Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Bé sốt mọc răng và cách chăm sóc bé

Trẻ mọc răng thường hay sốt và quấy khóc, các bậc cha mẹ thường rất lo lắng. Các bậc phụ huynh hãy tham khảo những kinh nghiệm sau để yên tâm về thời kỳ mọc răng của bé yêu nhé.

Số răng trung bình của trẻ mọc được tính bằng (số tháng - 4), ví dụ trẻ 8 tháng, thường mọc 8-4=4 răng. Khi trẻ đủ dinh dưỡng thì số răng mọc cũng đều và chắc khỏe hơn.



Cách chăm sóc trẻ mọc răng

Chảy nhiều nước dãi, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, sốt nhẹ, lợi sưng đỏ, tiêu chảy... là những phiền toái thường gặp khi bé mọc răng. Việc chăm sóc lúc này cần tỉ mỉ hơn ngày thường.

Thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6, nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.
Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Do bị đau và khó chịu, bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí sút cân. Vì vậy, bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn bằng bột, sữa hoặc cháo loãng.

Nếu bé sốt trên 38, 5 độ, bạn có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn.

Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, trong vòng khoảng 3-7 ngày. Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần nhưng lượng phân và nước ra ít thì không cần bù nước, cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.

http://camnangnuoidaycon.blogspot.com/2016/08/huong-dan-cai-at-monkey-junior-va-dung.html
 Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Sau khi ăn, nên cho uống một ít nước lọc để súc miệng, rồi lau răng bằng khăn mềm; hoặc đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.
Bé có thể ngứa lợi, thích gặm nhấm, cắn các vật rắn. Do đó bạn nên chọn loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.

Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.
Nếu trẻ được 12 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương. Cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Lưu ý: Các triệu chứng khi trẻ mọc răng không bao giờ gồm sốt cao, ho, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài. Đó là triệu chứng của bệnh khác, vì vậy bạn cần đưa trẻ đi khám ngay.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Bé sốt khi mọc răng

(Dân trí) - Mọc răng thường kèm với đau lợi và đó có thể là nguyên nhân khiến bé căng thẳng, không thoải mái. Sốt đôi khi cũng là hậu quả của quá trình nhú răng này. Những bước hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn khó khăn này.



1. Hãy cho trẻ ngậm nướu có thể làm mát. Những chiếc ngậm nướu này có thể cho vào tủ lạnh nhưng không nên để lạnh quá vì sẽ phản tác dụng, làm lợi của bé đau hơn. Ngậm nướu mát sẽ giúp làm mềm lợi và tạo cảm giác dễ chịu hơn khi bé sốt.
2. Lau người cho bé bằng nước ấm. Nước lạnh hay nóng quá đều có thể làm tình trạng của bé tệ hơn. Nước ấm sẽ giúp cơ thể thoát nhiệt, giảm sốt nhanh hơn. Nếu cho bé tắm, bạn nên lau khô người để tránh thân nhiệt hạ nhanh khi nước bay hơi.

3. Đừng ấp ủ bé. Theo thói quen, các bà mẹ thường đắp chăn hay mặc quần áo dày cho bé, điều này chỉ làm thân nhiệt tăng lên. Thay vì đó, hãy mặc cho trẻ những trang phục thoải mái và thoáng để nhiệt có thể thoát ra.
4. Ăn chuối xắt lát để lạnh. Điều này sẽ giúp lợi của bé được xoa dịu, giảm kích thích.
5. Mát xa lợi bé bằng ngón tay của bạn sẽ giúp bé giảm đau, từ đó tình trạng sốt cũng được cải thiện.
6. Uống thuốc theo đơn bác sĩ. Aspirin và các loại thuốc giảm đau không bao giờ được cho trẻ dùng nhưng các loại ibuprofen được đặc chế cho trẻ sẽ giúp trẻ giảm sốt do đau răng.

Bạn cũng nên lưu ý rằng nếu đúng là bé sốt do mọc răng thì việc đi ra ngoài hay vào siêu thị sẽ rất tốt cho bé. Nhớ mang theo cặp nhiệt độ nhé. Ngoài ra, nếu bé sốt trên 39 độ C, bạn cần đưa bé đi khám ngay.
Minh Thu
Theo Ehow

Hãy tạo ra những trò chơi vui nhộn, cho trẻ nghe nhạc có giai điệu hay, ...giúp bé giảm khó chịu. Như vậy sẽ giúp bé dễ dàng vượt qua giai đoạn mọc răng này tốt đẹp hơn, các bạn nhé.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

6 tính cách cần rèn cho con từ nhỏ

Tính cách là một yếu tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của trẻ. Muốn con có những tính cách tốt bạn cần phải để ý và giáo dục ngay từ khi còn nhỏ.

Tính cách của con người vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng 6 tính cách sau bạn nên rèn cho bé ngay từ khi còn nhỏ.

1. Hoạt bát, lạc quan

Những đứa trẻ có tính cách này thường thích cười chứ không thích khóc, vô tư. Nhưng sự hoạt bát lại không phải chỉ bao gồm có phương diện hoạt động, và đó lại càng không phải là sự nghịch ngợm gây ra tiếng ồn. Sự hoạt bát của trẻ được biểu hiện trên 6 phương diện:
- Nét mặt: Trên nét mặt của trẻ bao giờ cũng thể hiện sự chủ động. Thích cười, vui vẻ và có khả năng chịu đựng, thậm chí bé còn biết đùa với người lớn.

- Nhanh miệng: Khả năng phản xạ ngôn từ nhanh, bé thích được nghe kể chuyện và cũng thích được kể chuyện.

- Khả năng cảm nhận: Bé có thể học hỏi rât nhanh và khả năng nhận biết màu sắc cũng như phương hướng một cách rõ ràng.
- Biết sử dụng đôi tay rất hiệu quả: Bé có thể tự mình làm nhiều việc, vuốt ve và yêu quý động vật, thậm chí là biết trồng hoa.

- Biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Bé thích các trò chơi, thích được vận động, diễn tả được những gì muốn nói bằng hành động.

- Nhanh nhạy: Bé thích là người được đưa ra những câu hỏi, thích thảo luận, tranh luận và diễn đạt tốt.
Tính cách của con một phần do cha mẹ dạy dỗ mà nên.
2. Biết kiên nhẫn

Những đứa trẻ không thể kiên nhẫn chờ đợi thường sẽ không làm được việc lớn. Trong sự hoạt bát cũng bao gồm cả khả năng kiên nhẫn và biết giữ yên tĩnh. Để rèn cho bé tính cách này thì ngay từ khi còn nhỏ, bạn không nên chiều theo tất cả những sở thích của bé. Hãy để bé biết chờ đợi, biết phấn đấu để đạt được mục đích của mình. Điều này là hoàn toàn có lợi cho tính cách của bé sau này.

3. Dũng cảm, tự tin

Sự dũng cảm, tự tin ở trẻ em được biểu hiện ở việc không sợ bóng tối, không sợ bị cô độc và những con vật nhỏ, không sợ người lạ, biết cách giao tiếp và làm quen với bạn bè trong lớp. Nếu như bản thân trẻ tự cảm thấy mình rất đáng yêu, cho dù đó chỉ là cảm giác thì cũng là điều rất tốt. Bởi nó sẽ khiến bé luôn là người chủ động trong mọi mỗi quan hệ.

4. Tính lương thiện

Trẻ phải học được cách quan tâm và chia sẻ với mọi người. Khi còn nhỏ, sự quan tâm này được thể hiện ở cách bé đối xử với những con vật nhỏ có trong nhà. Lớn lên một chút, đó sẽ là cách bé đối xử với mọi người, cảm giác bé có được khi xem một bộ phim.
5. Tính độc lập

Tính độc lập của trẻ được thể hiện qua việc bé có thể tự mình đi ngủ, tự ngồi. Khi bé sau 1 tuổi thì có thể tự ăn cơm mà không cần phải có sự dỗ dành của người lớn. Nếu bạn có thể rèn cho bé đức tính này thì khi đi học và cả chuyện tìm việc làm sau này đều không phải là vấn đề đáng lo ngại.

6. Tính sáng tạo

Bé luôn tò mò với mọi thứ xung quanh và ham hiểu biết. Điều này hoàn toàn có lợi cho tư duy của bé vì nó giúp trẻ có thể tự khám phá những điều lạ lẫm xung quanh mình. Nếu bạn có thể rèn cho bé học được tính này ngay từ khi còn nhỏ thì biết đâu sau này bé sẽ trở thành thiên tài.
Bảo Vy

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Thực đơn cho trẻ bị thủy đậu

Đậu xanh tốt cho bệnh nhân thủy đậu

Khi trẻ bị thủy đậu, nên nấu nước đậu xanh (1 lạng đậu nấu với nửa lít nước) cho uống thay nước cho đến khi khỏi bệnh. Có thể thêm ít đường phèn hoặc đường đỏ, hoặc nấu cháo đậu xanh loãng. Các loại đậu đen, đỏ, trắng cũng dùng được.

Các món ăn sau cũng tốt cho bệnh nhân thủy đậu, bạn có thể lựa chọn cho thích hợp khẩu vị của trẻ:

Nước thân cây rạ: Thân cây rạ bỏ lá rơm ngoài 15 g. Nấu lấy nước cho trẻ uống thay nước hằng ngày.

Nước mã thầy, bồ công anh mỗi thứ 15 g, nấu nước uống. Có thể thêm đường.

Cháo rễ lau: Rễ lau tươi 10-20 g, gạo 50 g, hai thứ nấu cùng.

Cháo lá sen: Lá sen tươi 100 g, gạo 100 g, nấu lá sen lấy nước nấu cháo. Thêm ít đường phèn hoặc đường đỏ.

Cháo lá tre: Lá tre tươi 30 g, gạo 100 g. Nấu lá tre khoảng 20 phút lấy nước nấu cháo.

Cháo ý dĩ (hạt bo bo): Hạt bo bo 30 g, nấu cháo với 60 g gạo. Ngày ăn hai lần trong vài ngày.

Cháo rễ lau, sinh địa: Rễ lau 20 g, sinh địa 10 g, thạch cao 10 g, gạo 100 g. Nấu thuốc trước, lấy nước nấu cháo nhừ.

Cháo phục linh: Phục linh 15 g, hoa mai vàng 15 g, gạo tẻ 50 g. Nấu kỹ phục linh với hoa mai vàng lấy nước để nấu cháo. Ăn nóng.

Cháo bách hợp: Bách hợp 10 g, đậu đỏ 20 g, hạnh nhân 6 g (bóc vỏ bỏ mầm), gạo 30 g, nấu cùng cho nhừ. Dùng vào thời kỳ khỏi bệnh.

(theo SK&ĐS)
Việt Báo (Theo_24h)

Thủy đậu - tiền thân của bệnh giời leo

Tổn thương trong bệnh zona (nlm).

Không phải cứ chữa khỏi thủy đậu là trẻ đã thoát được "móng vuốt" của virus Varicella Zoster. Virus này có thể nằm yên hàng chục năm trong cơ thể, chờ cơ hội vùng dậy gây bệnh zona (dân gian gọi là giời leo) với những cơn đau triền miên không dứt.

Bác sĩ Phạm Thị Hương, bộ môn Da liễu Đại học Y Hà Nội cho biết, khoảng 1/4 những người nhiễm virus Varicella Zoster - tác nhân gây bệnh thủy đậu - sẽ phát triển thành bệnh zona trước 85 tuổi. Nguy cơ này rất cao ở những người có sức đề kháng yếu như bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV... và tăng dần theo tuổi tác. Những người mắc thủy đậu trong năm đầu đời cũng có nguy cơ phát triển thành zona cao hơn 3-20 lần so với những người mắc thủy đậu muộn hơn.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh zona là đau ngực 3-4 ngày, đau một bên cơ thể, cảm giác bỏng rát, sau đó các mụn nước xuất hiện thành đường dài cũng ở một bên, dọc theo dây thần kinh. Vị trí thường gặp nhất là ở ngực (theo dây thần kinh liên sườn), cổ, mặt, lưng (theo dây thần kinh tọa). Các mụn nước chứa dịch, sau vài ngày thì hóa mủ, khô dần và bong vảy. Bệnh nhân luôn cảm thấy đau rát; tuổi càng cao, cảm giác đau càng ghê gớm.

Zona có thể dẫn đến các biến chứng như viêm kết mạc, giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu trực tràng, liệt mặt, viêm não, màng não.

Biến chứng đáng sợ nhất là đau sau zona, thường gặp ở người cao tuổi, có làn da khô, mỏng. Đây là tình trạng đau dai dẳng theo khoanh da sau khi mụn nước đã lành (4-6 tuần), rất khó trị. Lúc này, bệnh nhân phải chịu những cơn đau liên tục như dao đâm, cắt thịt, kéo dài vài tháng, vài năm hoặc suốt đời. Để tránh biến chứng này, trong thời gian mắc bệnh zona, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc cũng giúp mau lành sẹo, giảm mức độ bệnh, rút ngắn thời gian viêm và đau cấp.

Cách tốt nhất để phòng bệnh zona chính là ngăn ngừa thủy đậu bằng văcxin. Bác sĩ Hương cho biết, văcxin phòng thủy đậu phổ biến hiện nay là Varilrix của Mỹ, giá khoảng 300.000 đồng/mũi, có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Trẻ trên 13 tuổi cần tiêm 2 mũi cách nhau 4-8 tuần.

Văcxin bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm 3-5 ngày; trong khi thời gian ủ bệnh là 7-21 ngày, vì vậy khi đã tiếp xúc với bệnh nhân nếu tiêm ngay thì vẫn kịp. Những người đã được tiêm phòng rất hiếm khi bị thủy đậu, nếu có thì chỉ bị nhẹ với rất ít nốt đậu và không xuất hiện biến chứng.

Hải Hà

Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Thủy đậu - bệnh của thời tiết ấm

Các nốt đậu có thể mọc cả trên đầu.

Tuy ít gây chết người nhưng căn bệnh này rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm, viêm phổi, sinh con dị tật hoặc tử vong... Bệnh thường phát triển mạnh từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Yến, khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho phóng viên TS biết: Bệnh thủy đậu đang có xu hướng tăng trong mấy năm gần đây. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 1.460 người mắc thủy đậu, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (810 ca). Riêng Hà Nội đã có 61 người mắc. Tỷ lệ mắc thủy đậu ở Hà Nội cao gấp 4,5 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Bệnh thủy đậu do virus gây ra, rất dễ lây (qua đường hô hấp và tiếp xúc) và có khả năng lan thành dịch. Thủy đậu gây miễn dịch vĩnh viễn. Tuy nhiên, những người bị suy yếu hệ miễn dịch có thể nhiễm bệnh lần 2 (thường là nhẹ).

Diễn tiến bệnh

- Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình 13-17 ngày. Bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.

- Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 24-48 giờ. Bệnh nhân sốt nhẹ, ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi. Một số bệnh nhân có những nốt hồng ban nổi trên da. Đây là tiền thân của những nốt đậu, xuất hiện khoảng 24 giờ trước khi trở thành bóng nước.

- Thời kỳ toàn phát: Bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Trên da nổi các bóng nước hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da hồng, bắt đầu từ thân, sau lan sang chân tay, mặt. Bóng nước cũng có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp… gây ra các triệu chứng nuốt đau, có dấu hiệu loét đường tiêu hóa, khó thở, tiểu rát. Ở một số trẻ, bóng nước còn mọc ở mí mắt hoặc kết mạc. Bóng nước càng nhiều chứng tỏ bệnh càng nặng.

- Thời kỳ hồi phục: Các bóng nước đóng mày, xảy ra 1 tuần sau khi bóng nước xuất hiện.

Ở người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc tổn thương, đặc biệt là bệnh nhân ung thư hệ bạch huyết, thời gian hồi phục dài gấp ba lần so với người bình thường. Tỷ lệ tử vong ở họ là 15%.

Các biến chứng

- Bội nhiễm: Đây là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da (do nốt đậu bị vỡ, hoặc do da bị trầy xước khi gãi). Tình trạng bội nhiễm cũng có thể gây viêm mô tế bào, viêm hạch ngoại biên, áp xe dưới da.

- Viêm phổi: Thường gặp ở người lớn và người suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực và ho ra máu. Nếu đang có mang từ tháng thứ tư trở lên, bệnh nhân có nhiều nguy cơ tử vong.

- Sinh con dị tật hoặc tử vong: Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng cuối thai kỳ, đứa trẻ sinh ra có thể bị sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển, tâm thần… Nếu mẹ bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 30%. Ở những trẻ sống sót, các cơ quan nội tạng thường bị tổn thương, đặc biệt ở phổi.

Phòng ngừa

Người mắc thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ 24 giờ trước khi phát ban cho đến khi những nốt đậu đóng mày (trung bình 7-8 ngày). Vì vậy, ngay khi phát hiện bệnh, cần cách ly bệnh nhân, tránh tiếp xúc với họ cho đến khi khỏi hẳn.

Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người nên tiêm phòng. Tiến sĩ Thu Yến cho biết, loại vacxin phòng thủy đậu phổ biến hiện nay là Varilrix của Mỹ, giá 300.000 đồng/liều. Trẻ 1-12 tuổi tiêm một liều; người 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều (cách nhau 6-10 tuần).

Điều trị

Mục đích chủ yếu là giảm nguy cơ gây biến chứng. Bệnh nhân cần:

- Dùng thuốc chống ngứa (tại chỗ hoặc toàn thân), nếu cần có thể uống thuốc an thần.

- Tắm bằng dung dịch sát trùng, cắt ngắn móng tay, mặc áo quần kín (để tránh nhiễm trùng và chống ngứa).

- Có thể dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt. Nhất thiết không không dùng aspirin cho trẻ em vì thuốc này có thể gây hội chứng Reye, với các biểu hiện bồn chồn, lo âu, kích thích, hôn mê, co giật do phù não.

Nếu muốn dùng các loại thuốc chống virus thủy đậu, bệnh nhân cần theo chỉ định của bác sĩ.

Thanh Nhàn

Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Mẹ bị thủy đậu có nên cho con bú?

PNO - Mắc bệnh thủy đậu, chị Mai (TP.HCM) rất lo lắng, con gái chị mới 7 tháng tuổi và bé đang được bú sữa mẹ hoàn toàn. Làm sao để bé không bị lây bệnh từ mẹ mà vẫn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, vẫn cho trẻ bú nhưng cần có biện pháp để phòng bệnh cho bé.

Những điều cần biết về thủy đậu

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Varicella – Zoster gây ra. Bệnh dễ bị lây nhiễm và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì dịch tiết bắn ra, nếu người khác hít phải dịch tiết này sẽ nhiễm bệnh.

Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi người lành tiếp xúc với mụn nước (hoặc nốt rạ) đã bị vỡ ra, hoặc các vết loét trên da người mắc bệnh.

Thời điểm lây bệnh phần lớn ở giai đoạn ủ bệnh, trước khi người bệnh nổi bóng nước 2- 3 ngày, sau đó kéo dài 2 – 3 tuần.

Dấu hiệu cho thấy bị nhiễm thủy đậu như: biểu hiện đầu tiên là sốt (từ 38 -38,5 độ C). Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, dễ cáu gắt, một vài trường hợp có cảm giác đau đầu hoặc đau nhức các cơ bắp.

Thông thường, áp dụng những nguyên tắc như giữ vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt như tắm bằng nước ấm, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, uống nhiều nước... Bệnh sẽ tự lành sau khoảng 10 -15 ngày, tính từ ngày sốt phát ban.

Bà mẹ đang cho con bú cần lưu ý:

Nếu có thể, mẹ nên vắt sữa ra bình và nhờ người khác cho bé bú. Cho bé ngủ riêng, cách ly mẹ.

Trong trường hợp bé không chấp nhận bú bình mà chỉ bú mẹ trực tiếp thì người mẹ cần mang khẩu trang khi cho bé bú. Thời gian này nên hạn chế nói chuyện cùng bé để phòng dịch tiết bắn ra. Thận trọng đừng để bé cọ sát làm vỡ các nốt rạ và nước dịch này dính vào người bé khiến bé bị lây nhiễm.

Cắt móng tay của bé để tránh trường hợp bé dùng móng cào và làm bong các vết rạ, dịch tiết ra sẽ làm bé bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất vẫn là các bà mẹ nên chích ngừa thủy đậu trước khi có con (nếu chưa từng bị). Vì mẹ có chích ngừa và cho con bú thì kháng thể sẽ theo đường sữa vào cơ thể bé, bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời, dù có tiếp xúc với mầm bệnh.

Những trường hợp mẹ chưa chích ngừa nhưng bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ ảnh hưởng nặng nề cho thai nhi như bị thủy đậu bẩm sinh, đa dị tật, tim, mắt, sảy thai... Người mẹ sau đó cũng rất dễ bị viêm phổi.

Gần đây, một số trường hợp cho rằng mình bị bệnh thủy đậu lần 2 là hoàn toàn không đúng. Y khoa thế giới cũng từng khẳng định, một đời người chỉ có 1 lần nhiễm bệnh thủy đậu, không có lần thứ 2. Nếu có, thì có thể đó là sự nhận dạng sai bệnh, hoặc là lần trước không phải thủy đậu hoặc lần sau không phải thủy đậu.

Nguyên Hạnh (ghi)

Làm gì khi bé bị thủy đậu

Nhiều bà mẹ lúng túng không biết chăm sóc như thế nào khi bé yêu bị thủy đậu. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TƯ cảnh báo: “Thủy đậu vốn là bệnh lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.

Dưới đây là những lời khuyên để chăm sóc tốt nhất cho bé khi bị thuỷ đậu:

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Khi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Nhiều người cho rằng khi bé bị thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ là một sai lầm. BS Lộc cho biết, có rất nhiều trường hợp do không giữ vệ sinh sạch sẽ khiến trẻ bị biến chứng nhiễm trùng.

Tốt nhất, phải vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách lấy lá ổi, lá đắng rửa sạch, đun sôi để hơi âm ấm, rồi dùng khăn xô mỏng mềm nhúng nước lau người nhẹ nhàng cho trẻ. Cần lưu ý, khi lau, tắm cho trẻ cần phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước, vì nếu nước trong nốt đậu chảy đến đâu là mụn đến đấy, chỉ trong vòng 1 – 2 ngày là lên khắp cả người.

Sau khi lau rửa cho trẻ, lại dùng khăn xô khô thấm khô người cho trẻ, rồi mặc cho trẻ quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát. Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh sạch sẽ, chỉ sau 7 - 10 ngày, nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy rồi vết thâm sẽ hết sau một thời gian, không để lại sẹo.

Cần cách ly người bệnh

Thuỷ đậu rất dễ lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa siêu vi trùng này. Muốn điều trị nhanh chóng, đầu tiên phải cách ly người bệnh. Dù chỉ xuất hiện vài ba nốt đậu cũng phải cách ly với tất cả các trẻ khác, kể cả người lớn chưa bị bệnh này, nếu không nguy cơ lây lan rất nhanh.

Hơn nữa, thường mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần và có miễn dịch dài, nhưng nếu sức đề kháng yếu có thể bị tái phát khi có dịch, vì vậy, dù con bạn đã từng bị thuỷ đậu, cũng nên lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị để tránh nguy cơ tái phát.

Cần vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ. Cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm thấp và cần nhớ luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhắc trẻ không được gãi vỡ nốt đậu.

Điều trị cho trẻ

Trong trường hợp trẻ chỉ bị loét vài nốt mụn, có thể dùng nước ôxy già rửa vết loét rồi dùng bông chấm khô nhưng cần lưu ý, cho bệnh phẩm vào túi nilon bọc kín để tránh lây bệnh cho người khác. Sau đó, bôi thuốc đúng vào giữa nốt đậu (tuy nhiên, có nhiều loại thuốc phù hợp với từng thể bệnh nặng hay nhẹ, do đó, muốn cho trẻ uống hay bôi loại thuốc gì cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa). Trong quá trình điều trị cha mẹ cần theo dõi kỹ, kịp thời đưa trẻ nhập viện ngay khi có biến chứng.

Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn.

Cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng

Trong suốt thời kỳ bị bệnh, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu, không nhất thiết phải kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó.

Đặc biệt, nên cho trẻ ăn đồ loãng, uống nước canh gà, uống nhiều nước để bù nước do trẻ bị mất nước khi mụn vỡ, trợt.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vac-xin phòng thuỷ đậu, kể cả trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thuỷ đậu cũng nên tiêm phòng.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Tìm Hiểu Thuốc Hay Dùng: Kháng Sinh và Hạ Sốt

Kháng sinh còn được gọi là Trụ sinh là những chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.

Cơ chế tác động của kháng sinh

  • Ức chế quá trình tổng hợp vách của vi khuẩn (vỏ) của vi khuẩn. Các nhóm kháng sinh gồm có penicillin, bacitracin, vancomycin. Do tác động lên quá trình tổng hợp vách nên làm cho vi khuẩn dễ bị các đại thực bào phá vỡ do thay đổi áp suất thẩm thấu.
  • Ức chế chức năng của màng tế bào. Các nhóm kháng sinh gồm có : colistin, polymyxin, gentamicin, amphoterricin. Cơ chế làm mất chức năng của màng làm cho các phân tử có khối lượng lớn và các ion bị thoát ra ngoài.
  • Ức chế quá trình sinh tổng hợp protein.
    • Nhóm aminoglycosid gắn với receptor trên tiểu phân 30S của ribosome làm cho quá trình dịch mã không chính xác.
    • Nhóm chloramphenicol gắn với tiểu phân 50S của ribosome ức chế enzyme peptidyltransferase ngăn cản việc gắn các acid amin mới vào chuỗi polypeptide.
    • Nhóm macrolideslincoxinamid gắn với tiểu phân 50S của ribosome làm ngăn cản quá trình dịch mã các acid amin đầu tiên của chuỗi polypeptide.
  • Ức chế quá trình tổng hợp acid nucleic.
    • Nhóm refampin gắn với enzyme RNA polymerase ngăn cản quá trình sao mã tạo thành mRNA (RNA thông tin)
    • Nhóm quinolone ức chế tác dụng của enzyme DNA gyrase làm cho hai mạch đơn của DNA không thể duỗi xoắn làm ngăn cản quá trình nhân đôi của DNA.
    • Nhóm sulfamide có cấu trúc giống PABA (p aminobenzonic acid) có tác dụng cạnh tranh PABA và ngăn cản quá trình tổng hợp acid nucleotid.
    • Nhóm trimethoprim tác động vào enzyme xúc tác cho quá trình tạo nhân purin làm ức chế quá trình tạo acid nucleic.
Mỗi ngày lại có rất nhiều loại kháng sinh được các dược sĩ bào chế ra bởi vì quá trình kháng kháng sinh của vi khuẩn.
---------
Paracetamol (tên nhãn hiệu quốc tế không độc quyền) hay acetaminophen (tên được chấp nhận tại Hoa kỳ) là một thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, tuy nhiên không như aspirin nó không hoặc ít có tác dụng chống viêm. So với các thuốc NSAIDs, paracetamol có rất ít tác dụng phụ với liều điều trị nên được cung cấp không cần kê đơn ở hầu hết các nước.

Dược động học

Hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, sinh khả dụng là 80-90%, hầu như không gắn vào protein huyết tương. Chuyển hóa lớn ở gan và một phần nhỏ ở thận, cho các dẫn xuất glucuro và sulfo-hợp, thải trừ qua thận.

[sửa] Đặc điểm tác dụng

Cũng như các thuốc chống viêm non-steroid khác, paracetamol có tác dụng hạ sốt và giảm đau, tuy nhiên lại không có tác dụng chống viêm và thải trừ acid uric, không kích ứng tiêu hóa, không ảnh hưởng đến tiểu cầu và đông máu.

[sửa] Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác của paracetamol đang còn được tranh cãi, do thực tế là nó cũng có tác dụng ức chế men cyclooxygenase (COX) làm giảm tổng hợp prostaglandin giống như aspirin, tuy nhiên paracetamol lại không có tác dụng chống viêm. Các nghiên cứu tập trung khám phá cách thức ức chế COX của paracetamol đã chỉ ra hai con đường: [5][6][7][8]
Các men COX chịu trách nhiệm chuyển hóa arachidonic acid thành prostaglandinH2, là chất không bền vững và có thể bị chuyển hóa thành nhiều loại chất trung gian viêm khác. Các thuốc chống viêm kinh điển như NSAIDs tác động ở khâu này. Hoạt tính của COX dựa vào sự tồn tại của nó dưới dạng oxy hóa đặc trưng, tyrosine 385 sẽ bị oxy hóa thành một gốc.[9][10] Người ta đã chỉ ra rằng, paracetamol làm giảm dạng oxy hóa của men này từ đó ngăn chặn nó chuyển hóa các chất trung gian viêm.[6][11]
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, paracetamol còn điều chỉnh hệ cannabinoid nội sinh.[12] Paracetamol bị chuyển hóa thành AM404, một chất có các hoạt tính riêng biệt; quan trọng nhất là nó ức chế sự hấp thu của cannabinoid nội sinh bởi các neuron. Sự hấp thu này gây hoạt hóa các thụ thể đau tổn thương của cơ thể. Hơn nữa, AM404 còn ức chế kênh natri giống như các thuốc tê lidocaine và procaine.[13]
Một giả thiết rất đáng chú ý nhưng hiện nay đã bị loại bỏ cho rằng paracetamol ức chế men COX-3.[5][14] Men này khi thí nghiệm trên chó đã cho hiệu lực giống như các men COX khác, đó là làm tăng tổng hợp các chất trung gian viêm và bị ức chế bởi paracetamol. Tuy nhiên trên người và chuột, thì men COX-3 lại không có hoạt tính viêm và không bị tác động bởi paracetamol.[5]

[sửa] Chuyển hóa


Các phản ứng trong chuyển hóa paracetamol.
Paracetamol trước tiên được chuyển hóa tại gan, nơi các sản phẩm chuyển hóa chính của nó gồm các tổ hợp sulfate và glucuronide không hoạt động rồi được bài tiết bởi thận. Chỉ một lượng nhỏ nhưng rất quan trọng được chuyển hóa qua con đường hệ enzyme cytochrome P450 ở gan (các CYP2E1 và isoenzymes CYP1A2) và có liên quan đến các tác dụng độc tính của paracetamol do các sản phẩm alkyl hóa rất nhỏ (N-acetyl-p-benzo-quinone imine, viết tắt là NAPQI).[15] Có nhiều hiện tượng đa dạng trong gien P450, và đa hình thái gien trong CYP2D6 đã được nghiên cứu rộng rãi. Nhóm này có thể được chia thành chuyển hóa "rộng rãi," "cực nhanh," và "chuyển hóa kém" dựa vào sự biểu lộ của CYP2D6. CYP2D6 cũng có thể góp phần trong sự hình thành NAPQI, dù tác động kém hơn các P450 isozymes khác, và hoạt tính của nó có thể tham gia độc tính của paracetamol trong dạng chuyển hóa rộng rãi và cực nhanh và khi paracetamol được dùng với liều rất lớn.[16]

Cấu trúc của N-Acetyl-p-benzochinonimin (NAPQI)
Sự chuyển hóa của paracetamol là ví dụ điển hình của sự ngộ độc, bởi vì chất chuyển hóa NAPQI chịu trách nhiệm trước tiên về độc tính hơn là bản thân paracetamol. Ở liều thông thường chất cuyển hóa độc tính NAPQI nhanh chóng bị khử độc bằng cách liên kết bền vững với các nhóm sulfhydryl của glutathione hay sự kiểm soát của một hợp chất sulfhydryl như N-acetylcysteine, để tạo ra các tổ hợp không độc và thải trừ qua thận.[15] Hơn nữa, methionine đã được nhắc đến trong một số trường hợp,[17] mặc dù các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng N-acetylcysteine là thuốc giải độc quá liều paracetamol hiệu qủa hơn.[18]

[sửa] Tương tác

  • Uống paracetamol liều cao dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion.
  • Cần phải chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
  • Các thuốc chống giật (như phenytoin, barbiturat, carbamazepin...) gây cảm ứng enzyme ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol do tăng chuyển hoá thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra, dùng đồng thời isoniazid với paracetamol cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan, nhưng chưa xác định được cơ chế chính xác của tương tác này. Nguy cơ paracetamol gây độc tính gan gia tăng đáng kể ở người bệnh uống liều paracetamol lớn hơn liều khuyên dùng trong khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid. Thường không cần giảm liều người bệnh dùng đồng thời liều điều trị paracetamol và thuốc chống co giật, tuy vậy người bệnh phải hạn chế tự dùng paracetamol khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid.

[sửa] Tác dụng phụ

  • Ở liều thông thường, paracetamol không gây kích ứng niêm mạc dạ dày, không ảnh hưởng đông máu như các NSAIDs, không ảnh hưởng chức năng thận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho biết dùng paracetamol liều cao (trên 2000mg/ngày) có thể làm tăng nguy cơ biến chứng dạ dày.[19]
  • Đôi khi xảy ra ban da và những phản ứng dị ứng khác. Thường là ban đỏ hoặc ban mày đay, nặng hơn có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Người bệnh mẫn cảm với salicylat hiếm khi mẫn cảm với paracetamol và những thuốc có liên quan.
  • Ở một số ít trường hợp riêng lẻ, paracetamol đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
  • Sử dụng paracetamol (acetaminophen) trong năm đầu tiên của cuộc sống và sau đó trong thời kỳ thơ âu có thể tăng nguy cơ bị hen, viêm mũi kết mạc mắt và eczema vào lúc 6 đến 7 tuổi, theo các kết quả của giai đoạn 3 của Chương trình nghiên cứu quốc tế về Hen và các Bệnh dị ứng ở trẻ em [20].
http://namvinhyen.com/


Tìm Hiểu Về Nấm Candida

Vì sao bạn bị nấm Candida khi có thai?



Bệnh nấm Candida là một loại bệnh viêm nhiễm phổ biến gây ra bởi một loại nấm có tên là Candida Albicans. Loại nấm này có thể thường trú sẵn trong cơ thể của chúng ta nhưng không gây ra vấn đề gì cả. Nhưng khi có thai, thể trạng của chúng ta thay đổi, và độ cân bằng pH mới khuyến khích loại nấm này phát triển, gây ngứa rát khó chịu ở âm hộ.



Triệu chứng của bệnh nấm Candida?



  • Mỗi người bị bệnh lại gặp những triệu chứng không giống nhau, nhưng nếu bạn thấy một hay nhiều hiện tượng dưới đây thì có thể bạn đã bị bệnh nấm Candida.
  • Cảm giác ngứa rát trong hoặc xung quanh âm hộ
  • Đau nhức và/hoặc mẩn đỏ
  • Đau nhức khi giao hợp hoặc khi đi tiểu
  • Ra huyết trắng đặc hơn bình thường. Không có gì là bất thường khi bạn ra nhiều huyết trắng lỏng có màu sữa trong suốt thời kỳ mang thai, nhưng nếu bạn thấy nó đặc quánh và có màu vàng xanh, đó có thể là triệu chứng của bệnh nấm Candida.


Tôi có nên tham vấn bác sĩ?



Nếu bạn nghi mình bị nấm Candida, hãy lập tức báo cho bác sĩ của bạn để họ chỉ định cho bạn biện pháp điều trị thích hợp.



Mẹo hay để chữa trị bệnh Candida an toàn



  • Khi mang thai bạn không nên tự mua thuốc tại tiệm thuốc, hãy tham vấn bác sĩ của bạn trước khi mua bất cứ thuốc gì.
  • Dùng túi nước đá hoặc túi chườm lạnh để làm dịu vùng bị ngứa rát.
  • Tránh tắm nước ấm hoặc nóng. Loại nấm này phát triển mạnh hơn trong môi trường ấm.
  • Hãy dùng sữa tắm hoặc xà bông không mùi.
  • Mặc đồ lót cotton và quần áo rộng để giữ cho vùng đó mát mẻ.
  • Ăn sữa chua tự nhiên chứa khuẩn sống sẽ giúp ích.

Nấm Candida và thai nhi



Mặc dù bệnh nấm Candida gây khó chịu, nhưng điều may mắn là nó không gây hại cho thai nhi của bạn. Tuy nhiên, nó có thể lây sang bé trong quá trình sinh nở và làm bạn đau khi cho bé bú, vì thế hãy cố chữa trị dứt bệnh trước khi sinh.

--------

Tưa miệng (Bệnh nấm Candida miệng)

Tưa miệng là bệnh trong đó nấm Candida albicans phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát ở niêm mạc miệng. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ, người già và người bị suy giảm miễn dịch do bệnh hay do thuốc.

Dấu hiệu và triệu chứng

Những đám màu trắng mịn trên lưỡi, trong má và đôi khi cả ở vòm miệng, lợi và amiđan, có thể đau và chảy máu khi bị cọ xát. Tổn thương có thể lan xuống thực quản (viêm thực quản do Candida) gây ra các triệu chứng như nuốt đau hoặc nuốt khó, cảm giác thức ăn bị mắc lại ở cổ hoặc ở ngực và sốt.

Triệu chứng ở trẻ dưới 1 tuổi và ở phụ nữ nuôi con bú

Triệu chứng ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh thường xuất hiện trong vài tuần đầu, ngoài những đám tổn thương màu trắng rải rác trong miệng, trẻ có thể khó bú và quấy khóc. Trẻ cũng có thể làm lây bệnh sang mẹ trong khi bú. Phụ nữ cho con bú bị nhiễm Candida có thể có những triệu chứng sau:

- Núm vú đỏ hoặc nhạy cảm bất thường

- Da ở quầng vú căng và đỏ rực

- Đau núm vú

- Cảm giác đau ở sâu khi cho con bú.

Nguyên nhân

Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bị suy yếu không kiểm soát được sự phát triển của nấm trên cơ thể. Hệ miễn dịch có thể bị suy yếu do bệnh hoặc do các thuốc như prednisone. Hoặc do kháng sinh phá vỡ sự cần bằng tự nhiên của vi sinh vật trên cơ thể.

Xét nghiệm và chẩn đoán

- Lấy mẫu tổn thương soi dưới kính hiển vi

- Nuôi cấy bệnh phẩm ngoáy họng

- Nội soi kiểm tra thực quản trong trường hợp nghi viêm thực quản do Candida.

- Chụp X quang thực quản có thuốc cản quang

Điều trị

- Ở trẻ khỏe mạnh không bị bệnh gì khác có thể không cần điều trị. Nếu bệnh xảy ra do dùng kháng sinh có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua để phục hồi sự cân bằng vi khuẩn tự nhiên. Trẻ bị bệnh dai dẳng có thể cần dùng thuốc chống nấm.

- Ở trẻ còn đang bú mẹ cần điều trị cho cả mẹ và trẻ để tránh lây nhiễm. Có thể dùng thuốc chống nấm nhẹ cho trẻ và kem chốgn nấm để bôi vào đàu vú người mẹ. Nếu trẻ bú bình cần rửa sạch đầu ti của bình hằng ngày.

- Ở người lớn khỏe mạnh có thể điều trị bằng cách ăn sữa chua hoặc uống acidophilus dạng viên nang hoặc dung dịch. Sữa chua và acidophilus không tiêu diệt nấm nhưng giúp phục hồi vi khuẩn chí bình thường trong cơ thể. Nếu cách này không hiệu quả bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm.

- Ở người lớn bị suy giảm miễn dịch, bệnh được điều trị bằng thuốc chống nấm dạng viên hoặc dung dịch, liệu trình thường từ 10 – 14 ngày. Trong trường hợp người bị nhiễm HIV giai đoạn muộn Candida albicans đã kháng với các thuốc chống nấm khác, có thể dùng amphotericin B.

Phòng bệnh

- Ăn thêm sữa chua hoặc uống viên nang acidophilus khi phải dùng kháng sinh.

- Điều trị ngay bệnh nấm âm đạo sau khi mang thai hoặc sinh đẻ.

- Bỏ thuốc lá.

- Đi khám răng thường xuyên 6 – 12 tháng một lần.

- Hạn chế đường và những thực phẩm có chứa nấm men, gồm bánh mì, bia và rượu vang. Những thực phẩm này có thể tạo thuận lợi cho sự phát triển của nấm Candida.


--------

Tự “xử lý” nấm Candida

Dân trí) - Nấm Candida thường trú trong cơ thể và phác tác khi cơ thể suy yếu. May mắn thay, bạn có thể tự chữa khỏi nấm Candida mà không cần đến bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào.

1. Tinh dầu thảo dược

Những tinh dầu được chiết xuất từ cây đinh hương và cây bạc hà có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên giúp trị nấm Candida. Những loại tinh dầu này có tính kháng nấm, giúp ức chế sự tăng trưởng của nấm men.

Bạn có thể sử dụng 2 loại tinh dầu thảo dược này tại chỗ bằng cách thoa hay giã nát lá tươi rồi bôi lên da. Nếu dùng tinh dầu thì nên pha thêm với dầu dừa, dầu hạnh nhân trước khi thoa chúng trên da nhé.

Lưu ý: Nếu đang mang thai thì không nên dùng tinh dầu bạc hà để trị nấm Candida.

2. Sữa chua

Tự xử lý nấm Candida

Dùng sữa chua để điều trị nấm là một cách rất phổ biến vì sữa chua có chứa vi sinh vật có ích cho cơ thể. Sữa chua có thể được sử dụng theo 2 cách là: ăn và thoa tại chỗ.

Ăn sữa chua hàng ngày sẽ giúp giảm thấp nhất sự tăng trưởng của nấm men trong cơ thể. Bạn cũng có thể thoa sữa chua trực tiếp vào khu vực bị nấm trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau, hãy làm vệ sinh thật kỹ khu vực này.

Lưu ý: chỉ dùng sữa chua không đường, không hương vị.

3. Tỏi

Đây là một cách “trị” nấm Candida khá nổi tiếng. Thực tế, tỏi có tính kháng khuẩn và chống nấm. Những nghiên cứu cho rằng, thường xuyên ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa sự tái phát của nấm.

Trước đây, tỏi được sử dụng như một loại thuốc đặt ở âm đạo nhằm điều trị nấm nhưng kết quả rất khác nhau. Trong khi đó nó lại gây khó chịu và đau đớn ở âm đạo vì thế cách này không được khuyến khích.

Lê Nhi

------------

“Nỗi kinh hoàng” từ nấm Candida

Câu chuyện 1: Chỉ vì… dung dịch vệ sinh

Nếu tớ nói tớ bị nhiễm nấm Candida chỉ vì dùng dung dịch vệsinh thì các ấy có tin không? Nghe hơi “hoang đường” nhưng mà thật 1000 % luôn đó (thực ra thì nếu chính tớ không “kinh” qua thì tớ cũng không tin đâu).

Nỗi kinh hoàng từ nấm Candida

“Bi kịch” bắt đầu từ một lần tớ đi chợ đêm chơi cùng con bạn, bình thường tớ cũng không hay để ý đến các hàng mỹ phẩm trong chợ đâu, nhưng hôm đó con bạn tớ lại hăm hở “sà” vào xem xem xét xét làm tớ cũng tò mò ngắm nghía theo. Kết cục tớ đã “rinh” về 1 chai nước rửa phụ khoa trông rất “hoa cỏ mùa xuân” và xinh xắn, hương thơm cũng dễ chịu nữa. Ngờ đâu dùng chưa được 2 tuần, tớ đã thấy “cô bé” tự nhiên ngứa rát, thậm chí cả trong “thâm cung” cũng bị ngứa. Đã thế khí hư của tớ còn trắng và đặc hẳn lên, bốc mùi như mùi nấm mốc mới “kinh dị’ chứ. Tớ vội vàng “3 chân 4 cẳng” đi khám bác sĩ ngay lập tức. Lúc ấy tớ vẫn nghĩ là mình bị viêm nhiễm “vùng kín” bình thường thôi.

Khi bác sĩ“phán”làtớ bị nhiễm nấm Candida tớ đã “sốc toàn tập”. Tớ cứ tưởng nấm này chỉ lây qua XXX thôi, mà tớ thì đến “một mảnh tình vắt vai” cũng chưa có… Thấy bộ mặt “thộn” ra rất tội nghiệp của tớ, bác sĩ cười rồi giải thích: “Có rất đông người trên trái đất này mang những bào tử nấm Candida, và cháu là một trong số đó, nhưng không phải ai cũng bị mắc bệnh. Chỉ khi nào gặp điều kiện thuận lợi thì bọn nấm này mới phát tác thôi”. Tớ lại càng trố mắt hơn: “Nhưng cháu vệ sinh rất sạch sẽ thì làm sao mà nấm phát tác được ạ?”.

Nỗi kinh hoàng từ nấm Candida

Bác sĩ bảo: “Có nhiều điều kiện để nấm phát triển lắm: sức đề kháng kém đi này, dùng dung dịch vệ sinh kém chất lượng, hay một số trường hợp uống kháng sinh cũng bị nữa. Cháu có uống loại kháng sinh nào gần đây không?”. Nghe bác sĩ nói tớ mới ngớ người ra: “Cháu không uống kháng sinh nhưng cháu mới mua 1 lọ nước rửa phụ khoa ở chợ đêm ạ”. Bác sĩ lắc đầu bảo tớ: “Thế thì đúng rồi, lẽ ra cháu phải mua loại dung dịch ở hiệu thuốc, có tên tuổi, đảm bảo chất lượng chứ. Dùng hàng không nguồn gốc ở chợ là nguy hiểm lắm, nhất là ở khu vực nhạy cảm này. Thôi bác sẽ kê đơn thuốc cho về dùng nhé. Bỏ ngay lọ dung dịch kia đi. Và nhớ là chữa trị đúng liều nhé, nấm này là dễ tái phát lắm. Xong đợt thuốc này đến đây bác khám lại cho”.

Thật may là vì tớ đi khám kịp thời, chữa trị ngay được từ giai đoạn mới nhiễm bệnh nên chỉ sau một đợt điều trị thuốc là “cô bé” lại khỏe mạnh. Dĩ nhiên là tớ “khiếp vía” nói lời “bye bye” ngay lập tức với lọ dung dịch vệ sinh cũ và cả với mấy hàng bán hóa mỹ phẩm trong chợ đêm luôn.

Câu chuyện 2: Ôi cái bể bơi!!!

Tớ thì lại xui xẻo “đụng” ngay nấm Candida vì… không cắt da bao quy đầu. Bình thường, “cậu nhỏ” của tớ rất “phong độ” và khỏe mạnh, tự nhiên sau một hôm đi bơi nó “dở chứng”, nổi đầy những chấm nhỏ ở “thân”, đã thế còn mẩn đỏ hết lên ở bẹn làm tớ khổ sở vô cùng (mà tớ chỉ đi bơi có đúng một hôm thui đấy). Thế là tớ đành “lọc cọc” đến bác sỹ.

Cảm giác của tớkhi được nghe “kết luận” mình bị nhiễm nấm Candida là một từ duy nhất: “choáng váng”. Tớ vẫn “liệt” nấm Candida vào danh sách các bệnh “đen” chỉ nhiễm qua đường XXX, mà tớ thì chưa “nếm trái cấm” bao giờ nên tớ vẫn “đinh ninh” là mình “miễn dịch” với căn bệnh này.

Hôm ấy đi khám mới biết “kẻ khó ưa” ấy cũng có thể sống dưới da bao quy đầu ở những người không cắt bao quy đầu như tớ, và “khổ chủ” có thể chẳng biết gì cả nếu nó không gây ra sự khó chịu nào. Bác sĩ bảo loại nấm này “rất ưa” những chỗ ẩm ướt, ấm nên những vị trí như miệng, ruột hay dưới da bao quy đầu thường là nơi ở “hấp dẫn” của nó. Bình thường, vì tớ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nên ‘hắn” không có điều kiện “tung hoành”. Chỉ khi tớ đi bơi ở bể bơi đông người, “vùng kín” bị nhiễm khuẩn vì nước bể bơi không sạch thì “tên tội phạm” Candida mới có cơ hội “vùng dậy”.

Sau đó, vì bọn nấm chưa kịp “hành hạ” tớ lâu nên chỉ sau một đợt bôi thuốc là “cậu nhỏ” của tớ “tút” lại được “phong độ”. Cũng từ đó, tớ “kén” bể bơi hơn hẳn, không bạ đâu bơi đấy như trước mà cố gắng tìm bể nào “trông” có vẻ sạch sạch một tí. Tớ cũng “nạp” được nhiều thói quen tốt (ví như ngủ đầy đủ này, kiểm soát stress này, tích cực “chén” những món trước đây chẳng bao giờ ăn như củ cải, cà rốt, rau ngót này…) vì bác sĩ bảo rằng sức khỏe càng tốt thì hệ miễn dịch càng mạnh, càng dễ dàng “đánh thắng” Candida mừ.

Bây giờ thì tớ đã “loại” nấm Candida ra khỏi danh sách “đen” rồi, vì nó có thể nhiễm vào cơ thể bằng những con đường chẳng liên quan gì đến XXX đâu các ấy ạ.

-------------











ta-quan-bambimio-7

Đánh tưa dễ gây tổn thương niêm mạc lưỡi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng khoa nhi BV Bạch Mai khuyến cáo, các bà mẹ không nên ngày nào cũng dùng gạc, khăn xô đánh tưa lưỡi cho trẻ bởi có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi trẻ.

Niêm mạc miệng, lưỡi của em bé vốn rất mỏng (mỏng hơn cả da bé), nếu dùng gạc trà sát có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi, khiến bé khó chịu, đau, ăn uống khó khăn hơn.

Nhưng cơ bản, việc đánh tưa lưỡi không có nhiều tác dụng làm sạch miệng như nhiều người vẫn nghĩ. Miệng của trẻ em vốn có cơ chế làm sạch tự nhiên, sau khi bú, trẻ tự tiết nước bọt làm sạch miệng. Đặc biệt ở những em bé bú mẹ, miệng lại càng sạch hơn những bé bú sữa ngoài. Với trẻ dùng sữa ngoài nên cho trẻ uống 1, 2 thìa nước cũng có tác dụng làm sạch.

Hơn nữa, việc đánh tưa lưỡi này có thể đưa thêm vi khuẩn vào miệng bé nếu dụng cụ đánh tưa không được sạch sẽ. Khi đó, rõ ràng là lợi bất cập hại.

Đáng nói là đa phần các bà mẹ đều rất chăm chỉ đánh tưa lưỡi cho con mỗi ngày, không chỉ nghĩ có tác dụng làm sạch miệng mà còn phòng được cả tưa cho trẻ. Thực ra không phải vậy. Quan niệm đánh tưa lưỡi để phòng tưa, hoàn toàn sai lầm. Đánh tưa lưỡi không phòng được tưa. Khi nào trẻ có tưa, rất nhiều loại thuốc thích hợp chữa nhanh khỏi, thậm chí chỉ bôi vài lần. Thế nhưng, nhiều người lại quan niệm để khi nào tưa “già” sẽ tự rụng nên không đưa trẻ đi chữa, khiến trẻ rất đau đớn, ăn uống kém.

Tốt nhất, để giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, với trẻ đang còn bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không nhất thiết phải dùng nước lọc tráng miệng.

Còn trẻ ăn thêm sữa ngoài, ăn dặm, nên cho trẻ uống 1, 2 thìa nước ấm sau ăn để làm sạch miệng. Còn trẻ lứa tuổi mới mọc răng, cằng phải chăm sóc răng miệng kỹ càng. Răng mới nhú, không nên dùng khăn nhúng nước lau rửa, vì mọi sự tác động vào răng lúc này có thể gây lệch lạch răng. Với trẻ đến tuổi đánh răng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, đánh dọc răng, đánh sau bữa ăn.

Tuyệt đối không đánh răng bằng cách kéo ngang bàn chải dọc theo hàm vì vừa không lấy được mảng bám ở các kẽ răng, mà còn gây xước, tổn thương không tốt cho răng mà mắt thường khó nhìn thấy được.

Hồng Hải (ghi)

Chữa Tưa Lưỡi Cho Bé

Tôi có con nhỏ hơn 3 tháng tuổi. Miệng cháu đặc biệt là lưỡi có những mảng trắng phủ kín, người ta bảo là tưa lưỡi. Cháu bú rất khó khăn. Xin hỏi, tưa lưỡi do nguyên nhân gì và cách chữa?
Bùi Thị Minh (Thị xã Hải Dương)

Tưa lưỡi là những màng giả màu trắng ngọc trai ở niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên của lưỡi. Những màng này bám khá chặt vào niêm mạc, gây vướng víu và đau làm cho trẻ khó nuốt và khó chịu.
Nguyên nhân chính là do một loại vi nấm (thường là Candida albicans) ở niêm mạc âm đạo của người mẹ khi đẻ hoặc có thể do nhiễm nấm ở núm vú (vú mẹ hoặc vú chai), do tay, do đồ chơi hoặc chai đựng sữa, kể cả môi trường sống.

Xử lý: Cần giữ vệ sinh vú mẹ và các vật dụng cho trẻ (rửa sạch, luộc kỹ), giữ tay trẻ sạch sẽ.
Thuốc: Trước đây và cho đến nay mọi người thường mách bảo nhau cách quấn mảnh gạc sạch vào đầu ngón tay trỏ, tẩm vào mật ong để đánh tưa. Đánh tưa đến khi sạch màng giả trẻ rất đau rát vì màng giả bám chặt vào niêm mạc. Đánh xong miệng lưỡi trẻ đỏ ửng, đau rát đến nỗi sợ bú. Nhưng điều quan trọng hơn là trong mật ong thường có độc tố của loại vi khuẩn có tên là clostridium botulium tiết ra, độc tố này độc với thần kinh cơ, gây liệt cơ. Vì vậy không nên dùng mật ong để đánh tưa.

Tốt nhất, cho trẻ uống nystatin là một thuốc kháng nấm chiết xuất từ môi trường nuôi cấy streptomyces noursei, có tác dụng đặc hiệu với nấm Candida albicans, với liều dùng, tùy từng trường hợp, từ 100.000 đơn vị đến 500.000 đơn vị, cứ mỗi 6 giờ/lần uống (loại dịch treo) cho đến khi sạch (khoảng sau 48 giờ).

---
Tìm hiểu về thuốc:

Nystatin


Tên chung quốc tế: Nystatin.

Mã ATC: A07A A02, D01A A01, G01A A01.

Loại thuốc: Thuốc chống nấm.

Dạng thuốc và hàm lượng

Kem dùng ngoài 100000 đơn vị trong 1 gam; thuốc rửa 100000 đơn vị/ml; mỡ dùng ngoài 100000 đơn vị/g; thuốc đặt âm đạo 100000 đơn vị/viên; bột: 100000 đơn vị/g; hỗn dịch 100000 đơn vị/ ml; viên nén 500000 đơn vị.

Mỗi đơn vị nystatin tương đương 0,0002059 mg chế phẩm chuẩn quốc tế lần 2 (1982), trong đó 1 mg chứa 4855 đơn vị.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Nystatin là kháng sinh chống nấm được chiết xuất từ dịch nuôi cấy nấm Streptomyces noursei, bột màu vàng, rất ít tan trong nước. Nystatin có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm tùy thuộc vào nồng độ và độ nhạy cảm của nấm, không tác động đến vi khuẩn chí bình thường trên cơ thể. Nhạy cảm nhất là các nấm men và có tác dụng rất tốt trên Candida albicans.

Cơ chế tác dụng: Do liên kết với sterol của màng tế bào các nấm nhạy cảm nên nystatin làm thay đổi tính thấm của màng nấm. Nystatin dung nạp tốt ngay cả khi điều trị lâu dài và không gây kháng thuốc.

Nystatin có tác dụng chống bội nhiễm Candida albicans đường tiêu hóa trong quá trình điều trị kháng sinh.

Nystatin được hấp thu kém qua đường tiêu hóa, không được hấp thu qua da hay niêm mạc khi dùng tại chỗ, thải trừ chủ yếu qua phân dưới dạng chưa chuyển hóa.

Chỉ định

Dự phòng và điều trị nhiễm nấm Candida ở da và niêm mạc (miệng, đường tiêu hóa, âm đạo).

Chống chỉ định

Tiền sử quá mẫn với nystatin.

Thận trọng

Nếu có phản ứng quá mẫn xảy ra, nên ngừng thuốc ngay và có biện pháp xử lý thích hợp.

Không chỉ định dùng cho nhiễm nấm toàn thân vì thuốc không hấp thu qua đường tiêu hóa.

Thời kỳ mang thai

Không có nguy cơ gì được thông báo.

Thời kỳ cho con bú

Nystatin không bài tiết vào sữa mẹ.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Nystatin hầu như không độc và không gây mẫn cảm và dung nạp tốt ở tất cả các lứa tuổi kể cả trẻ nhỏ suy yếu và ngay cả khi dùng kéo dài.

Ở những người bệnh mẫn cảm với candidin, dùng thuốc uống có thể gây biểu hiện dị ứng do tiêu diệt đột ngột nấm Candida và giải phóng nhiều candidin. Khi xảy ra phải ngừng nystatin ngay.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, rối loạn tiêu hóa sau khi uống thuốc, nhất là khi sử dụng liều quá 5 triệu đơn vị một ngày.

Da: Mày đay, ngoại ban.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Gây kích ứng tại chỗ. Hội chứng Steven - Johnson.

Liều lượng và cách dùng

Nhiễm nấm Candida đường ruột, thực quản: 500.000 hoặc 1.000.000 đơn vị/lần, 3 lần hoặc 4 lần một ngày, uống. Trẻ nhỏ: 100.+6

000 đơn vị hoặc hơn/lần, 4 lần một ngày cho tới 14 ngày khi cần. Nystatin được dùng phối hợp với kháng sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.

Tổn thương niêm mạc miệng: Dùng viên ngậm hoặc hỗn dịch 100.000 đơn vị/lần, 4 lần một ngày. Ðiều trị phải tiếp tục ít nhất 48 giờ sau khi hết triệu chứng quanh miệng. Nếu sau 14 ngày điều trị, vẫn còn triệu chứng, cần xem lại chẩn đoán.

Nhiễm nấm âm đạo: 100.000 đơn vị đến 200.000 đơn vị một ngày, dùng 14 ngày dạng viên đặt hoặc dạng kem. Có thể dùng viên đặt phối hợp với metronidazol.

Tổn thương ngoài da: Mỡ, gel, kem hoặc bột mịn 100.000 đơn vị/g, bôi 2 - 4 lần một ngày cho tới khi khỏi hẳn.

Tương tác thuốc

Bị mất tác dụng kháng Candida albicans nếu dùng đồng thời riboflavin phosphat.

Khi dùng nystatin theo đường uống, tránh dùng các thuốc làm thay đổi nhu động ruột, các thuốc bao niêm mạc tiêu hóa vì làm cản trở tác dụng của nystatin.

Ðộ ổn định và bảo quản.

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh nơi quá 400C. Giữ trong lọ kín và tránh ánh sáng.

Quá liều và xử trí.

Rửa dạ dày, sau đó dùng thuốc tẩy và điều trị hỗ trợ thích hợp.

Thông tin qui chế

Nystatin có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ tư năm 1999.

(Nguồn: Dược Thư Quốc Gia Việt Nam 2006)