Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Thủy đậu - bệnh của thời tiết ấm

Các nốt đậu có thể mọc cả trên đầu.

Tuy ít gây chết người nhưng căn bệnh này rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm, viêm phổi, sinh con dị tật hoặc tử vong... Bệnh thường phát triển mạnh từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Yến, khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho phóng viên TS biết: Bệnh thủy đậu đang có xu hướng tăng trong mấy năm gần đây. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 1.460 người mắc thủy đậu, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (810 ca). Riêng Hà Nội đã có 61 người mắc. Tỷ lệ mắc thủy đậu ở Hà Nội cao gấp 4,5 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Bệnh thủy đậu do virus gây ra, rất dễ lây (qua đường hô hấp và tiếp xúc) và có khả năng lan thành dịch. Thủy đậu gây miễn dịch vĩnh viễn. Tuy nhiên, những người bị suy yếu hệ miễn dịch có thể nhiễm bệnh lần 2 (thường là nhẹ).

Diễn tiến bệnh

- Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình 13-17 ngày. Bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.

- Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 24-48 giờ. Bệnh nhân sốt nhẹ, ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi. Một số bệnh nhân có những nốt hồng ban nổi trên da. Đây là tiền thân của những nốt đậu, xuất hiện khoảng 24 giờ trước khi trở thành bóng nước.

- Thời kỳ toàn phát: Bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Trên da nổi các bóng nước hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da hồng, bắt đầu từ thân, sau lan sang chân tay, mặt. Bóng nước cũng có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp… gây ra các triệu chứng nuốt đau, có dấu hiệu loét đường tiêu hóa, khó thở, tiểu rát. Ở một số trẻ, bóng nước còn mọc ở mí mắt hoặc kết mạc. Bóng nước càng nhiều chứng tỏ bệnh càng nặng.

- Thời kỳ hồi phục: Các bóng nước đóng mày, xảy ra 1 tuần sau khi bóng nước xuất hiện.

Ở người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc tổn thương, đặc biệt là bệnh nhân ung thư hệ bạch huyết, thời gian hồi phục dài gấp ba lần so với người bình thường. Tỷ lệ tử vong ở họ là 15%.

Các biến chứng

- Bội nhiễm: Đây là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da (do nốt đậu bị vỡ, hoặc do da bị trầy xước khi gãi). Tình trạng bội nhiễm cũng có thể gây viêm mô tế bào, viêm hạch ngoại biên, áp xe dưới da.

- Viêm phổi: Thường gặp ở người lớn và người suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực và ho ra máu. Nếu đang có mang từ tháng thứ tư trở lên, bệnh nhân có nhiều nguy cơ tử vong.

- Sinh con dị tật hoặc tử vong: Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng cuối thai kỳ, đứa trẻ sinh ra có thể bị sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển, tâm thần… Nếu mẹ bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 30%. Ở những trẻ sống sót, các cơ quan nội tạng thường bị tổn thương, đặc biệt ở phổi.

Phòng ngừa

Người mắc thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ 24 giờ trước khi phát ban cho đến khi những nốt đậu đóng mày (trung bình 7-8 ngày). Vì vậy, ngay khi phát hiện bệnh, cần cách ly bệnh nhân, tránh tiếp xúc với họ cho đến khi khỏi hẳn.

Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người nên tiêm phòng. Tiến sĩ Thu Yến cho biết, loại vacxin phòng thủy đậu phổ biến hiện nay là Varilrix của Mỹ, giá 300.000 đồng/liều. Trẻ 1-12 tuổi tiêm một liều; người 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều (cách nhau 6-10 tuần).

Điều trị

Mục đích chủ yếu là giảm nguy cơ gây biến chứng. Bệnh nhân cần:

- Dùng thuốc chống ngứa (tại chỗ hoặc toàn thân), nếu cần có thể uống thuốc an thần.

- Tắm bằng dung dịch sát trùng, cắt ngắn móng tay, mặc áo quần kín (để tránh nhiễm trùng và chống ngứa).

- Có thể dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt. Nhất thiết không không dùng aspirin cho trẻ em vì thuốc này có thể gây hội chứng Reye, với các biểu hiện bồn chồn, lo âu, kích thích, hôn mê, co giật do phù não.

Nếu muốn dùng các loại thuốc chống virus thủy đậu, bệnh nhân cần theo chỉ định của bác sĩ.

Thanh Nhàn

Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét