Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Phát triển trí tuệ của trẻ

Tư vấn trực tuyến về phát triển trí tuệ của trẻ

Thay vì chê bai, các bậc cha mẹ hãy liên tục gieo nhu cầu, động viên trẻ, tạo các tình huống để trẻ tương tác, trải nghiệm trong môi trường giàu ngôn ngữ..., đó là những điểm mà các chuyên gia tâm lý PGS Nguyễn Công Khanh và Đinh Thị Kim Thoa, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh trong buổi trực tuyến chiều 18/4.

- Con trai tôi 4 tuổi rưỡi, nghịch và hiếu động. Nhưng tôi hơi thất vọng vì cháu không có năng khiếu gì đặc biệt, chỉ quan tâm đến siêu nhân, gần như mọi hoạt động phải gắn đến siêu nhân. Thứ gì rơi vào tay là cháu liên tưởng đến kiếm và súng của siêu nhân. Cháu làm gì cũng không tập trung cao độ được. Liệu sau này cháu có thể học tốt được không? (Diễm Hằng, 29 tuổi, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Nhiều bà mẹ thường cảm thấy thất vọng khi không nhận ra con mình có năng khiếu gì đặc biệt. Thực tế đa số trẻ mầm non chưa biểu hiện những năng lực thực sự vượt trội, thậm chí có những biểu hiện thái quá như hiếu động, nhút nhát, chậm chạp... Điều đó không có nghĩa là sau này lớn lên trẻ không thể học tốt. Thực tế đã chứng minh có nhiều tài năng ở cấp vĩ nhân nhưng tuổi thơ là một đứa trẻ học kém (Newton, Einstein...)

Chị không nên lo lắng, thất vọng về con mình, tuyệt đối không kêu ca, phàn nàn về trẻ dù cháu nghịch ngợm, hiếu động, thiếu tập trung và khó nhớ mặt số, mặt chữ… Điều cần làm hiện nay là tìm mọi cách mở rộng hứng thú cho trẻ, hãy tập trung củng cố những hành vi tích cực để hướng sự quan tâm của trẻ đến những vấn đề khác ngoài siêu nhân.

Cần bắt đầu từ những lĩnh vực mà trẻ thích như siêu nhân, hãy tìm những cơ hội để hỏi trẻ: Siêu nhân đến từ đâu? Sống ở đâu? Họ là ai? Họ thích giúp đỡ ai? Làm thế nào để trở thành siêu nhân?... Hãy sử dụng những câu chuyện cổ tích (có thể biến tấu) để đưa nhân vật siêu nhân về gần với đời thường và đã là siêu nhân thì phải quan tâm đến nhiều thứ. Vì trẻ mong muốn trở thành siêu nhân như vậy cũng đòi hỏi trẻ cũng phải quan tâm đến nhiều thứ, chẳng hạn: siêu nhân phải rất kiên trì, siêu nhân phải tự tin, không từ chối việc khó, biết giúp đỡ người khác....

Rồi chị giao cho cháu những nhiệm vụ để rèn luyện, phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội, chẳng hạn yêu cầu trẻ phát hiện những điểm khác nhau trong hai bức tranh để rèn luyện tính kiên trì, khen trẻ mỗi khi trẻ nhận được những điểm khác biệt. Hãy dành thời gian cùng chơi với trẻ những trò chơi lắp ghép siêu nhân, cắt dán hình siêu nhân, tập vẽ những bức tranh có siêu nhân, nhưng mở rộng sự hiểu biết bằng cách đặt các câu hỏi tại sao, như thế nào, là cái gì, nên thế nào? Mục đích là dùng siêu nhân bắc cầu để chuyển hướng sự quan tâm của trẻ sang lĩnh vực khác; chẳng hạn siêu nhân phải nhớ mặt những con số, nhận biết sự khác nhau giữa các bức tranh…

- Làm thế nào để đứa trẻ được coi là thần đồng phát triển một cách bình thường như những trẻ khác và sau này trở thành tài năng thật sự? Tôi thấy nhiều trẻ thần đồng phát triển không bình thường hoặc sau này không có gì đặc biệt? (Lê Cẩm Tú, 30 tuổi, TP HCM)

-TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết chúng ta phải xác định xem là cháu thực sự có năng lực gì, và sau đó chúng ta cần phải có một hệ thống các phương pháp và nội dung giáo dục phù hợp để có thể phát huy các tiềm năng của trẻ. Thường trẻ thần đồng sau này trở thành bình thường là có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là cháu có biểu hiện sớm của sự phát triển. Thứ hai là cháu rơi vào môi trường giáo dục chưa phù hợp, nên những yếu tố bẩm sinh có thể bị thui chột. Khi thấy có những biểu hiện thần đồng ở trẻ, nên nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia.

- Con trai tôi hơn 2 tuổi, nói được rất nhiều, thuộc nhiều bài hát cả tiếng Việt và tiếng Anh, giao tiếp tốt, phân biệt được 7 mầu, 8 hình. So với các em bé cùng tuổi, tôi thấy cháu vượt trội hơn hẳn. Vậy làm thế nào phát hiện khả năng nổi trội của cháu để có thể bồi dưỡng. Tôi định để đến 3 tuổi mới cho đi mẫu giáo. Xin cho tôi lời khuyên.. (Thanh Bình, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Chị thật may mắn vì có đứa con xuất hiện sớm những biểu hiện khả năng vượt trội. Tuy nhiên, cần phải theo dõi, quan sát, đánh giá để khẳng định có đúng trẻ có những năng khiếu đặc biệt so với trẻ cùng tuổi hay không. Tốt nhất chị nên tìm đến những chuyên gia có kinh nghiệm về tâm lý trẻ em, sử dụng những bộ trắc nghiệm đã chuẩn hóa để xác định những năng lực vượt trội của cháu.

Điều chị cần lưu ý là không quá kỳ vọng về những năng lực vượt trội của trẻ để rồi lại thất vọng hoặc thúc ép trẻ không hợp lý. Thực tế cho thấy nhiều trẻ sớm bộc lộ những năng khiếu đặc biệt nhưng không bền vững, không trở thành tài năng nếu không biết cách bồi dưỡng hợp lý, kịp thời.

Chị nên tìm một trường mầm non có môi trường giáo dục tốt để giúp cháu sớm bộc lộ, định hình và phát triển những khả năng tiềm ẩn của cháu. Chúc chị thành công.

- Con tôi 20 tháng tuổi, rất thích làm cùng người lớn. Tôi sửa máy tính cháu cũng cầm tuốc-nơ-vít hết vặn đến chọc rồi bẻ. Cháu đã làm hỏng của tôi 2 cái HDD, 1 main chỉ vì dùng tuốc-nơ-vit chọc ngoáy. Tôi có nên khuyến khích cháu làm tiếp không? (Lý Phước, 30 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Tính tò mò ham hiểu biết của cháu là một biểu hiện rất đáng khích lệ. Để tránh hỏng những đồ vật thì gia đình nên cho cháu thoả mãn nhu cầu này thông qua thế giới đồ chơi. Đôi lúc cũng có thể cho cháu cùng khám phá thế giới thực, nhưng cần có sự hướng dẫn của người lớn và đảm bảo sự an toàn cho bé.

- Con gái tôi 3,5 tuổi nhưng đã đọc thành thạo, rất thích biểu diễn, hay tự mình tập làm MC. Cháu biết đánh vần từ khi 3 tuổi do bà nội dạy trong khoảng 3 tuần, sau đó dần dần tự đọc được. Việc cháu biết đọc sớm như vậy có tốt không? (Phạm Thanh Hà, Hà Tây)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Tất cả đều tốt nếu người lớn phát triển đúng hướng cho cháu. Điều quan trọng không phải chỉ biết đọc mặt chữ, chị hãy giúp cháu hiểu cả nội dung của từ ngữ nữa. Tuy nhiên, nên lưu ý làm sao để vừa sức cho cháu.

- Con tôi 4 tuổi, bình thường rất ngoan và nghe lời, nhưng nếu bị quát mắng thì cháu chống đối, từ lời lẽ đáp trả mắng lại bố mẹ đến đập phá, ném đồ, khóc ăn vạ. Những lúc như thế tôi thật sự khó xử. Đánh cháu thì biết là không tốt nhưng nếu không thì cháu sẽ tiếp tục chống đối dù đã được giải thích rằng như thế không ngoan… Xin cho biết cách giải quyết tình huống trên. (Nguyễn Hoàng Liên, 29 tuổi, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đối với trẻ con, lời khen và lời chê đều ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Trẻ thích được khen hơn chê, nếu người lớn khen trẻ tươi cười, nếu bị chê, trẻ tỏ ra khó chịu và thường trở nên bướng bỉnh, có hành vi đập phá, cáu bẳn, thậm chí ghét bỏ. Như vậy, người lớn cần khen trẻ nhiều hơn. Mỗi khi trẻ có hành vi cần uốn nắn, người lớn hãy khen hành vi tốt trước và nói điều gì không nên làm, khiến người khác không thích, buồn và trẻ không nên làm thế nữa. Trong một số tình huống, trẻ bướng bỉnh, ăn vạ, người lớn không nên lại gần dỗ dành trẻ ngay, hãy lờ đi, tập trung vào việc khác, lúc sau, trẻ tự động ngừng khóc. Khi trẻ thực sự bình tĩnh, người lớn nhẹ nhàng giải thích trẻ lần sau không nên làm như vậy vì người lớn không thích.

Nguyên tắc ứng xử với trẻ: Nên hào phóng lời khen, tiết kiệm lời chê và chỉ chê hành vi nào đó, không nên nói "Con hư lắm, mẹ không yêu con" vì điều đó làm trẻ dễ nổi cáu. Khi trẻ bình tĩnh, hãy tâm tình cùng trẻ để con hiểu hành vi nào nên và không nên. Cần giúp trẻ học cách kiềm chế, chẳng hạn, mỗi khi trẻ nổi cáu, hãy nói: "Con có thể nhẹ nhàng hơn không, mẹ sẽ làm điều đó cho con". Và cứ như vậy tập dần cho trẻ học cách bình tĩnh, kiểm soát hành vi mỗi khi cáu giận. Chúc bạn thành công trong việc dạy con!

- Tôi có 1 cháu tháng 9 này sẽ vào lớp 1. Theo các chuyên gia, cần trang bị những kiến thức gì cho cháu chuẩn bị vào lớp 1. (Nguyễn Thúy Hòa, 30 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết cần chuẩn bị về mặt tâm thế cho cháu bước vào môi trường học tập mới. Thứ nhất là về động cơ học tập, làm cho cháu hứng thú với quá trình học tập. Thứ hai, cho cháu làm quen với quá trình đánh giá và tự đánh giá kết quả học tập cũng như hành vi của mình. Thứ ba là cho cháu biết cách quản lý và tổ chức các đồ dùng học tập, như sách vở... cũng như quản lý các quá trình học tập hay nhiệm vụ học tập... Thứ tư là cho cháu làm quen với các mối quan hệ xã hội khác nhau trong nhà trường - khác với các mối quan hệ của trường mẫu giáo vốn mang tính gia đình. Cuối cùng là giúp cháu thích nghi với lịch sinh hoạt theo giờ giấc.

- Con tôi 5 tuổi, từ nhỏ đã rất thích truyện tranh và vẽ theo hình trong truyện. Nét vẽ của cháu rất có hồn, đặc biệt có tư duy logic. Tôi không có nhiều thời gian cũng như năng khiếu để dạy cháu. Vậy làm thế nào để phát triển khả năng của cháu? Tôi muốn cháu phát triển khả năng tư duy logic để sau này học tốt các môn văn hóa. (Nguyễn Văn Hải, Hà Bắc)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Theo anh kể thì con của anh sớm bộc lộ những thiên hướng đặc biệt có liên quan đến hội họa. Điều anh cần làm là tạo điều kiện, cổ vũ để cháu tiếp tục ham mê vẽ tranh, rồi từ những bức tranh mở rộng sự nhận thức sang các lĩnh vực xã hội, cuộc sống, giúp cháu phát triển những kỹ năng quan sát, tư duy logic để sau này có thể học tốt ở trường.

Xin mách anh một vài cách: Đưa cho cháu những bức tranh đang vẽ dở (có thể chỉ là những hình rời rạc như nửa hình tròn, đường cong hình bán nguyệt, ô vuông, tam giác…) rồi yêu cầu cháu từ những họa tiết đó vẽ tiếp thành một bức tranh hoàn chỉnh, đặt tên cho bức tranh. Sau đó, bạn trò chuyện với cháu về nội dung bức tranh, mục đích là từ khả năng hội họa, bạn giúp cháu mở rộng nhân thức, phát triển khả năng tư duy logic, tư duy đối thoại, ngôn ngữ…

- Tôi sắp có con. Tôi muốn cháu sau này có được tính sáng tạo và hướng ngoại (vì muốn cháu làm doanh nhân hoặc nhà ngoại giao ) thì cần tạo môi trường sống như thế nào để gieo mầm năng khiếu cho cháu? (Nguyễn Phương Nam, 28 tuổi, TP HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Đúng là môi trường giáo dục và hoạt động của bản thân trẻ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, yếu tố bẩm sinh di truyền, hay yếu tố tự nhiên cũng có những ảnh hưởng đến sự hình thành năng khiếu hay ý thích của trẻ. Nên nếu người lớn bỏ qua yếu tố tự nhiên này mà bắt trẻ theo ý muốn của người lớn thì có thể gây ra những tác động phản giáo dục. Muốn cho cháu có tính sáng tạo và hướng ngoại, gia đình cần dạy cháu bằng các phương pháp sáng tạo trong một môi trường luôn chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ, tình cảm... Muốn thế, trước tiên, bố mẹ, người thân phải là những người sáng tạo và cởi mở. Sau này lớn hơn nữa là nhà trường của bé.

- Con trai tôi 29 tháng tuổi mà chỉ bập bẹ được từng từ. Gia đình chúng tôi rất lo lắng. Xin giáo sư cho biết, liệu cháu có dấu hiệu gì thiểu năng trí não hay không? Nên giáo dục như thế nào để cháu hòa nhập được với bạn bè cùng lứa? (Trần Sơn Hà, 28 tuổi, TP HCM)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Thông thường, trẻ biết nói ở tầm từ 13 đến 18 tháng tuổi. Bé trai thường biết nói chậm hơn so với bé gái khoảng 3-4 tháng. Con của bạn đã 29 tháng mà chưa nói được từng từ là có dấu hiệu của sự chậm nói.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cháu thiểu năng hay chậm phát triển trí tuệ, rất có thể môi trường sống của cháu hiện tại nghèo nàn về ngôn ngữ, cháu không được kích hoạt để học nói, nên có biểu hiện chậm nói. Gia đình nên theo dõi, xem xét liệu các hành vi khác của cháu có chậm không, chẳng hạn, cháu có hiểu lời nói của người lớn trong những ngữ cảnh khác nhau không? Cháu có phản ứng nhanh nhạy với những tín hiệu ngôn ngữ khi người lớn nói không? Nếu cháu có những điều đó thì nguyên nhân có thể do môi trường nghèo ngôn ngữ nên cháu chưa có điều kiện phát triển. Nếu vậy, người lớn cần khuyến khích trẻ nói bằng cách: mỗi khi trẻ yêu cầu một điều gì đó, trước khi đáp ứng, hãy yêu cầu cháu diễn đạt điều đó thành lời và chỉ khi nào cháu làm được (bắt đầu là từ, rồi thành câu ngắn, câu dài... ) lúc đó người lớn mới đáp ứng. Cũng có thể sử dụng các câu chuyện, bài hát để kích hoạt, làm giàu vốn ngôn ngữ cho trẻ...

Nếu trẻ có biểu hiện chậm trong việc hiểu ngôn ngữ nói, cần phải tìm đến các chuyên gia tâm lý để có những chẩn đoán, tư vấn sâu hơn.

- Con trai tôi 4 tuổi, rất nghịch ngợm nhưng lại thích nghe các câu chuyện cổ tích. Khi xem các băng đĩa về siêu nhân, cháu rất thích và ngay lập tức bắt chước các hành động đánh nhau; nhưng nghe một câu chuyện thương tâm thì cháu rất xúc động và nghẹn ngào khóc theo câu chuyện. Vậy con trai tôi có thiên hướng xã hội hay tự nhiên vậy?

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Cháu là người dễ cảm xúc. Và điều này cũng cho thấy cháu có khả năng nhập vai và bắt chước tốt. Chưa thể nói cháu có thiên hướng gì, nhưng cháu có đời sống cảm xúc phong phú và đây cũng là yếu tố cần cho phát triển trí tuệ.

- Con tôi 11 tuổi, rất nghịch và mê chơi điện tử, luôn bị giáo viên “để ý” tuy học lực khá. Gần đây cháu học sút dần. Về nhà nếu muốn cháu học thì tôi phải ngồi kèm sát. Bố cháu công tác vắng nên thời gian kèm cho cháu cũng bị hạn chế. Xin tư vấn giùm cách để cháu bớt nghịch và mải chơi để tập trung vào học nhiều hơn. (Nguyễn Thị Châm, 28 tuổi, TP HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Đây có lẽ là "bệnh" của đa số trẻ. Muốn kéo cháu ra khỏi các trò chơi thì chị nên làm một bản "hợp đồng" với cháu về các việc làm có thể và không có thể. Chị hãy tìm hiểu xem là cháu muốn cái gì, thích cái gì, thì có thể thoả mãn những cái có lợi cho cháu và là điều kiện thực hiện nếu cháu không vi phạm những điều kiện trong bản "hợp đồng". Hai mẹ con cũng phải cùng nhau thoả thuận và thống nhất bản "hợp đồng" này. Hướng dẫn cháu thực hiện những điều khoản trong bản cam kết đó.

- Con gái tôi 2 tuổi rưỡi, tiếp thu nhanh nếu tập trung. Nhưng cháu ít khi để ý đến lời nói và hành động của người khác. Khi tôi bảo hát bài nào đó, cháu vẫn tiếp tục lặp lại bài đang hát. Hoặc khi tôi dạy điều gì, cháu thường không để ý. Nhưng nếu cháu yêu cầu gì thì bắt mọi người làm theo, và khó đánh lạc hướng ý muốn của cháu. Tôi cần phải làm gì? (Nguyễn Nhật Linh, Đồng Nai)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Chị cần biết thu hút cháu dưới dạng trò chơi. Chị chưa thể bắt cháu ở độ tuổi này làm theo những gì người lớn muốn. Muốn cháu nghe mình, chị phải lựa chơi với cháu và hướng cháu theo mình.

- Những trẻ không có cha mẹ, chỉ ở với họ hàng thì sự phát triển trí thông minh có bị ảnh hưởng không, khả năng thành đạt có giảm không? Còn những bé sống trong các trung tâm mồ côi, thiếu tình yêu thương thì sẽ ra sao? (Hoàng Thắng, 38 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Chúng ta có thể khẳng định rằng sự phát triển của trẻ sẽ không thuận lợi nếu chúng không được sống trong tình yêu thương, đặc biệt là của gia đình. Bởi vì tình cảm ruột thịt máu mủ là không thể có gì thay thế. Tuy nhiên, nếu điều không may ấy xảy ra, thì đứa trẻ vẫn còn có tình thương của cộng đồng, họ hàng, những con người này có thể bù đắp cho trẻ. Điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh nếu đứa trẻ vẫn được giáo dục trong một môi trường thuận lợi. Đôi lúc, những hoàn cảnh khó khăn lại là chất xúc tác cho đứa trẻ biết vượt lên hoàn cảnh để có thể thành công trong cuộc đời. Điều quan trọng là biết biến những cái bất lợi thành có lợi cho trẻ.

- Tôi có đứa con trai gần 4 tuổi, rất mê chơi, hiếu động, nghịch phá. Cô giáo thường đưa một số bài thơ và truyện để bố mẹ về kèm thêm cho bé. Nhưng khi ba mẹ kể chuyện hay đọc thơ là cháu không tập trung và hay lảng sang chuyện khác. Chúng tôi phải làm sao để dạy dỗ cháu cho tốt? (Nguyễn Thủy, 30 tuổi, Hà Đông)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Với nhiều bé trai ở 4-5 tuổi thường hiếu động, ham thích những trò chơi vận động hơn các trò chơi sử dụng ngôn ngữ. Nếu trẻ không thích đọc thơ, nghe truyện mà cha mẹ cứ ép thì điều đó có thể làm trẻ cáu giận, nổi khùng. Tốt nhất là hãy bắt đầu từ những trò chơi vận động, những cuộc thi, chẳng hạn thi kể chuyện, nhớ đồ vật, kể tên các bài hát... Từ đó trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn và học được cách làm chủ ngôn ngữ.

Cách tốt nhất để điều chỉnh thiên hướng của trẻ em là hãy bắt đầu từ những gì trẻ thích, mở rộng bắc cầu sang những lĩnh vực khác và luôn theo dõi xem trẻ hứng thú thế nào với những trò chơi mới để "cắt may" những trò chơi mới cho phù hợp với hứng thú của trẻ. Người lớn cần đặt ra những nguyên tắc hoặc thỏa thuận trước với trẻ về những hành vi, mong muốn và không mong muốn, luôn luôn cổ vũ những hành vi mong muốn và tỏ thái độ không thích hoặc bỏ qua không để ý đến những hành vi không mong muốn. Đây chính là phương pháp có hiệu quả củng cố những hành vi tích cực, dùng chúng để khắc chế những hành vi không mong muốn.

- Làm thế nào phát hiện hành vi sáng tạo ở trẻ? Những hành vi nào gọi là sáng tạo? Hiện con tôi đã 21 tháng tuổi , hiếu động, không bao giờ chịu ngồi một chỗ dù ở nhà hay ở nhà trẻ , trên đường đi cứ thấy vật gì lạ là lấy, sờ rồi leo lên. Người lớn ngăn cản là cháu khóc, cứ làm theo ý của mình. Hãy cho tôi lời khuyên. (Thu Hà, Hoà Bình)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Bản chất của sự sáng tạo là tìm ra mối liên hệ mới giữa các sự vật, hiện tượng, chẳng hạn một cái cốc dùng để uống nước nhưng nó còn có thể dùng làm vật chặn giấy. Một cái bút dùng để viết nhưng nó cũng có thể được trẻ tưởng tượng thành cái gậy như ý của Tôn Ngộ Không. Có 5 dấu hiệu để nhận biết trẻ có khả năng sáng tạo: trội hơn về tính phức hợp trong tư duy, tinh tế và phức hợp hơn trong tâm vận động, độc lập hơn trong nhận xét, đánh giá, luôn tỏ ra tự tin, kiên trì hơn, chống lại sự áp đặt và sự hạn chế.

Đa số trẻ thông minh thường hiếu động, Bạn nên sử dụng những trò chơi nhóm có tính tích cực khám phá, trải nghiệm, giầu tính tương tác để giúp trẻ học cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách tuân thủ quy tắc chơi, trải nghiệm những xúc cảm, rèn luyện tính kiên trì. Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ may để phát triển tính sáng tạo.

- Con em gần 1 tuổi. Em xin hỏi từ khi nào thì mẹ có thể bắt đầu đọc truyện trước khi đi ngủ cho bé. Việc đọc truyện này có nhiều tác dụng không? (Nguyễn Đức Hạnh, 25 tuổi, Thái Bình)

- Ts Đinh Thị Kim Thoa: Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu kể chuyện cho con bạn ở tuổi này. Tuy nhiên, để hiểu câu truyện thì có thể trẻ chưa hiểu, nhưng nó lại cảm nhận được mặt cảm xúc thông qua ngữ điệu, giọng nói, cử chỉ. Đây là một vấn đề rất quan trọng với sự phát triển đời sống tình cảm của trẻ. Bà mẹ phải thực sự trở thành một người đọc truyện điêu nghệ.

- Xin cho biết sách báo, tài liệu, tạp chí nào đề cập đến vấn đề phát triển và nuôi dưỡng tài năng ở trẻ? Có thể tìm mua ở đâu? (Công Vinh, Đà Nẵng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Bạn có thể tìm mua 5 tập tài liệu hướng dẫn về phương pháp phát triển trí tuệ cho tuổi mầm non, do các chuyên gia của EQuest biên soạn. Liên hệ theo địa chỉ 343 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

- Con gái tôi hiện nay được 13 tháng tuổi. Tôi có thể cho cháu chơi các chữ cái và hình khối bằng nhựa để phát triển khả năng tư duy chưa? Các tranh ảnh nhiều màu sắc thì thế nào? (Nguyễn Thu Huyền, 25 tuổi, Tuyên Quang)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đối với trẻ 1-2 tuổi, các trò chơi hình khối, màu sắc nếu trẻ thích là những cách giúp trẻ phát triển tư duy. Người lớn có thể cho trẻ nhận biết những màu sắc thông qua hình ảnh của những con vật, những hình khối với kích thước khác nhau rồi hỏi trẻ con vật nào to, con nào bé, con nào màu đỏ, màu xanh, hình nào cao, hình nào thấp... Đây là những bài học đầu tiên về phát triển tư duy.

Nếu trẻ không thích, không nên ép trẻ, hãy lựa theo sở thích của trẻ để khởi động một trò chơi nào đó rồi từ đó tiếp nối các trò khác. Mỗi trò chơi người lớn cần giúp trẻ có khả năng tập trung, quan sát, nói ra những suy nghĩ của mình bằng lời để phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ. Chất xúc tác kỳ diệu là những lời khen, chẳng hạn: "Con mẹ thông minh lắm", "thật tuyệt vời"..

- Con gái tôi 5 tuổi, khả năng diễn đạt bằng lời nói khá tốt, mạch lạc và đôi khi lý luận, so sánh hiện tượng rất khá. Tuy nhiên, cháu thiếu kiên nhẫn và dễ nổi cáu vì một yêu cầu nào đó của người lớn. Cháu tập viết phải có mẹ ngồi kèm, ăn cũng phải có người nhắc nhở, chỉ tỏ ra sợ hãi (đôi khi đối phó) với người lớn mà cháu sợ. Tôi nên làm thế nào? (Nguyễn Thu Thủy, Hà Tĩnh)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trước hết, chị hãy dùng những nội dung cháu thích để rèn tính kiên trì cho cháu. Bên cạnh đó, đừng quá khắt khe với cháu. Và tại sao lại bắt cháu phải nghe tất cả những gì người lớn muốn? Chị có thể gặp thêm chuyên gia để nghe tư vấn.

- Con tôi 5 tuổi không phát âm được 2 chữ Đ và chữ T, liệu mai kia cháu có sửa được không mặc dù tôi luôn uốn chỉnh khi cháu phát âm ngọng. (dao thi uyen, 32 tuổi, HaNội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Về đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ, thì đến trẻ khoảng 5 tuổi là có thể phát âm chuẩn âm các chữ cái. Bé của chị chưa phát âm được 2 chữ Đ và T thì có thể có 2 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là cháu có thể nghe phát âm chữ Đ và T thiếu chính xác, dẫn đến phát âm thiếu chuẩn xác. Thứ hai là trong bộ máy phát âm có thể chưa phát triển hết, nên cháu chưa uốn được lưỡi. Chị hãy cố gắng quan sát cách đặt lưỡi của mình khi phát âm 2 chữ này, và quan sát cách cháu phát âm để giúp cháu đặt lưỡi vào đâu, miệng môi như thế nào, để cháu có thể bật ra được âm chuẩn.

- Xin hỏi cách phát hiện khả năng hay năng khiếu đặc biệt của trẻ. Con gái tôi hơn 3 tuổi, có khả năng nhớ rất nhanh. Một bài thơ dài (khoảng 15 câu lục bát) chỉ cần nghe liên tiếp khoảng 5 lần là cháu sẽ thuộc hết. Con tôi có phải là có khả năng đặc biệt không? (Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nam)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trí nhớ của trẻ 3 tuổi thường rất tốt. Trẻ có trí nhớ tốt chỉ là một trong số những biểu hiện chứng tỏ cháu phát triển bình thường. Muốn biết con có năng khiếu gì đặc biệt không, bạn cần tìm gặp các chuyên gia tâm lý trẻ em có kinh nghiệm, sử dụng các bộ công cụ chuẩn để đánh giá.

- Con gái tôi rất thích nghe kể chuyện, đọc thơ, hát và thích kể lại cho người khác nghe, tuy nhiên, cháu luôn "sáng tác" ra nội dung khác để "biểu diễn", khi mẹ uốn nắn lại cháu không nghe mà còn cố gắng bảo vệ ý kiến của mình. Tôi phải làm gì? (Vũ Thanh Lịch, 30 tuổi, Ninh Binh)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trẻ em có sức tưởng tượng phong phú, thường thích tự mình sáng tác những nội dung câu chuyện. Đó là cách chơi thường có ở những trẻ có năng khiếu. Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn là để chúng tự do chơi với những ý tưởng riêng của mình. Đây là sai lầm đáng tiếc.

Người lớn cần khuyến khích trẻ tự do tưởng tượng ra nội dung câu chuyện, phát triển những hành vi cho những nhân vật mình mong đợi. Điều này hỗ trợ, kích hoạt khả năng tư duy sáng tạo. Mỗi khi trẻ làm như vậy, người lớn không nên nói rằng trẻ sai rồi mà ngược lại, cần cổ vũ và hỏi con: "Ồ, mẹ không biết, vậy con hãy nói đi..." Bất kể trẻ tưởng tượng điều gì dù là không có thật hãy khen con để không làm trẻ mất hứng và từ đó yêu cầu bé hãy giải thích tại sao con nghĩ như vậy để giúp con học cách lý giải sự vật, hiện tượng theo suy nghĩ riêng. Điều này giúp trẻ hình thành sự tự tin, tính chủ động, những nền móng để phát triển trí tuệ và thành công trong cuộc sống sau này.

- Con trai tôi 5 tuổi, đi học mẫu giáo về đôi khi kể chuyện bị bạn này, bạn kia đánh. Tôi phải dạy cháu cư xử trong trường hợp đó như thế nào cho hợp lý và thông minh nhất? Nên làm thế nào để rèn luyện lòng dũng cảm cho cháu? (Mai Trang, 34 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết, chị hãy hỏi trẻ về nguyên nhân hoặc bảo trẻ mô tả lại tình huống dẫn đến ẩu đả. Tuỳ từng nguyên nhân khác nhau thì chúng ta ứng xử khác nhau và có cách giải quyết khác nhau. Giả sử cháu là người gây hấn trước và bị đánh lại, thì chị sẽ phân tích cho cháu thấy là nguyên nhân là do cháu. Sau đó chị hỏi nếu trong trường hợp này, nếu con không bị bạn đánh thì con nên làm thế nào. Trong trường hợp cháu bị bạn đánh trước, thì chị nên giải thích cho cháu dưới góc độ tha thứ và độ lượng. Chị có thể giải thích những nguyên nhân mà bạn đã sai với con. Và sau đó, nếu trẻ không thể tránh được điều đó, thì cháu có thể thưa chuyện với cô giáo. Có rất nhiều phụ huynh hay dạy con là bạn đánh thì đánh lại, không được khóc, không cần phải mách và coi đó là rèn luyện tính dũng cảm. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Chúng ta có nhiều cách để rèn tính dũng cảm. Và quan trọng hơn là động cơ của tính dũng cảm đấy là gì.

- Con gái tôi thích sách và chữ từ khi tập nói, đến 2 tuổi thuộc gần hết bảng chữ cái. Hiện cháu 2,5 tuổi và rất thích nghe truyện cổ tích dù chỉ tập trung được 1-2 phút. Cháu cũng rất thích nhạc, cả những bản nhạc, bài hát của người lớn và nước ngoài, thích hát theo nhưng tỏ ra có chọn lọc. Ví dụ trong một đĩa, cháu thích hơn những bài hát mà người lớn cũng thấy hay. Chúng tôi có nên cho cháu học nhạc? (Liên, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Cháu nhà chị cũng có những biểu hiện phát triển sớm. Chị hoàn toàn có thể cho cháu làm quen dần với lĩnh vực mà cháu thích. Âm nhạc rất tuyệt vời để phát triển cảm xúc cho trẻ. Chị hãy thử cho cháu đến các chuyên gia để kiểm tra năng khiếu và có những lời khuyên cụ thể hơn.

- Vì điều kiện không thể chăm lo cho con trực tiếp nên tôi phải gửi con trai cho bà ngoại chăm sóc từ khi cháu mới 1 tuổi. Đến nay cháu đã 3 tuổi. Tôi hỏi như thế có ảnh hưởng gì đến tâm lý của con tôi không? Tôi xin cảm ơn. (Nguyên Quang Nghị, 34 tuổi, Viện Khoa học Thuỷ Lợi)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Cũng chưa thể nói ngay được là cháu sẽ có ảnh hưởng gì, bởi vì cách quan tâm chăm sóc của bà ngoại với bé mới là điều quyết định. Nếu như bà ngoại có thể làm thay hoàn toàn chức năng của người mẹ thì điều đó không đáng lo ngại lắm. Nhưng khi cháu càng lớn dần, thì cháu càng ý thức hơn về các mối quan hệ của người thân với mình. Cho nên anh cố gắng đảm bảo thoả mãn nhu cầu về sự gắn bó ruột thịt của bé.

- Tôi xin được hỏi, yếu tố di truyền đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc phát triển tài năng trẻ ? (Nguyễn chí Công, Long An)

- TS Đinh Thị Kim Thoa:Yếu tố di truyền chỉ có ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi hơn hoặc làm giảm đi khả năng phát triển của trẻ. Trẻ được hưởng di truyền tốt nhưng rơi vào hoàn cảnh giáo dục không thuận lợi thì yếu tố di truyền này cũng không có ý nghĩa. Sự phát triển của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào giáo dục và hoạt động tích cực của trẻ.

- Tôi 27 tuổi chưa lập gia đình, tôi đang có một cháu trai con của anh trai của một người bạn. Cậu bé học toán rất dốt, anh chị đã thuê gia sư về dậy, hôm nào mà cô giáo bận không đến dậy được y như rằng hôm sau cậu bé sẽ bị điểm kém, và bố cậu bé đã đánh cháu rất nhiều lần. Tôi muốn hỏi có phải cậu bé không thông minh hay vì bố cậu bé quá phũ đòn. Có phương pháp nào để cậu bé học thông minh hơn. Xin cảm ơn (Phạm Tuấn Tú, 27 tuổi, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Tôi không biết cháu bé đang học lớp mấy và trình độ hiểu biết môn toán của cháu thế nào nhưng hành vi của bố mẹ đánh cháu, mắng cháu mỗi khi bị điểm kém là điều rất không nên.

Điều người lớn cần làm là động viên, khuyến khích, phát hiện xem trẻ có hứng thú học môn toán hay không, có biết phương pháp học không, có nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình dạy môn toán ở lứa tuổi đó không rồi từ đó tìm cách biến những bài toán thành những trò chơi, những cuộc đố vui để trẻ hứng thú học toán.

Cần làm cho trẻ hiểu rõ những công thức, kỹ năng giải toán và hứng thú tìm tòi những cách giải khác nhau, có như vậy trẻ mới tự giác và mới hình thành khả năng học toán để giúp trẻ hứng thú với học đường và không sợ học toán.

- Con trai em mới vài tháng tuổi. Em muốn hướng cho cháu say mê những môn khoa học tự nhiên. Xin được các chuyên gia hướng dẫn. (Chi Bui, Nha Trang)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Mọi sự định hướng nghề nghiệp cần dựa trên hứng thú, khả năng của trẻ. Chị cần quan sát, theo dõi xem con chị có những khả năng gì từ đó định hướng nghề nghiệp tương lai cho cháu. Chị nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển tài năng trẻ em, không nên xuất phát từ những ý muốn chủ quan của mình để áp đặt một định hướng nào đó mà trẻ không thích.

Điều chị có thể làm lúc này là giúp trẻ phát triển những nền tảng để sau này thành công trong học đường, đó là: Phát triển các khả năng quan sát, tập trung chú ý, khả năng nhận biết các hình dạng, màu sắc, kích thước, mở rộng sự khám phá của trẻ đối với thế giới xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ bộc lộ những thiên hướng…

- Con tôi được 6 tháng tuổi, những món đồ chơi nào cũng như phương pháp chơi với bé như thế nào để bé có thể phát triển được trí thông minh ? Bé bị suy dinh dưỡng về thể chất thì trí thông minh cũng kém hơn những trẻ bình thường khác ? (Thanh Minh, 28 tuổi, Trần Hưng Đạo, Q.5)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Với trẻ dưới 1 tuổi, thường những trò chơi giàu âm thanh, màu sắc sặc sỡ sẽ làm trẻ thích. Trẻ rất thích nghe nói chuyện với người lớn mặc dù trẻ chưa nói được nhưng có thể hiểu những gì cha mẹ nói thông qua ngôn ngữ cử chỉ. Ở thời điểm này, những trò chơi giàu ngôn ngữ, âm nhạc, hình ảnh đều có tác dụng tốt.

Người lớn nên lưu ý, không để trẻ bị suy dinh dưỡng vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

- Chào tiến sĩ Thoa, con tôi lúc 15 tháng tuổi đến nay rất thích nghe nhạc người lớn và chương trình quảng cáo như vậy có tốt cho cháu hay không?Thông thường trẻ nhỏ nên cho tiếp xúc các loại hình âm nhạc nào là tốt nhất? (Vo Minh Phuong, 33 tuổi, Thap Muoi, Dong Thap)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Thực ra trẻ thích xem chương trình quảng cáo cũng là chuyện bình thường. Tính chất của quảng cáo đã đánh vào đúng bản chất nhận thức của con người. Tuy nhiên, không nên để trẻ cả ngày chỉ ngồi xem quảng cáo, hoặc là dùng hình thức quảng cáo để dỗ trẻ, mà cần phải đa dạng hoá các hoạt động cho trẻ. Âm nhạc là một loại hình rất hiệu quả trong việc phát triển và làm phong phú đời sống tình cảm của con người. Nên trẻ thích nghe nhạc sẽ rất tốt cho sự phát triển tình cảm của bé. Chị nên cho con mình nghe nhạc cổ điển hoặc nhạc dành cho lứa tuổi của bé.

- Con tôi hơn hai tuổi, đã đi nhà trẻ. Tôi làm xa tháng về 2 lần, mẹ cháu bán hàng nên không thường xuyên được chơi với con. Vì vậy ngoài giờ học, cháu chỉ biết quanh quẩn bên mẹ và chơi lặt vặt mấy món đồ chơi bình thường mà tôi mua ở chợ. Với hoàn cảnh như tôi thì nên làm cách nào để khuyến khích được năng khiếu cũng như sự sáng tạo của cháu? (Đồng Văn, Hà Nam)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Mọi trẻ em đều có nhu cầu được chơi cùng trẻ khác và người lớn, đặc biệt là chơi cùng bố mẹ để qua đó khám phá, tương tác… nhằm phát triển trí tuệ, nhân cách. Con anh mới 2 tuổi, cần được chơi nhiều hơn với bố mẹ. Điều anh cần làm là dành nhiều thời gian để chơi với con.

Anh có thể ghi âm những câu chuyện cổ tích, những bài hát ru, và nói chuyện nhiều hơn với trẻ qua điện thoại. Anh cũng có thể bày cho trẻ cách chơi với những đồ chơi mà trẻ thích khi không có mặt bố mẹ, chẳng hạn xếp hình, xé dán, vẽ, nặn…Nhưng tất cả những điều trên không thể thay thế sự giao tiếp với bố mẹ vì trẻ em lớn khôn nhờ cảm xúc - điều chỉ có khi tương tác trực tiếp với người khác.

- Xin hỏi làm thế nào để khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình? (Trần Thị Thuý, 31 tuổi, 204 H3 TT Bắc Nghĩa Tân - ngõ 120 Hoàng quốc Việt Cầu Giấy, HN)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết chị hãy tận dụng những thời gian mà cháu thực sự hứng thú để có thể chia sẻ và chị hãy bắt đầu câu chuyện với giọng điệu đầy hấp dẫn rồi khi trẻ đang chăm chú lắng nghe thì chị có thể đột ngột dừng lại và hỏi: "Mẹ đang kể gì ý nhỉ, mẹ quên mất rồi"... Và thường những câu chuyện này là những chuyện mẹ có thể bịa ra, theo suy nghĩ của bé mà mẹ đoán rằng bé đang thích hay đang nghĩ về điều đó. Hoặc chị có thể nói rằng: "Mẹ rất yêu con mèo. Con mèo rất là ngoan. Thế bé yêu con gì? Vì sao"... Những cách như thế này dần dần chị sẽ giúp bé nói ra ngoài những điều bé nghĩ.

- Con trai 4 tuổi rưỡi, bé rất thích xếp hình, nhưng đồ chơi để bé xếp hình thì quá mắc so với thu nhập của nhà tôi, vậy tôi phải làm như thế nào để bé tiếp tục phát huy óc xếp hình của bé khi bé không có đủ đồ chơi về xếp hình ??Xin anh chị tư vấn cho (Nguyen Xuan Ai, 32 tuổi, 48/10G Quang Trung, P.10, Quận Gò vấp, TPHCM)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trò chơi xếp hình là một trong những trò chơi thường được trẻ em thích bởi vì trong quá trình xếp trẻ có thể tưởng tượng, có thể sáng tạo, liên tưởng, thể hiện những ý tưởng riêng của mình. Nếu chị không thể mua được những bộ xếp hình đắt tiền, có thể tự mình sử dụng những miếng bìa, tờ giấy cắt thành hình thoi, hình tròn, hình vuông, hình cánh hoa, gốc cây, con vật.... rồi cùng trẻ chơi những trò chơi sáng tạo, chẳng hạn đố trẻ từ những hình thoi có thể tạo ra được bông hoa bằng cách xếp những hình thoi xung quanh một hình tròn nhỏ và hỏi trẻ đây là hình gì, trẻ sẽ nói bông hoa, khen trẻ.... Mẹ có thể hỏi tiếp: "Bông hoa này còn thiếu những gì, chẳng hạn như lá, cành, thân..., cứ thế mẹ và con có thể tạo nên bức tranh đa màu. Khi bức tranh hoàn thành, hai mẹ con hãy trò chuyện về nội dung bức tranh, trẻ sẽ thấy rất thích thú nếu được tham gia những cuộc chơi có sự hỗ trợ của người lớn.

Chúc chị thành công với những thử nghiệm về phương pháp phát triển trí sáng tạo mà các chuyên gia của EQuest gợi ý.

- Cháu trai nhà tôi 2,5 tuổi, dạo này cháu rất hay nói bậy. Tôi muốn hỏi có biện pháp nào tốt nhất để ngăn chặn cháu không nói bậy nữa không. Xin cảm ơn (Chang Quốc Lâm, 31 tuổi, 364 Nguyễn Văn Cừ)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết, không để cho cháu ở trong môi trường nói bậy. Thứ hai là không khuyến khích và động viên khi trẻ nói bậy. Thứ ba là chúng ta hãy lờ đi và không quá tập trung mắng cháu về những câu nói bậy. Thay vào đó chúng ta nói những cụm từ chuẩn xác và những cụm từ này sẽ dần dần thay thế các cụm từ bậy.

- Con gái tôi 28 tháng tuổi, rất nhanh nhẹn và tự tin, độc lập, thích tự mình làm lấy nhiều việc. Cháu nói được tương đối nhiều, không bị ngọng. Mỗi khi nghe nhạc hoặc xem tivi chương tình ca múa nhạc, cháu hát múa theo một cách say mê, không quan tâm đến mọi người xung quanh, kể cả khi có người lạ. Nhưng cháu lại gặp khó khăn trong việc nhận biết màu sắc, luôn bị nhầm màu. Vậy con tôi có thiên hướng về mặt nào? Nên giáo dục như thế nào để có thể phát triển thiên hướng của cháu? (Phạm Bạch Ngọc, Bắc Giang)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Sự phát triển trí tuệ của đa số trẻ em không có tính dàn đều, tức là trẻ này có thể phát triển nhanh hơn ở khả năng nhận biết các con số, màu sắc… nhưng lại chậm hơn những trẻ khác ở khả năng ngôn ngữ, nhận dạng các hình khối…Con chị phát triển khá tốt ở lĩnh vực ngôn ngữ, kỹ năng xã hội nhưng chậm hơn ở khả năng nhận biết màu sắc, đó cũng là điều bình thường không có gì đáng lo lắng.

Chị nên thông qua những trò chơi để kích hoạt hứng thú của trẻ, bắc cầu những hứng thú này sang việc nhận biết màu sắc, hình ảnh… Với mô tả của chị, chúng tôi chưa thể xác định con chị có thiên hướng rõ rệt về mặt nào, chị có thể liên hệ với các chuyên gia tâm lý để được biết rõ hơn.

- Con trai tôi năm nay 5 tuổi, cháu hiếu động nhưng rất hậu đậu, vợ chồng tôi thường gọi cháu là Nobita hậu đậu, cháu cũng vẫn thường nhận mình hậu đậu như vậy khi kể chuyện ở lớp học. Tôi lo ngại rằng cháu sẽ luôn nghĩ mình là nguời như vậy và không thay đổi khi lớn lên. Anh chị có cho đó là một vấn đề mà tôi cần quan tâm không hay đấy chỉ là biểu hiện của con trẻ. Rất cảm ơn anh chị. (Trần Thị Thuý Nhạn, 30 tuổi, Hà nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đây thực sự là một vấn đề chị cần quan tâm nhưng không phải là đặt cho cháu một biệt hiệu không hay ho gì, chẳng hạn, Nobita hậu đậu. Vô hình chung người lớn không tôn trọng trẻ, không kích hoạt sự cố gắng của trẻ mà biến những hành vi ít thích nghi thành trò cười. Điều này có thể làm thương tổn trẻ hoặc làm trẻ quen dần và không còn các phản ứng tích cực. Điều chị cần làm là hãy tìm một biệt hiệu khác, xuất phát từ những hành vi trẻ thích, trẻ có khả năng, hãy cổ vũ, khuyến khích để từ đó nâng đỡ sự cố gắng, củng cố những hành vi tốt, hạn chế những hành vi không mong muốn.

Chị không nên quá lo lắng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công sau này của cháu khi vào đời. Tuy nhiên, điều cần làm là hãy giúp cháu học các kỹ năng xã hội, học cách kiểm soát hành vi, biết tự đánh giá những hành vi nào là tốt, hành vi nào chưa tốt, làm thế nào để được người lớn quý mến.

- Con trai tôi 3 tuổi rưỡi, trí nhớ khá tốt. Từ 2 tuổi rưỡi cháu đã nhớ được vài chục loại quốc kỳ. Nếu tập trung cao, chỉ nói 2 lần là cháu nhớ được nội dung (như đọc truyện, đọc thơ). Hiện cháu có thể chơi đố vui cộng các số dưới 10. Như vậy cháu có thiên hướng về lĩnh vực gì? Có cần chú ý đặc biệt gì khi dạy cháu? (Nguyen Hà, Ninh Bình)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Hầu hết trẻ em lứa tuổi 3 – 4 đều có khả năng ghi nhớ khá tốt, có thể nghe một câu chuyện vài lần rồi kể lại khá đầy đủ. Do đó, trí nhớ tốt chưa giúp khẳng định trẻ có thiên hướng gì. Bạn nên theo dõi và khuyến khích khả năng tính nhẩm của trẻ, rất có thể khả năng này giúp hình thành năng lực tính toán với các con số và những năng lực liên quan khác. Nên cho trẻ chơi những trò liên quan đến khả năng tư duy với các con số, từ đó mở rộng sự nhận thức sang các lĩnh vực khác để tạo nền móng tư duy như khả năng quan sát, khả năng so sánh, phân tích, tổng hợp…

- Tôi có một cháu trai, năm nay vào lớp 1. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng là biểu hiện của bé, rất thích chơi với con gái, không thích chơi với bạn trai, dáng đi không được mạnh dạn (xin nói thêm từ nhỏ bé sinh thiếu tháng - 2.2 kg). Xin hỏi vậy bé có bị sao không và có cách nào phát hiện nếu bé không được nam tính. Xin cảm ơn (Minh Huong, 36 tuổi, 324 Nguyen Thien Thuat, quan 3, HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Hình thành cho trẻ những biểu hiện hành vi theo giới ngay từ nhỏ là điều hết sức quan trọng. Với cháu nam, thì những biểu hiện về hành vi nam tính thường là chơi những trò chơi kỹ thuật, xây dựng, mang tính vận động, trong quan hệ thì tỏ ra mạnh bạo, xông xáo, nghịch ngợm... Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, cần phải có những xem xét và quan sát cụ thể. Việc cháu hay chơi với bạn gái cũng chưa phải là biểu hiện không nam tính, hay cháu đi không được mạnh dạn có thể có những nguyên nhân về cú sốc tâm lý, sợ hãi nào đó, mà trẻ đã gặp phải. Để giúp cháu theo như chị mong muốn thì chị nên cho cháu trải nghiệm những tình huống mà đòi hỏi sự dũng cảm. EQuest chúng tôi có rất nhiều chương trình để rèn những phẩm chất nhân cách này cho trẻ.

- Con tôi vừa tròn hai tuổi. Cháu thường tự nghĩ ra các trò chơi với những đồ vật rất bình thường, thậm chí chẳng hề liên hệ gì. Ví dụ cầm trên tay một thanh gỗ, cháu bảo làm bà bán bánh mì; hay một chiếc khăn bỏ vào chảo để "xào rau muống". Đó có phải là khả năng sáng tạo? Nếu có thì làm thế nào để phát huy? Dạo này đôi lúc cháu tỏ ra rất bướng bỉnh. Điều này có đáng lo không vì trước nay cháu luôn là một em bé rất ngoan và hiểu lý lẽ? (Phan Huy Khanh, Thanh Hoá)

-PGS Nguyễn Công Khanh: Khả năng tưởng tượng của con chị, theo như chị kể, là khá phong phú. Đó có thể là mầm mống giúp trẻ phát triển trí sáng tạo. Tuy nhiên, từ khả năng tưởng tượng phong phú đến sự định hình một tính cách sáng tạo là cả một khoảng rất dài.

Chị cần gieo mầm hành vi sáng tạo, luôn cổ vũ những hành vi sáng tạo và tìm cách biến chúng thành những thói quen tích cực, thành những nét nhân cách. Chẳng hạn, từ một hành vi sáng tạo do trẻ tưởng tượng ra, chị hãy đặt những câu hỏi tại sao, như thế nào, là cái gì... để giúp trẻ phát triển khả năng lý giải, phân tích, nhận biết những mối liên hệ giữa sự vật, hiện tượng. Hãy chơi những trò chơi đóng vai để làm phong phú trí tưởng tượng của trẻ, qua đó trẻ học các kỹ năng ứng xử, mở rộng sự hiểu biết.

- Xin cho biết cha mẹ cần làm gì để phát triển năng khiếu hội họa cho trẻ? (Xuân Anh, 28 tuổi, TP HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Thứ nhất là anh chị có biết là bé nhà mình có thiên hướng về hội hoạ hay không để phát triển thành tài năng? Còn đối với mỗi một trẻ bình thường, thì những hoạt động giáo dục thẩm mỹ thông qua hội hoạ cũng được chú ý phát triển mạnh. Trước hết, hãy giúp trẻ biết cảm nhận về thế giới màu sắc, hình dạng, sự phối kết hợp hài hoà giữa chúng để tạo nên sự kết hợp muôn màu muôn vẻ. Thứ hai là hãy giúp trẻ thể hiện thế giới nội tâm của mình bằng các phương tiện màu sắc, bút giấy, đồ thủ công... Thứ ba là hãy dùng ngôn ngữ để có thể miêu tả lại, hay diễn đạt những suy nghĩ tâm tư của bé. Anh chị có thể tìm thêm các tài liệu về lứa tuổi mầm non trong lĩnh vực phát triển hội hoạ.

- Tôi có 1 cháu trai 3 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, hiện gia chúng tôi đang sống cùng 1 người anh bị bệnh tâm thần (dạng hiền). Vậy, việc ấy có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu bé không? Rất mong được TS giải đáp. (Đào Xuân Tiến, 30 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trẻ em lớn lên và phát triển là nhờ sự tương tác với môi trường xung quanh, trước hết là bố mẹ, người thân. Như vậy, con của anh mới 3 tuổi, nó rất cần được giao tiếp để tập nhiễm, bắt chước những hành vi của trẻ bình thường, của người lớn bình thường.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của anh chị, nếu cả bố lẫn mẹ thường xuyên chơi với cháu, tạo ra sự yêu thương của cháu với người bị bệnh trong gia đình, cháu có thể học cách anh chị chăm sóc người bệnh. Điều này giúp cho trẻ thiết lập các giao tiếp bình thường với người bác bị bệnh. Lúc đó, trẻ ý thức được những hành vi không bình thường của bác không phải là những hành vi mong muốn, vì vậy anh chị không đáng ngại rằng cháu sẽ bị ảnh hưởng.
Anh chị nên cho cháu đi nhà trẻ, tham gia vào các hoạt động với những trẻ và người lớn khác, không nên để cháu ở nhà một mình cùng người bác bị bệnh tâm thần vì cháu không biết chơi với ai và không có những hành vi bình thường làm chuẩn mực để cháu bắt chước, tập nhiễm, học hỏi...

- Con trai tôi 7 tuổi rưỡi, rất thích vẽ và có thể vẽ mọi lúc mọi nơi. Năm học lớp lá ở trường mẫu giáo, cháu được chọn vẽ tranh bán đấu giá gây quỹ từ thiện do trường phát động. Chúng tôi có nên cho cháu học vẽ hay không? Vì tính cháu hơi chậm, đầu óc hay lơ đễnh nên chúng tôi sợ cháu mê vẽ sẽ chểnh mảng việc học. Hiện cháu học lớp 2, học lực bình thường, môn toán hơi chậm tiếp thu. (Đình Nam, Hải Dương)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Theo lời chị kể thì con chị dường như có thiên hướng hội họa, cần tạo môi trường thuận lợi để kích hoạt khả năng này. Chị không nên quá lo lắng vì ham mê vẽ mà trẻ lơ là chuyện học tập. Điều chị cần làm là giúp trẻ thiết lập một thời gian biểu hợp lý để vẫn có thời gian dành cho hứng thú vẽ của trẻ và hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Cần giám sát việc tuân thủ thời gian biểu.

- Trẻ em phương Tây thường tự lập hơn ở Việt Nam. Các cháu thường tự chơi không cần có bố mẹ hoặc người thân ở gần. Điều này giúp các cháu dễ dàng hoà nhập hơn với thế giới bên ngoài, dễ dàng đi học hay sinh hoạt tập thể hơn. Làm thế nào để tôi cũng giáo giục được con như vậy? (Đặng Thu An, 33 tuổi, Hải Phòng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Chị nói đúng. Bởi vì người phương Tây họ tạo được môi trường tự lập cho trẻ, họ luôn khuyến khích trẻ tự làm và họ cũng là người luôn tôn trọng những suy nghĩ của bé. Còn người lớn của ta thì thường thương trẻ quá mức, làm hộ trẻ rất nhiều, và ít có những biểu hiện tôn trọng ý kiến của bé. Những điều này làm cho trẻ trở nên dựa dẫm, thiếu tự tin, và đôi lúc khó hoà nhập. Vậy thì chị hãy theo cách mà người phương Tây hay làm và kết hợp với những truyền thống tốt của Việt Nam.

- Trẻ 1 tuổi nên chơi những trò chơi nào để phát triển óc sáng tạo? Khi cháu đòi hỏi cái này cái khác, người lớn có nên chiều theo không, nhất là khi đòi hỏi hơi trái khoáy như muốn đồ chơi của trẻ khác? (Trung Dũng, 34 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Ở lứa tuổi này, chơi với thế giới đồ chơi là điều rất quan trọng để phát triển trí tuệ cho trẻ. Nhưng để thực sự phát triển óc sáng tạo, thì trẻ cần có người lớn bên cạnh để chơi với nó. Và người lớn hãy chơi một cách sáng tạo, từ vài thứ đồ chơi có thể chơi muôn vàn phương án khác nhau sẽ làm cho trẻ hứng thú và sáng tạo. Việc trẻ đòi đồ chơi của trẻ khác ở tuổi lên 1 thì cũng không phải là điều "trái khoáy", mà quan trọng hơn là chúng ta biết trẻ cần biết chia sẻ, trẻ có thể chơi đồ chơi của bạn, và bạn có thể chơi đồ chơi của mình. Giáo dục điều này quan trọng hơn là giáo dục trẻ cấm sờ mó vào đồ chơi của bạn.

- Con gái tôi 4 tuổi, khá nhanh nhẹn, trí nhớ rất tốt. Bé có thể nói ra những lời lẽ rất tế nhị mà trong gia đình không dùng. Quan điểm của tôi là cho bé học tập sớm, nhưng mọi người cho rằng cháu còn bé không nên học nhiều. Vậy tôi phải dạy dỗ thế nào để phát triển những khả năng của bé mà không ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi ? (Nguyễn Thanh Tình, Nghệ An)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Không nên dạy trẻ học số, học chữ quá sớm, bởi vì những trẻ biết chữ, biết các con số sớm trước khi vào lớp 1 sẽ thường chủ quan, hay mất trật tự, quấy rối lớp học vì chúng không có hứng thú học lại những gì đã biết. Điều này có thể dẫn đến mất hứng thú học tập tại trường khi vào lớp 1.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động chơi là chủ đạo. Nên thông qua trò chơi giúp trẻ học các kỹ năng cần thiết cho học đường, chẳng hạn kỹ năng quan sát, khả năng tập trung chú ý, khả năng sử dụng ngôn ngữ nhằm giải thích những suy nghĩ, những phát hiện của mình.

- Nếu chất xúc tác kỳ diệu là những lời khen, liệu có làm cho trẻ quen với việc được khen ngợi và không thích bị chê không ạ? Vì con em lên 7 tuổi, em vẫn luôn khuyến khích cháu bằng lời khen phù hợp với hành động của cháu và sau đó có ý kiến góp ý hoặc phê bình (nặng hoặc nhẹ tuỳ tình huống) để cháu làm đúng hơn, nhưng cháu đã bị sốc khi ở ngoài xã hội cháu không phải lúc nào cũng được ứng xử như vậy (Nguyễn Đoan Trang, 37 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đúng là môi trường xã hội hiện nay làm nhiều bà mẹ lo lắng, sợ rằng con mình nếu chỉ dạy những hành vi tốt sẽ khó thích ứng. Nhưng cha mẹ cần hiểu rằng, mỗi đứa trẻ ở lứa tuổi học đường đều có khả năng quan sát, biết cách đánh giá, chọn lựa những hành vi nào là thích hợp cho mỗi tình huống.

Việc nuôi dưỡng những hành vi tốt thông qua những lời khen là điều nên làm. Không phải vì điều này mà làm trẻ kém thích ứng. Bố mẹ hãy giúp trẻ học kỹ năng giải quyết vấn đề, đứng trước một vấn đề, một tình huống khó, trẻ cần hiểu rõ điều gì đang xảy ra, đâu là nguyên nhân, đâu là bản chất, có những cách ứng xử nào, nếu là người khác, họ sẽ xử sự thế nào để từ đó chọn lựa được một cách ứng xử phù hợp.

- Tôi có đọc quyển sách "Em phải đến Havard học kinh tế", trong đó họ khuyên nên giáo dục con từ sớm ( từ khi mới sinh ), vậy lý thuyết đó có đúng không. (Vũ Thu Hằng, Hà Tây)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Những hành vi sáng tạo thường nảy sinh trong môi trường trẻ được khuyến khích, được tự do chơi với những ý tưởng của mình mà không bị áp đặt bởi người lớn. Hiện tại các chuyên gia tâm lý cho rằng có thể giáo dục trẻ em từ rất sớm, thậm chí từ khi bà mẹ mang thai, gọi là môn học “thai giáo”.

- Nhiều trẻ rất bướng bỉnh và hay làm ngược lại những điều người lớn chỉ bảo. Làm thế nào để khắc phục điều này? (Ngọc Dung, 27 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Một trong những nguyên nhân gây sự chú ý đến bản thân mình là sự làm ngược lại những điều người lớn mong muốn. Và để bớt đi mâu thuẫn này, người lớn và bé cần có thoả hiệp. Trẻ có thể nói không với người lớn điều này, thì người lớn cũng có thể nói không với trẻ điều khác. Có nghĩa là người lớn hãy đồng ý rằng bố mẹ chấp nhận cái trẻ làm ngược lại, nhưng trẻ cũng sẽ phải chấp nhận cái mà người lớn không đáp ứng. Với cách như thế này, trẻ sẽ bớt đi sự bướng bỉnh. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý là đừng quá áp đặt, hãy cố gắng hiểu trẻ hơn.

- Con gái tôi 30 tháng tuổi, nhớ rất nhanh đồ vật cũng như hình trong tranh, đã biết cầm bút viết các nét nguệch ngoạc. Xin cho biết ở lứa tuổi cháu đã nên cho tập viết chưa? (Phạm Thị Hà, 26 tuổi, TP HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Chị có thể dạy cho cháu cầm bút để tô và vẽ, nhưng viết chữ thì có thể chưa cần thiết. Bởi vì để có thể viết được chữ đúng đòi hỏi sự chín muồi của thần kinh cũng như sự tinh tế của các vận động ngón tay. Việc viết quá sớm có thể làm cho cháu chóng mệt mỏi vì sự tập trung và có thể dẫn đến sự thiếu chính xác trong kỹ năng.

- Tôi có hai cháu con nhà ông anh chuẩn bị vào lớp 1. Mọi người trong nhà rất lo lắng vì thấy nhiều Trường tiểu học bắt thi đầu vào, thậm chí còn thi cả đọc, viết. Gia đình ông anh phải cho cháu đi học thêm để ôn luyện, học cả tập viết, tập đọc. Theo các chuyên gia trước khi vào lớp một có cần phải cho các cháu biết đọc, biết viết không? Trẻ 4 tuổi , ngoài việc học ở lớp mẫu giáo về nhà có phải dạy các cháu học thêm gì không? (Duong Thuy Linh, 31 tuổi, Pho Vinh phuc - Hanoi)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đúng là có một số trường tiểu học chọn trẻ vào học bằng cách cho thi cả đọc lẫn viết. Điều này xét ở góc độ giáo dục là một việc làm không khoa học, thậm chí phản khoa học. Môi trường mầm non cần chuẩn bị cho trẻ một vốn kinh nghiệm để có khả năng thích ứng tốt nhất khi đến tuổi vào lớp 1: Đó là khả năng ngôn ngữ, không phải là khả năng đọc chữ mà là khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách lưu loát.

Khả năng thứ hai là hiểu các biểu tượng về các con số chứ không phải là khả năng tính toán. Khả năng thứ ba là khả năng thích ứng, hòa nhập với môi trường xã hội, chẳng hạn, khả năng kết bạn, tuân thủ kỷ luật, có khả năng ngồi trong một khoảng thời gian nhất định để tập trung theo dõi bài học, biết kiềm chế những hành vi không thích hợp, chẳng hạn như nói chuyện riêng trong lớp..., tuân thủ kỷ luật.

Như vậy, với một số trường có tuyển chọn đầu vào, cái cần đánh giá là khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng thích ứng với môi trường học tập. Cách kiểm tra là trò chuyện với trẻ để xem trẻ phản ứng thế nào, có thể sử dụng những bộ trắc nghiệm chuẩn dành cho tuổi mầm non để đánh giá sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, kết quả đánh giá chỉ có giá trị phát hiện những điểm mạnh, thiếu hụt, hỗ trợ cho tư vấn xếp lớp chứ không phải là để loại bỏ.

Đối với hầu hết trẻ, gia đình không nên dạy trẻ biết đọc, biết viết trước khi trẻ đến trường, bởi vì chính điều đó làm hại trẻ hơn là có lợi. Khi giáo viên hướng dẫn mọi trẻ khác đọc và viết thì những trẻ đã biết trước thường không chú ý, dễ chủ quan và sinh ra nghịch ngợm, quấy phá do mất hứng thú từ những bài học cô dạy.

Đối với trẻ mẫu giáo, cha mẹ cần chơi cùng trẻ, dạy trẻ cách quan sát, dạy các kỹ năng xã hội, cách ứng xử hơn là dạy học chữ, học tính toán.

- Tôi có một bé trai 4,5 tuổi. Tôi nghe nói cho trẻ học ngoại ngữ sớm sẽ giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ và trí thông minh. Quan điểm này có đúng không ? Cho trẻ bắt đầu học ngoại ngữ ở độ tuổi nào là thích hợp nhất và hình thức học nên là gì? (Lan Hương, 29 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Đúng là sự phát triển ngôn ngữ và trí thông minh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, việc phát triển tiếng mẹ đẻ là yếu tố rất quan trọng để cho đứa trẻ hình thành không những chỉ thông minh mà còn là bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc. Nếu ngôn ngữ này còn chưa phát triển hết, ngôn ngữ khác đan xen vào, thì có thể gây yếu tố nhiễu cho sự phát triển. Trừ những trường hợp ngoại lệ, có những trẻ có khả năng đặc biệt, thì theo ý kiến chủ quan của tôi, không cần phải bắt trẻ học quá sớm, đặc biệt khi mà trẻ tỏ ra không hứng thú.

- Tôi có con trai hơn 3 tuổi, từ một năm nay cháu chỉ thích chơi ô tô, ra đường nhìn thấy ô tô là reo mừng, nhìn thấy hình ảnh tô tô là xem say xưa, cho mẹ dọn dẹp thoải mái. Sở thích này có liên quan gì đến sự phát triển trí tuệ của cháu không? (Lê Thị Trang, Thái Nguyên)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Một số trẻ em thường thu hẹp sự quan tâm, hứng thú vào một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như con chị là chơi ô tô, với một số trẻ khác là siêu nhân…Điều chị cần làm là từ hứng thú này mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hãy bắt đầu từ trò chơi với ô tô để giúp trẻ tìm hiểu có những loại ô tô nào, màu sắc đặc trưng của một số loại (chẳng hạn xe cứu hoả, xe cứu thương…), cách phân loại (ô tô con, ô tô tải…), cách tháo lắp chúng thế nào, người ta dùng ô tô để làm gì, điều gì sẽ xảy ra nếu như… Những câu hỏi này sẽ bắc cầu để hướng sự quan tâm của trẻ sang các lĩnh vực khác.

- Con trai tôi 5 tuổi, rất ham bạn, thích chơi, đặc biệt là chơi lắp ráp. Bé hay nghĩ ra nhiếu thứ và ráp đúng thứ ấy, nhưng không kiên nhẫn khi gặp sự cố hay khó khăn, như khi không lắp ráp được đồ chơi như mong muốn hoặc không biết cách chơi như thế nào. Trong những lúc như vậy, bé thường yêu cầu mẹ giúp ngay mà không cố gắng tìm cách tự làm (ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn). Như vậy có phải là bé có hạn chế về sự sáng tạo hay không? (Nguyễn Thị Minh Tâm, Cần Thơ)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Xếp hình, lắp ráp là những trò chơi được nhiều trẻ yêu thích. Trò chơi này thường giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng, sự khéo léo... Tuy nhiên, một số trẻ khi gặp khó khăn thường mau nản, không kiên trì. Mỗi khi trẻ gặp khó khăn, người lớn không nên giúp ngay hay làm thay. Cần quan sát, động viên để trẻ tự phát hiện những điểm bất hợp lý; có thể gợi ý, hỗ trợ nếu trẻ đã cố gắng nhưng vẫn không làm được. Thường xuyên khen trẻ mỗi khi trẻ vượt qua một trở ngại nào đó, làm được một điều gì đó để nuôi dưỡng hứng thú, sự say mê. Từ những trò chơi này, cần mở rộng sự hiểu biết thông qua những câu hỏi tại sao, như thế nào, là cái gì... để giúp trẻ mở rộng sự giao tiếp với thế giới xung quanh.

- Con trai tôi 6 tuổi, rất hiếu động. Cháu nghịch luôn chân tay, dường như không có lúc nào dừng nghịch để tư duy về việc gì cả. Cháu cũng rất bướng bỉnh, không kiên trì, làm hoặc chơi cái gì cũng chỉ một lúc là chán. Cháu sắp vào lớp 1, tôi dạy viết hoặc đọc, nhưng cháu không thể tập trung nên không hiệu quả. Hiện gia đình tôi đang rất lúng túng trong việc phát hiện và nuôi dưỡng khả năng của cháu, động viên cháu học tập. Xin cho tôi lời khuyên. (Anh Tuấn, Vĩnh Phúc)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Những trẻ đã đủ tuổi đi học lớp 1 nhưng chưa hình thành những kỹ năng tiền học đường để hỗ trợ quá trình học tập, chẳng hạn như khả năng quan sát, sự tập trung chú ý trong một thời gian, khả năng kiên trì thực hiện những nhiệm vụ học tập được giao... có nguy cơ bị thất bại học đường. Do không đủ thông tin, chúng tôi khó có thể xác định cháu đang gặp những khó khăn gì để tư vấn cho anh. Anh nên đưa cháu đến gặp các chuyên gia về tâm lý lâm sàng để chẩn đoán những thiếu hụt và có những chỉ dẫn cụ thể.

- Con trai tôi hiện nay 2,5 tuổi. Cháu ít nói nhưng luôn bắt chước làm theo mẹ. Mẹ làm gì cũng phải tham gia cho bằng được: giặt quần áo, nhặt rau, quét nhà... Cháu làm cũng khá chuẩn theo người lớn và tôi đã để cho cháu làm cùng. Điều đó có giúp trẻ tư duy tốt hơn từ thực tế không? (Trương Minh Chiến, 30 tuổi, Bình Dương)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Đặc điểm tâm lý của trẻ em tuổi mầm non là rất hay bắt chước, rất thích được làm theo hoặc cùng làm với người lớn. Nhiều người lớn lo ngại hoặc không muốn trẻ làm theo vì sợ trẻ làm bẩn, làm hỏng... Thực ra, không phải như vậy... Mỗi khi người lớn làm một điều gì đó, chẳng hạn các việc vặt trong nhà, sự tham gia của trẻ để làm quen với các việc trong nhà là môi trường rất tốt để giáo dục trẻ về ngôn ngữ, thói quen. Đây cũng là môi trường tốt để giao lưu, hình thành các thói quen, các kỹ năng lao động, sự tự tin, tính chủ động, độc lập của trẻ. Vấn đề là cha mẹ biết cách khuyến khích, động viên, uốn nắn những hành vi để trẻ không bị mất hứng làm theo những hành vi người lớn mong muốn.

- Tôi nghe nói chơi điện tử có thể giúp cho trẻ thông minh hơn. Xin hỏi bác sỹ thế có đúng không và từ mấy tuổi có thể cho trẻ chơi điện tử? Với trẻ lớn, có thể cho chơi ngày mấy tiếng là vừa? (Nguyễn Hoa Mai, 28 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Đúng là trò chơi nói chung và điện tử nói riêng có thể giúp cho trẻ thông minh hơn. Nhưng chúng ta định vận dụng sự thông minh này vào việc gì thì phát triển theo hướng đó. Vậy nếu chơi quá nhiều trò chơi điện tử thì sự thông minh của trẻ sẽ không có thời gian để vận dụng vào thực tiễn. Điều này sẽ là vô bổ. Hơn nữa, trò chơi điện tử có nhiều loại, game hành động, bạo lực và cũng có những trò chơi thực sự để phát triển trí tuệ. Hãy để cho cháu chơi trong khoảng thời gian vừa phải, ví dụ trẻ 5-6 tuổi thì chơi 30 phút một lần trong ngày. Trẻ lớn hơn thì có thể chơi khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, điều này phải cân đối với nhiệm vụ học tập và các nhiệm vụ khác của trẻ.

- Con gái tôi hơn 2 tuổi, thiếu tình thương của bố vì anh ấy mất sớm. Cháu thông minh, hiếu động nhưng nhiều khi rất khó bảo dù mẹ cố vận dụng cả nhu lẫn cương, trong khi khá nóng tính. Tôi muốn cháu tự lập, có bản lĩnh và biết vượt qua sự thiệt thòi của bản thân, vậy trong hoàn cảnh mình tôi nên làm gì? (Quỳnh Hương, 27 tuổi, Quảng Ninh)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Thực ra khi chúng ta phán xét một đứa trẻ khó bảo hay dễ bảo cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính nghiêm khắc hay dễ tính của người lớn. Cho nên chúng tôi cũng chưa biết trong tình huống cụ thể bé của chị khó bảo là thế nào, có thể là do bé, hay là do ý chí của chị. Tuy nhiên, nếu chị đã hiểu những phản ứng của bé thì tốt nhất chị hãy đừng đưa bé vào tình huống để bé chống lại và trở nên khó bảo. Chị cần tìm con đường vòng bằng cách khuyến khích, treo giải, đưa ra điều kiện, tìm cách thoả thuận để cả hai mẹ con cùng đạt được đích.

- Tôi có cậu con trai hơn bốn tuổi. Về nhận thức tôi không thấy có điều gì đáng lo lắng nhưng khổ nỗi cháu rất hay khóc nhè. Có điều gì không ưng ý là khóc ngay. Là con trai nhưng cháu quá quấn mẹ, luôn lo sợ mẹ đi xa, đi làm về muộn. Mức độ hòa nhập của cháu kém. Tôi băn khoăn không biết nên khắc phục tình trạng này như thế nào? (Như Ý, 33 tuổi, Nam Trung Yên)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Qua mô tả, con của chị có những biểu hiện nhút nhát, thiếu hụt các kỹ năng xã hội. Do vậy, cháu không tự tin. Mỗi khi làm điều gì đó không ưng ý là cháu khóc - đây là một cách ứng xử thường thấy ở trẻ mầm non, việc đòi hỏi cha mẹ phải thỏa mãn ngay lâu dần thành một thói quen xấu ở trẻ. Điều này làm mất đi những cơ hội để trẻ học hỏi cách yêu cầu, thuyết phục, thương lượng với người lớn mỗi khi trẻ muốn điều gì đó.

Tốt nhất là chị nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để đánh giá chính xác những thiếu hụt trong kỹ năng xã hội và được tư vấn các phương pháp thích hợp để giúp cháu hòa nhập tốt hơn.

- Bé Bi của tôi chuẩn bị vào lớp 1. Cháu thiếu tự tin và không bạo dạn, nhiều cái cháu biết nhưng ở lớp không dám xung phong trả lời. Tôi cần phải thế nào để khích lệ được cháu (tôi cũng thường xuyên cho cháu ra ngoài chơi và giao lưu với các bé khác)? (Bùi Thúy Anh, 32 tuổi, Vũng Tàu)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Chị cần phải kết hợp tốt với cô giáo của bé. Hãy trao đổi với cô về những tính cách của cháu cũng như biểu hiện của cháu ở lớp để có những giúp đỡ kịp thời và phù hợp. Hãy chuẩn bị bài ở nhà cùng với cháu. Hãy đóng vai một cô giáo và đặt những câu hỏi cho bé để bé tập phản ứng trước những câu hỏi và trả lời. Hãy động viên, khích lệ cháu với bất kỳ câu trả lời nào. Khen cháu trước khi đưa ra những nhận xét. Hãy cố gắng hình thành cho cháu sự tự tin.

- Có nên cho trẻ học chữ khi mới tròn 4 tuổi không? Lứa tuổi này đã có khả năng tập trung nghe người lớn dạy và làm theo được chưa? Cháu nhà tôi có biểu hiện không quan tâm đến việc học chữ và tô màu trong khi nhà trường mẫu giáo đang dạy tô màu (cô giáo thường phàn nàn về khả năng tô màu của cháu). Cháu rất bướng bỉnh, không thích không làm, nhưng đặc biệt thích và chăm chú quan sát máy móc. Tôi nên làm gì đây? (Lê Sông Cầu, Hà Tĩnh)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Với hầu hết trẻ em, khả năng học chữ liên quan đến sự chín muồi của các quá trình tâm lý, chẳng hạn khả năng tâm vận động, khả năng nhận biết ý nghĩa của các con số. Theo các chuyên gia chuyên nghiên cứu về trẻ em, lứa tuổi thích hợp để đến trường học chữ thường là 6 tuổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, phụ huynh không nên cho trẻ học chữ quá sớm khi 4- 5 tuổi. Điều cần làm là cho trẻ chơi, làm quen với các biểu tượng về số, nhận biết các chữ cái.

Để trẻ hứng thú với việc tô màu, học các biểu tượng về số, chữ cái, cần biến chúng thành những trò chơi mà trẻ hứng thú, chẳng hạn tổ chức các cuộc thi tài giữa các nhóm trẻ cùng tuổi.

Cách tốt nhất để dạy những trẻ có dấu hiệu “bướng bỉnh” là nương theo những sở thích, hứng thú của trẻ, thiết lập các cam kết, quy tắc không được vi phạm…để trẻ học cách tuân thủ kỷ luật…. Từ đó, cần mở rộng sự hiểu biết sang lĩnh vực khác, thông qua một hệ thống các bài tập, trò chơi có sự tư vấn, thiết kế của các chuyên gia tâm lý.

- Con gái tôi lúc 5 tuổi đã rất thông minh, tính nhẩm được cả số hàng trăm, học thơ, học bài hát.... Rất tốt. Nhưng càng lớn cháu càng kém đi, đến bây giờ học lớp 4 nhưng hầu như không thể tính nhẩm được nữa. Vậy làm thế nào để phát triển được sự nhanh nhẹn, thông minh của trẻ? (Nguyễn Quỳnh Mai, 32 tuổi, Hải Dương)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết có thể chị đã không thực sự có những phương pháp để phát huy các lợi thế của cháu lúc bé, nên những lợi thế ấy chưa trở thành năng khiếu. Bây giờ chị vẫn có thể làm "sống" lại những tư chất bằng việc áp dụng các phương pháp dạy học sáng tạo. Rất tiếc là chị cũng có thể gặp khó khăn nhưng chị có thể tìm đến các chuyên gia. Họ sẽ tư vấn cho chị về các phương pháp dạy con cụ thể.

- Tôi có con trai 1,5 tuổi, cháu bị điếc do ảnh hưởng của não nhưng trí tuệ vẫn phát triển ở mức bình thường. Vậy xin anh chị tư vấn: 1, Gia đình nên giáo dục cháu theo hướng nào khi chỉ tác động đến cháu bằng hình ảnh 2. HIện nay xã hội ta đã có những biện pháp gì để giúp đỡ, phát triển trí thông minh của trẻ và giúp gia đình giáo dụcnhững trẻ khiếm khuyết như cháu nhà tôi. Xin cung cấp một số địa chỉ mà tôi có thể liên lạc và tài liệu tham khảo. (Lbnđ, 30 tuổi, HaNOI)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Tôi không biết rõ con trai chị bị điếc có kèm theo bị câm hay không vì thông thường những trẻ bị điếc bẩm sinh hoặc bị điếc ở giai đoạn dưới 2 tuổi thường kèm theo câm. Nếu đúng vậy, chị cần tìm đến các chuyên gia tâm lý, các chuyên gia giáo dục đặc biệt để tham vấn.

Nếu cháu không bị câm, bị điếc nhưng trí tuệ vẫn "bình thường" chị có thể sử dụng những trò chơi có hình ảnh, màu sắc, hình khối để kích hoạt sự phát triển trí tuệ của cháu. Chị cũng có thể sử dụng các trò chơi vận động ngôn ngữ cơ thể (làm các động tác, các cử chỉ để minh họa cho ý nghĩ) và dạy cháu ngôn ngữ ký hiệu. Chị nên gặp các chuyên gia để tham vấn.

- Con tôi 4 tuổi, từ 2 năm nay cháu thường quan sát xung quanh và biết sử dụng những đồ dùng thích hợp trong nhà để mô phỏng hành động hoặc thao tác máy móc (như quay vô lăng, gạt cần số, dùng nhiều vỏ hộp dài nối đuôi thành tàu điện, hay tưởng tượng và hành động giống như ăn uống gì đó). Vậy đây là những hành động thường có ở trẻ hay khả năng riêng của cháu? (Phạm Hương, Hải Phòng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Đây là những hành động thường có ở nhiều trẻ em khác tuổi mầm non, cũng là những dấu hiệu cho thấy con chị có trí tưởng tượng phong phú. Cần sử dụng nó để kích hoạt tiềm năng sáng tạo của trẻ bằng cách tăng cường giao tiếp, hỏi tại sao để trẻ lý giải; khen, cổ vũ, đặt các câu hỏi vừa sức để trẻ tự trả lời... nhằm hình thành sự tự tin.

- Tôi là một giáo viên mầm non, thường thấy có 1 nghịch lý: Có những gia đình cha mẹ, anh chị thất học, không xem trọng việc phát triển trí não nhưng bé lại học rất giỏi, rất say mê dù không có tiền đề hay động lực thúc đẩy nào. Chúng ta giải thích như thế nào? (Lê Thùy Linh, 35 tuổi, Hải Dương)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Chúng ta không phủ nhận những yếu tố tự nhiên, những hứng thú, thiên hướng mà đứa trẻ có được đối với sự hình thành năng khiếu, sự say mê và động cơ hoạt động. Những đứa trẻ như trong trường hợp của chị là những đứa trẻ như vậy. Việc học là hứng thú đối với chúng, cũng như việc chơi là hứng thú đối với trẻ khác.

- Con trai tôi đang học lớp 1. Những ngày đầu đi học, khi có bài tập về nhà rất hăng hái làm bài. Sau đó một thời gian thì cháu nói là muốn học lớp khác. Hỏi ra thì cháu nói là cô giáo hay hét toáng lên cho cả trường nghe thấy, nên cháu có vẻ sợ. Tôi biết con tôi bình thường không thông minh, và nhút nhát. Nhưng cháu chỉ học tốt khi có sự động viên khuyến khích thôi. Cháu không bao giờ học được khi bị mắng hoặc bị chê, mặc dù chúng tôi rất cố gắng để cháu giao lưu và nhận thức được là tại sao lại bị chê và phải làm thế nào để không bị chê. Nhờ chương trình cho tôi một giải pháp để cháu bớt phần nhút nhát? (Trần Hoa, TP HCM)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Bạn nên gặp gỡ giáo viên của cháu, trao đổi về những đặc điểm của con mình như cháu học tốt khi nào, sợ điều gì... để giáo viên lưu ý chọn cách ứng xử thích hợp. Nên theo dõi một thời gian, nếu quan hệ giữa giáo viên và trẻ vẫn không cải thiện thì bạn có thể gặp hiệu trưởng xin cho con chuyển sang lớp khác.

- Con trai tôi được 19 tháng tuổi, nhưng cháu nói rất tốt, hát thuộc hầu hết các bài hát thiếu nhi, diễn đạt ý rất tốt, nói cả tiếng anh. Nhưng tôi rất phiền lòng với về việc cháu rất lười, không bao giờ tự làm cái gì cả, bảo cháu làm là khóc giãy. So với cùng tuổi thì cháu kém hơn về việc đó. Mà theo tôi thì trí tuệ có được khi trải qua lao động. Xin anh chị cho tôi biết phải làm thế nào. (Chu Minh Thuỳ, 29 tuổi, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Với một số trẻ, do không hứng thú, do trẻ biết rồi, do không thích bị người lớn ra lệnh nên thường sử dụng vũ khí "khóc" để từ chối, lâu dần, thói quen này có thể định hình thành thói quen xấu.

Chị hãy quan sát xem bé thích nhất trò chơi gì và bắt đầu từ những trò chơi để kích hoạt hứng thú. Thông qua những bài tập, những nhiệm vụ của trò chơi để giáo dục lòng yêu lao động. Hiện tại, các chuyên gia của EQuest có tổ chức những lớp học để hướng dẫn trẻ ở tuổi mầm non tham gia các hoạt động chơi mà học vào các ngày chủ nhật và thứ bảy hằng tuần. Tại các lớp học này, các bài tập, các tình huống chơi đòi hỏi trẻ phải nỗ lực thực hiện trong sự kích thích cổ vũ của những trẻ khác. Đó là cách giúp trẻ mở rộng hứng thú, hình thành những thói quen tốt. Chị có thể liên hệ theo số điện thoại: 04. 762 4788 để được tư vấn thêm.

- Bố mẹ phải dạy con như thế nào nếu cháu mới học lớp 7 đã biết yêu đương và không chịu học hành? (Phương, 14 tuổi, Từ Liêm)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Cảm xúc với bạn khác giới đã bắt đầu hình thành ở lứa tuổi này. Trẻ đã bắt đầu có những xao xuyến, những vấn vương và rất thích tán gẫu tâm sự với bạn bè. Đây là một cảm giác mới lạ và cũng không kém phần thú vị, nên có thể lôi trẻ ra khỏi các nhiệm vụ học tập. Nếu các bậc phụ huynh và người lớn không thể trở thành những người bạn thực sự của trẻ, thì càng đẩy trẻ đến với những người bạn của mình nhiều hơn. Hãy dành thời gian để chia sẻ và tâm sự một cách bình đẳng với trẻ, thông qua đó hướng dẫn được tình cảm của trẻ đi đúng hướng. Chúng ta đừng hy vọng dập tắt mà cần biết chuyển hướng những cảm xúc đó.

- Tôi có con trai 5 tuổi. Cháu rất thích máy móc, thích vẽ và lắp ráp các loại máy móc. Nhiều khi bản thân tôi cũng còn không rõ bằng cháu. Cháu nhìn những bản vẽ máy móc, mặt bằng nhà mà cũng hiểu mặc dù không ai nói cho cháu biết. Vậy cháu nhà tôi có năng khiếu không và chúng tôi nên có phương pháp gì để nuôi dưỡng? (Lê Ngọc Diệp, Nghệ An)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Có thể nói bé của anh chị có tri giác và trí nhớ không gian tốt. Là con trai nên cháu có thiên hướng về kỹ thuật cũng là chuyện bình thường; nhưng cháu có thể nhanh hơn các bạn khác để hiểu các vị trí không gian khác nhau. Cháu có những tiền đề để phát triển tưởng tưởng sáng tạo không gian. Tuy nhiên để phát triển khả năng này, bố mẹ cần có kiến thức để hướng dẫn và chơi với con, biết kích thích và dẫn dắt cháu khám phá. Ngoài ra, cần cho cháu phát triển khả năng ngôn ngữ, sáng tạo ngôn ngữ nữa.

- Chào anh chị. Tôi có 1 cháu trai 4 tuổi. Cháu rất thích xem các môn thể thao như đánh gôn, bóng chày, bi-a trên TV và con số. Vậy tôi nên h­uớng cho cháu như thế nào để có thể phát huy những sở thích của cháu. Xin cảm ơn anh chị. (Nguyen Nguyet Anh, 32 tuổi, Hải Phòng)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trẻ em tuổi mầm non thường thích xem các chương trình thể thao, quảng cáo... Tuy nhiên, nếu trẻ nghiện các chương trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự giao tiếp của trẻ với trẻ khác. Cha mẹ nên cùng trẻ chế tạo những dụng cụ thể thao, những đồ vật... thông qua những câu hỏi chẳng hạn: Những đồ vật này dùng để làm gì, cách chơi như thế nào để kích hoạt sự hiểu biết của trẻ về các môn thể thao và những hiểu biết xã hội khác.

Để phát huy được những sở thích và năng lực của trẻ, người lớn cần đa dạng hóa các trò chơi, đặc biệt là cách chơi có sự cổ vũ, hướng dẫn (nhưng không làm thay, không áp đặt ý tưởng) để trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm. Trẻ chơi cùng trẻ khác trong những trò chơi đóng vai, chơi theo nhóm dưới các hình thức khác nhau là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển.

- Con tôi 11 tuổi, cháu thường xem ti vi cùng cha mẹ và rất thích xem phim, kể cả các chương trình phim của người lớn (phim hành động, phim tình cảm) có nên cho cháu xem như vậy không? Bởi nhà tôi thì hẹp không có phòng riêng cho cháu, lúc bố mẹ xem thì cháu cũng xem luôn. (Nguyễn Thị Thu Hằng, 36 tuổi, Gia Lâm)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Nếu vì cháu bố mẹ cũng phải biết hy sinh những sở thích riêng của mình. Tất nhiên là không có lợi cho cháu khi mà cháu xem tất cả những chương trình người lớn xem.

- Con tôi đang học lớp 2, cháu rất lười đọc sách mà chỉ thích xem kênh Bibi trên truyền hình. Điều này theo cá nhân tôi có vẻ làm cháu thiếu chiều sâu trong mọi cách tiếp nhận và xử lý thông tin? (Dinh Thi Mai, 35 tuổi, Hảiphòng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Phương tiện nghe nhìn đã làm cho chúng ta trở nên lười đọc và suy nghĩ. Chị đã có cảm nhận rất đúng về chiều hướng đó. Vậy chị nên bớt cho con chị xem hoạt hình. Tăng cường cho cháu thời gian đọc.

- Con trai tôi 3 tuổi rưỡi. Cháu đã nhận biết các con số từ 1 đến 10 lúc 2 tuổi, nay vẫn thích chơi và đọc số, có thể đọc đến số hàng nghìn, nhận biết các chữ cái in hoa. Vậy có thể nói con tôi có sở trường gì không? (Phan Minh Huyen, Thái Bình)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Tư duy toán học, trong đó có tư duy con số, là loại tư duy rất đặc trưng của nhận thức người. Bé của chị đơn giản là có trí nhớ máy móc và hình tượng tốt. Điều này chưa nói được gì nhiều về phát triển trí tuệ, nhưng nếu người lớn biết nâng khả năng này của cháu thì cháu sẽ có thiên hướng về toán học. Điều quan trọng là nuôi dưỡng động cơ và hứng thú lâu dài, bồi bổ kiến thức toàn diện để từ việc nhận biết con số tiến đến phát triển tư duy toán học.

- Con tôi hơn 3 tuổi, ở nhà cháu rất hiếu động, tiếp thu nhanh, vốn từ phong phú và sử dụng chuẩn xác. Nhưng cô giáo lại nhận xét cháu hiền lành nhút nhát, ít nói. Vậy phải làm thế nào để cho phát huy tính năng động ở lớp giống như ở nhà? (Trần Ngọc Tuấn, 27 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Rất rõ là con anh thể hiện tính cách khác nhau ở những môi trường khác nhau. Có thể môi trường ở lớp cháu ít được động viên, và chưa thực sự hoà nhập. Kỹ năng sống và hoà nhập rất cần thiết cho trẻ ngay ở độ tuổi mầm non. Anh chị nên tham gia những khoá bồi dưỡng "Làm cha mẹ thông minh" để biết được thêm cách làm việc với trẻ, để giúp trẻ trở nên mạnh dạn, dễ dàng chia sẻ, cũng như hoà nhập sau này.

- Con gái tôi hơn 3 tuổi và rất thích đóng kịch (cháu đóng vai mẹ còn ông, bà, bố, mẹ là con; hoặc cháu là cô giáo, còn những người khác trong gia đình là học trò). Tôi nhận thấy cháu có khả năng quan sát rất tốt và nhập "vai", ngữ điệu, thái độ rất sống động và giống thực tế. Vậy ngoài việc hưởng ứng và chơi đùa cùng với con thì bố mẹ còn cần phải làm gì để tăng sức sáng tạo cho trẻ? (Hương, 36 tuổi, TP HCM)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Bé của chị có thiên hướng về các mối quan hệ xã hội, bé là người khá nhạy cảm và tinh tế. Bên cạnh các trò chơi mà gia đình hay chơi với bé để phát triển lĩnh vực này, cũng cần cho bé quan sát và phát triển trí thông minh ở các lĩnh vực khác nữa. Những lĩnh vực không phải là các mối quan hệ như trò chơi học tập, xếp hình, tạo hình...

- Con gái tôi 18 tháng, tuy là con gái nhưng cháu không thích chơi búp bê, mà chỉ thích chơi với những vật dụng bằng cơ khí, thích vặn ốc, tìm cách mở hộp hay đại loại như thế. Tôi lo lắng liệu cháu có phát triển là một cô bé bình thường không? (Nguyen Ho Ngoc Phung, 32 tuổi, Go Vap TPHCM)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Có nhiều bé gái thích chơi những trò chơi của con trai. Điều này hoàn toàn bình thường. Hãy bắt đầu từ những trò chơi bé thích để mở rộng sự quan tâm của bé đến thế giới xung quanh, chẳng hạn, những bộ váy áo có hình của các chú gấu, máy bay,... gây ấn tượng thế nào với trẻ. Từ những bức hình này, hãy khuyến khích trẻ nói ra những suy nghĩ của mình, những ý thích. Người lớn dựa vào những ý thích để thiết lập các trò chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Chị không nên quá lo lắng, không nên suy luận một cách thiếu căn cứ rằng sau này cháu sẽ khó phát triển thành một bé gái bình thường. Chị nên dành nhiều thời gian hơn để kể chuyện cho bé những câu chuyện cổ tích, cùng chơi với bé những trò chơi tháo lắp rồi từ đó chuyển sang những trò chơi khâu vá, bán hàng... Nếu trẻ không thích thì cũng không sao cả. Chị cần kiên trì, mở rộng, đa dạng hóa các loại trò chơi để kiểm tra sở thích của trẻ rồi tìm cách thích ứng. Chọn những trò chơi phù hợp.

- Con gái tôi 4 tuổi, luôn đứng đầu lớp về các môn năng khiếu như vẽ, nhạc, múa, hát, tạo hình. Nhưng cháu cũng luôn muốn là trung tâm của sự chú ý. Đang nói chuyện với mẹ mà mẹ lại quay sang nói chuyện với anh là cháu không bằng lòng. Đây có phải là biểu hiện của tính ích kỷ hay ' ngôi sao' không ? Chúng tôi nên làm gì? (Thanh Nga, 28 tuổi, Đà Nẵng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Nhu cầu được quan tâm và chú ý ai cũng có. Việc đứa trẻ mắc bệnh "ngôi sao" là do những người xung quanh. Việc khen, động viên trẻ, cần phải hết sức nghệ thuật, để nó luôn là nguồn khích lệ trẻ, nhưng lại phải tránh cho trẻ tính tự kiêu, tự đại. Trong giao tiếp, thì việc quan sát và chú tâm đến đối tượng giao tiếp là điều cần thiết. Bé đang nói với chị thì chị phải lắng nghe cho hết. Nếu không thì chị cũng phải xin lỗi để nói với anh cháu. Và đây là nhu cầu của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của "ngôi sao".

- Tôi thấy bé gái lớn 3 tuổi của tôi thường hay bắt chước em nó (mới 1 tuổi) trong việc chơi đùa, ăn uống, sinh hoạt... Còn cháu bé thì lại tự chơi và chủ động hơn. Có phải cháu lớn nhà tôi ít tính sáng tạo hay vì cháu thấy em bé được chăm sóc nhiều hơn nên nảy sinh tính bắt chước để được bố mẹ để ý? (Đặng Thúy Nga, 28 tuổi, Hải Phòng)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Bé 3 tuổi đang ở giai đoạn bắt chước hành vi của những người xung quanh. Cho nên việc bắt chước của cháu không có nghĩa là cháu không có tính chủ động. Nhưng chị cũng có thể nói đúng, là cháu cần sự quan tâm của mọi người với cháu như với em bé. Gia đình cần phải hết sức quan tâm về sự chăm sóc cho bé khi có thành viên mới xuất hiện trong gia đình.

- Con trai em năm nay 3 tuổi, đưọc các BS chẩn đoán là bị chứng tự kỷ, vậy theo thầy cô, em nên áp dụng hình thức giáo dục con như thế nào? Nên gửi cháu vào Trung tâm dạy dỗ các cháu tự kỉ hay là cho cháu đi nhà trẻ bình thường kết hợp giáo dục đặc biệt? (Nguyen Mai Phuong, 30 tuổi, Ha Noi)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Một số trẻ em có dấu hiệu tự kỷ từ rất sớm, khoảng 2-3 tuổi. Chúng thường không giao tiếp bằng mắt, chỉ thích chơi một mình, không thích chơi với người khác, ít nói... Tuy nhiên, để chẩn đoán là tự kỷ cần phải có các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này. Thông thường, các chuyên gia chỉ khẳng định rõ là tự kỷ khi trẻ 5-6 tuổi và qua nhiều lần chẩn đoán.

Nếu trẻ tự kỷ thật, điều cha mẹ nên làm là hướng dẫn tập luyện các hành vi giao tiếp với trẻ thông qua những trò chơi trẻ thích, tìm mọi cơ hội nói chuyện, giao tiếp bằng mắt với trẻ, đưa trẻ đến những nơi có nhiều trò vui như siêu thị, công viên, để kích thích sự quan sát của trẻ đối với thế giới xung quanh và nói chuyện với người lớn.

Tôi chưa thể khuyên chị nên hay không nên gửi vào Trung tâm dạy dỗ trẻ tự kỷ vì không biết rõ hiện trạng về cháu. Hiện tại, chị có thể liên hệ với thày Nguyễn Minh Đức, một chuyên gia của Trung tâm NT (Trung tâm nghiên cứu Trẻ em) để tham vấn.

- Mỗi lần nghe kể một chuyện gì đó, ví dụ như tôi nói "tối qua mẹ thấy con chuột rất to chạy từ bụi cây này ra", thì con trai 3 tuổi của tôi nhắc lại: "Lúc nãy con thấy con chuột to đùng đùng chạy từ chỗ này ra", nghĩa là kể lại tương tự, chỉ thay nhân vật chính là bản thân cháu. Đó là do trí tưởng tượng của cháu tốt hay là dấu hiệu của sự không trung thực? (Xuân, 31 tuổi, Hà Đông)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Tưởng tượng và nói dối của trẻ là 2 vấn đề có ranh giới không dễ nhận ra. Ở EQuest chúng tôi cũng đã có rất nhiều buổi nói chuyện trao đổi với các bậc phụ huynh về vấn đề này. Nên bé của anh chị cũng rất giống mọi bé khác là có những trí tưởng tượng phong phú. Là người lớn, chúng ta sẽ đánh giá thế nào về khả năng tưởng tượng của bé hay phạm trù đạo đức - nói dối? Tuỳ vào mục đích, động cơ để chúng ta phán xét nó là gì. Trong trường hợp của chị đưa ra, thì đó chỉ đơn giản là sự tưởng tượng tái tạo.

- Dạy cháu học thì cháu không nhớ, những những chuyện vặt vãnh thì cháu nhớ đến bố mẹ cũng không nhớ nổi, cháu gợi ý mai bố mẹ mới nhớ ra được. Tôi cũng đã vận dụng khả năng hiểu biết của mình để dạy cháu nhưng nhiều lúc cảm thấy bất lực dạy cháu học cháu gần như không nhớ gì cả, tôi biết làm thế nào đây (Sinh Huyền, 32 tuổi, Hà nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Không biết là cháu của anh chị ở tuổi nào, nhưng nhìn chung trẻ hay nhớ tốt những gì mà trẻ quan tâm, hứng thú và gây ấn tượng. Những nội dung học có thể chưa hứng thú với cháu, còn những điều chị cho là vặt vãnh thì lại là những cái cháu quan tâm. Vậy thì muốn cháu nhớ những kiến thức học thì hãy làm cho quá trình học trở nên hứng thú với cháu. Có rất nhiều phương pháp để giúp cho trẻ trở nên hứng thú với việc học. Tuy nhiên tôi cũng phải thú nhận rằng công vịêc này thầy cô giáo làm tốt hơn cha mẹ. Còn cha mẹ thì sẽ là người hỗ trợ đắc lực cho giáo dục nhà trường.

- Tôi quan sát thấy trẻ sống nhiều với ông bà và ít tiếp xúc với bạn cùng lứa sẽ già giặn hơn, nói năng lễ độ, khôn ngoan hơn. Nhưng chúng cũng lại ít sáng tạo, kém thích nghi với môi trường mới và kém giao tiếp hơn những đứa trẻ tiếp xúc nhiều với bạn bè. Ông thấy điều này có đúng không và có nên tránh để trẻ ở với người cao tuổi quá nhiều? (Vũ Thu Mai, 39 tuổi, Quảng Ninh)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trẻ em lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường sống. Nếu trẻ được giao tiếp nhiều với người lớn, với trẻ em thông tuệ hơn, trẻ sẽ khôn hơn, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ quanh quẩn với ông bà, (nhất là các cụ đã cao tuổi) - điều này hạn chế đáng kể khả năng tích cực những tiềm năng vốn có của chúng vì môi trường ngôn ngữ nghèo nàn, trẻ không được kích hoạt những hành vi sáng tạo.

- Tôi muốn được biết cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ đi học các môn năng khiếu như đàn, vẽ, múa, ngoại ngữ từ khi mấy tuổi là tốt nhất? (Lan Phương, 27 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Trước hết, chị phải thông qua sự quan sát và nhờ đến các chuyên gia tư vấn để xem bé nhà mình có năng khiếu gì. Bởi vì có thể có những năng khiếu khác nhau xuất hiện ở các độ tuổi khác nhau. Và chúng ta đều có thể bắt đầu ở thời điểm xuất hiện năng khiếu.

- Có thể cho tôi biết ở Hà Nội có mô hình giáo dục nào giúp trẻ có thể phát triển trí tuệ được như những điều anh/chị nói? Cảm ơn anh/chị (Nguyễn Phan Hiếu, 25 tuổi, Hieu.Nguyenphan@gmail.Com)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Anh chị có thể tìm hiểu mô hình giáo dục mầm non của công ty Con đường mới EQuest tại 343 Đội Cấn. Mô hình này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để phát triển những khả năng tiềm ẩn thành tài năng.

- Việc dạy dỗ và hướng dẫn cho trẻ những nề nếp trong cuộc sống nên bắt đầu khi trẻ bao nhiêu tháng tuổi? (Trung Dũng, 34 tuổi, Hà Nội)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Việc hướng dẫn những hành vi thành nề nếp, thói quen đối với mọi trẻ càng sớm càng tốt. Tất nhiên, cần phải biết trẻ tuân thủ những hướng dẫn như thế nào, có tự nguyện hay bị áp đặt.

Người lớn không nên áp đặt, hãy bắt đầu từ việc giải thích, thỏa thuận trước với bé, theo dõi xem những gì bé thích và có thể tuân thủ, những gì bé không thể để điều chỉnh những thói quen như ngăn nắp, sạch sẽ, tự làm vệ sinh có thể dạy ngay từ khi trẻ 1 đến 3 tuổi. Cần liên tục củng cố những hành vi này để hành thành thói quen: các chuyên gia tâm lý thường nói rằng: "Gieo hành vi, gặt hái thói quen, gieo thói quen, gặt hái tính cách, gieo tính cách gặt hái số phận".

Cha mẹ hãy ngày ngày kiên trì gieo những hành vi tích cực để gặt hái những thói quen tốt. Chỉ những ai kiên nhẫn gieo những thói quen tốt mới mong gặt hái một tính cách bản lĩnh, sáng tạo. Chỉ cha mẹ nào tạo được tính cách bản lĩnh sáng tạo ở con trẻ mới mong sau này trẻ gặt hái được sự thành công trong cuộc đời.

- Con gái tôi 28 tháng, rất thích ngoại ngữ. Cháu có thể nói theo mẹ ngay 1 từ mới tương đối khó và nhớ rất nhanh. Ở nhà, tôi có chương trình dạy tiếng Anh, đôi lúc chúng tôi cũng dạy những từ mới, hoặc những bài hát ngắn, vui nhộn. Nhiều khi cháu tự phát âm những từ, những bài hát mà cháu đã nghe được. Tôi nên làm gì để phát triển khả năng ngoại ngữ của cháu? (Nguyễn Thu Hà, 30 tuổi, Hà Nội)

- TS Đinh Thị Kim Thoa: Có thể con chị có những thiên hướng về khả năng ngôn ngữ và ngôn ngữ cũng là một đối tượng nhận thức. Tuy nhiên, bên cạnh việc chơi với ngoại ngữ, chị cũng có thể cho cháu tham gia các lớp ngoại ngữ dành cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, chị nên phát triển tốt tiếng mẹ đẻ cho cháu.

- Con gái tôi lúc 2-3 tuổi rất nhanh nhẹn và có đầu óc sáng tạo, nhưng gần đây, khi cháu được 5-6 tuổi, tôi thấy khả năng sáng tạo cũng như tư duy của cháu kém đi. Tôi vừa qua quá bận không chia sẻ và khuyến khích con được nhiều. Làm thế nào để trong khoảng thời gian ít ỏi, tôi có thể hỗ trợ cháu biết cách tư duy, độc lập và sáng tạo? (Thanh Hương, 29 tuổi, TP HCM)

- PGS Nguyễn Công Khanh: Trẻ 2-3 tuổi thường có khả năng tưởng tượng tốt. Nếu khả năng này không được cha mẹ nuôi dưỡng thông qua những trò chơi, sự cổ vũ có thể làm trẻ mất đi những cơ hội để phát triển khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo gắn liền với sự tự do và ý tưởng không bị áp đặt, đặc biệt là gắn liền với cảm xúc, chỉ có cảm xúc tốt mới gieo mầm sáng tạo.

Do không có nhiều thời gian, chúng tôi không thể trả lời tất cả các câu hỏi đủ sâu để thỏa mãn nhu cầu của các quý vị. Tuy nhiên, điều cần nói là trẻ em của mỗi gia đình đều là tài sản quý giá nhất. Mỗi trẻ em là một chủ thể có tính duy nhất, đang lớn lên, đang trở thành chính nó, cần được người lớn tin cậy, tôn trọng. Người lớn cần tạo một môi trường giáo dục thuận lợi nhất để kích hoạt sự say mê khám phá, liên tục gieo nhu cầu, động viên hơn là chê bai, tạo các tình huống để trẻ tương tác, trải nghiệm, tắm mình trong môi trường giàu ngôn ngữ. Có như vậy mới nuôi dưỡng, kích hoạt các tiềm năng của trẻ.

Cha mẹ cần phải học các phương pháp giáo dục con đặc biệt là phương pháp thiết kế, tổ chức các trò chơi phát triển trí tuệ. Hằng ngày, dành đủ thời gian chơi với trẻ. Khi chơi, không áp đặt ý tưởng mà chủ yếu là quan sát, hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn và kích hoạt các ý tưởng sáng tạo của trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần tiếp cận với các chuyên gia tư vấn về tâm lý trẻ em để có những lời khuyên hữu ích về từng trường hợp cụ thể khi gặp những vấn đề trong việc giáo dục trẻ.

Các bạn có thể liên hệ theo địa chỉ: Trung tâm giáo dục Hoàng Gia: 04.7624788. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi!

VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét