Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Bí quyết đối phó khi bé biếng ăn

Khuyến khích trẻ thèm ăn chứ không ép ăn đủ số lượng'

Bố mẹ phải tin vào khả năng ăn uống của trẻ, hãy tạo cho bé cơ hội thèm ăn. Càng ép trẻ ăn càng dễ khiến bé có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Đó là lời khuyên của hai chuyên gia Hoàng Trọng Kim và Benny Kerzner trong buổi tư vấn về chứng biếng ăn ở trẻ tại VnExpress.net sáng 14/5.

- Con trai tôi 25 tháng, nặng 12kg. Ở nhà cháu không chịu ăn gì cả và cũng không uống sữa. Chưa bao giờ vợ chồng tôi có thể cho cháu ăn được 3 bữa/ngày. Chúng tôi đã thử thay đổi nhiều món nhưng cũng không có tác dụng. Đói lắm thì cháu chỉ ăn được một bữa món mà cháu thích ví như: bún hoặc phở. Xin hỏi cháu có biếng ăn không? Làm thế nào để khắc phục? Hay tình trạng của cháu là bị áp lực tâm lý khi bị ép ăn ở trường? (Diem Phuong, 32 tuổi, TP HCM)

- Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Trọng Kim: Chị Diễm Phương thân mến, con chị 25 tháng, 12 kg thì không thiếu cân lắm. Tuy nhiên, cháu chỉ ăn những món ưa thích thì có thể xếp vào nhóm kén ăn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, từ tâm lý cho đến bệnh lý. Muốn biết rõ nguyên nhân, chị phải đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để hỏi bệnh sử, khám, đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của cháu, tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Ở những trẻ từ 2 đến 3 tuổi như con chị, nguyên nhân tâm lý cũng thường gặp vì trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, có thể ham chơi hơn ham ăn. Do vậy, cha mẹ cần khéo léo trong cách xử trí, áp dụng đúng các nguyên tắc cho trẻ ăn, như: chọn thức ăn thích hợp với lứa tuổi của trẻ, không khí bữa ăn phải vui vẻ, không nên cố ép quá mức...

- Đối với trẻ biếng ăn, có nên ép trẻ ăn hay không? Trẻ 2 tuổi thì một ngày cần ăn tối thiểu bao nhiều kcal? Với trẻ chậm tăng cân, hấp thu kém (2~3 tuổi), có thể giảm cháo, tăng sữa lên cho trẻ không? Chế độ ăn như thế nào là hợp lý với các bé biếng ăn, chậm tăng cân? (Vu Anh Nguyet, 26 tuổi, Hà Nội)

- Giáo sư Benny Kerzner: Trong mọi trường hợp không nên được bắt buộc trẻ em ăn vì điều này xem ra còn nguy hiểm hơn là sự duy dinh dưỡng nữa. Chúng tôi làm nghiên cứu và thấy rằng bắt buộc trẻ thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm mẹ con và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu. Vì vậy, tôi không bao giờ đưa ra con số về thức ăn cần thiết cho cháu vì thường khiến các bà mẹ ngộ nhận là phải bắt cháu ăn đủ số lượng đó. Điều quan trọng là khuyến khích cháu thèm ăn chứ không phải bắt cháu ăn đủ số lượng.

Các bác sĩ cân nhắc trả lời trước nhiều câu hỏi của phụ huynh gửi đến nhờ tư vấn. Ảnh: Đức Quang

- Một số người cho rằng, nhiều trẻ em Việt Nam biếng ăn là do phải trải qua quãng thời gian ăn cháo quá dài, từ 1 tuổi đến 2-3 tuổi, theo ông, nhận định này có đúng không? (Đoàn Loan, 32 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Nhận định này rất hợp lý, bởi thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ chưa đủ răng phải chọn thức ăn loãng, trẻ lớn đủ răng thì chỉ thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Nếu cho ăn cháo kéo dài, thường xuyên thì trẻ chán ăn, thậm chí có thể tạo ra tâm lý sợ thức ăn loãng.

- Con gái tôi được 17 tháng, cháu được 10kg, đang mọc răng hàm cháu vẫn khoẻ và chơi ngoan. Ba tháng gần đây cháu bỏ ăn cháo và bột và cũng không tăng cân, tôi có cho cháu uống sữa Pedia sure, tôi rất lo lắng liệu sử dụng sữa thay thế như vậy trong thời gian dài có ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của cháu hay không. Làm sao để cháu ăn trở lại? (Nguyen Thanh Son, 31 tuổi, Đà Lạt)

- GS Hoàng Trọng Kim: Việc con anh bỏ thức ăn loãng cũng thường gặp, vì cháu đã có răng hàm, thích nhai những thức ăn đặc hơn cháo, bột. Hiện tại cháu đang dùng Pediasure là hợp lý vì đây là loại thức ăn dạng sữa và một số dưỡng chất khác tương đối đầy đủ, cân đối. Cháu có thể dùng lâu dài, nhưng trẻ từ 3 đến 4 tuổi trở lên thì phải dùng nhiều loại thức ăn đa dạng như người lớn thì mới giúp trẻ phát triển tốt được.

Muốn cháu ăn trở lại, nên bắt đầu bằng những thức ăn cháu thích rồi dần dần tập cho cháu ăn đa dạng sau.

- Bé nhà tôi gần 1 năm nay không thấy lên cân, 2,5 tuổi nặng 15kg, cao gần 1m. Mỗi ngày bé uống 300ml sữa công thức, 1 hũ yaour, 2 chén cơm, 4 cục pho mai, như vậy có đủ dinh dưỡng so với độ tuổi của bé không? (Nguyễn Thị Thanh Hương, 31 tuổi, Nha Trang)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 2,5 tuổi, nặng 15 kg, cao gần 1m là không bị suy dinh dưỡng. Về mặt năng lượng, cháu ăn như vậy là đầy đủ, nhưng cần phải đa dạng hơn, nên thay đổi thực đơn mỗi ngày. Chị nên cho cháu ăn nhiều loại trái cây.

- Con tôi 19 tháng tuổi nhưng cháu hầu như không thích ăn trái cây. Tôi lo rằng cơ thể cháu sẽ không đủ vitamin, vậy có cách nào giúp cho con tôi ăn được trái cây? Cháu ăn nhiều sữa chua có tốt không? (Phan Thi Thanh Thuy, 29 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Có nhiều cách để bổ sung Vitamin cho cháu và rau quả và trái cây là một trong số các cách đó. Thường thì các cháu rất ít ăn loại thực phẩm này nhưng các bà mẹ đừng lo lắng quá mà nên nhìn vào toàn bộ chế độ ăn, nếu có thiếu một hai món thì cũng không sao. Cách khuyến khích cháu ăn được rau quả là hãy để cháu bắt đầu bữa ăn với bụng đói (nên để khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn cách nhau 3 giờ). Đối với trẻ nhỏ nên tập cho cháu tiếp xúc với rau quả bằng cách bày lên đĩa nhưng không ép cháu ăn đồng thời mẹ nên ăn làm gương và biểu lộ sự thích thú khi ăn. Sau khoảng 10-15 lần có thể cháu sẽ đề nghị được ăn. Nếu cháu nôn khi ăn món mới, nên ngưng món này. Sữa chua là thức ăn rất tuyệt đối với trẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Trọng Kim: "Nguyên tắc cho trẻ ăn là phải tập trung, tránh ép buộc, không kéo dài bữa, không dùng thức ăn làm phần thưởng hay phạt". Ảnh: Đức Quang

- Bé nhà em được 14 tháng tuổi, tuy nhiên bé vẫn ăn bột với thịt, rau xay nhỏ như trẻ mới tập ăn dặm, vì nếu xay to là bé oẹ ra hết và không thể ăn được. Bé cũng không thể ăn được những đồ ăn khác như cháo, mì, bánh...Vì cứ gợn gợn là bé oẹ ra ngay. Mỗi bữa ăn của bé cũng phải mất 30-45 phút. Nhờ bác sĩ tư vấn để bé có thể ăn ngon miệng và ăn đa dạng các loại thức ăn? (Nguyễn Lan Hương, 27 tuổi, Hải Phòng)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 14 tháng tuổi chưa có đủ răng nên ăn thức ăn xay nhuyễn là thích hợp. Chị không nên ép cháu ăn những thức ăn quá đặc và cứng, như vậy cháu sẽ nôn ói. Mỗi bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù ăn chưa hết cũng nên ngưng. Chị đừng lo cháu ăn thiếu chất vì cháu sẽ ăn bù vào các bữa kế tiếp. Việc kéo dài bữa ăn không có lợi vì thức ăn sẽ nguội, tanh có thể gây tâm lý sợ ăn cho cháu.

- Con tôi gần 6 tuổi nhưng vẫn biếng ăn, hầu như không thích loại đồ ăn nào, trừ snack. Tôi luôn ép cháu ăn nhưng cháu ăn rất chậm, nếu không cháu đã bị suy dinh dưỡng. Làm thế nào để trị chứng biếng ăn ngay từ khi ăn dặm (lúc đầu mới ăn dặm, cháu ăn rất tốt)? Tôi đã đọc nhiều sách, thay đổi chế độ ăn ... nhưng vẫn là ép cháu ăn, nếu không ép thì thật khó. Mong bác sĩ tư vấn để giúp cho đứa con sau. (Trần Thị Hạnh, 26 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Nguyên tắc cơ bản của việc cho bé ăn là cha mẹ quyết định 3 vấn đề: khi nào ăn, ăn gì, ăn tại đâu? Còn cháu sẽ quyết định là ăn bao nhiêu. Như vậy sai lầm của bà mẹ trong trường hợp này là cho cháu ăn snack (có thể không tốt cho sức khỏe) và để cháu ăn quá lâu. Lời khuyên dành cho bà là hãy cho cháu ăn vào những thời điểm cố định trong ngày (3 bữa ăn + bữa snack). Thời gian ăn từ khoảng 15-40 phút, nếu quá thời gian này mà bé chưa ăn xong thì chị cứ chấm dứt bữa ăn, vì khi cháu đói cháu sẽ ăn bù.

- Thưa giáo sư Hoàng Trọng Kim, con cháu chỉ ăn khi vui chơi chạy nhảy vì tính hiếu động, chưa bao giờ cháu chịu ngồi một chỗ mà ăn hết khẩu phần ăn, vậy làm cách nào để cháu ăn nhiều và ăn hết thưa giáo sư? (Vũ Anh, 34 tuổi, 19/74 Thịnh Hào 1 - Đống Đa - Hà nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu chỉ ăn khi vui chơi chạy nhảy, đúng là cháu hiếu động. Trường hợp này cũng rất thường gặp ở trẻ. Cha mẹ nên khéo léo khi xử trí. Ban đầu, anh có thể nương theo tính hiếu động của cháu, cho phép cháu vui chơi khi ăn, nhưng theo nguyên tắc là sai. Phải tập dần để trẻ tập trung vào bữa ăn, ý thức là mình đang ăn thì hệ tiêu hóa mới tiết ra đầy đủ các dịch tiêu hóa, tạo sự ngon miệng cho trẻ khi ăn...

Trong thực tế, những trẻ hiếu động thường thiếu cân vì tiêu hao năng lượng nhiều nên cha mẹ phải tạo cho trẻ chế độ ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng như đạm, mỡ, đường, sinh tố, khoáng chất và các vi chất.

- Cháu nhà tôi 20 tháng tuổi, đang ăn cháo các loại. Song, cứ đến giờ gia đình ăn cơm là cháu đòi ăn. Cho cháu ăn cơm chan nước rau và cháu rất thích, ăn được 1 bát con. Nhưng chỉ có cơm với nước rau nên sẽ không đủ chất (thịt, rau cứng thì cháu chưa nhai được nên bị hóc). Vậy chế độ ăn như thế nào là thích hợp nhất cho cháu? Làm thế nào để cháu chịu ăn nhiều rau và các loại hoa quả? Xin cám ơn! (Bùi Đức Mạnh, 30 tuổi, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Một bà mẹ khác hỏi tôi rằng, cháu 20 tháng đang được ăn cháo thích ăn cơm có thể được ăn thêm các thức ăn bổ dưỡng khác như: thịt và rau quả. Ở tuổi này ăn thịt rất phù hợp. Bà mẹ có thể dọn thịt cho cháu nhưng không ép cháu ăn mà chỉ quan sát. Lúc đầu cháu sẽ ăn rất ít nhưng dần dần sẽ ăn nhiều hơn. Nếu chỉ cho cháu ăn cơm thì cháu dễ bị thiếu sắt. Trẻ có thể ăn được thịt từ 6 đến 12 tháng chứ không đợi đến 20 tháng.

- Thưa giáo sư, đề nghị giáo sư hướng dẫn phương pháp cho con ăn và chăm sóc dinh dưỡng cho con để tôi tránh được những sai lầm do thiếu hiểu biết. (Nguyễn Thị Hải Vân, 30 tuổi, Haivan.Nafi@mard.Gov.Vn)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Hải Vân thân mến, câu hỏi của chị rất hay. Theo nguyên tắc ăn uống thì phải:

Thứ nhất, tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem ti vi, đọc truyện tranh, chơi đùa trong khi ăn.

Thứ hai, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù trẻ ăn chưa hết cũng nên ngưng, đừng sợ trẻ ăn thiếu vì trẻ sẽ ăn bù vào những bữa sau.

Thứ ba, tránh những thức ăn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ, như: thức ăn quá cứng ở những trẻ chưa đủ răng hoặc quá loãng ở trẻ đã lớn.

Thứ tư, tránh ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý trẻ xem việc ăn uống là cực hình.

Thứ năm, cha mẹ không nên dùng thức ăn làm phần thưởng hay xử phạt trẻ để tránh tâm lý sợ thức ăn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo không khí ấm cúng trong gia đình khi ăn, cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, tự ăn dù còn vụng về làm rơi vãi thức ăn...

- Con tôi được 16 tháng tuổi, nhưng hễ thấy tôi bê bát cháo ra là cháu sợ, và chạy đi nấp, xin hỏi làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Hiện nay cháu vẫn chưa biết gọi bà, như vậy có bình thường không? Xin cảm ơn bác sỹ (Dinh Cuong, 30 tuổi, Binh Duong)

- GS Benny Kerzner: Ở tuổi này nên cho trẻ ngồi ở ghế cao để cháu không thể tự ý bỏ đi được. Chị nên dọn thêm những món khác song song với cháo như thịt hoặc sữa để cháu có thể chọn. Điều quan trọng là chị nên đảm bảo chế độ ăn của cháu được đa dạng và cân bằng về dinh dưỡng để nếu cháu không ăn được cháo thì có thể chọn những thứ khác ví dụ như các loại sữa giàu năng lượng bổ sung. Nếu sau 20 phút cháu không ăn hết nên dừng bữa ăn, đợi 3 giờ sau cho cháu ăn lại, trong thời gian này chỉ nên cho cháu uống nước lọc để cháu mau đói.

- Việc ép cháu ăn bằng cách pha trò, dọa nạt liệu có ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ không? Cháu nhà tôi phải dùng cách trên thì mới hết trong vòng 30 phút, nếu không có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Tôi đã cho cháu ăn tùy thích, kết quả 1 ngày chỉ được 1 bát cháo, 1 bình sữa, ngay hôm sau cháu ốm. Dọa nạt thì mỗi ngày ăn được 500ml sữa, 3 bát cháo, vui tươi khỏe mạnh. (Trần Lê Thanh Huyền, 28 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Đe dọa có thể có rất nhiều tác hại về mặt tâm lý cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng dọa nạt có thể làm cháu chậm phát triển và giảm tăng cân. Nguy cơ suy dinh dưỡng còn thấp hơn nguy cơ rối loạn phát triển. Nếu bà mẹ lo lắng có thể mang trẻ đến bác sỹ nhi khoa hoặc cho cháu dùng sữa bổ sung giàu năng lượng. Điều quan trọng là bữa ăn phải vui vẻ chứ không nên là bãi chiến trường.

- Chào Giáo sư . Con gái tôi hiện nay được 10 tháng tuổi, việc ăn uống của cháu là cả một vấn đề. Mỗi khi cho cháu ăn là như đánh vật vậy. Tôi đổi món thường xuyên cho cháu, nhưng cũng không khá hơn. Và cháu rất hay bị đi phân sống, tôi đã cho cháu uống men tiêu hoá mà không thấy khả quan hơn . Xin giáo sư tư vấn giúp. Cảm ơn giáo sư (Bùi Thị Thanh Hằng, 30 tuổi, Tầng 1, Toà nhà vimeco, Cầu giấy, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Thanh Hằng thân mến, chị cho biết thường xuyên đổi món cho cháu, nhưng không biết đã chuyển đổi những món gì.

Hiện con chị 10 tháng, chưa đủ răng, chưa ăn được thức ăn đặc. Đối với cháu, chỉ có sữa, bột hoặc cháo là thích hợp. Vậy, ngoài sữa, chị có thể cho cháu ăn một ngày hai bữa cháo loãng nấu với thịt, cá, lươn, ếch, gà... thay đổi theo từng ngày để thay đổi khẩu vị cho cháu. Về việc cháu đi phân sống, chị có thể cho cháu dùng men tiêu hóa khoảng 10 ngày, không nên kéo dài vì không cần thiết, quan trọng là phải chọn những thức ăn phù hợp với lứa tuổi của cháu.

- Thưa giáo sư Hoàng Trọng Kim, bé nhà cháu chỉ ăn khi bật đĩa bé Xuân Mai 3tuối, bé vừa ăn vừa xem. Dây là thói quen của bé, nếu không bật đĩa Xuan Mai hát thi bé ăn không tập trung, mất rất nhiều thời gian.. Cháu làm như vậy có đúng không? Bé gái được 16tháng, 11kg, cao 80cm. (Do Huong Giang, 28 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Hương Giang thân mến, cháu vừa ăn vừa xem ti vi là không đúng. Chị nên tập dần cho cháu có thói quen tập trung vào bữa ăn, giúp cho hệ tiêu hóa tiết ra đầy đủ các men tiêu hóa, giúp dễ tiêu, trẻ sẽ ngon miệng hơn trong khi ăn.

Giáo sư Benny Kerzner: "Nên sử dụng quyền làm mẹ để quyết định giờ ăn cũng như loại thức ăn cho cháu". Ảnh: Đức Quang

- Cháu nhà tôi được 18 tháng tuổi, đã mọc nhiều răng nhưng vẫn không chịu nhai, chỉ nhấm nhấm một lúc rồi lại nhè ra mà không nuốt. Hiện giờ tôi vẫn phải cho cháu ăn cháo xay nhuyễn. Vậy có cách nào để tập nhai cho cháu không ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Anh Tuấn, 29 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Có thể cháu thuộc dạng trẻ sợ nuốt, do đó nên bắt đầu cho cháu ăn bằng chất lỏng để cháu dễ nuốt. Sau đó cho ăn thức ăn đặc dần lên nhưng đừng quá nhanh. Mặt khác có thể cháu mắc một số khuyết tật như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh về thực quản. Nên cho cháu đi bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Tại Mỹ, có những chuyên gia trị liệu chuyên huấn luyện nhai cho những cháu bé như thế này nhưng tôi không rõ tại VN có hay không.

- Xin hỏi Giáo sư Benny Kerzner, cháu nhỏ nhà tôi bị biếng ăn từ bé cho đến nay gần 6 tuổi, thì liệu sẽ xảy ra những hậu quả gì về sau? Biếng ăn có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, tâm sinh lý của trẻ không? (Ngọc Lan, 32 tuổi, TP HCM)

- GS Benny Kerzner: Thường thì các cháu biếng ăn vẫn phát triển bình thường. Để có thể trả lời chính xác câu hỏi của bạn tôi muốn biết cháu biếng ăn kiểu gì vì có nhiều loại biếng ăn như: ăn ít, sợ ăn hoặc mắc bệnh đường tiêu hóa. Hậu quả tùy thuộc vào loại biếng ăn. Trong trường hợp của bạn, tôi cho rằng nếu cháu vẫn đang phát triển bình thường thì bạn cũng không cần phải lo lắng lắm.

- Cháu nhà tôi được 3,5 tuổi. Từ nhỏ cháu đã hay nôn trớ vì amidan quá to . Nay cháu ăn cơm, mỳ, phở, bún được rất ít, mỗi bữa chỉ vài thìa, nhai lâu và không có cảm giác đói. Vì lo cho nhu cầu dinh dưỡng chúng tôi phải cho uống thêm sữa và ăn thêm cháo, nhưng đến nay cháu phản đối ăn cháo rất quyết liệt. Mong bác sỹ có giải pháp hữu hiệu với trẻ như cháu. Xin cảm ơn bác sỹ nhiều. (Dang Thuy Hanh, 30 tuổi, Thuy Khue, Hanoi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Thúy Hạnh thân mến, cháu 3,5 tuổi, tức đã mọc răng đầy đủ, cháu thích thức ăn cứng và đặc nhưng chị ép bé ăn cháo thì cháu phản ứng quyết liệt là đúng. Ở tuổi này, cháu hay bắt chước, muốn giống người lớn, chị nên cho cháu ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình, tự chọn từng món ăn như người lớn. Ban đầu có thể cháu ăn chưa tốt, nhưng dần dần sẽ có kết quả.

- Thưa Giáo sư, em bé nhà cháu 5 tuổi cả ngày ăn ở nhà trẻ, đến bữa tối nếu không ép để bé ăn tự do thì lượng thức ăn chỉ được khoảng nửa bát thôi thì có được không? Bé rất nhỏ, chỉ khoảng 14kg và ăn rất chậm. Có cách nào nạp thêm năng lượng vào cho bé không ạ? Cảm ơn Giáo sư. (Hoang Dung, 28 tuổi, Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Điều quan trọng là phải biết cháu ăn ở nhà trẻ có đủ hay không. Mặt khác nếu bố mẹ cháu có khổ người nhỏ thì cháu cũng sẽ có vóc người nhỏ. Thông thường các em bé ăn khá ít chứ không ăn nhiều như người lớn. Tóm lại, nếu cháu không khác biệt gì so với các thành viên khác trong gia đình và đang phát triển bình thường thì không cần ăn thêm.

- Con gái tôi 4.5 tuổi, 15kg và cao 99cm. Cháu rất lười ăn và kén ăn. Tôi có cần đưa cháu đi làm các xét nghiệm không? Ở Việt Nam thường không đưa trẻ đi khám nếu trẻ không có bệnh, còn nếu khám dinh dưỡng thì các bác sỹ hay kê rất nhiều thuốc mà thông thường sau đợt thuốc bé lại biếng ăn trở lại. Tôi nên làm gì? Giờ trông bé chỉ như em bé 3 tuổi thôi. (Anhongnhung, 30 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Trường hợp của con chị là hơi nhẹ cân và thấp so với lứa tuổi. Chị có thể đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, nếu có bệnh thì điều trị, nếu không bác sĩ sẽ hướng dẫn về dinh dưỡng, chế độ ăn thích hợp cho cháu tốt hơn việc dùng thuốc kéo dài như chị đã đề cập.

- Thưa giáo sư. Cháu nhà tôi được 12 tháng tuổi, cứ nhìn thấy chuẩn bị cho cháu ăn là cháu lại khóc rồi cúi đầu không chịu ăn. Tôi thấy bảo nên cho cháu uống B1 để cháu nhanh đói. Liệu có cho cháu uống được không và nên uống như thế nào? (Vũ Thu Hoài, 20 tuổi, Hoàng Mai Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu 12 tháng, cứ nhìn thấy thức ăn là khóc, tức thuộc loại biếng ăn. Đúng là vitamin B1 có thể tạo cảm giác "mau đói" vì nó góp phần trong chu trình chuyển hóa các chất bột, nhưng không đáng kể. Liều duy trì cần thiết khoảng 2-3mg mỗi ngày.

- Tôi có con trai năm nay 39 tháng tuổi, cháu vẫn ăn cháo xay chưa ăn được cơm và cháu rất sợ ăn, tôi muốn được giáo sư tư vấn giúp (Nguyễn Thi Huệ, 28 tuổi, Phòng 202 nhà I-17- láng hạ ,Đống đa, Hà nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu hơn 3 tuổi, đã đủ răng, mà vẫn ăn cháo xay, chưa ăn được cơm là điều không bình thường. Một trong những nguyên nhân có thể là do gia đình chưa tập cho cháu ăn cơm. Để khắc phục, chị nên tập dần cho cháu bằng cách cho cháu cùng ngồi ăn với cả gia đình, tự chọn thức ăn, để cháu bắt chước ăn như người lớn.

- Bé nhà cháu hiện nay được 17 tháng, lười ăn. Sáng ngủ dậy khoảng 9h cháu mới chịu ăn. Song đến chiều tối thì cháu ăn nhiều hơn và rất thích ăn vặt (bim bim, kẹo, sữa chua, hoa quả nhưng mỗi thứ chỉ một chút). Cháu cũng đã mua cốm vi sinh, Vitamin B1 nhưng cũng không cải thiện, thỉnh thoảng bị táo bón. Làm thế nào để cháu vừa chịu ăn bữa chính và ít ăn vặt? (Nguyễn Ngọc Hoa, 30 tuổi, hoàn kiếm, HN)

- GS Benny Kerzner: Chị nên sử dụng quyền làm mẹ để quyết định giờ ăn cũng như loại thức ăn cho cháu. Không nên cho cháu ăn những thứ thức ăn vặt như nước trái cây và kẹo vì có thể làm cho cháu no nên không ăn được bữa chính. Bữa ăn chính rất quan trọng dù bé không ăn vì khi không ăn thì bé sẽ đói và sẽ ăn nhiều vào bữa ăn kế tiếp.

- Cháu nhà tôi 12 tháng không chịu ăn gì mà chỉ uống sữa tươi. Bà pha sữa Pediasure sau đó đổ vào hộp sữa tươi cho cháu uống nhưng cháu phát hiện được mùi lại nhè ra. Gia đình tôi phải làm như thế nào bây giờ? (Lê Thị Lan Hương, 30 tuổi, Thành phố Điện Biên Phủ)

- GS Hoàng Trọng Kim: Cháu đã quen mùi sữa tươi nên từ chối các loại sữa khác là điều bình thường. Tuy nhiên, sữa tươi chỉ thích hợp với những bé từ 2 tuổi trở lên. Muốn cháu không nhè Pediasure, chị phải tập cho cháu quen từ từ với mùi sữa mới. Ban đầu, chị cho cháu làm quen bằng cách chơi, nhìn, ngửi mùi loại sữa mới, chị cũng có thể uống trước cho cháu thấy để cháu bắt chước uống theo.

- Thưa giáo sư, con trai tôi được 4,5 tháng tuổi, từ lúc 2 tháng tuổi cháu chỉ toàn ăn lúc ngủ, lúc thức cháu không chịu ăn. Dạo này cháu ít ngủ hơn nên lần ăn cũng ít hơn, và lúc ăn cũng không nhiệt tình như đợt trước. Giáo sư có thể chỉ dẫn cho tôi phương pháp để giúp cháu ăn lúc thức được không? Cảm ơn và chúc giáo sư sức khoẻ, hạnh phúc. (Tran Anh Tu, 30 tuổi, 26 Ly Thuong Kiet, Ha Noi)

- GS Benny Kerzner: Trẻ chỉ bú lúc ngủ là một dấu hiệu của một bệnh lý thực thể như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng thức ăn, viêm dạ dày... Các bệnh này gây khó chịu nên cháu không bú được lúc thức mà chỉ bú khi buồn ngủ. Nên cho cháu đi khám bác sỹ để loại trừ tình huống này trước.

- Tại sao cháu nhà tôi đã 33 tháng tuổi rồi mà rất lười ăn thịt cá, chỉ thích ăn cơm trắng không và rất lười ăn. (Nguyen Dinh Thi, 32 tuổi, Cau Dien Tu Liem Ha Noi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Nếu cháu chỉ thích ăn cơm trắng, nguy cơ suy dinh dưỡng sẽ rất cao. Chị cần kiên nhẫn tập dần cho trẻ ăn thêm nhiều loại thức ăn, kể cả thịt và cá. Chị nên cho cháu ăn cùng với mọi người để cháu bắt chước ăn theo.

- Chào bác sĩ. Con em được 17 tháng tuổi. Mỗi lần cháu ăn thường xem tivi hoặc có đồ chơi thì cháu mới chịu ăn, không bao giờ cháu tự đòi ăn cả. Bác sĩ có thể tư vấn giúp cách gì làm cho cháu ăn thấy ngon miệng mà vui vẻ tự nguyện đòi ăn không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Đoàn Hồng Tuyến, 26 tuổi, Tương Mai - Hà Nội)

- GS Benny Kerzner: Tôi cũng đồng ý là trong trường hợp này cần phải thay đổi cách cho trẻ ăn. Tivi có nhiều tác dụng có hại nếu dùng để dụ trẻ ăn, chẳng hạn như trẻ có thể bị béo phì về sau. Khi vừa ăn vừa xem tivi, trẻ không nhận thức được là đói hay no mà chỉ ăn theo phản xạ nên rất dễ béo phì về sau cũng như hình thành thói quen vừa ăn vừa xem tivi. Nguyên tắc giúp ích trong trường hợp này là hãy để bé đói. Sắp xếp hai bữa ăn cách nhau 3 giờ và không cho bé ăn vặt trong khoảng thời gian này. Đừng hoảng sợ nếu bé bỏ 1-2 bữa ăn vì điều này cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe chung của cháu.

- Con trai tôi 2 tuổi rưỡi tháng nào cũng bị bệnh vài bữa, lúc ho, lúc sổ mũi, ăn uống thì thất thường bữa đực bữa cái, cân nặng kém hẳn với các bạn cùng trang lứa, tôi lo rằng bé đã bị thiếu chất. Xin bác sỹ cho biết, có phải do biếng ăn mà bé hay bị bệnh không? Có cách nào giúp bé nhà tôi tăng cân và hết bệnh không ạ? (Thùy Trang, 28 tuổi, Bình Dương)

- GS Hoàng Trọng Kim: Chị Trang nói rất đúng, biếng ăn gây bệnh, ngược lại, bệnh cũng làm cho trẻ biếng ăn. Muốn cho con chị hết bệnh và lên cân, chị nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để điều trị và được hướng dẫn về dinh dưỡng, cách chăm sóc, cách nuôi dưỡng, vệ sinh môi trường... Chị cũng có thể liên hệ với Hội nhi khoa Việt Nam qua số điện thoại 322436426 để được tư vấn về bệnh biếng ăn cho trẻ.

- Kính chào Giáo sư, cháu nhà tôi được 18 tháng, không chịu ăn gì, đút vào miệng thì nhè ra, không nhai cũng không nuốt. Cháu chỉ bú bình và rất lười bú. Lưỡi của cháu đóng nhiều đẹn, tôi sử dụng Daktarin để rơ lưỡi cho cháu nhưng vẫn không khỏi và thường tái lại. Xin giáo sư cho biết có thuốc nào trị đẹn tốt và hiệu quả hơn không? Dùng thường xuyên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không ? (Nguyễn Thanh Tràng, 26 tuổi, 59 Đường 30/4, Phường 1, TX.Vị Thanh, Hậu Giang)

- GS Benny Kerzner: Có đẹn ở miệng gián tiếp báo hiệu có viêm ở những đoạn khác của đường ruột, bệnh này có nhiều nguyên nhân.Tốt nhất là chẩn đoán được nguyên nhân, nhưng ngay chuyện chẩn đoán này cũng khó. Một trong những nguyên nhân phổ biến là dị ứng với thức ăn, mắc bệnh trào ngược dạ dày... Muốn sử dụng thuốc hiệu quả cần phải khám và có chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể. Thuốc Daktarin nếu thoa lên vết loét thông thường thì không hiệu quả.

- Xin giáo sư hướng dẫn cho tôi cách tập cho trẻ ăn dặm? (Thanh Huong, 28 tuổi, Ba dinh - hanoi)

- GS Hoàng Trọng Kim: Từ 4 tháng trở lên, sữa không đủ để bảo đảm tình trạng dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần phải cho trẻ ăn dặm. Vậy, nên ăn dặm thế nào cho hợp lý? Theo nguyên tắc, cha mẹ nên chọn những thức ăn phù hợp với lứa tuổi, khẩu vị của trẻ, nên chọn thức ăn có chứa các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, dạng thức ăn từ loãng đến đặc, số lượng từ ít đến nhiều. Ngoài ra cha mẹ cũng nên hướng sự chú ý của trẻ vào bữa ăn, không cho trẻ xem tivi hay chơi đùa khi ăn, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, tập cho trẻ tự ăn, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn...

- Con tôi từ khi sang tháng thứ 2 bắt đầu bú mẹ ít hơn trước. Trước đây, cháu bú 15 phút, giờ chỉ còn 5 phút, tôi lo không biết cháu bú đủ không? Thời gian cách nhau giữa các cữ bú thường là 2-3 tiếng. (Như Trang, 34 tuổi, Hà Nội)

- GS Hoàng Trọng Kim: Khi lớn 3-4 tháng cháu bú mạnh và nhanh hơn lúc 2 tháng, nên thời gian bú không quan trọng mà quan trọng là lượng sữa bú vào. Muốn biết cháu bú đủ hay không phải cân cháu trước và ngay sau bú bằng một loại cân thật nhạy. Nếu cháu vẫn phát triển đầy đủ, lên cân đều thì không lo thiếu sữa. Ngược lại cháu không phát triển tốt thì nên đi khám bác sĩ nhi khoa.

Trên thế giới có đến 50% ông bố bà mẹ lo lắng về chế độ dinh dưỡng cho con cái. Tuy nhiên chắc chắn rằng không phải lo lắng là ép buộc con mình trong việc ăn uống. Càng ép buộc thì càng dễ khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Bố mẹ nên tự tin trong việc chuẩn bị chế độ dinh dưỡng phong phú và cân bằng cho trẻ. Tránh cho bé ăn vặt hoặc uống nước trái cây trước giờ ăn vì những thứ này sẽ khiến bé mau no. Mọi bữa ăn đều quan trọng nhưng nếu con bạn bỏ 1-2 bữa cũng không ảnh hưởng gì vì bé sẽ ăn bù vào bữa ăn kế tiếp. Hãy tin vào khả năng ăn uống của con bạn. Thông thường những trẻ được bố mẹ cho cơ hội thèm ăn thì việc ăn uống trở nên dễ dàng, hứng thú và có hiệu quả tốt hơn. Chân thành cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc, chúc sức khỏe và hẹn gặp lại.

Cám ơn và xin chào độc giả!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét