năng lượng, cháu ăn như vậy là đầy đủ, nhưng cần phải đa dạng hơn, nên thay đổi thực đơn mỗi ngày. Chị nên cho cháu ăn nhiều loại trái cây.

- Con tôi 19 tháng tuổi nhưng cháu hầu như không thích ăn trái cây. Tôi lo rằng cơ thể cháu sẽ không đủ vitamin, vậy có cách nào giúp cho con tôi ăn được trái cây? Cháu ăn nhiều sữa chua có tốt không? (Phan Thi Thanh Thuy, 29 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Có nhiều cách để bổ sung Vitamin cho cháu và rau quả và trái cây là một trong số các cách đó. Thường thì các cháu rất ít ăn loại thực phẩm này nhưng các bà mẹ đừng lo lắng quá mà nên nhìn vào toàn bộ chế độ ăn, nếu có thiếu một hai món thì cũng không sao. Cách khuyến khích cháu ăn được rau quả là hãy để cháu bắt đầu bữa ăn với bụng đói (nên để khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn cách nhau 3 giờ). Đối với trẻ nhỏ nên tập cho cháu tiếp xúc với rau quả bằng cách bày lên đĩa nhưng không ép cháu ăn đồng thời mẹ nên ăn làm gương và biểu lộ sự thích thú khi ăn. Sau khoảng 10-15 lần có thể cháu sẽ đề nghị được ăn. Nếu cháu nôn khi ăn món mới, nên ngưng món này. Sữa chua là thức ăn rất tuyệt đối với trẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Trọng Kim: "Nguyên tắc cho trẻ ăn là phải tập trung, tránh ép buộc, không kéo dài bữa, không dùng thức ăn làm phần thưởng hay phạt". Ảnh: Đức Quang

- Bé nhà em được 14 tháng tuổi, tuy nhiên bé vẫn ăn bột với thịt, rau xay nhỏ như trẻ mới tập ăn dặm, vì nếu xay to là bé oẹ ra hết và không thể ăn được. Bé cũng không thể ăn được những đồ ăn khác như cháo, mì, bánh...Vì cứ gợn gợn là bé oẹ ra ngay. Mỗi bữa ăn của bé cũng phải mất 30-45 phút. Nhờ bác sĩ tư vấn để bé có thể ăn ngon miệng và ăn đa dạng các loại thức ăn? (Nguyễn Lan Hương, 27 tuổi, Hải Phòng)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 14 tháng tuổi chưa có đủ răng nên ăn thức ăn xay nhuyễn là thích hợp. Chị không nên ép cháu ăn những thức ăn quá đặc và cứng, như vậy cháu sẽ nôn ói. Mỗi bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù ăn chưa hết cũng nên ngưng. Chị đừng lo cháu ăn thiếu chất vì cháu sẽ ăn bù vào các bữa kế tiếp. Việc kéo dài bữa ăn không có lợi vì thức ăn sẽ nguội, tanh có thể gây tâm lý sợ ăn cho cháu.

- Con tôi gần 6 tuổi nhưng vẫn biếng ăn, hầu như không thích loại đồ ăn nào, trừ snack. Tôi luôn ép cháu ăn nhưng cháu ăn rất chậm, nếu không cháu đã bị suy dinh dưỡng. Làm thế nào để trị chứng biếng ăn ngay từ khi ăn dặm (lúc đầu mới ăn dặm, cháu ăn rất tốt)? Tôi đã đọc nhiều sách, thay đổi chế độ ăn ... nhưng vẫn là ép cháu ăn, nếu không ép thì thật khó. Mong bác sĩ tư vấn để giúp cho đứa con sau. (Trần Thị Hạnh, 26 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Nguyên tắc cơ bản của việc cho bé ăn là cha mẹ quyết định 3 vấn đề: khi nào ăn, ăn gì, ăn tại đâu? Còn cháu sẽ quyết định là ăn bao nhiêu. Như vậy sai lầm của bà mẹ trong trường hợp này là cho cháu ăn snack (có thể không tốt cho sức khỏe) và để cháu ăn quá lâu. Lời khuyên dành cho bà là hãy cho cháu ăn vào những thời điểm cố định trong ngày (3 bữa ăn + bữa snack). Thời gian ăn từ khoảng 15-40 phút, nếu quá thời gian này mà bé chưa ăn xong thì chị cứ chấm dứt bữa ăn, vì khi cháu đói cháu sẽ ăn bù.

- Thưa giáo sư Hoàng Trọng Kim, con cháu chỉ ăn khi vui chơi chạy nhảy vì tính hiếu động, chưa bao giờ cháu chịu ngồi một chỗ mà ăn hết khẩu phần ăn, vậy làm cách nào để cháu ăn nhiều và ăn hết thưa giáo sư? (Vũ Anh, 34 tuổi, 19/74 Thịnh Hào 1 - Đống Đa - Hà nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu chỉ ăn khi vui chơi chạy nhảy, đúng là cháu hiếu động. Trường hợp này cũng rất thường gặp ở trẻ. Cha mẹ nên khéo léo khi xử trí. Ban đầu, anh có thể nương theo tính hiếu động của cháu, cho phép cháu vui chơi khi ăn, nhưng theo nguyên tắc là sai. Phải tập dần để trẻ tập trung vào bữa ăn, ý thức là mình đang ăn thì hệ tiêu hóa mới tiết ra đầy đủ các dịch tiêu hóa, tạo sự ngon miệng cho trẻ khi ăn...

Trong thực tế, những trẻ hiếu động thường thiếu cân vì tiêu hao năng lượng nhiều nên cha mẹ phải tạo cho trẻ chế độ ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng như đạm, mỡ, đường, sinh tố, khoáng chất và các vi chất.

- Cháu nhà tôi 20 tháng tuổi, đang ăn cháo các loại. Song, cứ đến giờ gia đình ăn cơm là cháu đòi ăn. Cho cháu ăn cơm chan nước rau và cháu rất thích, ăn được 1 bát con. Nhưng chỉ có cơm với nước rau nên sẽ không đủ chất (thịt, rau cứng thì cháu chưa nhai được nên bị hóc). Vậy chế độ ăn như thế nào là thích hợp nhất cho cháu? Làm thế nào để cháu chịu ăn nhiều rau và các loại hoa quả? Xin cám ơn! (Bùi Đức Mạnh, 30 tuổi, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Một bà mẹ khác hỏi tôi rằng, cháu 20 tháng đang được ăn cháo thích ăn cơm có thể được ăn thêm các thức ăn bổ dưỡng khác như: thịt và rau quả. Ở tuổi này ăn thịt rất phù hợp. Bà mẹ có thể dọn thịt cho cháu nhưng không ép cháu ăn mà chỉ quan sát. Lúc đầu cháu sẽ ăn rất ít nhưng dần dần sẽ ăn nhiều hơn. Nếu chỉ cho cháu ăn cơm thì cháu dễ bị thiếu sắt. Trẻ có thể ăn được thịt từ 6 đến 12 tháng chứ không đợi đến 20 tháng.

- Thưa giáo sư, đề nghị giáo sư hướng dẫn phương pháp cho con ăn và chăm sóc dinh dưỡng cho con để tôi tránh được những sai lầm do thiếu hiểu biết. (Nguyễn Thị Hải Vân, 30 tuổi, Haivan.Nafi@mard.Gov.Vn)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Hải Vân thân mến, câu hỏi của chị rất hay. Theo nguyên tắc ăn uống thì phải:

Thứ nhất, tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem ti vi, đọc truyện tranh, chơi đùa trong khi ăn.

Thứ hai, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù trẻ ăn chưa hết cũng nên ngưng, đừng sợ trẻ ăn thiếu vì trẻ sẽ ăn bù vào những bữa sau.

Thứ ba, tránh những thức ăn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ, như: thức ăn quá cứng ở những trẻ chưa đủ răng hoặc quá loãng ở trẻ đã lớn.

Thứ tư, tránh ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý trẻ xem việc ăn uống là cực hình.

Thứ năm, cha mẹ không nên dùng thức ăn làm phần thưởng hay xử phạt trẻ để tránh tâm lý sợ thức ăn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo không khí ấm cúng trong gia đình khi ăn, cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, tự ăn dù còn vụng về làm rơi vãi thức ăn...

- Con tôi được 16 tháng tuổi, nhưng hễ thấy tôi bê bát cháo ra là cháu sợ, và chạy đi nấp, xin hỏi làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Hiện nay cháu vẫn chưa biết gọi bà, như vậy có bình thường không? Xin cảm ơn bác sỹ (Dinh Cuong, 30 tuổi, Binh Duong)

- GS Benny Kerzner: Ở tuổi này nên cho trẻ ngồi ở ghế cao để cháu không thể tự ý bỏ đi được. Chị nên dọn thêm những món khác song song với cháo như thịt hoặc sữa để cháu có thể chọn. Điều quan trọng là chị nên đảm bảo chế độ ăn của cháu được đa dạng và cân bằng về dinh dưỡng để nếu cháu không ăn được cháo thì có thể chọn những thứ khác ví dụ như các loại sữa giàu năng lượng bổ sung. Nếu sau 20 phút cháu không ăn hết nên dừng bữa ăn, đợi 3 giờ sau cho cháu ăn lại, trong thời gian này chỉ nên cho cháu uống nước lọc để cháu mau đói.

- Việc ép cháu ăn bằng cách pha trò, dọa nạt liệu có ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ không? Cháu nhà tôi phải dùng cách trên thì mới hết trong vòng 30 phút, nếu không có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Tôi đã cho cháu ăn tùy thích, kết quả 1 ngày chỉ được 1 bát cháo, 1 bình sữa, ngay hôm sau cháu ốm. Dọa nạt thì mỗi ngày ăn được 500ml sữa, 3 bát cháo, vui tươi khỏe mạnh. (Trần Lê Thanh Huyền, 28 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Đe dọa có thể có rất nhiều tác hại về mặt tâm lý cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng dọa nạt có thể làm cháu chậm phát triển và giảm tăng cân. Nguy cơ suy dinh dưỡng còn thấp hơn nguy cơ rối loạn phát triển. Nếu bà mẹ lo lắng có thể mang trẻ đến bác sỹ nhi khoa hoặc cho cháu dùng sữa bổ sung giàu năng lượng. Điều quan trọng là bữa ăn phải vui vẻ chứ không nên là bãi chiến trường.

- Chào Giáo sư . Con gái tôi hiện nay được 10 tháng tuổi, việc ăn uống của cháu là cả một vấn đề. Mỗi khi cho cháu ăn là như đánh vật vậy. Tôi đổi món thường xuyên cho cháu, nhưng cũng không khá hơn. Và cháu rất hay bị đi phân sống, tôi đã cho cháu uống men tiêu hoá mà không thấy khả quan hơn . Xin giáo sư tư vấn giúp. Cảm ơn giáo sư (Bùi Thị Thanh Hằng, 30 tuổi, Tầng 1, Toà nhà vimeco, Cầu giấy, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Thanh Hằng thân mến, chị cho biết thường xuyên đổi món cho cháu, nhưng không biết đã chuyển đổi những món gì.

Hiện con chị 10 tháng, chưa đủ răng, chưa ăn được thức ăn đặc. Đối với cháu, chỉ có sữa, bột hoặc cháo là thích hợp. Vậy, ngoài sữa, chị có thể cho cháu ăn một ngày hai bữa cháo loãng nấu với thịt, cá, lươn, ếch, gà... thay đổi theo từng ngày để thay đổi khẩu vị cho cháu. Về việc cháu đi phân sống, chị có thể cho cháu dùng men tiêu hóa khoảng 10 ngày, không nên kéo dài vì không cần thiết, quan trọng là phải chọn những thức ăn phù hợp với lứa tuổi của cháu.

- Thưa giáo sư Hoàng Trọng Kim, bé nhà cháu chỉ ăn khi bật đĩa bé Xuân Mai 3tuối, bé vừa ăn vừa xem. Dây là thói quen của bé, nếu không bật đĩa Xuan Mai hát thi bé ăn không tập trung, mất rất nhiều thời gian.. Cháu làm như vậy có đúng không? Bé gái được 16tháng, 11kg, cao 80cm. (Do Huong Giang, 28 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Hương Giang thân mến, cháu vừa ăn vừa xem ti vi là không đúng. Chị nên tập dần cho cháu có thói quen tập trung vào bữa ăn, giúp cho hệ tiêu hóa tiết ra đầy đủ các men tiêu hóa, giúp dễ tiêu, trẻ sẽ ngon miệng hơn trong khi ăn.

Giáo sư Benny Kerzner: "Nên sử dụng quyền làm mẹ để quyết định giờ ăn cũng như loại thức ăn cho cháu". Ảnh: Đức Quang

- Cháu nhà tôi được 18 tháng tuổi, đã mọc nhiều răng nhưng vẫn không chịu nhai, chỉ nhấm nhấm một lúc rồi lại nhè ra mà không nuốt. Hiện giờ tôi vẫn phải cho cháu ăn cháo xay nhuyễn. Vậy có cách nào để tập nhai cho cháu không ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Anh Tuấn, 29 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Có thể cháu thuộc dạng trẻ sợ nuốt, do đó nên bắt đầu cho cháu ăn bằng chất lỏng để cháu dễ nuốt. Sau đó cho ăn thức ăn đặc dần lên nhưng đừng quá nhanh. Mặt khác có thể cháu mắc một số khuyết tật như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh về thực quản. Nên cho cháu đi bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Tại Mỹ, có những chuyên gia trị liệu chuyên huấn luyện nhai cho những cháu bé như thế này nhưng tôi không rõ tại VN có hay không.

- Xin hỏi Giáo sư Benny Kerzner, cháu nhỏ nhà tôi bị biếng ăn từ bé cho đến nay gần 6 tuổi, thì liệu sẽ xảy ra những hậu quả gì về sau? Biếng ăn có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, tâm sinh lý của trẻ không? (Ngọc Lan, 32 tuổi, TP HCM)

- GS Benny Kerzner: Thường thì các cháu biếng ăn vẫn phát triển bình thường. Để có thể trả lời chính xác câu hỏi của bạn tôi muốn biết cháu biếng ăn kiểu gì vì có nhiều loại biếng ăn như: ăn ít, sợ ăn hoặc mắc bệnh đường tiêu hóa. Hậu quả tùy thuộc vào loại biếng ăn. Trong trường hợp của bạn, tôi cho rằng nếu cháu vẫn đang phát triển bình thường thì bạn cũng không cần phải lo lắng lắm.

- Cháu nhà tôi được 3,5 tuổi. Từ nhỏ cháu đã hay nôn trớ vì amidan quá to . Nay cháu ăn cơm, mỳ, phở, bún được rất ít, mỗi bữa chỉ vài thìa, nhai lâu và không có cảm giác đói. Vì lo cho nhu cầu dinh dưỡng chúng tôi phải cho uống thêm sữa và ăn thêm cháo, nhưng đến nay cháu phản đối ăn cháo rất quyết liệt. Mong bác sỹ có giải pháp hữu hiệu với trẻ như cháu. Xin cảm ơn bác sỹ nhiều. (Dang Thuy Hanh, 30 tuổi, Thuy Khue, Hanoi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Thúy Hạnh thân mến, cháu 3,5 tuổi, tức đã mọc răng đầy đủ, cháu thích thức ăn cứng và đặc nhưng chị ép bé ăn cháo thì cháu phản ứng quyết liệt là đúng. Ở tuổi này, cháu hay bắt chước, muốn giống người lớn, chị nên cho cháu ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình, tự chọn từng món ăn như người lớn. Ban đầu có thể cháu ăn chưa tốt, nhưng dần dần sẽ có kết quả.

- Thưa Giáo sư, em bé nhà cháu 5 tuổi cả ngày ăn ở nhà trẻ, đến bữa tối nếu không ép để bé ăn tự do thì lượng thức ăn chỉ được khoảng nửa bát thôi thì có được không? Bé rất nhỏ, chỉ khoảng 14kg và ăn rất chậm. Có cách nào nạp thêm năng lượng vào cho bé không ạ? Cảm ơn Giáo sư. (Hoang Dung, 28 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Điều quan trọng là phải biết cháu ăn ở nhà trẻ có đủ hay không. Mặt khác nếu bố mẹ cháu có khổ người nhỏ thì cháu cũng sẽ có vóc người nhỏ. Thông thường các em bé ăn khá ít chứ không ăn nhiều như người lớn. Tóm lại, nếu cháu không khác biệt gì so với các thành viên khác trong gia đình và đang phát triển bình thường thì không cần ăn thêm.

- Con gái tôi 4.5 tuổi, 15kg và cao 99cm. Cháu rất lười ăn và kén ăn. Tôi có cần đưa cháu đi làm các xét nghiệm không? Ở Việt Nam thường không đưa trẻ đi khám nếu trẻ không có bệnh, còn nếu khám dinh dưỡng thì các bác sỹ hay kê rất nhiều thuốc mà thông thường sau đợt thuốc bé lại biếng ăn trở lại. Tôi nên làm gì? Giờ trông bé chỉ như em bé 3 tuổi thôi. (Anhongnhung, 30 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Trường hợp của con chị là hơi nhẹ cân và thấp so với lứa tuổi. Chị có thể đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, nếu có bệnh thì điều trị, nếu không bác sĩ sẽ hướng dẫn về dinh dưỡng, chế độ ăn thích hợp cho cháu tốt hơn việc dùng thuốc kéo dài như chị đã đề cập.

- Thưa giáo sư. Cháu nhà tôi được 12 tháng tuổi, cứ nhìn thấy chuẩn bị cho cháu ăn là cháu lại khóc rồi cúi đầu không chịu ăn. Tôi thấy bảo nên cho cháu uống B1 để cháu nhanh đói. Liệu có cho cháu uống được không và nên uống như thế nào? (Vũ Thu Hoài, 20 tuổi, Hoàng Mai Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 12 tháng, cứ nhìn thấy thức ăn là khóc, tức thuộc loại biếng ăn. Đúng là vitamin B1 có thể tạo cảm giác "mau đói" vì nó góp phần trong chu trình chuyển hóa các chất bột, nhưng không đáng kể. Liều duy trì cần thiết khoảng 2-3mg mỗi ngày.

- Tôi có con trai năm nay 39 tháng tuổi, cháu vẫn ăn cháo xay chưa ăn được cơm và cháu rất sợ ăn, tôi muốn được giáo sư tư vấn giúp (Nguyễn Thi Huệ, 28 tuổi, Phòng 202 nhà I-17- láng hạ ,Đống đa, Hà nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu hơn 3 tuổi, đã đủ răng, mà vẫn ăn cháo xay, chưa ăn được cơm là điều không bình thường. Một trong những nguyên nhân có thể là do gia đình chưa tập cho cháu ăn cơm. Để khắc phục, chị nên tập dần cho cháu bằng cách cho cháu cùng ngồi ăn với cả gia đình, tự chọn thức ăn, để cháu bắt chước ăn như người lớn.

- Bé nhà cháu hiện nay được 17 tháng, lười ăn. Sáng ngủ dậy khoảng 9h cháu mới chịu ăn. Song đến chiều tối thì cháu ăn nhiều hơn và rất thích ăn vặt (bim bim, kẹo, sữa chua, hoa quả nhưng mỗi thứ chỉ một chút). Cháu cũng đã mua cốm vi sinh, Vitamin B1 nhưng cũng không cải thiện, thỉnh thoảng bị táo bón. Làm thế nào để cháu vừa chịu ăn bữa chính và ít ăn vặt? (Nguyễn Ngọc Hoa, 30 tuổi, hoàn kiếm, HN)

- GS Benny Kerzner: Chị nên sử dụng quyền làm mẹ để quyết định giờ ăn cũng như loại thức ăn cho cháu. Không nên cho cháu ăn những thứ thức ăn vặt như nước trái cây và kẹo vì có thể làm cho cháu no nên không ăn được bữa chính. Bữa ăn chính rất quan trọng dù bé không ăn vì khi không ăn thì bé sẽ đói và sẽ ăn nhiều vào bữa ăn kế tiếp.

- Cháu nhà tôi 12 tháng không chịu ăn gì mà chỉ uống sữa tươi. Bà pha sữa Pediasure sau đó đổ vào hộp sữa tươi cho cháu uống nhưng cháu phát hiện được mùi lại nhè ra. Gia đình tôi phải làm như thế nào bây giờ? (Lê Thị Lan Hương, 30 tuổi, Thành phố Điện Biên Phủ)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu đã quen mùi sữa tươi nên từ chối các loại sữa khác là điều bình thường. Tuy nhiên, sữa tươi chỉ thích hợp với những bé từ 2 tuổi trở lên. Muốn cháu không nhè Pediasure, chị phải tập cho cháu quen từ từ với mùi sữa mới. Ban đầu, chị cho cháu làm quen bằng cách chơi, nhìn, ngửi mùi loại sữa mới, chị cũng có thể uống trước cho cháu thấy để cháu bắt chước uống theo.

- Thưa giáo sư, con trai tôi được 4,5 tháng tuổi, từ lúc 2 tháng tuổi cháu chỉ toàn ăn lúc ngủ, lúc thức cháu không chịu ăn. Dạo này cháu ít ngủ hơn nên lần ăn cũng ít hơn, và lúc ăn cũng không nhiệt tình như đợt trước. Giáo sư có thể chỉ dẫn cho tôi phương pháp để giúp cháu ăn lúc thức được không? Cảm ơn và chúc giáo sư sức khoẻ, hạnh phúc. (Tran Anh Tu, 30 tuổi, 26 Ly Thuong Kiet, Ha Noi)

- GS Benny Kerzner: Trẻ chỉ bú lúc ngủ là một dấu hiệu của một bệnh lý thực thể như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng thức ăn, viêm dạ dày... Các bệnh này gây khó chịu nên cháu không bú được lúc thức mà chỉ bú khi buồn ngủ. Nên cho cháu đi khám bác sỹ để loại trừ tình huống này trước.

- Tại sao cháu nhà tôi đã 33 tháng tuổi rồi mà rất lười ăn thịt cá, chỉ thích ăn cơm trắng không và rất lười ăn. (Nguyen Dinh Thi, 32 tuổi, Cau Dien Tu Liem Ha Noi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Nếu cháu chỉ thích ăn cơm trắng, nguy cơ suy dinh dưỡng sẽ rất cao. Chị cần kiên nhẫn tập dần cho trẻ ăn thêm nhiều loại thức ăn, kể cả thịt và cá. Chị nên cho cháu ăn cùng với mọi người để cháu bắt chước ăn theo.

- Chào bác sĩ. Con em được 17 tháng tuổi. Mỗi lần cháu ăn thường xem tivi hoặc có đồ chơi thì cháu mới chịu ăn, không bao giờ cháu tự đòi ăn cả. Bác sĩ có thể tư vấn giúp cách gì làm cho cháu ăn thấy ngon miệng mà vui vẻ tự nguyện đòi ăn không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Đoàn Hồng Tuyến, 26 tuổi, Tương Mai - Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Tôi cũng đồng ý là trong trường hợp này cần phải thay đổi cách cho trẻ ăn. Tivi có nhiều tác dụng có hại nếu dùng để dụ trẻ ăn, chẳng hạn như trẻ có thể bị béo phì về sau. Khi vừa ăn vừa xem tivi, trẻ không nhận thức được là đói hay no mà chỉ ăn theo phản xạ nên rất dễ béo phì về sau cũng như hình thành thói quen vừa ăn vừa xem tivi. Nguyên tắc giúp ích trong trường hợp này là hãy để bé đói. Sắp xếp hai bữa ăn cách nhau 3 giờ và không cho bé ăn vặt trong khoảng thời gian này. Đừng hoảng sợ nếu bé bỏ 1-2 bữa ăn vì điều này cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe chung của cháu.

- Con trai tôi 2 tuổi rưỡi tháng nào cũng bị bệnh vài bữa, lúc ho, lúc sổ mũi, ăn uống thì thất thường bữa đực bữa cái, cân nặng kém hẳn với các bạn cùng trang lứa, tôi lo rằng bé đã bị thiếu chất. Xin bác sỹ cho biết, có phải do biếng ăn mà bé hay bị bệnh không? Có cách nào giúp bé nhà tôi tăng cân và hết bệnh không ạ? (Thùy Trang, 28 tuổi, Bình Dương)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Trang nói rất đúng, biếng ăn gây bệnh, ngược lại, bệnh cũng làm cho trẻ biếng ăn. Muốn cho con chị hết bệnh và lên cân, chị nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để điều trị và được hướng dẫn về dinh dưỡng, cách chăm sóc, cách nuôi dưỡng, vệ sinh môi trường... Chị cũng có thể liên hệ với Hội nhi khoa Việt Nam qua số điện thoại 322436426 để được tư vấn về bệnh biếng ăn cho trẻ.

- Kính chào Giáo sư, cháu nhà tôi được 18 tháng, không chịu ăn gì, đút vào miệng thì nhè ra, không nhai cũng không nuốt. Cháu chỉ bú bình và rất lười bú. Lưỡi của cháu đóng nhiều đẹn, tôi sử dụng Daktarin để rơ lưỡi cho cháu nhưng vẫn không khỏi và thường tái lại. Xin giáo sư cho biết có thuốc nào trị đẹn tốt và hiệu quả hơn không? Dùng thường xuyên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không ? (Nguyễn Thanh Tràng, 26 tuổi, 59 Đường 30/4, Phường 1, TX.Vị Thanh, Hậu Giang)

- GS Benny Kerzner: Có đẹn ở miệng gián tiếp báo hiệu có viêm ở những đoạn khác của đường ruột, bệnh này có nhiều nguyên nhân.Tốt nhất là chẩn đoán được nguyên nhân, nhưng ngay chuyện chẩn đoán này cũng khó. Một trong những nguyên nhân phổ biến là dị ứng với thức ăn, mắc bệnh trào ngược dạ dày... Muốn sử dụng thuốc hiệu quả cần phải khám và có chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể. Thuốc Daktarin nếu thoa lên vết loét thông thường thì không hiệu quả.

- Xin giáo sư hướng dẫn cho tôi cách tập cho trẻ ăn dặm? (Thanh Huong, 28 tuổi, Ba dinh - hanoi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Từ 4 tháng trở lên, sữa không đủ để bảo đảm tình trạng dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần phải cho trẻ ăn dặm. Vậy, nên ăn dặm thế nào cho hợp lý? Theo nguyên tắc, cha mẹ nên chọn những thức ăn phù hợp với lứa tuổi, khẩu vị của trẻ, nên chọn thức ăn có chứa các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, dạng thức ăn từ loãng đến đặc, số lượng từ ít đến nhiều. Ngoài ra cha mẹ cũng nên hướng sự chú ý của trẻ vào bữa ăn, không cho trẻ xem tivi hay chơi đùa khi ăn, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, tập cho trẻ tự ăn, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn...

- Con tôi từ khi sang tháng thứ 2 bắt đầu bú mẹ ít hơn trước. Trước đây, cháu bú 15 phút, giờ chỉ còn 5 phút, tôi lo không biết cháu bú đủ không? Thời gian cách nhau giữa các cữ bú thường là 2-3 tiếng. (Như Trang, 34 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Khi lớn 3-4 tháng cháu bú mạnh và nhanh hơn lúc 2 tháng, nên thời gian bú không quan trọng mà quan trọng là lượng sữa bú vào. Muốn biết cháu bú đủ hay không phải cân cháu trước và ngay sau bú bằng một loại cân thật nhạy. Nếu cháu vẫn phát triển đầy đủ, lên cân đều thì không lo thiếu sữa. Ngược lại cháu không phát triển tốt thì nên đi khám bác sĩ nhi khoa.

Trên thế giới có đến 50% ông bố bà mẹ lo lắng về chế độ dinh dưỡng cho con cái. Tuy nhiên chắc chắn rằng không phải lo lắng là ép buộc con mình trong việc ăn uống. Càng ép buộc thì càng dễ khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Bố mẹ nên tự tin trong việc chuẩn bị chế độ dinh dưỡng phong phú và cân bằng cho trẻ. Tránh cho bé ăn vặt hoặc uống nước trái cây trước giờ ăn vì những thứ này sẽ khiến bé mau no. Mọi bữa ăn đều quan trọng nhưng nếu con bạn bỏ 1-2 bữa cũng không ảnh hưởng gì vì bé sẽ ăn bù vào bữa ăn kế tiếp. Hãy tin vào khả năng ăn uống của con bạn. Thông thường những trẻ được bố mẹ cho cơ hội thèm ăn thì việc ăn uống trở nên dễ dàng, hứng thú và có hiệu quả tốt hơn. Chân thành cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc, chúc sức khỏe và hẹn gặp lại.

Cám ơn và xin chào độc giả!

Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Giải đáp trực tuyến về biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ

Những nhầm lẫn của cha mẹ khi ninh thịt cho con mà bỏ bã, bí quyết cho bé ăn dặm hay phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh... là vài điểm đáng lưu ý mà hai chuyên gia Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh Dưỡng) và bác sĩ Nguyễn Thị Yến (BV Nhi trung ương) đưa ra chiều nay.

- Xin chào bác sĩ. Rất vui vì bác sĩ đã tham gia trả lời trực tuyến. Con trai tôi tròn 3 tuổi, cao 94 cm, nặng 13,5 kg thì có ổn không? Mỗi ngày cháu ăn 3 tô cháo và khoảng 700 ml sữa, ngoài ra còn trái cây, mức độ hoạt động cũng chỉ như những trẻ khác, đi ngoài rất tốt nhưng sao rất khó lên cân? Ngoài ra khi có sự khủng hoảng tâm lý như bố mẹ đi công tác vắng hay thay người giúp việc là cháu lại nôn ói. Xin bác sĩ tư vấn giúp. (Bích Liên, 34 tuổi, TP HCM).

- Bác sĩ Yến: Con trai của chị 3 tuổi, với mức cao là 94 cm và nặng 13,5 kg, là hoàn toàn bình thường. Trẻ bình thường lúc 1 tuổi chỉ cao 75 cm. Sau đó, mỗi một năm trẻ chỉ lên được 5 cm và tăng 1,5 kg, vì vậy cân nặng và chiều cao của cháu là tốt. Chế độ ăn của trẻ 3 tuổi hiện nay không phải là cháo mà phải là cơm và sữa, như vậy là đủ. Một bát cơm có năng lượng nhiều hơn rất nhiều so với 1 tô cháo. Ở tuổi này trẻ cần phải phát triển các cơ nhai, do đó trẻ phải tập ăn cơm.

Cũng có một số trẻ khi bố mẹ đi vắng hoặc thay đổi người giúp việc gây stress về tâm lý cho trẻ. Nếu như muốn đổi người giúp việc thì hãy để cho người mới làm quen dần trong một vài ngày, không đổi một cách vội vã. Với bố mẹ khi đi công tác, cố gắng một trong 2 người đi, không nên đi cùng một lúc. Trong trường hợp đặc biệt cần cả 2 người đi, nên có lời giải thích cho trẻ.

- Cháu gái em hễ người giúp việc cho ăn thì ăn hết cả tô cháo đầy, nhưng hễ mẹ hoặc bà cho ăn thì dù dọa nạt hay nịnh nọt cũng đều chỉ ăn được rất ít. Xin bác sĩ tư vấn làm sao để người nhà không bị cháu "bắt nạt" nữa? (Phương Lý, 26, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Trẻ con rất dễ làm nũng, nhất là những trẻ được cưng chiều. Cháu gái bạn chắc là đã quen được mẹ và bà chiều theo ý thì mới bắt nạt mẹ và bà như vậy. Để khắc phục hiện tượng này thì mẹ và bà của cháu phải có thái độ kiên quyết hơn. Bên cạnh đó cũng nên quan sát thêm người giúp việc xem có bí quyết gì hay mà khi cho trẻ ăn cháu lại thích như thế. Đôi khi trẻ thích được chuyện trò hoặc có người hướng dẫn chơi đùa cùng trong khi ăn. Mẹ và bà khi đó lại phải đóng thêm vai trò người bạn chơi của trẻ, vừa khuyến khích nhẹ nhàng lại vừa kiên quyết, dứt khoát thì mới thuyết phục được trẻ.

- Con trai tôi 22 tháng tuổi, từ hai tháng nay chỉ uống sữa mà không chịu ăn cháo và bột nữa. Cháu vẫn khỏe và chơi bình thường. Vậy tôi có nên lo lắng không? (Trà Giang, 26 tuổi, Huế)

- Bác sĩ Lâm: Không cần phải lo lắng lắm bởi sữa là một thực phẩm có thành phần dinh dưỡng cân đối về mặt năng lượng, chất đạm, chất béo. Ngoài ra hiện nay người ta cũng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng vào trong sữa. Nếu mà cho uống đủ số lượng thì cháu vẫn có thể phát triển bình thường. Nhưng vẫn nên tập cho cháu ăn các thực phẩm bổ sung khác từ nguồn tự nhiên, để đảm đủ chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin, chất khoáng và chất xơ có nhiều trong rau quả. Càng ngày cháu càng phát triển thì sữa sẽ không cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Ngoài ra, chỉ uống sữa, cháu cũng dễ bị táo bón.

- Tôi luôn thay đổi thực đơn rất phong phú và cân đối thành phần khi nấu cháo nhưng con gái 1 tuổi vẫn rất lười ăn. Sờ da cháu lúc nào cũng ấm, mà tôi nghe nói những người nóng trong thì hấp thụ thức ăn rất kém. Cháu ngủ không say và rất khó ru ngủ. Hiện tại tôi vẫn cho cháu uống vitamin D (theo dạng nhỏ giọt) hằng ngày. Tôi phải làm cách nào để cải thiện tình hình của cháu? (Thu Hiền, 28 tuổi, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Yến: 1 tuổi là giai đoạn trẻ đang mọc răng, lợi luôn bị kích thích và đau. Ngoài ra, rối loạn sự bài tiết nước bọt nên trẻ thường hay chán ăn hoặc sợ ăn. Do đó, trong lứa tuổi này trẻ lười ăn. Trong một số trường hợp có thể khắc phục bằng cách bôi một số thuốc giảm đau vào lợi cho trẻ trước khi ăn như Kamistatgen.

Một số cháu bị ra mồ hôi nhiều không phải là triệu chứng đặc hiệu của còi xương mà chỉ nói lên tình trạng cường thần kinh giao cảm. Một số trường hợp các cháu ra mồ hôi nhiều còn do chuyển hóa cơ bản tăng, do đó, trẻ rất cần năng lượng. Vì vậy, khi trẻ lười ăn làm cho trẻ giảm tăng cân. Để khắc phục, có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm, không nên ép trẻ ăn nhiều quá, gây nên sợ ăn sau này. Nên dùng những thức ăn giàu năng lượng. Việc uống vitamin D với liều phòng bệnh vẫn được. Nên cho cháu đến các cơ sở y tế để khẳng định lại xem cháu còn còi xương hay không.

- Trẻ em ăn nhiều caramen (bánh flan) có tốt không? Nên ăn một tuần mấy hộp là vừa? (Nguyễn Thị Huyền, 26 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Caramen cũng là một món ăn đủ chất dinh dưỡng, có đường, trứng, sữa. Caremen chỉ nên đưa vào các bữa phụ, hoặc sau khi đã ăn bữa chính. Nếu cho ăn trước bữa ăn thì cháu sẽ bỏ bữa chính. Hằng ngày cháu ăn khoảng 2-3 hộp là được.

- Khi nấu bột cho bé, nếu chỉ dùng dầu ô liu thì có được không? Có nhất thiết dùng thêm mỡ động vật không? (Phong Lan, 30 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Mỡ động vật có trong thịt, ngay cả thịt nạc. Ngoài ra trong bơ, sữa cũng có mỡ động vật. Nếu chị đã nấu bột cho cháu với thịt rồi thì thêm dầu oliu hằng ngày là cân đối.

- Con tôi lười ăn nhưng tôi cố ép thì cháu cũng ăn hết, có điều không tăng cân. Có phải vì trẻ không muốn ăn mà cố ép thì cũng không hấp thụ được không ạ? (Nguyễn Hòa, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Điều này không chính xác. Có thể cháu ăn chưa đủ về số lượng và chất lượng trong bữa ăn nên cháu chưa tăng cân. Nên chế biến cho cháu các bữa ăn có đầy đủ chất bột (ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), nhóm cung cấp nhiều năng lượng (dầu, mỡ, động vật) và vitamin, chất khoáng, chất xơ (rau xanh). Ngoài ra phải tính đủ số bữa ăn cho cháu trong ngày theo lứa tuổi thì mới có thể tăng cân tốt được. Cũng có thể tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để xem cháu có thiếu các vitamin, khoáng chất không. Nhất là nếu thiếu vitamin D và canxi, cháu sẽ mắc bệnh còi xương.

- Con tôi 1 tuổi, mỗi ngày ngoài sữa, tôi dùng khoảng 2 lạng thịt nạc hoặc vài quả cật, 1 con chim bồ câu lớn hay cả con cá chép nấu cháo cho cháu nhưng không hiểu sao cháu vẫn không tăng cân, gần đây còn đi ngoài phân sống? (Thanh Huyền, 23 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Yến: Để phát triển cơ thể, trẻ em rất cần protein nhưng phải ở tỷ lệ cân đối và phù hợp với nhu cầu của trẻ. Con chị 1 tuổi chỉ cần khoảng 25-30g protein/1ngày là đủ mà một lạng thịt thăn đã cho 18g protein, 1 lít sữa bò cho 33g protein. Vì vậy, con chị ăn như vậy là quá nhiều. Trẻ chỉ cần ăn một ngày từ 100g đến 120g thịt cộng với sữa là đủ. Khi ăn nhiều đạm sẽ làm trẻ khó tiêu hóa, dẫn đến chán ăn, táo bón và làm suy giảm chức ăn gan, thận của trẻ đồng thời trẻ dễ bị thiếu năng lượng dầu mỡ để hấp thu các loại vitamin. Do đó, làm trẻ dễ sút cân và đi ngoài phân sống.

- Con tôi hơn 3 tuổi mà vẫn còn rất lười ăn. Thông thường thì đến tuổi nào trẻ mới qua được cái "nạn" này ạ? (Đình Hải, 34, Nghệ An)

- Bác sĩ Lâm: Các cháu biếng ăn thì có khi đến tuổi học sinh vẫn biếng ăn. Điều cơ bản là tìm nguyên nhân để điều trị. Có cháu biếng ăn do khẩu phần ăn không hợp lý (như cho ăn quá nhiều chất đạm, chất béo liên tục cũng làm cháu biếng ăn), có thể do thiếu các vitamin và chất khoáng quan trọng (vitamin nhóm B, D, kẽm). Thay đổi khẩu phần ăn của trẻ, chế biến các món ăn mà cháu ưa thích cũng sẽ kích thích cháu tích cực ăn hơn. Bạn cũng nên xem lại cách mình cho con ăn đã hợp lý chưa? Nhiều ông bố bà mẹ cho con ăn quà, bánh kẹo ngọt ngay gần bữa ăn, vì vậy đến bữa trẻ không muốn và không ăn được nữa.

- Khi con em được 6 tháng, em cho cháu ăn sữa chua của Néstle. Cháu đi ngoài đều đặn không có vấn đề gì. Nhưng có người bảo cho ăn sữa chua như vậy là quá sớm, có đúng như vậy không? (Thủy Hạnh, 22 tuổi, Vũng Tàu)

- Bác sĩ Lâm: Điều này không đúng. Bởi trẻ sau khi được 6 tháng bắt đầu cho ăn bổ sung được rồi. Có thể cho cháu ăn sữa chua từ lứa tuổi này. Sữa chua ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng còn cung cấp các vi khuẩn có ích cho đường ruột của cháu, để cháu ít bị rối loạn tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng được tốt hơn.

- Theo bác sĩ, trong giai đoạn 10 tháng tuổi, nên cho trẻ ăn dặm và uống sữa thế nào? Có nên cho cháu ăn cháo từ bây giờ không? (Bích Thủy, 25 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: 10 tháng tuổi vẫn nên cho cháu tiếp tục bú sữa mẹ, nếu chị có sữa. Nếu không có sữa mẹ thì cho cháu ăn từ 3 đến 4 bữa sữa một ngày, cộng thêm khoảng 3 bữa bột đặc mỗi ngày. Nếu cháu thích ăn cháo thì nên cho cháu ăn cháo ninh nhừ, nghiền nhỏ. Phải chú ý cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn của cháu. Ngoài ra thêm cho cháu mỗi ngày khoảng 2 bữa nước quả ngọt, hoặc quả chín như chuối, đu đủ...

- Đứa con gái 3 tuổi của tôi chỉ thích ăn cơm không, cơm đậu hũ, muối vừng... và rau quả, phô mai, sữa. Còn thịt, cá, tôm... dù chế biến thế nào cháu cũng nhè ra bằng được. Mọi người bảo rằng cháu không "chắc thịt" do không ăn thức ăn. Xin tư vấn giúp tôi cách tập cho cháu ăn các loại thực phẩm như trẻ bình thường cùng tuổi. (Thiên Nga, 24 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Chị cần tập cho trẻ ăn các thức ăn như thịt cá, trứng vì đó là các đạm động vật có rất nhiều các axit amin cần thiết cho sự phát triển cơ thể. Để tập được, ban đầu, chị cho cháu ăn ít một, sau tăng dần, và ninh nhừ thức ăn để trẻ dễ nhai. Các thức ăn trên nên thay đổi hằng ngày. Và khi nào cháu ăn đủ lượng đạm theo tiêu chuẩn, hãy giảm các loại thực phẩm cũ của cháu.

- Con trai tôi đã 6 tuổi mà vẫn không ăn được thịt miếng, hầu như chỉ ăn thịt băm, cá tôm cũng phải miếng nhỏ. Xin các bác sĩ cho lời khuyên giúp. (Nguyễn Châu, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Chuyện này cũng là bình thường. Lứa tuổi này vẫn cần chế biến thức ăn mềm cho cháu dễ ăn. Bên cạnh đó, nên tập cho cháu ăn thịt miếng để dần dần cháu thay thế thịt băm nhỏ.

- Bé gái của tôi 15 tháng tuổi mà không chịu ăn gì ngoài sữa và cháo, nhưng cháo cũng phải xay ra bỏ vào bình và cho lúc bé ngủ mơ màng thì mới ăn. Cứ thấy cháo là bé hét lên, nếu cứ cố đút thì bé sẽ khóc, sặc và nôn. Tôi phải làm sao để cháu chịu ăn cháo bằng thìa? (Hoài Giang, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Đây là do thói quen ăn bằng bình mà mẹ cháu tạo ra cho cháu từ nhỏ. Trong giai đoạn này, cho cháu ăn bằng bình vẫn được, nhưng phải tập dần để cháu ăn bằng thìa. Ngoài ra, dấu hiệu cháu sợ cháo cho thấy cháu cũng biếng ăn. Chị nên đến tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để tìm nguyên nhân và có cách điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung chất dinh dưỡng thích hợp.

- Khi trẻ biếng ăn, tôi cho cháu uống tăng cường canxi có được không? Loại canxi nào có thể cho cháu uống? (Như Trang, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Khi cháu biếng ăn không có nghĩa là cháu thiếu canxi. Có thể có nhiều nguyên nhân: do bữa ăn bổ sung của cháu không cân đối, nhiều chất đạm, nhiều béo quá thì cháu cũng chán; có thể thiếu vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin D, sắt, kẽm; có thể do cơ thể cháu tiếp men tiêu hóa kém. Có nhiều loại canxi trẻ em có thể uống được, nhưng có loại ống ngọt canxi corbere thì trẻ dễ uống hơn.

- Tôi phải cho cậu con 4 tuổi uống sữa Pedia sure để bổ sung dinh dưỡng vì cháu rất gầy. Nếu chỉ dùng Pedia Sure mà không dùng các loại sữa bột khác thì có đủ chất không vì tôi nghe nói sản phẩm này chỉ là một loại bột dinh dưỡng chứ không phải là sữa? Nếu cháu thường xuyên dùng các loại thuốc bổ như Kiddy, Lục vị ẩm thì có hại không? (Thịnh, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Pedia sure cũng là một loại sữa, chỉ khác là có năng lượng cao hơn các sữa khác. Vì vậy, dùng sữa Pedia sure cũng được, không cần phải thay hay dùng thêm các loại sữa khác. Tuy nhiên, để cháu tăng cân và bụ bẫm thì ngoài năng lượng, trẻ cần phải có các dự trữ mỡ, phát triển các hệ cơ, vì vậy, không nên dùng Pedia sure để thay toàn bộ các bữa ăn hàng ngày của trẻ mà chỉ dùng trong các bữa phụ, còn để trẻ tăng cân, phải tăng các bữa ăn bằng tinh bột và dầu, các loại vitamin.

Kiddy là một loại dược phẩm có đa vitamin và lyzine, có thể làm cho trẻ tăng ăn uống trong các trường hợp trẻ thiếu. Còn con chị, theo tôi nghĩ, chưa chắc đã thiếu các loại vitamin và lyzine, do đó, không cần phải uống nhiều và liên tục. Tốt nhất là lấy các chất trên từ thực phẩm như rau, hoa quả,...

- Con tôi chuẩn bị ăn bột, tôi định ninh nước xương, thịt và rau lên cho cháu ăn, sau đó mới cho cháu ăn thức ăn xay nhuyễn. Tôi sợ nếu cho cháu ăn thịt và rau xay nhuyễn cho vào bột luôn thì cháu không tiêu hóa được. Bác sĩ thấy thế nào ạ? (Vân Hằng, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Nước ninh xương thực ra không có nhiều chất dinh dưỡng, không nên mất thời gian ninh xương cho cháu ăn. Nếu cháu mới ăn bột, nên cho cháu ăn bột sữa hoặc bột trứng trước, sau đó chuyển sang ăn bột thịt. Nên cho cháu ăn tăng dần số lượng thì cháu sẽ tiêu hóa tốt.

- Bé nhà tôi 5 tháng, bị dị ứng với chất đạm trong sữa bò nên phải uống sữa bột từ đậu nành. Vậy chế độ ăn của bé phải như thế nào? Sữa bột đậu nành có đủ chất bằng sữa bò không? (Hà Vân, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Nếu cho cháu ăn sữa đậu nành kéo dài có thể cháu thiếu một số vi chất quan trọng như vitamin A, B, kẽm... Do đó chị nên bổ sung thêm đa vitamin và khoáng chất cho cháu. Chị có thể tìm trên thị trường các loại sữa bò thủy phân dùng được cho các cháu dị ứng sữa.

- Con tôi 16 tháng tuổi, mỗi ngày ăn 3 bữa cháo (mỗi bữa 2/3 bát ô tô) và 3 bữa sữa (tổng cộng 450 ml). Cháu khỏe mạnh nhưng tăng cân rất ít, chỉ được 10 kg. Có phải do cháu không hấp thu được? Cháu ngày nào cũng ị, phân khuôn dài và to nên rất khó. Liệu em có phải thay đổi chế độ của cháu không? (Mai Hoa, 28 tuổi, TP HCM)

- BS Lâm: Trẻ 16 tháng tuổi cân nặng lý tưởng là 10,4-12,6 kg. Cân nặng con bạn như vậy là gần đạt mức trung bình, tuy nhiên vẫn chưa bị coi là suy dinh dưỡng. Nhưng bạn vẫn phải chú ý tăng cân thêm cho cháu, lượng sữa và cháo mà bạn cho con ăn mỗi ngày như vậy là tương đối hợp lý. Nhưng bên cạnh đó bạn phải chú trọng tăng cường lượng dầu mỡ khi chế biến món ăn cho trẻ. Mỗi bữa nên cho 1-2 thìa cà phê dầu hoặc mỡ nước khi nấu, hoặc thêm pho mát vào các bát bột, cháo cho cháu. Tuy nhiên để tăng cường hấp thu và phòng táo bón cho trẻ, bạn nên bổ sung chất xơ và các vitamin từ rau xanh và quả chín. Chọn các loại rau quả có tính nhuận tràng như mồng tơi, rau dền, cam, quýt, đu đủ…

- Con tôi được gần 6 tháng tuổi, nuôi bộ hoàn toàn, hay bị đi ngoài phân sống. Liệu có phải do cháu ăn nhiều quá nên không tiêu hóa hết không? Hiện cháu ăn một bữa bột mặn, một bữa bột ngọt, mỗi lần khoảng gần một bát ăn cơm, ăn khoảng 4 bữa sữa ngày, 150ml/lần. (Hải Vân, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Cháu nhà chị được 6 tháng tuổi, nuôi bộ hoàn toàn có thể ăn được 2 bữa bột và 4 bữa sữa là bình thường. Trong trường hợp con chị hay bị đi ngoài phân sống có thể do cháu bị rối loạn hấp thu các thành phần trong thức ăn như đường, đạm sữa. Vì vậy, chị có thể giảm bớt bột thay bằng sữa xem tình hình phân của cháu có cải thiện không. Trong trường hợp không cải thiện, cần phải đi khám.

- Xin bác sĩ chỉ cách làm cho đứa trẻ gần 3 tuổi chịu nhai thức ăn cứng, đến giờ con tôi chỉ ăn các thứ không phải nhai. (Thủy Linh, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên động viên khuyến khích cháu tập nhai các thức ăn cứng. Chị có thể bắt đầu cho cháu tập nhai bằng bột dinh dưỡng dạng bánh Growsure, thì cháu sẽ nhai được tốt hơn.

- Nhiều người nói nên pha sữa với nước cháo cho trẻ uống khi bắt đầu ăn dặm. Vậy bác sĩ cho biết quan niệm như vậy có đúng không? Nếu đúng thì tỷ lệ pha sữa-nước cháo sẽ như thế nào? (Trần Vũ Bình, 29 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm (4-6 tháng tuổi), cháu đã có lượng men tiêu hóa tinh bột nên việc pha sữa với nước cháo có thể sử dụng được, nhưng phải dùng nước cháo thật loãng, vì nếu cháo đặc, trẻ sẽ bị ăn nhiều bột quá dẫn đến tiêu chảy do không tiêu hết tinh bột. Mặt khác, trong bột còn có một số chất ức chế sự hấp thu các vi chất trong sữa, đặc biệt là canxi và kẽm, sắt.

Thường có thể nấu nước cháo loãng như nước cháo được sử dụng cho bù nước trong tiêu chảy.

- Con em được 15 tháng, nặng hơn 10 kg. Cháu đi ngoài rất táo dù em cho ăn nhiều hoa quả như chuối, đu đủ, cam xay cả tép cho cháu ăn. Phải làm thế nào cho cháu đỡ táo? (Lệ Quyên, 27 tuổi, Bắc Ninh)

- BS Lâm: Các loại hoa quả bạn cho con ăn như vậy là rất tốt. Ngoài ra, chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên vì thiếu nước cũng là một nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ. Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn để tăng nhu động ruột, chống táo bón.

- Do phải đi làm nên tôi thường nấu cháo vào tối hôm trước, xay ra và để trong tủ lạnh, hôm sau người giúp việc cho con ăn. Làm thế có được không? Trong điều kiện không thể nấu từng bữa thì tôi phải làm thế nào? (Thanh Thủy, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Làm như vậy có thể làm mất một số vitamin như B1, B2. Tốt nhất là ăn ngày nào nấu ngày đó. Chị có thể mua các nồi hầm bằng điện thì người giúp việc có thể dễ dàng nấu cháo cho cháu. Bên cạnh cháo thì có thể cho cháu ăn xen kẽ bột dinh dưỡng chế biến sẵn, có bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng.

- Thưa bác sĩ, dùng dầu gấc liên tục nấu bột cho trẻ có được không? Có người khuyên tôi là không nên dùng liên tục. (Tuyết Mai, 25 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Dầu gấc là một loại dầu tốt có nhiều axit béo không no, nhiều betacaroten, vitamin E. Tuy nhiên chị cũng không nói rõ chị dùng dầu gấc nguyên chất hay đã pha chế với các dầu khác, và số lượng bao nhiêu một ngày. Nếu dầu gấc nguyên chất mà dùng thường xuyên và số lượng nhiều thì cũng không tốt, vì gây thừa betacaroten, làm cháu vàng da, vàng mắt, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh về gan.

- Con tôi 18 tháng mà vẫn không tự ngồi được vì suy dinh dưỡng nặng, chỉ 8,7 kg. Tôi đã thử mọi cách nấu: cơm nát, nui, phở, súp, cháo, cơm xay, bột ăn liền... Nhưng cháu không chịu ăn; cũng không ăn trái cây, nước cam, yahourt. Các thuốc biobaby, nutroplex, biofidin, fitovit, pecaldex.... cũng không cải thiện được tình hình. Bác sĩ khám bảo rằng cháu chẳng có bệnh gì. Tôi thấy bế tắc quá. (Hương Giang, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Với trường hợp con của chị, theo tôi thì chưa phải cháu bị suy dinh dưỡng nặng đến mức không ngồi được. Vì vậy, con chị vẫn chưa ngồi được ở tuổi này có nghĩa là đứa trẻ mắc một bệnh về rối loạn vận động, có thể do thần kinh hoặc do cơ nên chị cần phải đi khám kỹ lại. Các bệnh đó có thể làm cho cháu chán ăn.

Trong trường hợp cháu bị chán ăn không do bệnh thì chị nên cho cháu ăn theo đúng độ tuổi (con chị chỉ cần 3 bữa cháo + 2 bữa sữa) và tập cho trẻ ăn theo đúng giờ và mỗi bữa ăn không nên dài quá và ăn quá nhiều bữa trong ngày làm trẻ sợ ăn.

- Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có nói rằng men tiêu hóa có thể gây hại cho trẻ, có nguồn tin khác lại phản bác lại. Xin bác sỹ cho biết thông tin chính xác về vấn đề này? (Minh Hiền, 28 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Hiện nay trên thị trường có 2 loại men về bản chất là khác nhau: một dạng men bổ sung vi khuẩn có ích cho đường ruột, giúp ức chế các vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như cốm vi sinh biobaby; một dạng men khác là bổ sung men tiêu hóa như men pepsin giúp phân giải chất đạm trong thức ăn. Với men loại đầu nên bổ sung cho các cháu trong giai đoạn biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, giai đoạn có điều trị kháng sinh, giúp cháu cân bằng lại vi khuẩn đường ruột. Còn loại men thứ hai tốt các cháu bị suy dinh dưỡng, biếng ăn kéo dài, cũng chỉ nên dùng 2 tuần, sau đó nghỉ, rồi mấy tháng sau dùng lại.

- Bác sĩ cho cháu hỏi có phải ăn phomát dễ dẫn đến táo bón do nóng không ạ? (Bích Hà, 25 tuổi, Cát Linh, HN)

- Bác sĩ Yến: Phomát là thực phẩm giàu đạm, năng lượng nhưng cũng rất nhiều canxi. Vì vậy, khi ăn nhiều quá dễ làm cháu táo bón do khó tiêu. Chị cần cho cháu ăn vừa phải.

- Con tôi 21 tháng rưỡi, rất lười ăn, hay ngậm, uống sữa cũng ngậm. Cháu chỉ được 10 kg, đã đi khám dinh dưỡng nhiều nơi nhưng không lên cân mấy. Xin bác sĩ tư vấn chế độ ăn cho cháu, cách nấu cháo, rau, thịt, định lượng mỗi thứ là bao nhiêu, trong một tuần thì nên ăn mấy bữa cá, mấy bữa thịt lợn? (Nguyễn Thu Hà, 25 tuổi, Nam Định)

- Bác sĩ Lâm: Ví dụ thực đơn cho trẻ 1-2 tuổi như sau: Vẫn cho trẻ bú mẹ; ăn 4 bữa cháo hoặc súp; ăn quả chín theo yêu cầu của trẻ. Cách nấu một số loại cháo cho trẻ 1-2 tuổi (1 bát ăn cơm): Cháo lạc: Gạo tẻ một nắm tay; lạc rang chín bỏ vỏ giã nhỏ 3-4 thìa cà phê, rau xanh băm nhỏ 3 thìa. Cháo đậu xanh hoặc đậu đen: Gạo tẻ 1 nắm, đậu bằng một nửa lượng gạo, rau xanh thái nhỏ 3 thìa, mỡ 2 thìa. Cháo cá: gạo tẻ 1 nắm, cá luộc chín gỡ xương 3-4 thìa, rau xanh thái nhỏ 3 thìa, mỡ hoặc dầu 2 thìa.. Cháo tôm: Gạo 1 nắm, tôm bóc vỏ giã nhỏ 3-4 thìa, rau xanh thái nhỏ 3 thìa, mỡ 2 thìa. Tương tự, với cháo trứng thì dùng 1 quả trứng gà, cháo thịt thì 3-4 thìa cà phê thịt băm nhỏ.

- Tôi có 2 con trai 7 tuổi và 3 tuổi, chúng rất sợ uống thuốc, vì vậy mỗi lần cho uống thuốc B1 và men tiêu hóa tôi thường pha lẫn vào nhau rồi cho uống 1 lần, như vậy có được không? (Hà Thanh, 31 tuổi, Tràng Thi - Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Tôi không biết chị cho con uống loại men tiêu hóa gì và vì sao chị lại cho uống men tiêu hóa. Bởi vì tuổi này trẻ có đủ lượng men tiêu hóa nên tôi nghĩ không cần cho uống men tiêu hóa. Còn B1 có thể trộn vào các dung dịch thuốc khác nếu thuốc ấy không có các chất phá hủy hủy vitamin.

- Tại sao những đứa trẻ nông thôn ăn uống bình thường mà vẫn béo tốt khỏe mạnh, mấy đứa con nhà thành phố chăm sóc thường xuyên theo sách, theo hướng dẫn của các bác sĩ thì thường thấy yếu và thiếu cân. Liệu trong phương pháp nuôi như sách có vấn đề chăng? (Nguyễn Trọng Tâm, 43 tuổi, TP Vũng Tàu)

- Bác sĩ Lâm: Nếu nuôi như sách của các cơ quan y tế, như các trường đại học Y, Viện dinh dưỡng, thì không có vấn đề gì sai trong phương pháp. Trẻ con nông thôn chạy chơi nhiều nên tiêu hao năng lượng nhiều, các cháu hay nhanh đói, dễ ăn. Ngoài ra, các cháu chơi dưới trời nắng sẽ không bị thiếu vitamin D, nên cháu không bị chán ăn. Do vậy các cháu phát triển tốt hơn nếu bữa ăn có đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Với các cháu thành phố, nhiều khi bố mẹ quý quá không cho ra ngoài sợ nắng, gió, các cháu thường bị còi xương sớm. Sau khi sinh từ 2 tháng tuổi trở ra, nếu không được tắm nắng, các cháu dễ bị thiếu vitamin D, dẫn đến biếng ăn, giấc ngủ không sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển.

- Con tôi 11 tháng tuổi, bà nội của cháu nói mỗi ngày nên cho cháu vài giọt mật ong (pha với nước uống vào buổi sáng) thì sẽ tốt cho tiêu hóa của cháu. Điều này có đúng không? (Thúy, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Chị có thể sử dụng mật ong vào buổi sáng được vì trong mật ong có nhiều vitamin A, làm tăng miễn dịch tại chỗ của đường tiêu hóa, có thể làm giảm mắc các bệnh đường tiêu hóa.

- Nếu bữa sáng chỉ cho trẻ uống sữa trước khi đi học, theo ý kiến của bác sỹ như thế nào ạ? Có ảnh hưởng gì tới trẻ không? (Nguyen Tuan Anh, 33 tuổi, Cau giay)

- Bác sĩ Lâm: Nếu bữa sáng cháu chỉ uống sữa trước khi đi học, thì sẽ không đủ năng lượng cho cháu đến tận trưa. Nên cho cháu ăn thêm một miếng bánh mì hoặc bánh ngọt.

- Tôi muốn đưa con đi khám và tư vấn dinh dưỡng thì có thể đến đâu? Có phải chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM mới có nơi khám và tư vấn dinh dưỡng không? (Quang Huy, 29 tuổi)

- Bác sĩ Lâm: Thông thường ở các bệnh viện tỉnh và thành phố đều có các khoa dinh dưỡng. Đến đó bạn sẽ được các bác sĩ khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ. Nếu không có điều kiện khám trực tiếp thì bạn có thể nhờ các bác sĩ Viện Dinh dưỡng tư vấn qua điện thoại bằng cách gọi đến tổng đài 1088, sau lời hướng dẫn thì nhấn số 2 và số 5 để kết nối với phòng tư vấn Viện Dinh dưỡng. Nếu ở ngoại tỉnh thì gọi bằng máy di động mới kết nối được. Ở Hà Nội, có thể đến Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng 48 Tăng Bạt Hổ. Ở TP HCM, có thể đến Trung tâm Dinh dưỡng thành phố.

- Con tôi 7 tháng, rất không thích uống sữa mà chỉ thích ăn bột. Ngày cháu ăn 2-3 bữa bột và 120-180 ml sữa, có bú mẹ nhưng sữa mẹ rất loãng. Như vậy có đảm bảo dinh dưỡng không? Làm sao để cháu thích uống sữa? (Mai Thơm, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Trẻ 7 tháng tuổi mà vẫn còn sữa mẹ, chị cho ăn đến 2-3 bữa bột là nhiều quá. Vì vậy chị cho trẻ ăn 1-2 bữa bột, còn lại chị phải sử dụng sữa. Theo như các nghiên cứu thì sữa mẹ loãng hay đặc đều có thành phần gần giống nhau và phù hợp với phát triển của trẻ nên trong trường hợp của chị, chị nên cho trẻ bú mẹ nhiều hơn. Chị nên uống nhiều nước để tăng lượng sữa mẹ thì mới đảm bảo được dinh dưỡng cho trẻ. Còn trong trường hợp chị cho bú nhiều mà trẻ vẫn không tăng cân thì có thể sử dụng sữa công thức nhưng chị có thể đổi các loại sữa phù hợp mùi và vị cho trẻ.

- Hễ cho con tôi ăn rau xanh là lại thấy có cả rau trong phân. Do đó tôi chỉ dám cho cháu ăn các loại củ, nếu ăn rau xanh thì chỉ xay lọc lấy nước cho vào cháo. Có người bảo đấy là do tì vị của cháu kém. Vậy tôi phải cho cháu ăn uống như thế nào để cải thiện hệ tiêu hóa và giúp cháu tăng cân? (Thu Nga, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Với rau xanh nên thái nhỏ nấu với bột cháo là tốt. Nếu cháu mới ăn bổ sung thì xay nhỏ nhưng lấy cả cái thì tốt hơn vì phòng được táo bón. Đấy không phải do tì vị kém, có thể rau chị để to quá, nấu không nhừ, nên cháu bị như vậy. Muốn cháu tăng cân thì thức ăn bổ sung của cháu phải đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, đạm (thịt cá trứng sữa), nhóm cung cấp năng lượng nhiều (dầu mỡ), nhóm rau xanh cung cấp vitamin, khoáng và chất xơ.

- Thưa bác sỹ, các loại thuốc multi-vitamin kích thích ăn uống nên dùng trong thời gian dài bao lâu là hợp lý? (Lê Thu Hiền, 30 tuổi, Hà Đông - Hà Tây)

- Bác sĩ Yến: Nếu con chị phát triển bình thường, không có dấu hiệu thiếu vitamin thì không cần uống. Trong trường hợp có dấu hiệu thiếu, thì phải uống theo chỉ định của bác sĩ. Nếu chị muốn cho trẻ uống thì sẽ uống theo liều nhu cầu của trẻ hàng ngày thì có thể uống kéo dài được.

- Làm thế nào để giảm tật ngậm cơm của trẻ, thưa bác sĩ? (Đinh Toàn, 33 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Ngậm cơm là một tật rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Ngay từ khi trẻ bắt đầu tập ăn bạn nên cố gắng không để trẻ mắc tật này, nếu không sẽ tạo thành một thói quen về sau rất khó sửa. Đối với trẻ ngậm cơm bạn phải vừa nhẹ nhàng vừa kiên quyết động viên trẻ nhai và nuốt. Nên cho trẻ ăn các thức ăn nấu nhừ và mềm, tạo cảm giác dễ nuốt cho trẻ.

- Tôi đã làm đủ cách mà con tôi vẫn không chịu ăn. Tôi từng bỏ đói nửa ngày nhưng đến khi đưa thức ăn ngon lành ra cháu vẫn khóc mếu và trốn. Tôi có nên cho con nhịn khoảng 1 ngày để nó thấy đói mà ăn không? (Bùi Thanh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Không nên làm như vậy. Vì khi bỏ bữa thì cháu lại càng chán ăn hơn. Chị nên tìm món ăn mà cháu thích, thay đổi các món ăn thường xuyên. Ngoài ra môi trường lúc cháu ăn cũng quan trọng. Chị nên động viên cháu ăn, vừa cho cháu chơi những trò chơi mà cháu thích, vừa cho cháu ăn. Chị cũng nên tư vấn bác sĩ để tìm nguyên nhân chán ăn của cháu.

- Thưa bác sĩ, có nên cho thêm đậu nành, đậu đen, hạt sen vào trong bột cho bé không ạ? (Lan Anh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Đậu nành, đậu đen là các ngũ cốc giàu đạm hơn các loại ngũ cốc khác nên trong trường hợp có khó khăn về kinh tế thì có thể sử dụng thay thế một phần chất đạm động vật. Nếu có khả năng mua các loại thực phẩm giàu đạm đông vật như thịt, cá, trứng thì cũng không cần dùng vì nhiều khi làm trẻ khó ăn do mùi của các ngũ cốc trên. Tuy nhiên, nếu con chị thích ăn thì vẫn có thể sử dụng thường xuyên.

- Con tôi 13 tháng, nặng khoảng 8,6 kg. Mỗi ngày cháu ăn 3 lần cháo (mỗi lần một bát ăn cơm), 2 lần sữa x 180 ml, ngoài ra còn có sữa chua, nước cam, hoa quả. Mỗi ngày cháu ăn một bữa thịt và 2 bữa tanh. Tuy nhiên đã nửa năm nay cháu lên cân rất chậm, có khi 3 tháng không lên lạng nào. Cháu đã uống canxi, vitamin D3, Dobenzic nhưng tình hình không tiến triển nhiều. Hệ tiêu hóa của cháu kém và hay bị táo bón. Xin tiến sĩ cho một lời khuyên. (Phạm Thị Lý, Tuyên Quang)

- Bác sĩ Lâm: Con bạn 13 tháng mà nặng 8,6 kg là đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn như bạn mô tả là tương đối hợp lý, nếu có thể nên tăng thêm một bữa sữa vào buổi tối. Hệ tiêu hóa của cháu kém, hay bị táo bón là nguyên nhân làm giảm hấp thu làm cho cháu dù ăn nhiều đủ chất mà vẫn chậm lên cân. Bạn nên cho thêm dầu mỡ (1-2 thìa cà phê/bữa), rau xanh xay nhỏ khi chế biến thức ăn cho cháu. Chú ý cho cháu uống đủ nước, xoa bụng theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn để tăng nhu động ruột, ngoài ra dùng thêm các men tiêu hóa như Biobaby, pepsin theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cháu uống vitamin D đã quá 6 tháng thì có thể uống tiếp 1 liều khác, nhất là về mùa đông. Cho trẻ uống thêm vitamin và khoáng chất khác như sắt, kẽm.

- Có nên cho em bé 12 tháng tuổi uống sữa vào buổi đêm không? (Thu Trinh, 30 tuổi, Hà nội)

- Bác sĩ Lâm: Vẫn nên cho cháu uống một bữa trước khi đi ngủ. Đang đêm mà thức dậy để cho uống sữa thì cũng không nên. Uống sữa trước khi đi ngủ thì mới đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng.

- Bé trai gần 3 tuổi của tôi không chịu ăn rau. Tôi có thể thay thế rau bằng hoa quả được không? (Lệ Hoa, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Theo tôi, không nên thay thế rau bằng hoa quả. Vì trong rau có rất nhiều các chất xơ cần thiết cho sự tiêu hóa và nhu động ruột của trẻ, đồng thời, nó còn có nhiều loại muối khoáng mà hoa quả không có.

- Con tôi 6 tháng tuổi thì đã ăn được đồ tanh như tôm cua cá chưa? Có nhất thiết phải cho uống nước hoa quả hằng ngày không? (Mai Hương, 27 tuổi, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lâm: Chế độ ăn bổ sung (còn gọi là ăn sam, ăn dặm) tốt nhất nên bắt đầu khi trẻ tròn 6 tháng. Khi chế biến thức ăn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, trong đó bao gồm cả chất tanh như tôm cua cá. Đây là nguồn thực phẩm quan trọng cung cấp chất đạm, canxi, phốt pho và các vi chất thiết yếu khác giúp cơ thể trẻ phát triển, chống còi xương. Uống nước hoa quả hằng ngày là tốt vì hoa quả cung cấp các loại vitamin tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ.

- Có nên cho các cháu bé uống B1 thường xuyên không. Tôi thấy bảo uống B1 rất kích thích ăn uống. Nên uống bao nhiêu viên mỗi ngày (Thu Phương, 27 tuổi, Ha nội)

- Bác sĩ Lâm: Trẻ em lứa tuổi ăn bổ sung thường thiếu nhiều vitamin và khoáng chất. Nếu chỉ bổ sung vitamin B1 không thì không đủ, nên bổ sung các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất thì mới tốt cho cháu, nhất là những loại có vitamin A, B, sắt, kẽm...

- Trẻ em 18 tháng nên ăn mấy quả trứng gà một tuần, thưa bác sĩ? (Thanh Hằng, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Trứng gà thì giàu đạm và các chất dinh dưỡng rất thích hợp cho trẻ em lứa tuổi ăn bổ sung. Mỗi ngày cho cháu ăn 1 quả cũng tốt.

- Do con tôi nhẹ cân nên tôi có mua thịt cóc làm cẩn thận về cho cháu ăn. Thịt cóc có thể cải thiện tình hình không ạ? (Phan Minh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Thịt cóc là loại đạm động vật giống như các loại đạm động vật khác nhưng lượng kẽm trong thịt cao, vì vậy, việc sử dụng thịt cóc cũng rất tốt. Tuy nhiên, phải làm thật cẩn thận vì dễ dẫn đến ngộ độc nếu dính nhựa của da cóc.

- Con trai em mới được gần 6 tháng tuổi nhưng đã bỏ ti mẹ từ khi 3 tháng. Những nguyên nhân nào có thể khiến trẻ bỏ bú mẹ sớm, thưa bác sĩ? (Thành Lê, 29 tuổi, Nam Định)

- Bác sĩ Lâm: Có thể sau 3 tháng mẹ bắt đầu đi làm, khiến cho lượng sữa mẹ giảm đi, không thỏa mãn cho bữa bú của cháu. Bên cạnh đó gia đình lại cho cháu uống sữa ngoài khi mẹ đi vắng, do đó cháu đã quen với sữa ngoài nên bỏ sữa mẹ.

- Con tôi 30 tháng, từ khi mẹ đi làm thì rất ít tăng cân. Hằng ngày cháu ăn 3 bữa cháo, 400 ml sữa và 1 hũ sữa chua nhỏ. Trước cháu hay bị nôn, nay đã hết, lại uống cả Pedia sure mà vẫn không nên cân. Bác sĩ có thể dự đoán nguyên nhân không ạ? (Thanh Bình, 35 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Chậm tăng cân ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, có thể do hệ tiêu hóa kém, giảm khả năng hấp thu, do các men chuyển hóa thức ăn trong cơ thể hoạt động kém, do mắc một loại ký sinh trùng nào đó. Vì vậy tốt nhất bạn nên cho trẻ đi khám và tư vấn dinh dưỡng để các bác sĩ có những chẩn đoán và lời khuyên tốt nhất. Có thể cháo chế biến chưa đúng cách, không đủ chất, không thêm dầu mỡ nên ít năng lượng, khiến cháu tăng cân chậm.

- Nếu con tôi (25 tháng tuổi) không chịu uống sữa bột mà chỉ uống sữa tươi thì có tốt không? (Trần Hoan, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị 25 tháng tuổi đã có thể ăn được rất nhiều các loại thực phẩm. Do đó, ở tuổi này, sữa cũng vẫn cần cho cơ thể. Còn việc sử dụng sữa tươi và sữa bột đều có thể được. Vì sữa tươi có thành phần gần giống như các sữa bột khác trừ một số hãng có thể cho thêm một số yếu tố vi lượng khác.

- Con gái tôi 2 tuổi, mỗi lần cho ăn là khóc. Tôi thường nấu cháo từ nước xương hoặc thịt nạc vai, thêm ít rau. Cháu hay ngậm không chịu ăn. Xin chỉ cách cho tôi nên cho ăn cách nào, bao nhiêu trong một ngày và giờ nào là tốt nhất? (Mai Thi, 28 tuổi, Nha Trang)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên thay đổi món ăn thường xuyên, chọn những món mà cháu thích. Có thể tham khảo số bữa, thời gian ăn như sau

Giờ Thứ 2, 4 Thứ 3, 5 Thứ 6, CN Thứ 7
6h Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ
8h Cháo thịt lợn Cháo thịt gà Cháo thịt bò Cháo trứng
10h Chuối tiêu ½-1 quả Đu đủ 200 g Hồng xiêm 1 quả Xoài 200 g
11h Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ Bú mẹ
14h Súp thịt bò khoai Súp đậu xanh bí đỏ Cháo tôm Cháo lạc, bí đỏ
16h Nước cam Nước cam Nước cam Nước cam
18h Cháo cá Cháo lươn Cháo thịt lợn Cháo lươn

Nên cho cháu uống thêm men tiêu hóa Pepsin, bổ sung đa vitamin và khoáng chất để cháu ăn ngon miệng hơn.

- Con trai tôi 4 tuổi, rất hay bị oẹ, nôn sau khi ăn và hay bị đi ngoài dù tôi đã rất cẩn thận giữ gìn vệ sinh. Một vài người nói cháu bị chứng ăn không tiêu hay chậm tiêu hóa. Như vậy có đúng không? Nếu vậy tôi cần phải làm gì? (Diệu Thúy, 27 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên xem lại các thực phẩm cho cháu ăn có cân đối về mặt dinh dưỡng không. Có thể cho cháu ăn nhiều đạm nhiều béo quá cháu cũng không tiêu hóa được. Hoặc cho cháu uống quá nhiều nước ngọt có ga, trong bữa ăn cũng làm cho cháu đầy bụng khó tiêu hóa. Chị nên mang cháu đến tư vấn bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân thêm.

- Thưa bác sĩ, khi nào cho trẻ ăn cháo băm được? Con tôi 11 tháng tuổi, có 4 cái răng nhưng vẫn chưa ăn cháo băm được, cháu cứ nôn ra hoài. Tôi nên làm sao? (Thanh Thanh, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị 11 tháng mới có 4 răng nên khi ăn thịt băm cho vào cháo cháu sẽ khó nhai, vì vậy thịt sẽ không được nghiền nhỏ làm cháu khó nuốt, dễ gây nôn. Ở tuổi này, chị nên ninh nhừ thịt bằng nồi hầm, sau đó xay nhỏ hoặc nghiền nhỏ để trẻ dễ ăn.

- Xin bác sĩ cho biết thế nào là suy dinh dưỡng theo từng độ tuổi, tính theo cân nặng? (Phan Ngọc, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Muốn phân loại các cháu suy dinh dưỡng theo mức độ nào thì phải dựa theo một bảng số chuẩn của tổ chức Y tế thế giới. Các cháu nào có cân nặng dưới mức -2SD theo hằng số này được gọi là suy dinh dưỡng. Chị có thể tìm hiểu trong cuốn Hướng dẫn nuôi trẻ của Viện Dinh dưỡng, có bán tại Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng của Viện, ở 48B Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.

- Xin Bác sĩ cho biết ăn óc heo nhiều (một ngày một bộ) có tốt cho trẻ không. Xin cảm ơn (Kieu Tram, 32 tuổi, 2/40/7 le van tho, f11, go vap)

- Bác sĩ Lâm: Óc heo rất nhiều cholesterol. Nếu chị cho cháu ăn mỗi ngày một bộ thì không tốt cho sức khỏe của cháu. Mỗi tuần chỉ nên cho cháu ăn một bữa, mỗi bữa khoảng 30-40 gram là đủ.

- Con trai tôi 3 tuổi, từ khi đi học mẫu giáo thì gầy đi dù cô giáo bảo cháu ăn hết suất (hiện cháu chưa nuốt được nên vẫn ăn cháo). Hiện cháu ăn sáng, trưa và một bữa phụ chiều ở lớp. Vậy khi về nhà nên cho cháu ăn như thế nào? Ở lớp cháu chỉ uống được 100 ml sữa và gần như không có hoa quả. Vậy sau bữa tối ở nhà có nên cho uống thêm sữa không (uống sữa tối sợ cháu đái dầm)? (Hạnh Hương, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Nếu cháu đi mẫu giáo không tăng cân có nghĩa là khẩu phần ăn chưa đủ đối với cháu. Vì vậy, khi về nhà, cần phải tăng cường thêm các thức ăn khác, ví dụ khi đón từ nhà trẻ về cho cháu ăn thêm sữa hoặc sữa chua hoặc bánh, tối ăn một bữa nữa cùng gia đình (tốt nhất là tập cho cháu ăn cơm) và trước khi đi ngủ có thể cho uống thêm sữa vì con chị tăng cân chậm. Nếu cháu hay đái dầm thì có thể thay sữa bằng các thức ăn đặc như súp, các loại bánh xốp.

- Cứ đến bữa ăn là cả nhà tôi phải vận dụng đủ mọi năng khiếu hoạt kê để dỗ cháu, nhiều khi hết cả hơi mới được bát con cháo. Nếu không thế thì cháu không chịu ăn. Xin chỉ cho tôi cách khắc phục tình trạng này. (Nguyễn Thành Nam, 35 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Để kích thích cháu ăn ngon miệng, bạn nên thay đổi bữa, hôm nay cháo gà, mai cháo thịt lợn, cháo cá…, kèm theo rau xanh xay nhỏ và hoa quả để tăng cường tiêu hóa. Chú ý cho trẻ ăn đúng bữa, trước bữa ăn khoảng 1 tiếng không nên cho ăn quà hoặc bánh ngọt vì như vậy cháu sẽ có cảm giác chán ăn. Có thể cháu thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết nên cũng biếng ăn, nên bổ sung. Có thể cho cháu dùng thêm men tiêu hóa Pepsin trong 1-2 tuần để giúp cháu ăn tốt hơn.

- Hằng ngày, tôi mua cả con gà hoặc cá chép, tim cật, bồ câu về hầm lấy nước nấu cháo cho con, nhưng nhưng không hiểu sao cháu vẫn còi, đã 15 tháng tuổi mà chỉ nặng hơn 8 kg? (Hạnh Hoa, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Các loại thực phẩm trên mà chỉ lấy nước thì rất ít lượng đạm vì các loại đạm không tan trong nước. Do đó, dù chị hầm rất nhiều thịt nhưng trong nước nấu cháo không có đạm, chỉ có một vài axit amin, nên các bữa ăn của cháu vẫn thiếu đạm, dẫn đến thiếu năng lượng và các vi chất. Đạm là thành phần vận chuyển nhiều chất trong cơ thể. Chị cần cho trẻ ăn cả bã.

- Gần đây trên thị trường có loại cháo dinh dưỡng ABC gồm nhiều loại: cháo thịt lợn, cháo tôm cua, có hai mức giá bán lẻ là 3000 và 5000 đồng. Bọn trẻ rất thích cháo này. Xin bác sĩ cho biết loại cháo này đã được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm hay chưa? (Phạm Văn, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Nếu mà các loại cháo trên cho cháu ăn ngay sau khi nấu thì cũng tốt, vì là món cung cấp năng lượng và chất đạm cho cháu. Chúng tôi cũng chưa biết rõ thông tin về sản phẩm này. Nhưng những món thông thường chế biến ngay sau khi ăn thì thường đảm bảo vệ sinh, nếu nguồn thực phẩm ban đầu lựa chọn tốt.

- Cháu nhà tôi được 6 tháng tuổi, tôi được bạn tư vấn ở Viện Dinh Dưỡng có bán bột với đủ các loại dưỡng chất, tôi có thể dùng loại đó thường xuyên cho cháu được không (Thu Trang, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Tại Viện Dinh dưỡng đúng là có các loại bột do Viện Dinh dưỡng sản xuất, và của Bibica do Viện Dinh dưỡng tư vấn về thành phần dinh dưỡng. Những loại bột này có bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và men tiêu hoá rất thích hợp cho trẻ lứa tuổi ăn bổ sung. Chị dùng những loại bột này thường xuyên cho cháu là rất tốt.

- Em bé 2 tháng của tôi rất biếng ăn. Tôi cho cháu đi khám thì được biết cháu mọc nanh (nanh như mụn trứng cá, mọc ở lợi và hàm ếch), đã nhể nanh 2 lần nhưng ăn vẫn kém và không chịu bú mẹ. Vậy có phải mọc nanh là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ không? (Hòa Hảo, 29 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Nanh là các mụn nhỏ cứng mọc trên lợi, do đó khi trẻ bú sẽ rất đau, trẻ sợ ăn. Khi trẻ được nhể nanh cũng là một stress làm đau trẻ nên dễ gây cho trẻ sợ ăn. Vì vậy, khi trẻ nhiều nanh hoặc khi nhể nanh, có thể đổ thìa cho trẻ trong thời gian ngắn để trẻ đỡ đau.

- Có phải cứ lười ăn là nên mua cốm vi sinh Biobaby hoặc các loại men tiêu hóa về dùng không? Tôi đã dùng thử những thứ này cho con mình nhưng cháu vẫn lười ăn và tăng cân chậm. (Tran Thu Huong, 31 tuổi, Phan Thiết)

- Bác sĩ Lâm: Cốm Biobaby và men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ đường tiêu hóa làm việc tốt hơn nhưng không có nghĩa cứ lười ăn là cho trẻ uống những thứ này. Lười ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân như tôi đã nói ở trên. Bạn chú ý xem xét tất cả các yếu tố để tìm hiểu nguyên nhân chính xác. Có thể nhờ sự giúp đỡ của các các sĩ khám và tư vấn dinh dưỡng.

- Xin bác sĩ tư vấn cách cho bé 8 tháng tuổi ăn hoa quả. Số lượng bao nhiêu là đủ, những hoa quả nào bé đã có thể ăn được? (Thanh Bích, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Nếu 8 tháng tuổi, thì cháu có thể ăn mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa khoảng 50-100 gram quả chín. Chị có thể cho cháu uống nước cam, quýt, hoặc ăn các loại hoa quả mềm như chuối tiêu, đu đủ, dưa hấu, xoài...

- Con tôi đã 20 tháng tuổi, ngay từ nhỏ đã rất hay bị nôn trớ và đến nay vẫn vậy, mặc dù tôi chỉ bón từng miếng nhỏ. Có cách nào khắc phục tình trạng trên? (Bích Hương, 25 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị đã 20 tháng mà vẫn bị nôn và nôn này xuất hiện từ nhỏ, chị cần đưa cháu đến bệnh viện để khám và chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, để có hướng điều trị. Trong trường hợp chưa có chẩn đoán, chị nên cho cháu ăn thức ăn nhừ, nghiền và ít một.

- Con tôi 5 tháng, được ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ. Từ 2 tháng nay tôi có rất ít sữa nên cháu không lên cân. Tôi thử cho con uống sữa bình nhưng cháu dứt khoát không chịu. Tôi cũng đang tập cho cháu ăn dặm 2 tuần nay nhưng chỉ 2 - 3 thìa là khóc. Thậm chí bây giờ cháu cũng rất lười cả bú mẹ. Tôi lo lắm, xin bác sĩ chỉ giúp. (Phạm Hải, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Vẫn nên tiếp tục cho con bú mẹ. Lúc mẹ đi làm, nên cho cháu uống sữa thêm bằng thìa. Khi cháu được tròn 6 tháng, thì mới nên cho cháu ăn thêm bột. Chị cũng nên đưa cháu đi khám tư vấn dinh dưỡng, có thể lứa tuổi này cháu cũng hay thiếu vitamin D dẫn đến biếng ăn.

- Bé nhà tôi 20 tháng nhưng vẫn chưa ăn được cháo hạt mà chỉ ăn cháo xay. Xin hỏi việc xay cháo có mất nhiều chất dinh dưỡng không? (Diệu Thanh, 30 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Con chị ăn cháo xay cũng được vì các chất dinh dưỡng mất đi không nhiều lắm. Tuy nhiên, con chị đã 20 tháng, chị nên cho ăn tăng dần độ thô của thức ăn để cho trẻ tập nhai và luyện hàm, nếu không, trẻ sẽ không nuốt được các thức ăn thô và cơm khi trẻ lớn hơn.

- Thưa bác sĩ, Philatop có sử dụng được cho trẻ biếng ăn không? (Hoài Giang, 24 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Philatop thường được chế biến từ nguồn nhau thai giàu axit amin, vi chất dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ biếng ăn, cũng như người lớn giai đoạn sau mổ hoặc suy nhược cơ thể.

- Con tôi gần 3 tuổi rồi mà không chịu ăn thịt cá hay uống sữa, chỉ thích đồ ngọt như chè, bánh. Làm thế nào để cháu ăn uống bình thường, thưa bác sĩ? (Hạnh Hương, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Điều này nếu kéo dài không tốt cho sức khoẻ của cháu vì chất ngọt chỉ cung cấp mỗi năng lượng còn cháu sẽ thiếu đạm và các chất dinh dưỡng khác. Do vậy, chị nên chế biến món ăn từ thịt cá thật ngon cho cháu. Nếu cháu không thích uống sữa chị có thể cho cháu ăn sữa chua, pho mát hoặc trứng đánh với sữa và hấp cho cháu ăn.

- Thưa bác sĩ Yến, có người khuyên tôi cho con uống thuốc bắc để chữa nôn trớ quá nhiều. Con tôi đã 4 tuổi thì đã uống được loại thuốc này chưa? (Phương Loan, 27 tuổi, Quảng Ninh)

- Bác sĩ Yến: Con chị 4 tuổi, nôn trớ không còn là sinh lý nữa, chị cần phải đưa cháu tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Còn việc dùng thuốc bắc để ức chế nôn chỉ là biện pháp tạm thời, chữa triệu chứng. Mặt khác, tôi không biết rõ loại thuốc chị định dùng cho con là thuốc gì, thành phần ra sao nên không thể khuyên chị cho cháu uống hay không được.

- Con tôi 39 tháng, nặng 13kg, rất hay bị ói ọc và biếng ăn. Cháu ăn một ngày được 3 lưng bát cơm và 600 ml sữa. Tôi nên cho cháu uống thêm loại thuốc bổ nào để kích thích khả năng hấp thụ thức ăn của cháu? (Phùng Văn Huy, 36 tuổi, Nam Hà)

- Bác sĩ Lâm: Tình trạng cân nặng con bạn như vậy là đang ở mức có nguy cơ suy dinh dưỡng (tốt nhất là cân nặng ở mức 14,6-18,7 kg). Để tăng cường khả năng hấp thu của cháu, bạn nên cho cháu uống thêm các loại men tiêu hóa kết hợp với chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, quả chín, có thể bổ sung đa vitamin và khoáng chất.

- Nên cho trẻ ăn thôi ăn cháo để chuyển sang ăn cơm vào lúc nào? (Hòa Long, 29 tuổi, Ninh Bình)

- Bác sĩ Yến: Về tuổi, nên cho trẻ chuyển từ cháo sang cơm khi trẻ được 2 tuổi, vì lúc này, răng của trẻ đã mọc đầy đủ. Trong trường hợp răng mọc chậm thì có thể muộn hơn, chờ đến khi trẻ đủ răng.

- Con em 5 tháng tuổi. Bé chỉ chịu bú sữa khi ngủ, khi bé thức em phải đút muỗng. Xin bác sĩ cho biết lý do. Cho bé bú khi ngủ có tốt không ? (Tram Anh, 31 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Khi bé thức chị cho bé ăn bằng thìa là tốt vì như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh hơn là ăn bằng bình. Khi cháu ngủ thường có phản xạ bú tốt do vậy cháu hay bú ngủ. Cho bé bú khi ngủ cũng tốt nhưng phải theo dõi để tránh gây sặc cho cháu. Chị nên bỏ bình sữa ra kịp thời khi cháu không muốn bú nữa. Chị cũng không nên ngủ quên khi con còn đang bú sữa.

- Con tôi năm nay tròn 3 tuổi, cháu hay bị táo bón. Một bác sĩ tiêu hoá nói rằng ăn nhiều sữa chua (1-2 hộp/ngày) cũng là nguyên nhân gây táo bón, có phải không? (Minh Châu, 29 tuổi, Hà Tĩnh)

- Bác sĩ Yến: Trẻ 3 tuổi hay bị táo bón thường do chế độ ăn ít xơ, trẻ ít uống nước và trong một số trường hợp trẻ bị đại tràng dài. Còn sữa chua không gây nên táo bón. Chị có thể khắc phục bằng cách cho cháu ăn nhiều rau thái to, ăn nhiều xơ và uống nhiều nước. Nếu không hiệu quả, cần đi khám tìm nguyên nhân.

- Con tôi 4 tháng, mẹ chồng tôi bảo phải cho ăn cơm nhai hoặc cháo cho cứng người. Tôi đọc báo thấy như thế là không nên, nhưng nhìn các cháu ở quê mới 4 tháng đã ăn cơm nhai mà vẫn khỏe mạnh béo tốt. Vậy nên hiểu như thế nào ạ? (Phan Hà, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Khi trẻ được 4 tháng, hệ tiêu hoá của cháu chưa hoàn chỉnh. Cháu vẫn nên được tiếp tục bú mẹ hoàn toàn tới khi 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng mới nên cho cháu ăn bổ sung. Và cũng không nên cho cháu ăn cơm nhai hoặc cháo vào lúc này, cháu chưa tiêu hoá được. Nên bắt đầu ăn bổ sung bằng bột loãng, sau đó tăng dần theo tuổi của cháu.

- Con tôi đã 4 tháng rưỡi nhưng không chịu ăn sữa ngoài, chỉ bú mẹ. Làm sao để trẻ có thể ăn thêm ngoài vì tôi phải đi làm rồi? (Thủy Nguyên, 27 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Yến: Nếu cháu bé tăng cân tốt, thì không cần ép cháu ăn thêm sữa ngoài. Chị có thể tranh thủ thời gian về cho cháu bú. Còn nếu chị ở xa thì trước khi đi làm, chị có thể vắt sữa để lại hoặc có thể thay được một bữa bột loãng trong ngày.

- Con gái tôi 6 tuổi, trí tuệ và hoạt động bình thường, nhưng chỉ nặng có 14 cân. Cháu hơi lười ăn, mỗi bữa một bát, mỗi buổi tối đều uống sữa nhưng vẫn không khá hơn. Xin bác sỹ cho biết làm thế nào để thể trạng cháu được cải thiện tốt hơn? Có thể cháu bị bệnh còi xương hay bệnh gì khác không? Địa chỉ nào là nơi tốt nhất ở Hà Nội mà tôi nên đưa cháu đến khám và xin tư vấn? (Đoàn Thị Lâm, 32 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Cân nặng của con gái bạn như vậy là bị thấp, bình thường trẻ gái nên là 19,5 kg, trẻ trai 20,7 kg mới tốt. Bạn phải tăng cường bữa ăn cho cháu cả về lượng và chất. Để biết cháu có bị còi xương hoặc bệnh gì khác không, nên đưa cháu đi khám tư vấn dinh dưỡng. Bạn có thể đưa cháu đến phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng tại 48 Tăng Bạt Hổ.

- Tôi có cháu trai 34 tháng mà chỉ nặng có 12 kg. Từ tháng thứ 3 sau khi tiêm phòng về, cháu đã lười bú mẹ và chưa bao giờ chịu bú bình. Đến khi chuyển sang ăn bột và cơm thì cháu rất biếng ăn, gần đây lại thêm tật ngậm. Có phải do tiêm văcxin nên cháu bị như thế không? (Nguyễn Thị Hương, 26 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Không phải do tiêm vắcxin mà cháu biếng ăn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cháu biếng ăn, do chế độ ăn không hợp lý, thiếu vi chất... Con chị 34 tháng mà nặng chỉ 12 kg thì có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Chị nên đến gặp các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn kịp thời.

- Con tôi ra đời khi mới hơn 7 tháng, cân nặng 1,5 kg. Hiện cháu 33 ngày tuổi, nặng 1,9 kg, sức khoẻ tốt, đã tự ăn bằng vú giả (mẹ cháu mổ đẻ hiện vẫn mất sữa), dùng sữa cho trẻ thiếu tháng. Xin hỏi nên chọn sữa nào cho cháu, lượng bao nhiêu mỗi ngày? Lúc nào nên cho ăn bổ sung? Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến thị giác của cháu không vì cháu sinh thiếu tháng? (Phạm Thị Giang, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Con chị tăng cân trong tháng vừa rồi là chậm, vì vậy chị cần chọn những loại sữa cho trẻ dưới 6 tháng có năng lượng cao, tốt nhất là dùng những sữa mà thành phần đạm đã được thuỷ phân làm trẻ dễ tiêu hoá. Cháu của chị hiện tại cần ăn khoảng 400-450 ml sữa/1 ngày, chia làm 10 bữa. Khi cháu tròn 6 tháng hãy cho ăn bổ sung. Chế độ ăn cũng đóng góp một phần vào phát triển thị lực của trẻ nên chị nên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin A, choline.

- Thưa bác sĩ, xin chỉ cho cháu cách cho ăn hợp lý mà không mất nhiều thời gian, dẫn đến mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm đã chế biến. (Hà Thị Hoa, 22 tuổi, Nghệ An)

- Bác sĩ Lâm: Chị có thể dùng các bộ dinh dưỡng chế biến sẵn như Growsure có đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nên cho cháu ăn vào lúc chị không có thời gian như buổi sáng hoặc buổi tối. Còn lúc khác có thể cho cháu ăn bột hoặc cháo do gia đình chế biến. Để không mất chất dinh dưỡng như rau xanh chị nên cho vào khi bột đã chín, đun sôi thêm một chút là được. Còn dầu ăn chị nên tắt bếp rồi mới cho dầu vào bột hoặc cháo của cháu thì sẽ tốt hơn.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến buổi tư vấn hôm nay. Hy vọng những thông tin sơ bộ trên sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của các bậc phụ huynh. Do thời gian có hạn, chúng tôi hẹn gặp các bạn trong một dịp khác.

VnExpress

Ảnh: Hoàng Hà.