Pages

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Khi bé 13 tháng

Chúc mừng sinh nhật, con yêu! Vậy là bé nhà bạn đã trải qua năm đầu tiên trong cuộc đời mình rồi. Khi bạn dọn hết mẩu bánh sinh nhật cuối cùng còn vương vãi trên bàn, bạn sẽ có vài giây phút để cảm nhận được thời khắc này. Rồi bé sẽ biết đi, biết nói trước khi bạn kịp nhận ra điều ấy. Sự tò mò không ngừng nghỉ của bé chứng tỏ rằng bé bắt đầu tự mình khám phá nhiều hơn. Quan sát bé thật kỹ và bạn sẽ chứng kiến được những khoảnh khắc thú vị khi bé tự tìm hiểu thế giới xung quanh.

Khi bé 13 tháng
1. Bé sẽ học cách để có thể giao tiếp hiệu quả hơn. Mặc dù ngôn ngữ nói vẫn chưa thay thế ngôn ngữ “khóc”, bé sẽ cố gắng biểu đạt những điều mình muốn bằng một số cách khác. Ví dụ, bé có thể nói một vài từ cơ bản như “bà”, “mẹ”, “bác”, “măm măm”, “nhanh nhanh”. Bé cũng bắt đầu biết dùng tay chỉ vào đồ vật mà bé muốn có được. Hãy nói chuyện với bé và cho bé biết tên của những đồ vật mà bé thấy xung quanh. Ở giai đoạn này, bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những “từ ngữ” phát ra từ miệng bé.

2. Bé có thể rất kích động khi nhìn thấy bạn ra khỏi phòng. Khi bạn đi ra khỏi phòng, bé có thể cư xử như thể bạn sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa, vì bé chưa nắm được khái niệm về sự tồn tại của một vật. Tức là, một vật (trong trường hợp này là một người) vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi bạn không trông thấy vật đó (người đó). Trong suy nghĩ của bé, khi bạn rời khỏi phòng tức là bạn cũng rời bỏ bé luôn. Có một số việc bạn có thể làm để giúp bé giảm dần sự lo lắng này. Ví dụ bạn có thể chơi “Ú òa” với bé, bạn biến mất một vài giây sau đó xuất hiện trở lại với nụ cười trên môi. Hoặc bạn giấu món đồ chơi yêu thích của bé dưới gối sau đó bất ngờ để nó hiện ra trước mặt bé.

Nếu bạn may mắn được ở nhà trông bé trong suốt 1 năm đầu đời, thì lúc này, khi đi làm trở lại, bạn sẽ phải nghĩ tới việc bé sẽ bị ảnh hưởng thế nào bời sự lo lắng khi phải xa mẹ. Hãy tìm người chăm sóc bé thật cẩn thận, đảm bảo bé luôn thoải mái khi ở với họ. Nếu có thể, hãy thử biến mất một hai giờ, để bé ở nhà một mình với người chăm sóc xem thế nào. Và khi bạn phải tạm biệt bé để đi làm cả ngày, hãy nói “tạm biệt” một cách bình thường, đừng làm cho việc ra đi của bạn trở nên nghiêm trọng, cũng đừng bí mật trốn bé.

3. Bé sẽ học cách tự mặc quần áo. Đây là thời điểm bé bắt đầu tập giúp mẹ. Hãy để ý tới việc bé đưa tay hoặc chân ra cho bạn mặc quần áo. Bé có thể cố gắng tập làm những thao tác đơn giản như đánh răng hoặc chải đầu. Bé sẽ học từng động tác mà bé quan sát thấy bạn làm mỗi sáng. Hãy nói chuyện với bé, giải thích cho bé biết bạn đang làm gì. Bé sẽ rất vui và nếu bạn liếc nhìn nụ cười của bé, bạn sẽ thấy bé tự hào thế nào.

4. Bạn vẫn có thể cho bé bú mẹ. Nếu cả hai mẹ con đều thích việc cho bú và được bú mẹ, tại sao bạn không tiếp tục thêm một thời gian nữa? Tuy nhiên, nếu một trong hai không còn hứng thú, dưới đây là một số mẹo giúp bạn vượt qua giai đoạn cắt sữa một cách dễ dàng hơn.

- Giảm dần số lần bú mẹ trong ngày.

- Giữ cho bé bận rộn những lúc bé không bú mẹ. Nếu bé tham gia một họat động nào đó, bé sẽ không để ý tới việc lúc này là lúc bé đang phải rúc vào ty mẹ.

- Giảm số lần bú mẹ không có nghĩa là giảm số lần 2 mẹ con âu yếm nhau. Hãy thường xuyên ôm ấp con để bé cảm thấy an tâm và không có cảm giác bị mẹ dứt bỏ.

* Những hoạt động bạn có thể tham gia với bé:
Vì bây giờ bé nhà bạn đã lớn hơn rồi, nên những trò bé thích không còn đơn giản chỉ là những trò lặp đi lặp lại như “Ú òa” hay “Nu na nu nống” nữa. Bạn hãy đưa bé đi dạo, dành thời gian cho bé. Sự tò mò của bé sẽ tăng dần lên theo những bước chân của bạn hoặc của bé. Chỉ cho bé thấy những cái cây, con thú hoặc đồ vật xung quanh. Bạn có thể chơi trò ngắm chim hoặc ngắm hoa cùng bé. Chỉ cho bé thấy những con chim hoặc những bông hoa đầy màu sắc. Ngay cả khi những chiếc lông chim nhiều màu không làm bé chú ý thì tiếng chim hót cũng làm dịu êm tâm hồn của cả bé và bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét