Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Bệnh ở trẻ lúc giao mùa

Trẻ dưới 3 tuổi dễ mắc bệnh hơn các nhóm tuổi khác

Tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net sáng 17/9, hai bác sĩ BV Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Nhiễm Trương Hữu Khanh và Trưởng khoa Tiêu hóa Hoàng Lê Phúc cho rằng không phải mọi trường hợp viêm đường hô hấp hay tiêu chảy đều phải dùng kháng sinh.

- Cháu nhà tôi 2 tháng tuổi, bị chàm sữa, đỏ hết cả 2 bên má, thấy cháu ngứa ngáy khó chịu lắm. Tôi mua Eumovate cream về bôi cho cháu có được không? Một số người bày lấy sữa mẹ bôi lên má, hoặc bôi nước miếng của mẹ vào buổi sáng, cách đó có hiệu quả không? (Trần Xuân Triều, 32 tuổi, Thái Bình)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chào bạn. Trẻ 2 tháng tuổi bị chàm sữa là chuyện bình thường và có thể tự khỏi lúc 6 hoặc 12 tháng. Nếu trẻ không cảm thấy khó chịu (vẫn bú, vẫn ngủ, tăng cân bình thường) thì không cần thiết phải điều trị.

Có thể bôi Eumovate cream được. Thông thường, sữa mẹ và nước miếng của mẹ không có tác dụng gì, bệnh sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.

- Tôi có 2 cháu. Cách đây 3 tháng cháu nhỏ 1 tuổi sốt cao 5 ngày rồi nổi ban khắp người, sau đó 1 tháng cháu lớn 4 tuổi cũng bị y như vậy. Hiện cháu nhỏ đang bị sốt và bắt đầu thấy những nốt đỏ khắp người, bác sỹ nói cháu bị sốt phát ban. Nhà tôi có phải phun diệt khuẩn không? Bệnh do nhiễm siêu vi hay là vi khuẩn? Có lây lan không? Làm gì để hạn chế tối đa khả năng bị bệnh? (Phạm Thị Hải Hường, 31 tuổi, Nha Trang)

- BS Khanh: Chào bạn, trường hợp này, khả năng rất cao là con bạn đang mắc Rubella. Bệnh này do siêu vi và khả năng lây lan rất cao nên trong nhà có 1 đợt hai trẻ bệnh là bình thường. Bệnh lây theo đường hô hấp do siêu vi có từ trong chất tiết mũi họng của người bệnh lây cho người khác.

Đây là bệnh rất lành tính, chỉ nguy hiểm đối với người phụ nữ mang thai. Không cần thiết phải phun xịt diệt khuẩn mà chủ yếu là vệ sinh bàn tay, các bề mặt của vật dụng bằng xà phòng. Trẻ mắc bệnh thì nên mang khẩu trang.

Hai bác sĩ tham gia tư vấn trực tuyến về bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa "xắn tay" tự truy cập máy tính để trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Thiên Chương

- Kính chào bác sĩ! Tôi có cháu trai được 5 tuổi, chúng tôi thường cho cháu ngủ máy lạnh nên cháu bị viêm mũi dị ứng, mỗi lần bị viêm mũi (bên trái) thì mắt bên trái lại sưng đỏ. Xin hỏi là hiện tượng trên có phải ảnh hưởng trực tiếp từ mũi hay không và như vậy cứ mỗi lần cháu bị nghẹt mũi thì mắt lại đỏ? Có biện pháp nào để điều trị hạn chế bệnh của cháu không? (Trần Tuấn Dũng, 27 tuổi, TP HCM)

- BS Khanh: Viêm mũi dị ứng là bệnh không thể tránh được vì cơ thể dị ứng với môi trường. Để giảm khả năng mắc bệnh, chỉ có cách là tránh những môi trường có thể làm trẻ bị dị ứng. Trường hợp con bạn bị dị ứng khi ngủ máy lạnh thì nên để nhiệt độ từ 27 độ trở lên và tránh hướng luồng gió thổi ra. Khi bị viêm mũi dị ứng nặng, có thể kèm thêm sưng đỏ mắt cũng do dị ứng hoặc viêm mũi lâu ngày gây viêm xoang và có thể ảnh hưởng đến mắt. Nếu mắt đỏ kèm theo ngứa thì khả năng do dị ứng nhiều, cách điều trị thông thường là dùng thuốc chống dị ứng. Khi nghi ngờ viêm xoang, nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn.

- Con trai tôi 20 tháng tuổi, 14 kg, cháu rất hay bị viêm họng, viêm phế quản. Cứ 1 tháng cháu bị đến 2 lần, nên gần như uống kháng sinh thường xuyên. Sau mỗi đợt uống, cháu thường bị đi ngoài, rối loạn tiêu hoá mất vài ngày và rất lười ăn. Xin bác sĩ cho biết làm cách nào để hạn chế tối đa bệnh viêm họng và viêm phế quản, và nên uống thuốc nào bổ sung sau mỗi đợt uống kháng sinh để không bị rối loạn tiêu hóa. (Phạm Thúy Nga, 28 tuổi, Tiền Giang)

- BS Khanh: Trẻ sau 6 tháng tuổi đến 2-3 tuổi thường hay mắc bệnh đường hô hấp do trẻ tiếp xúc với môi trường mà chưa có kháng thể nên trẻ dễ mắc bệnh hơn nhóm tuổi khác. Mặt khác, một số trẻ sức đề kháng kém nên tần suất mắc bệnh sẽ nhiều hơn trẻ khác. Không phải tất cả những trường hợp nào viêm đường hô hấp đều phải sử dụng kháng sinh. Do đó chỉ định kháng sinh phải từ bác sĩ. Kháng sinh có thể làm rối loạn tiêu hóa nhưng khi cần thì bắt buộc phải dùng. Hiện nay có một số chất có thể làm giảm tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa của kháng sinh chẳng hạn như Probiotic.

- Con trai tôi tròn 1 tuổi, cân nặng của cháu chưa đến 10 kg, ngày tôi cho cháu ăn ba bữa chính là cháo: có ăn thêm bánh hoặc hoa quả rồi uống sữa. Cháu ăn gì thì khi đi ngoài là đi ra y như vậy, như vậy có phải do hệ tiêu hóa của cháu kém không ạ? Tình trạng như vậy khắc phục bằng cách nào thưa bác sĩ? (Giang Lệ Thủy, 28 tuổi, Ninh Bình)

- Bác sĩ Hoàng Lê Phúc: Thường ở lứa tuổi trẻ tập đi, đường tiêu hóa cũng đang thời kỳ phát triển để thích nghi với các loại thức ăn mới nên bé có thể tiêu thức ăn còn nguyên (cọng rau, miếng thịt...). Nếu con bạn vẫn tăng cân bình thường và đi tiêu ít hơn 3 lần trong 1 ngày thì không cần phải uống thuốc thêm. Nếu bé đứng cân hoặc sụt cân bạn cần đưa bé đến cớ sở y tế để được thăm khám thêm.

- Thưa bác sĩ, con em được tròn 8 tháng tuổi, nhưng gần đây cháu thường bị trớ sau khi ăn bác sĩ chỉ cho em cách khắc phục với. (Nguyễn Thị Giang, 27 tuổi, Sơn La)

- BS Phúc: Bạn cần lưu ý đút cho bé ăn chậm, thức ăn nấu mềm dễ tiêu. Khoảng cách giữa các bữa ăn hơn 3 giờ. Không ép bé ăn, bú. Nếu đã làm như trên mà tình trạng trớ vẫn còn hoặc hiện giờ con bạn đang bị đứng cân hoặc sụt cân bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế.

- Con gái tôi 2 tuổi, cứ vào mùa thu, nghe tiếng thở của cháu rất rõ tiếng khò khè, nhất là vào buổi đêm. Khi ngủ nằm cùng cháu trên giường còn cảm nhận được rất rõ tiếng khò khè. Cháu không bị ho, sốt hay sổ mũi. Khi mới sinh, cháu đã bị tắc tuyến lệ, đã đi thông 6 lần tại Viện mắt trung ương, nhưng cứ khi bị sổ mũi là cháu lại bị tắc mắt. Xin bác sĩ cho biết cháu bị như thế là do làm sao. Có phải bị hen phế quản không ạ? Xin cảm ơn! (Bich Ha, 31 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

- BS Khanh: Nếu con bạn 2 tuổi mà thở khò khè theo mùa, nhất là về đêm thì khả năng bị suyễn rất cao. Bạn nên tìm bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định xem bé có bị suyễn hay không. Ngoài ra, bạn nên chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt, bởi đây cũng có thể làm trẻ tăng nguy cơ khò khè. Nếu đúng như vậy, bạn nên tránh các sinh hoạt và thức ăn đó.

Tắc tuyến lệ là một bệnh bẩm sinh, có trẻ chỉ cần thông một lần là hết, một số trẻ khác phải thông nhiều lần. Điều quan trọng là bạn phải thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ sau khi thông để tránh tắc lại.

- Tôi có 2 bé gái sinh đôi, được gần 10 tháng tuổi. Gần một tuần nay cả 2 cháu đều có hiện tượng sốt, ho vào giữa đêm và gần sáng. Khoảng 9 giờ sáng đến tối các cháu lại bình thường. Tôi đã cho các cháu uống thuốc hạ sốt và thuốc ho nhưng vẫn không khỏi. Xin hỏi cháu bị bệnh gì? (Đinh Thị Nhàn, 27 tuổi, Hải Dương)

- BS Khanh: Chào bạn, nếu cháu ho mà kèm sốt, đặc biệt là hơn 3 ngày thì không nên tự uống thuốc mà cần phải đi đến cơ quan y tế để khám bệnh. Khi thay đổi thời tiết nhất là vào mùa này trẻ rất dễ bị viêm đường hô hấp. Nếu trẻ sốt cao và kèm khó thở thì nên mang trẻ đến bệnh viện vì cháu có thể bị viêm phổi. Nếu điều trị muộn sẽ rất nguy hiểm. Muốn tránh cho trẻ ít mắc bệnh vào mùa này cần giữ ấm, tránh sinh hoạt ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh, cần thực hiện một số biện pháp để tăng sức đề kháng cho trẻ như: dinh dưỡng tốt, ngủ đầy đủ, uống nhiều nước.

- Con tôi được 23 tháng tuổi, cháu thường hay bị sổ mũi và ho vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Nhưng cho uống thuốc thì cháu không chịu uống, bố mẹ giữ cháu để cho thuốc vào mồm thì cháu phì ra, hoặc có uống vào miệng được thì sau đó lại nôn ra hết, hiện cháu chỉ ho về sáng sớm và đêm, còn ban ngày chỉ sổ mũi, xin hỏi các bác sĩ có biện pháp nào để giúp cháu khỏi bệnh và phòng chống? (Hồng Oanh, 31 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

- BS Phúc: Bạn cần chú ý giữ ấm cho bé vào ban đêm đặc biệt sau nửa đêm. Tránh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột vào buổi sáng. Cho bé mang tất đi trong nhà. Không nên ép bé uống thuốc vì sẽ làm bé dễ bị sặc và những lần sau bé lại càng sợ uống thuốc. Có thể cho bé uống thuốc chung với thức ăn hoặc thêm ít đường nếu bác sĩ không yêu cầu phải uống thuốc lúc đói. Hoặc bạn có thể yêu cầu bác sĩ cho loại thuốc dạng sirô dễ uống.

- Con em nay được 29 tháng, cân nặng 12 kg, bé bị viêm họng liên tục. Lần nào đi khám, bác sĩ kê toa cho uống kháng sinh, kháng viêm. Như vậy thì có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của bé không? Và đó có phải là nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn, còi cọc, chậm nói ở bé không? Xin bác sĩ cho biết cách phòng bệnh viêm họng cho bé? Nếu như bị viêm họng thì có nên uống kháng sinh kháng viêm liên tục như vậy không? (Nguyễn Thị Thắm, 27 tuổi, Phan Thiết)

- BS Khanh: 29 tháng nhưng chỉ nặng có 12 kg thì suy dinh dưỡng là chắc rồi. Trẻ suy dinh dưỡng có sức đề kháng kém nên dễ bị viêm mũi họng, khi cần thiết, bác sĩ mới cho dùng kháng sinh. Không phải tất cả kháng sinh đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chọn kháng sinh ít tác dụng phụ nhất khi dùng cho trẻ. Bạn nên xem lại chế độ dinh dưỡng, loại thức ăn, cách cho ăn, hay có thể tham vấn một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để cải thiện dinh dưỡng cho bé. Khi cải thiện dinh dưỡng, sức đề kháng của bé sẽ tăng lên, khả năng mắc bệnh hô hấp sẽ giảm.

- Con tôi năm nay 3 tuổi, thường hay bị nóng sốt thất thường, cứ mỗi lần bị bệnh là sốt lên đến 39-40 độ , mỗi khi con tôi sốt cao như thế cho uống thuốc hạ sốt thì cơn sốt có giảm đi dần dần nhưng chỉ khoảng 3-4 giờ sau khi uống thuốc là sốt lại, kéo dài khoảng 3-4 ngày thì hết. Tôi có đưa cháu đi bác sĩ, chẩn đoán "sốt siêu vi". Vậy "sốt siêu vi" là gì? Cách phòng ngừa và phương pháp chữa trị như thế nào? (Tôn Nữ Ngọc Lan, 31 tuổi, TP HCM)

- BS Khanh: Chào bạn, sốt siêu vi là chẩn đoán thường thấy khi vài ngày đầu trẻ bị sốt mà chưa xác định chính xác trẻ mắc bệnh gì. Sốt siêu vi cũng có thể là sốt xuất huyết, cũng có thể là viêm hô hấp hay 1 số bệnh do siêu vi trùng khác. Do đó, thường bác sĩ hẹn bệnh nhân khám lại hay làm một số xét nghiệm để biết thêm chính xác bé bệnh gì và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Bạn có thể tham khảo cách phòng ngừa trong phần trả lời của câu hỏi bên trên.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc: "Chú ý giữ ấm cho trẻ vào ban đêm, nhất là nửa đêm. Tránh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột vào buổi sáng". Ảnh: Thiên Chương

- Thưa bác sĩ Hoàng Lê Phúc, bé nhà cháu được hơn 3 tháng tuổi mấy hôm nay cháu bị đi ngoài nhiều lần, phân có màu hơi xanh và có mùi tanh. Cháu vẫn ăn thức ăn như những hôm khác không có gì thay đổi. Bác sĩ cho cháu hỏi có phải bé nhà cháu bị đi ngoài là do thay đổi thời tiết hay bị bệnh gì ạ? Xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Dung, 31 tuổi, Hội An)

- BS Phúc: Nếu bé đi phân lỏng hơn 2 lần trong 1 ngày thì bé đã bị bệnh tiêu chảy và bạn cần phải cho bé uống nhiều nước hơn. Nếu bạn đang cho bé bú mẹ thì chỉ cần cho bé bú mỗi cữ bú lâu hơn và nhiều cữ hơn là đủ. Lưu ý làm vệ sinh mũi cho bé trước mỗi cữ bú và khi bé bị nghẹt mũi, sổ mũi, vì một số trường hợp bé sổ mũi nhiều cũng làm đường tiêu hóa bị ảnh hưởng. Bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế nếu bé bị sốt hoặc phân có máu.

- Tôi có bé gái 3 tuổi, cháu vẫn khoẻ mạnh và chơi bình thường nhưng thỉnh thoảng khi đang ăn hoặc khi khóc thì cháu lại bị ói ra máu tươi. Cháu đã bị một vài lần, xin bác sĩ cho biết con tôi như vậy có gì bất bình thường không? Cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn (Lê Đức Thọ, 31 tuổi, Hà Tĩnh)

- BS Phúc: Bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, tiêu hóa để được thăm khám và làm xét nghiệm thêm.

- Tôi có một cháu trai 3 tuổi. Khi giao từ mùa hè sang thu, con trai tôi bị nổi mề đay rất nặng. Cháu đã được mẹ cho đi khám ở viện Nhi, Xanhpon, Bạch Mai và đều được chuẩn đoán là dị ứng cơ địa, mề đay cấp. Các bác sĩ kê thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, khi uống thuốc cháu không đỡ, nổi khắp người và cả mặt, tay chân hơi phù. Những đám mề đay này rất ngứa, lan to. Xin bác sĩ tư vấn. (Lê Thị Lan Anh, 33 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh)

- BS Khanh: Nổi mề đay là hiện tượng phản ứng của cơ thể với một chất hay một hiện tượng môi trường. Ví dụ: sau khi ăn phải thức ăn hay nhiệt độ môi trường thay đổi, người bệnh có thể nổi mề đay.

Trường hợp của con bạn nổi mề đay nặng khi giao mùa từ hè sang thu, có khả năng vì nhiệt độ môi trường thay đổi hay có một loại phấn hoa nào đó xuất hiện vào mùa này gây dị ứng. Ngoài ra, bạn cũng nên xem vào mùa này, con bạn có ăn thức ăn nào đặc biệt hay không.

Khi nổi mề đay, sử dụng thuốc kháng histamin là đúng. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng gây ngứa nhiều, khó thở, cần phải nhập viện để dùng thêm những thuốc khác.

Để phòng ngừa, bạn nên tìm nguyên nhân như đã nói trên, ngoài ra cần tẩy giun theo định kỳ cho bé.

- Con gái tôi 18 tháng, thường bị viêm họng. Đi khám bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng cấp. Hết bệnh chuyển sang tiêu ra máu, bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa. Nhưng xét nghiệm máu, phân không tìm thấy vi trùng. Bé được đổi kháng sinh khác là Bactrim (trước đây khi viêm họng cháu dùng Sobrex, Ceceed..)và men bio thì khỏi sau 4 ngày. Xin hỏi bé bị bệnh gì? Phòng ngừa thế nào (cháu đã 2 lần bị như thế: sau điều trị viêm họng cấp thì chuyển sang tiêu ra máu.) (Hòa Lộc, 27 tuổi, TP HCM)

- BS Phúc: Nhiều khả năng con bạn bị tiêu chảy do tác dụng có hại của kháng sinh. Kháng sinh rất tốt để điều trị các vi khuẩn gây bệnh nhưng đồng thời cũng phá hoại các vi khuẩn tốt sống cộng sinh trong đường tiêu hóa của chúng ta. Bạn nên thông báo cho bác sĩ biết tình trạng này ở những lần khám sau để bác sĩ có thể cân nhắc cho con bạn dùng thêm probiotic (trong dân gian gọi là men tiêu hóa sống) cùng với kháng sinh.

- Bác sĩ cho tôi hỏi, với trẻ hay sụt sịt khi thời tiết giao mùa thì dùng xịt muối biển có được không? Ngoài ra, nếu trẻ bị mũi sụt sịt rồi xuống họng thành đờm thì cho uống long đờm luôn có được không? (Giang, 28 tuổi)

- BS Khanh: Khi trẻ sổ mũi sụt sịt, sử dụng thuốc nhỏ hay xịt mũi bằng natri clorua là rất tốt. Thuốc này không có tác dụng phụ. Trẻ bị sụt sịt là do tại vùng mũi, không cần thiết phải cho uống thuốc long đờm vì thuốc này chỉ có tác dụng từ phế quản trở xuống.

- Tôi có bé trai 38 tháng tuổi. 10 ngày nay bé bị ho, không sốt, không chảy mũi. Tôi đã tự mua thuốc 4 ngày không hết. Bác sĩ bảo cháu bị viêm họng, cho thuốc 3 ngày không hết. Mà cháu cứ ho liền tiếng. Hôm qua, cháu bị chảy máu cam. Nhưng cầm được. Đêm qua tôi phát hiện trong miệng cháu ở hai bên má có cục máu màu đỏ. Tôi lo quá, phải xử lý thế nào đây? Ban đêm cháu cũng hay bị nghẹt mũi? Việc uống thuốc chữ T trị ho nhiều có ảnh hưởng gì không? (Trần Quốc Thắng, 27 tuổi, Hà Nội)

- BS Khanh: Chào bạn, ho mà không sốt cũng là triệu chứng của viêm hô hấp. Nếu ho 3 ngày mà không giảm thì nên đi khám bác sĩ. Chảy máu cam có rất nhiều nguyên nhân nhưng thường là do điểm mạch máu ở góc mũi vỡ ra. Trẻ em thường hay bị chảy máu cam nên bạn đừng quá lo lắng. Con bạn bị chảy máu cam mà sáng hôm sau trong miệng có một, hai cục máu đỏ là do máu cam chảy đọng lại chứ không có gì đáng lo ngại. Nếu trẻ chảy máu cam tái phát nhiều lần thì nên mang trẻ đến bác sĩ tai mũi họng. Bạn không nên tự sử dụng thuốc thường xuyên mà nên có chỉ định của bác sĩ vì thuốc nào sử dụng lâu sẽ có tác dụng phụ.

Phút trầm tư của bác sĩ Khanh trước câu hỏi của độc giả. Ảnh: Thiên Chương

- Tôi có hai cháu: cháu trai được hơn 5 tuổi và cháu gái được 33 tháng. Cả hai con tôi đều rất hay bị viêm họng. Mỗi khi chuyển thời tiết và vào mùa đông, cháu lớn còn hay bị viêm amiđan mủ. Tôi muốn hỏi bác sĩ là với cháu lớn, tôi có nên cho cháu đi cắt amiđan không và với cả hai cháu tôi có thể làm thế nào để cải thiện sức đề kháng cho các cháu? (Nguyễn Phương Linh, 32 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An)

- BS Khanh: Con bạn nếu vị viêm amiđan mủ tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt khi ảnh hưởng đến đường thở của trẻ thì nên khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để quyết định cắt hay không cắt amiđan cho bé. Amiđan là một tổ chức của hệ thống miễn dịch, nếu không mắc bệnh, đây là tổ chức có lợi cho sức đề kháng của trẻ. Do đó, cắt hay không là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ tai mũi họng.

- Con trai tôi lên 4 tuổi. Cháu hơi biếng ăn nhưng tôi rất chú ý cho cháu ăn nhiều rau để nhuận tràng nhưng không hiểu sao cháu đi đại tiện rất rât khó khăn vì quá táo bón và khuôn rất to. Tôi đã cho cháu uống men tiêu hóa bio baby nhưng không đỡ. Xin bác sĩ chỉ giúp có thuốc gì giúp cháu ăn ngon miệng và đi đại tiện được dễ dàng hơn không? (Nguyễn Đào An, 31 tuổi, Tôn Đức Thắng - Hà Nội)

- BS Phúc: Bạn không nên cho bé ăn quá nhiều rau để chữa táo bón vì chế độ ăn của bé sẽ mất cân bằng, thiếu các nhóm thực phẩm cần thiết khác như đạm, đường. Nếu bé vẫn tăng cân bình thường và hiện tại không bị suy dinh dưỡng thì bạn cần phải tìm lý do tại sao bé không chịu đi tiêu (như sợ nhà vệ sinh dơ, sợ tối, đau khi đi tiêu hay là ham chơi, xem tivi... ) để loại bỏ các yếu tố nguy cơ này thì bệnh mới không tái phát.

Thường bạn có thể dùng Duphalac gói 15 ml (liều dùng 1 ml mỗi kg cân nặng một ngày) trong khoảng 1 tuần. Nếu có cải thiện thì có thể dùng tiếp cho đến khi bé tiêu phân mềm cho tới lòng thì có thể giảm liều dần và tiến tới bỏ thuốc khi đã loại bỏ được các yếu tố nguy cơ kể trên. Thời gian điều trị có thể vài tháng tùy theo mức độ bệnh và sự hợp tác của gia đình.

- Cháu nhà em được 2,5 tuổi, từ khi được 1,5 tuổi đến nay cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên (triệu chứng: họng sưng đỏ, ho, sốt, nhiều đờm), thời gian tái phát lại thường từ 2 đến 3 tháng. Cháu được các bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng sinh là Ceclo, kháng viêm và long đờm, thời gian uống liên tục 6-7 ngày, bệnh có hết nhưng một thời gian lại tái phát. Xin hỏi có cách nào điều trị bệnh để không bị tái phát lại không ạ? (Trần Huy, 34 tuổi, Bình Định)

- BS Khanh: Bệnh viêm đường hô hấp thường tái đi tái lại, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi nên con bạn thường bị cũng không phải là quá bất thường. Việc uống kháng sinh hay một số thuốc đi kèm là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Để phòng ngừa tái phát, cần thực hiện 1 số biện pháp như: tránh cho trẻ sinh hoạt quá lâu ngoài trời, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, thường xuyên giữ ấm khi trời lạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

- Con tôi năm nay được 17 tháng, cháu hay bị sốt và loét miệng. Mong bác sĩ giúp tôi cách chữa trị. Xin cám ơn bác sĩ (Cao Thị Kim Tân, 29 tuổi, Phú Yên)

- BS Khanh: Nếu con bạn sốt và loét miệng, bạn nên xem thêm lòng bàn tay và lòng bàn chân, gối, mông có nổi bóng nước không. Nếu có thì khả năng con bạn bị bệnh tay chân miệng rất cao. Bệnh này cần phải được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mới xác định liệu có diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng hay không. Theo tôi, bạn không nên tự điều trị cho trẻ lúc này mà nên đến bác sĩ chuyên khoa. Mùa này, trẻ bị tay chân miệng rất nhiều và cũng đã có nhiều ca biến chứng nặng.

- Con tôi 6 tuổi, cháu ăn thường hay bị nôn (nhợn ói) và rất khó nuốt thức ăn vào, đi khám bác sĩ bảo cháu bị viêm da dày cho thuốc uống vẫn không khỏi, xin bác sĩ cho biết cách điều trị như thế nào có hiệu quả nhất? (Trịnh Phương Thùy, 34 tuổi, An Giang)

- BS Phúc: Bé bị viêm dạ dày thì không khó nuốt thức ăn, chỉ biếng ăn do khó tiêu hoặc đau bụng. Trong trường hợp này bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện khám để xác định tình trạng nuốt khó hay chỉ đơn thuần trẻ từ chối ăn do viêm dạ dày vì nuốt khó là một vấn đề có cách điều trị hoàn toàn khác.

- Con gái cháu được gần 2 tuổi, mỗi khi thời tiết thay đổi bé hay bị hắt hơi, chảy nước mũi, sau đó ho và sốt. Mặc dù cháu đã tiêm phòng đủ. Vậy xin hỏi bác sĩ cách phòng tránh bệnh, và cách chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa. (Lưu Thị Vân, 28 tuổi, Hưng Yên)

- BS Khanh: Tiêm phòng đầy đủ là điều rất tốt, tuy nhiên tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) là chưa thật đầy đủ vì còn một số bệnh cần phải tiêm thêm (phải trả tiền). Nếu tiêm đủ thì khả năng mắc bệnh sẽ giảm hơn so với trẻ khác. Việc trẻ thường hắt hơi, sổ mũi khi thay đổi thời tiết có thể là do dị ứng nhưng không điều trị đúng sau đó sẽ chuyển sang ho và sốt. Do đó, khi mới hắt hơi sổ mũi, bạn nên rửa mũi bằng dung dịch Natriclorua chín phần nghìn và giữ ấm cho trẻ sẽ hạn chế chuyển sang ho, sổ mũi.

Hàng nghìn câu hỏi của bạn đọc gửi đến VnExpress.net nhờ các bác sĩ tư vấn. Ảnh: Thiên Chương

- Cháu nhà em 26 tháng, hay bị đi phân sống, có lần bé ị và tè vào bô em có nhìn thấy vài hạt mỡ nổi như ở chậu rửa bát. Em đã cho cháu uống các loại thuốc và men tiêu hóa theo hướng dẫn của dược sĩ. Xin bác sĩ cho biết bệnh đó có nguy hiểm không và cách chữa trị? (Phan Quỳnh Nga, 30 tuổi, Láng - HN)

- BS Phúc: Nều bé đứng cân hoặc sụt cân bạn nên đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để được xét nghiệm thêm. Còn bé vẫn tăng cân bình thường thì ở lứa tuổi này đôi lúc bé có thể đi phân sống (nguyên cọng rau, thịt hay ít hạt mỡ...) vì đường tiêu hóa đang trong thời kỳ chuyển qua giai đoạn phát triển mới.

- Con tôi vừa trải qua đợt viêm phế quản - họng - mũi, sau đó vì ho nhiều nêu cháu bị viêm tai thanh dịch. Bác sĩ cho cháu uống 3 đợt kháng sinh liên tiếp, và bảo có thể sau này cháu phải nạo VA để tránh tái phát. Xin hỏi cách phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ, và tôi có nên cho bé nạo VA không? (Bích Lâm, 32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

- BS Khanh: Viêm VA kéo dài có thể sẽ gây viêm tai và viêm tai kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé. Do đó, nếu con bạn có viêm tai và chảy mũi kéo dài thì nên nạo VA để tránh những biến chứng trên.

- Con gái cháu đến nay được 19 tháng. Cứ mỗi lần thời tiết thay đổi cháu lại bị viêm mũi họng rất khó thở dẫn đến ho khan. Đi khám bác sĩ cho biết cháu bị hen phế quản sơ nhiễm. Vậy cháu xin hỏi bác sĩ có phưong pháp hay thuốc gì để điều trị dự phòng cho con cháu không ạ? Và thời gian dự phòng trước giao mùa là bao lâu? (Đào Bích Thuận, 31 tuổi, Hải Phòng)

- BS Khanh: Có thể chị nghe nhầm chứ thực tế không có bệnh hen phế quản sơ nhiễm mà chỉ có hen phế quản, còn gọi là suyễn. Thường bệnh suyễn được chia làm nhiều bậc. Nếu con chị bị suyễn, chị nên thực hiện đúng những biện pháp mà bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn mới phòng ngừa lâu dài được.

- Hai đứa con tôi (một bé lên 4 và bé còn lại lên 2 tuổi) định kỳ mỗi tháng lại bị viêm phổi, mỗi lần đi khám bác sĩ thường kê đơn thuốc trong đó có thuốc Ery. Gần đây, tôi thấy răng con ngả màu vàng, liệu thuốc Ery có chứa chất gây vàng răng không? (Trần Thị Hương, 32 tuổi, Hà Nam)

- BS Khanh: Kháng sinh Ery không gây vàng răng, bạn nên tìm nguyên nhân khác gây vàng răng. Vàng răng có nhiều nguyên nhân, thông thường bác sĩ nhi khoa đều biết kháng sinh nào có ảnh hưởng đến răng của bé, nên họ không sử dụng.

- Thưa bác sĩ, con em 6 tuổi. Hai mũi cháu rất hay đỏ và ướt, nhưng khi khô lại hay chảy máu. Cháu khám sức khỏe ở trường, bác sĩ nói cháu bị viêm loét tiền đình. Xin bác sĩ hướng dẫn em cách điều trị cho cháu. Cảm ơn bác sĩ! (Thanh Thảo, 30 tuổi, Hà Nội)

- BS Khanh: Nếu con bạn thường xuyên bị mũi đỏ, ướt, sau đó khô lại chảy máu thì bạn nên điều trị cho khỏi hẳn, thực hiện đúng những yêu cầu của bác sĩ để tránh tái đi tái lại. Tình huống này lâu dài có thể làm viêm loét tiền đình mũi, mà khi viêm loét mãn tính có thể trẻ sẽ chảy máu cam thường xuyên.

- Tôi có con gái được 21 tháng tuổi, nặng 13 kg, cháu rất hay bị viêm đường hô hấp trên. Tôi nghe nói có thuốc "Bronchovaxom" do Thụy Sỹ sản xuất nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh dị ứng thời tiết (tai, mũi, họng). Xin hỏi bác sĩ tôi có nên cho cháu uống loại thuốc này không? (Đặng Mai Liên, 28 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

- BS Khanh: Đúng là có thuốc Bronchovaxom nhằm tăng cường sức đề kháng và phòng dị ứng thời tiết của đường hô hấp. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng mà cần phải tham khảo bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì không phải tất cả trẻ thường bị viêm đường hô hấp đều có thể phòng ngừa bằng thuốc này. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh đường hô hấp là các biện pháp đã trả lời ở những câu trên.

- Kính gửi bác sĩ Phúc! Vợ tôi sinh con được 1,5 tháng, nhưng tôi thấy mỗi khi cho bé bú xong, đập bé ợ vừa dứt là bé lại nôn ra. Như vậy có sao không bác sĩ. Lúc trước vợ tôi có đi siêu âm 4 chiều lúc mang thai, thì bác sĩ siêu âm báo là con tôi dạ dày hơi gần tim. Rất mong bác sĩ giải đáp. Chúc chương trình gặt hái thành công, chúc hai bác sĩ hạnh phúc, thành đạt. Trân trọng kính chào! (Dương Anh Khoa, 27 tuổi, TP HCM)

- BS Phúc: Xin cảm ơn lời chúc chân thành của bạn. Rất tiếc vì thông tin bạn đưa cho chúng tôi còn quá ít, không đủ để trả lời chính xác. Bạn nên đưa bé tới bệnh viện nhi có chuyên khoa tiêu hóa gần nhà sớm để được khám và làm xét nghiệm thêm.

- Con gái tôi năm nay 2 tuổi, lúc cháu được 8 tháng tuổi thì bị viêm họng kèm theo nhiệt lưỡi, đi khám bác sĩ cho uống thuốc và bôi thì cháu đỡ nhưng đến bây giờ lưỡi của cháu vẫn còn lốm đốm trắng. Có phải cháu bị nấm như mọi người vẫn bảo không ạ? (Đặng Minh Thu, 26 tuổi, Hà Nội)

- BS Khanh: Nhiệt lưỡi là từ dân gian dùng để chỉ khi thấy mặt trên lưỡi của trẻ có những mảng trắng. Tuy nhiên đây có thể là một hiện tượng bình thường nếu trẻ vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường thì không cần thiết phải điều trị. Hiện tượng này sẽ xuất hiện nhiều ở những trẻ dưới 3 tuổi và khi lớn hơn sẽ tự hết. Thông thường nấm miệng ít khi nào chỉ xuất hiện ở mặt trên lưỡi. Nếu bị nấm những mảng trắng này sẽ xuất hiện thêm ở niêm mạc má, niêm mạc môi.

- Theo bác sĩ Khanh, tiêm chủng mở rộng miễn phí là chưa đầy đủ, phải tiêm thêm. Xin bác sĩ trả lời cụ thể với trẻ 13 tháng tuổi nên tiêm thêm những mũi gì? (Nguyễn Phương Thúy, 26 tuổi, Hà Đông - Hà Nội)

- BS Khanh: Tiêm chủng mở rộng miễn phí là kinh phí từ Nhà nước, do đó chỉ chọn những bệnh rất nguy hiểm, dễ mắc phải, lây lan nhiều chứ không thể tiêm cho tất cả bệnh vì nước ta còn nghèo. Con bạn 13 tháng nên tiêm thêm các văcxin sau đây (nếu có khả năng): viêm màng não mủ do HIB, thủy đậu, quai bị - sởi - rubella.

- Thưa bác sĩ, con tôi 9 tuổi, lúc bé khi sốt có làm kinh 3 lần (thoáng qua khoảng 3 giây). Khi bé sốt tôi theo rất kỹ, cho uống thuốc hạ sốt (theo chỉ định) nhưng chỉ được 3 tiếng hạ sốt nhẹ sau đó lại tăng trở lại dù chưa đến giờ qui định được uống thuốc hạ sốt trở lại (thường 4,5 tiếng). Tôi phải làm thế nào mặc dù đã lau mát cho bé nhưng nhiệt độ vẫn không xuống. Đợi đến giờ uống thì sợ bé làm kinh (Nguyễn Thị Lệ Hà, 42 tuổi, TP HCM)

- BS Khanh: Nếu con bạn có tiền căn co giật khi sốt cao, bạn nên sử dụng dụng cụ theo dõi nhiệt độ tại nhà. Nếu nghi ngờ trẻ sốt cần cập nhiệt ngay, nếu 38 độ trở lên thì phải uống thuốc hạ sốt. Uống thuốc hạ sốt phải đủ liều, thông thường nên sử dụng Paracetamol 10 mg cho 1 kg cân nặng dùng 4-6 tiếng một lần. Con bạn đã có tiền căn làm kinh thì ngoài việc uống thuốc bạn nên lau mát bằng nước ấm để giảm nhiệt độ nhanh hơn trong khi chờ thời gian thuốc có tác dụng. Mặt khác, con bạn đã 9 tuổi thì khả năng co giật do sốt là rất thấp. Có thể trẻ có bệnh động kinh mà mình không biết. Tốt nhất bạn nên tham vấn thêm bác sĩ chuyên khoa nhi để xác định trẻ có bị động kinh không.

- Con trai tôi năm nay đã gần 2 tuổi, thời gian gần đây cháu bị lột da ở hai bàn tay. Xin hỏi bác sĩ đó là bệnh gì? Có nguy hiểm không? (Nguyễn Hoàng Long, 34 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị)

- BS Khanh: Theo mô tả, có khả năng con bạn bị dị ứng. Lột da lòng bàn tay, bàn chân do dị ứng sẽ kèm theo cảm giác ngứa. Bệnh này thường không có nguy hiểm gì, chỉ gây khó chịu cho trẻ, sẽ tự khỏi khi hết nguyên nhân gây dị ứng như: thức ăn, hóa chất. Tuy nhiên, bạn nên cho con ăn đầy đủ những chất dinh dưỡng, rau xanh, trái cây tươi vì nếu thiếu những chất này cũng có thể làm cho trẻ bị lột da ở hai bàn tay.

- Thưa bác sĩ Hoàng Lê Phúc, con trai tôi được 4 tháng rưỡi, hiện cháu ăn sữa ngoài, chưa ăn bột. 4 tháng tôi có tập cho cháu ăn bột, ngày 1 bữa, sau vài hôm thì thấy cháu bị rối loạn tiêu hóa, ngày đi khoảng 5 lần (đi có rặn) phân có nhầy, lổn nhổn, có mùi chua, có khi lại tanh hoặc khắm. Tôi đã cho cháu uống men tiêu hóa Lactomin Plus và một loại thuốc hình như là Latofos của Pháp giúp đông phân. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cần cho con uống thuốc gì? (Lê Thị Thảo, 34 tuổi, Hà Nội)

- BS Phúc: Theo Tổ chức Y tế thế giới lứa tuổi thích hợp nhất để bắt đầu ăn dặm là 6 tháng tuổi. Thường thì đường tiêu hóa cần 3 cho tới 5 ngày để thích nghi với thức ăn mới. Sau thời gian này mới cần dùng thêm thuốc tùy theo tình trạng bệnh. có thể con bạn chưa đủ lớn để ăn được tinh bột. Bạn nên tạm ngưng cho bé ăn bột vài ngày. Nếu tình trạng có cải thiện thì nên đợi đến bé tròn 6 tháng hãy tập ăn dặm trở lại. Bạn cũng có thề dùng thêm Neopeptine 4 giọt trong cữ bột nếu phải cho bé tiếp tục ăn dặm trong thời gian này. Các loại men tiêu hóa mà bạn kể không phải là men tiêu hóa thật sự mà là các vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe (probiotic) và các vi khuẩn này thường ít cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Chào bác sĩ, con tôi 30 tháng nặng 18 kg. Cháu thường bị nghẹt mũi, ngày nào cũng phải móc mũi cháu mới dễ thở, đã nhập viện 2 lần vì viêm phế quản cấp. Vậy cháu có thể bị viêm xoang hay suyễn không. (Phương Trinh, 28 tuổi, Ấp 1 An Thạnh, Bến Lức, Long An)

- BS Khanh: Việc xác định trẻ bị viêm xoang hay suyễn theo mô tả của chị thì không thể xác định được. Tuy nhiên, nếu móc mũi mà dễ thở thì không thể bị suyễn được. Đã nhập viện 2 lần viêm phế quản thì không chắc là suyễn. Muốn xác định viêm xoang cần phải khám bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ cố gắng lựa chọn những câu hỏi tiêu biểu. Ảnh: Thiên Chương

- Con em hay bị cảm sốt (hắt hơi, sổ mũi, sốt 38,5 độ, ho) đấy là những triệu chứng mà các bà mẹ như em hiện nay rất hoang mang vì lo rằng con mình sẽ bị H1N1. Cho bé đến bệnh viện khám thì thường xuyên trong tình trạng quá tải đông đúc khiến bé còn ốm thêm. Xin bác sĩ cho em biết các dấu hiệu riêng biệt thuờng gặp ở trẻ nhỏ khi mắc 2 bệnh này. (Phạm Mai Phương, 27 tuổi)

- BS Khanh: Các triệu chứng bạn mô tả cũng giống với H1N1. Tuy nhiên, nếu con bạn không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc H1N1 thì nên điều trị như những lần trước và theo dõi bé sát hơn. Nếu thấy bé sốt cao, đau nhức cơ thể, ho nhiều, nên đưa bé đến bệnh viện để xác định xem có bệnh gì nặng không. Hiện nay, H1N1 cũng là một loại cúm mùa. Cúm mùa thì năm nào cũng gặp, trước kia đâu có ai sợ cúm mùa. Có rất nhiều bệnh còn nguy hiểm hơn H1N1 mà có thể bố mẹ bỏ quên. Chị nên bình tĩnh theo dõi bé như những lần mắc bệnh trước đây và thực hiện các biện pháp vệ sinh để phòng bệnh cúm H1N1 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

- Con gái tôi được 42 tháng tuổi. Theo tôi quan sát, mỗi năm, cứ đến thời điểm giao mùa là con tôi lại xuất hiện hiện tượng đang ngủ đêm tự nhiên nôn trớ, thậm chí nôn cả mật vàng và từ lúc đó trở đi cháu cứ ăn vào là lại trớ. Sau đó, cháu có đi ngoài, vài ngày sau thì tự khỏi. Cháu bị từ khi rất nhỏ tới bây giờ. Hiện tượng này là bệnh gì?. Có thể chữa bằng cách nào? (Hoàng Thị Thu Trang, 28 tuổi, Trung Yên, Cầu Giấy)

- BS Phúc: Nếu sau các đợt ói bé hoàn toàn bình thường thì nhiều khả năng con bạn bị ói chu kỳ, là một tình trạng có nhiều nguyên nhân chưa được rõ. Bạn nên thu xếp đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa và thần kinh để được khám và điều trị sớm.

- Thưa bác sĩ, con gái tôi được 20 tháng tuổi, cháu đã đi nhà trẻ. Ở lớp trẻ của cháu hiện có vài bé bị cảm cúm, sổ mũi, ho... Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc và bảo vệ cho cháu khỏi bị lây bệnh từ các bé cùng lớp đang bị ốm, đặc biệt trong thời điểm giao mùa dễ bị bệnh như thời điểm hiện nay. Chân thành cảm ơn bác sĩ và tòa soạn VnExpress.net rất nhiều. (Hoàng Thị Vân Anh, 29 tuổi, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình)

- BS Khanh: Trẻ nào đang mắc bệnh thì nên ở nhà để tránh lây cho bé khác. Cách bảo vệ tốt nhất là những trẻ khác phải thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tiếp xúc với những vật dụng và đồ chơi nghi nhiễm bẩn... Đúng là thời điểm giao mùa thì trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn. Cách tốt nhất là nên tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống đầy đủ, giữ vệ sinh trong sinh hoạt.

- Chiều hôm qua, bạn ngồi cùng bàn với con trai tôi lên cơn sốt, gia đình bạn đã cho đi khám, được chuẩn đoán là sốt xuất huyết. Vậy xin bác sĩ cho gia đình tôi lời khuyên cần làm những gì để con tôi không bị nhiễm sốt xuất huyết theo bạn? Xin cám ơn bác sĩ, cám ơn tòa soạn. (Nguyễn Thị Thanh Hoa, 32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

- BS Khanh: Sốt xuất huyết chỉ lây qua đường muỗi chích, ngồi chung bàn không lây được. Chỉ có những trẻ bị sốt cao 2-3 ngày không giảm mới nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, không sốt như con bạn thì không cần nghĩ đến bệnh này. Con bạn vẫn có thể bị sốt xuất huyết nếu như nhà bạn có muỗi lây truyền bệnh. Để phòng ngừa, bạn nên diệt bọ gậy, muỗi, nếu không có muỗi hay bọ gậy thì không có bệnh sốt xuất huyết.

- Tôi có bé gái 5 tuổi, hay bị ho có đàm. Xin bác sĩ tư vấn loại thuốc hay thức ăn nào hỗ trợ cho bé. Thời tiết chuyển mùa, trẻ dễ bị mắc 1 số bệnh, xin bác sĩ tư vấn làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch cho bé, nhất là về thức ăn. (Nguyễn Thu Hà, 33 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh)

- BS Khanh: Thứ nhất, để tránh ho có đàm không nên ăn những thức ăn gây dị ứng. Muốn biết là thức ăn gì nên nhớ lại xem trước khi ho có đàm trẻ đã ăn gì? Thông thường, các món hải sản dễ dị ứng hơn những món khác. Ngoài ra có nhiều loại thức ăn, chất dinh dưỡng mà nhà sản xuất có sử dụng những chất làm tăng cường miễn dịch để phòng tránh 1 số bệnh thông thường như hô hấp và tiêu hóa. Rau xanh, trái cây tươi, uống nước đầy đủ cũng là những biện pháp để giảm khả năng mắc bệnh. Không có thuốc tăng sức đề kháng đâu, chỉ có vacxin mới ngừa được bệnh thôi.

- Con tôi 13 tháng, tiêu chảy 9 ngày, đại tiện 9-11 lần một ngày, nhiều nước. Bác sĩ bảo viêm phổi do vi khuẩn viêm phổi xuống đường ruột, điều trị khỏi viêm phổi thì tiêu chảy cũng hết, dùng kháng sinh. Bé đã điều trị theo đơn 7 ngày, nhưng tiêu chảy không giảm nhiều. Cháu được khám ở BV nhi Thụy Điển - Hà Nội và kết luận cháu bị nhiễm dịch tiêu chảy đông, không cho sử dụng thuốc cầm tiêu mà chỉ đề nghị bổ sung nước thường xuyên. (Bùi Phương Thảo, 31 tuổi, HN)

- BS Phúc: Bạn không cho biết tình trạng viêm phổi hiện nay của con bạn như thế nào nên khó trả lời chu đáo. Riêng về tiêu chảy, bạn không nên cho bé dùng kháng sinh trừ khi bé tiêu phân có máu hoặc tiêu chảy là do bệnh ngoài đường tiêu hóa khác gây ra (như bệnh viêm phổi). Vì tiêu chảy cũng là cách cơ thể thải trừ tác nhân gây bệnh nên không dùng thuốc cầm tiêu chảy, đặc biệt cho trẻ ở lứa tuổi con bạn. Thuốc cầm tiêu chảy còn có thể gây ra tình trạng tắc ruột thậm chí thủng ruột nên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Bạn nên theo 3 nguyên tắc điều trị tiêu chảy tại nhà là: cho trẻ uống nhiều nước hơn để ngừa mất nước; cho trẻ ăn nhiều hơn để có sức mau lành bệnh và cần biết dầu hiệu nặng để đưa trẻ đến bệnh viện khám kịp thời (tiêu phân có máu, khát nước nhiều, sốt cao khó hạ, nôn liên tục, li bì khó đánh thức...).

- Con gái tôi được 27 tháng tuổi, đã sang mùa mưa rồi nhưng cháu bị nổi sảy nhiếu quá. Nhờ bác sĩ tư vấn cách trị sảy. Cảm ơn (Trần Văn Lợi, 34 tuổi, Quận 2)

- BS Khanh: Khi thời tiết thay đổi, thường là mùa nóng, gần như trẻ nào cũng bị sảy. Nếu sảy không làm trẻ khó chịu thì bệnh sẽ tự hết khi trời mát hơn. Cách điều trị tốt nhất là cho trẻ mặc đồ thoáng, sửa dụng loại vải hút ẩm tốt, thường xuyên lau khô các nếp gấp trên cơ thể như: kẽ chân, kẽ tay, cổ, bẹn...

- Cho em hỏi lúc thời tiết giao mùa, trẻ thường dễ mắc các bệnh gì. Cách phòng tránh ra sao? Em xin cảm ơn. (Doan Thi Yen, 28 tuổi, Ha noi)

- BS Khanh: Thời tiết giao mùa (do nhiệt độ và độ ẩm thay đổi), trẻ không thích nghi kịp hoặc do những sinh hoạt và biện pháp làm trẻ dễ chịu hơn cũng có thể làm trẻ mắc bệnh. Các bệnh có thể thấy là bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, ngoài ra có một số bệnh lây lan nhanh trong mùa này nên có hàng loạt trẻ mắc phải. Cách phòng ngừa tốt nhất là nên tiêm văcxin những bệnh nào đã có văcxin. Ngoài ra, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.

Tránh những sinh hoạt làm trẻ dễ mắc bệnh hơn như: sinh hoạt ngoài trời quá lâu, uống nhiều nước đá, nằm quạt hay điều hòa nhiều, thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.

- Đối với những trẻ có tiền sử về bệnh đường hô hấp thì cần phải làm gì để phòng chống hoặc tăng khả năng miễn dịch đường hô hấp, đặc biệt với loại hình khí hậu miền Bắc thay đổi liên tục? Có nên cho trẻ uống vitaminC thường xuyên? Hoặc có các loại thuốc kháng thể phòng ngừa nhiễm khuẩn nào khác ? XIn cảm ơn (Tran Diem Hang, 33 tuổi, Ha Noi)

- BS Khanh: Đa số trẻ dưới 3 tuổi đều có tiền sử mắc bệnh hô hấp chứ không riêng gì con bạn. Cách phòng ngừa tốt nhất là dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, cho trẻ uống đầy đủ nước vào mùa nóng. Vitamin C cũng có tác dụng nhưng phải uống đúng liều. Chỉ có vacxin mới phòng được bệnh từ đường hô hấp nhưng cũng chỉ được 1 vài bệnh thôi. Tóm lại cách tốt nhất vẫn là dinh dưỡng và chăm sóc sinh hoạt khi thời tiết đổi mùa.

- Bé nhà tôi 2 tuổi, bố cháu rất thương con và đôi khi lo lắng thái quá nên bé bị bệnh gì dù nhẹ (sổ mũi, ho...) là bế ngay đi bác sĩ chích và uống thuốc. Theo tôi biết, uống kháng sinh nhiều sẽ ảnh hưởng về sau. Phải giải thích thế nào đây cho chồng tôi thuyết phục? (Phan Thị Lyna, 31 tuổi, Phú Nhuận, TP HCM)

- BS Khanh: Thương con thì ai cũng thương, nhưng lo lắng thái quá thì không nên. Cách tốt nhất khi trẻ mắc bệnh là làm sao biết được trẻ bị bệnh thông thường hay bệnh có biến chứng. Không cần thiết phải cho trẻ chích hay uống kháng sinh lúc trẻ mới mắc bệnh. Để biết trẻ có mắc bệnh nặng không, nên theo dõi các dấu hiệu sau: trẻ sốt cao không hạ, trẻ sốt hơn 2-3 ngày, trẻ có co giật, bệnh tới mức không ăn uống được, tiêu chảy nhiều lần và nhiều nước hay trong phân có máu, trẻ thở mệt.

- Chào bác sĩ và êkíp thực hiện chương trình. Con tôi hiện được 9 tháng tuổi. Từ hôm qua phát hiện thấy cháu bị vàng vàng từ cổ bàn chân trở xuống gan bàn chân. Gia đình tôi vô cùng lo lắng. Trộm vía là cháu vẫn ăn ngủ bình thường. Mong nhận được tư vấn từ bác sĩ. Xin cảm ơn ạ! (Phạm Thanh Thủy, 30 tuổi, Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội)

- BS Phúc: Nếu tròng trắng mắt của bé cũng vàng, bạn nên đưa bé đến bệnh viện khám vì bé có thể đã mắc bệnh gan mật. Một số bé ăn quá nhiều thực phẩm chứa beta-caroten (cà rốt, lòng đỏ trứng, đu đủ, củ dền...) thì lòng bàn tay và lòng bàn chân cũng sẽ có màu vàng nhưng kết mạc mắt không vàng, chỉ cần giảm bớt các thực phẩm này thì tình trạng sẽ hết.

- Con tôi được 18 tháng, cháu nặng 11kg, ăn uống bình thường, nhưng từ khi thời tiết giao mùa cháu thường bỏ ăn cháo, nếu cho ăn thêm 1,2 miếng thì cháu bị trớ hết và hơi thở của cháu có mùi, 1 ngày cháu đại tiện khoảng 1-2 lần. Xin bác sĩ cho biết có phải cháu bị ảnh hưởng đường tiêu hóa không? Làm thế nào để cháu ăn uống bình thường trở lại và hơi thở của cháu hết mùi? Chân thành cảm ơn bác sĩ? (Vũ Thị Đông Hà, 24 tuổi, Hà Nội)

- BS Khanh: Thông thường khi trời nắng nóng, trẻ sẽ biếng ăn. Do đó, lúc này phải kiên nhẫn chăm sóc trẻ, dỗ trẻ ăn, chia thức ăn thành nhiều bữa, thường xuyên thay đổi món ăn, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng như những lúc khác. Trẻ bị trớ (ọc thức ăn), hơi thở có mùi, một ngày đại tiện 1-2 lần cũng không cần quá lo lắng vì đây là những triệu chứng nhẹ. Nếu trẻ vẫn lên cân, sinh hoạt bình thường thì không cần thiết phải dùng thuốc. Cách tốt nhất vẫn là kiên nhẫn chăm sóc trẻ khi thời tiết thay đổi.

- Con tôi được 30 tháng tuổi. Từ 2/9 đến nay cháu rất hay bị ốm. Lúc đầu chỉ bị chảy nước mũi, sau đó sốt 1-2 hôm. Tôi đã cho uống thuốc cảm cúm và kháng sinh và cháu đã khỏi. Hôm nay cháu lại bắt đầu sổ mũi kèm theo ho nhiều, đau người. Liệu cháu có bị nhiễm H1N1 hay không? Thị xã nơi tôi đang sinh sống bắt đầu có dịch cúm A(H1N1). Xin bác sĩ hướng dẫn tôi dùng liều thuốc như thế nào, loại gì để cháu nhanh chóng khỏi bệnh không? (Đoàn Hiền, 32 tuổi)

- BS Khanh: Muốn biết bị nhiễm H1N1 hay không, chỉ có xét nghiệm mới trả lời được. Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ sở y tế làm xét nghiệm chẩn đoán cúm nhưng không phải là cúm H1N1 nên khi trả lời kết quả sẽ không có giá trị gì cả. Nếu muốn xét nghiệm, bạn nên thăm khám bác sĩ tại địa phương để được tham vấn xem con bạn có nguy cơ không. Từ đó mới quyết định được có nên xét nghiệm hay không. Thông thường nhiễm H1N1 cũng sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng trong vòng 7 ngày. Cách tốt nhất là bạn nên điều trị cho cháu như những lần trước và theo dõi xem có thở mệt, sốt cao, bỏ ăn hay không. Nếu có thì nên đến bệnh viện.

- Thưa bác sĩ, mỗi khi trời đổi mùa cũng như đổi khí hậu thời tiết, nhất là vào thời điểm sáng sớm, trẻ em khoảng 1 tuổi (đã từng bị viêm phổi, viêm phế quản) rất dễ bị dị ứng với thời tiết khác thường. Vậy bác sĩ có thể tư vấn: vào lúc sáng sớm khi trẻ ngủ dậy, cha mẹ nên mở cửa sổ như thế nào là hợp lý, để vừa tránh được gió, vừa tạo được không khí thoáng mát cho trẻ ở trong phòng? (Bach Tung, 30 tuổi, Thanh Xuan, Ha noi)

- BS Khanh: Trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn khi thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh đột ngột và ngược lại. Do đó, vào lúc sáng sớm, nếu bạn thấy nhiệt độ bên ngoài phòng chênh lệch nhiều với trong phòng thì không nên cho trẻ ra ngoài hoặc mở cửa một cách đột ngột. Trường hợp này, bạn nên mở cửa từ từ.

- Các cháu bé sau mỗi lần chích ngừa thường hay bị sốt, BS cho biết làm cách nào để hạ sốt cho bé. (Nguyễn Văn Hải, 31 tuổi, TP HCM)

- BS Khanh: Con bạn sốt sau mỗi lần chích ngừa là một điều quá tốt vì chứng tỏ cơ thể của bé đáp ứng tốt với vacxin và sẽ sinh ra rất nhiều kháng thể để chống lại bệnh sau này. Nhưng nếu trẻ sốt cao (39 độ trở lên) thì nên tham vấn bác sĩ hay trẻ khóc hoài không dứt sau khi chích ngừa thì phải mang trẻ lại ngay cơ sở y tế. Khi trẻ sốt nhẹ sau chích ngừa và vẫn sinh hoạt bình thường thì không nên uống thuốc hạ sốt. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ trên 38,5 độ.

- Xin hỏi bác sĩ, vợ tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng, tôi rất lo lắng không biết liệu sau này con gái của tôi (hiện nay 2 tuổi) có bị di truyền bệnh này hay không? Tôi phải chăm sóc cháu như thế nào để phòng bệnh càng sớm càng tốt? (Luong Phú Cường, 29 tuổi, Đồng Mỹ - Quảng Bình)

- BS Khanh: Viêm mũi dị ứng là bệnh di truyền. Tuy nhiên, có thể con gái bạn sẽ không mắc bệnh viêm mũi dị ứng dù vợ bạn mắc phải. Nếu bé có mắc bệnh viêm mũi dị ứng thì có thể di truyền từ bạn chứ không phải là vợ bạn, vì những người bà con bên nội (ông nội, bà nội, cô, bác... ) cũng di truyền sang cho cháu.

Hơn nữa, viêm mũi dị ứng không phải là bệnh gì đặc biệt nguy hiểm và rất nhiều người mắc bệnh. Bạn không nên quá lo lắng về bệnh này. Nếu không may bé mắc bệnh thì cách phòng tốt nhất là tìm nguyên nhân gây dị ứng (thời tiết thay đổi, phấn hoa, lông thú, một vài món ăn...) và tránh cho trẻ tiếp xúc.

- Thưa bác sĩ cháu nhà tôi hơn 3 tuổi, gần đây đi ngoài thường có vết máu và phân thấy có vệt lõm kéo dài theo chiều dọc, xin bác sĩ cho biết cháu có mắc bệnh gì không và nên đi khám ở đâu ạ. (Thi Hảo, 34 tuổi, P1503 Tầng 15 tòa nhà 185 GV)

- BS Phúc: Nếu bé đi tiêu phân cứng, kích thước to, con bạn đã bị nứt hậu môn. Cần cho bé uống nhiều nước hơn, đồng thời ăn đủ 4 nhóm thực phẩm. Bạn cần lưu ý giúp bé ngồi đúng tư thế khi đi tiêu, hai chân vừa chạm đất để có thể rặn tốt, không để hổng chân sẽ khó rặn hoặc ngồi quá thấp sẽ làm vết nứt hậu môn nặng hơn. Sau tiêu không dùng khăn giấy, hãy rửa bằng nước và lau khô bằng vải mềm không có lông vì vết nứt cần phải sạch, không có vật lạ nằm bên trong mới lành được. Trong trường hợp bé tiêu phân có máu mà không bị bón, phân vẫn mềm, bạn nên cho bé đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa, nội soi để khám.

- Con tôi rất dễ bị viêm đường hô hấp khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Có hôm vừa sáng ngủ dậy, ra khỏi màn cháu đã hắt hơi lia lịa, chảy nước mũi và kêu đau họng. Vậy có nên cho cháu uống kháng sinh để điều trị viêm họng ngay không hay chỉ cho cháu uống các thuốc cảm cúm thông thường. (Nguyễn Thị Thúy Hằng, 28 tuổi, Hòa Bình)

- BS Khanh: Theo mô tả của bạn thì bé đã bị viêm đường hô hấp do dị ứng. Khi trẻ đau họng thì đã viêm họng, có thể do bội nhiễm (dị ứng cộng thêm vi trùng). Chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có viêm họng và sốt, chọn kháng sinh nào nên có ý kiến của bác sĩ. Nếu không có đau họng và sốt, bạn chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng ho, sổ mũi thông thường.

Tóm lại, khi thời tiết chuyển mùa thay đổi, trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi) rất dễ mắc bệnh. Ngoài nguyên nhân thời tiết còn do quan niệm sai lầm của bố mẹ (cho trẻ uống nhiều nước lạnh vào mùa nóng, tắm nhiều lần trong ngày để giảm nóng, nằm quạt máy quá lâu, để điều hòa với nhiệt độ quá thấp, cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu, ăn những thức ăn không bảo đảm vệ sinh).

Để phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa, phụ huynh nên thực hiện: tiêm chủng đầy đủ những vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, khi có điều kiện tiêm thêm văcxin ngừa các bệnh nguy hiểm như: viêm màng não, thủy đậu, quai bị - rubella. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng cho trẻ, ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn, uống đủ nước, thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường để phòng chống bệnh như: mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh. Hy vọng với những biện pháp này, con cái của bạn sẽ an toàn, khỏe mạnh khi thời tiết thay đổi.

Do thời gian có hạn nên chúng tôi chưa thể giải đáp hết những thắc mắc của bạn đọc. Hy vọng sẽ gặp lại các bạn vào một dịp khác. Cám ơn và chào độc giả VnExpress.net.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét