Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Nên sai vặt trẻ càng sớm càng tốt

Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, sai trẻ làm việc vặt là một trong những phương cách tốt nhất giúp bé luyện tập các kỹ năng, tạo dựng tính chủ động, tự tin và lĩnh hội những chuẩn mực giá trị đạo đức.

Hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, thích được “làm việc” cùng người lớn. Người lớn nên coi đây là cơ hội tốt để giáo dục trẻ. Hãy mạnh dạn giao cho bé một số công việc trong gia đình vừa sức với trẻ, để bé tập làm, ví dụ đặt quần áo bẩn vào chậu giặt, mang bát bỏ vào chậu rửa sau khi ăn xong, cất dọn đồ chơi, thay giấy vệ sinh, gấp quần áo... Người lớn động viên, khuyến khích bé tham gia tích cực, hướng dẫn, hỗ trợ bé kịp thời nếu bé không làm được. Khi làm việc nhà, bé sẽ cảm thấy mình có giá trị hơn, học được các kỹ năng và tự tin hơn vào khả năng của mình. Cũng qua đó, người lớn có thể phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để định hướng bồi đắp.

Nên giao việc vặt cho trẻ từ khi nào

Sang tuổi thứ 2, trẻ đã có thể làm được những việc lặt vặt trong nhà. Để duy trì sở thích của bé, hãy chọn những nhiệm vụ vừa sức, đặc biệt là những việc lặt vặt bé thích làm. Chẳng hạn có thể giao cho bé lấy ghế, gấp quần áo của bé, nhặt rau… cùng mẹ. Một bà mẹ kể rằng: “Tôi không thể nào cấm không cho con tôi (4 tuổi) động vào cái máy hút bụi được. Vì vậy tôi giao cho bé nhiệm vụ hút bụi sạch căn phòng gia đình. Nhờ vậy bé luôn bận rộn hút bụi còn tôi thì được bé đỡ đần bớt một việc”.



Nhà sư phạm học Elizabeth Pantley cho rằng, giao việc cho con trẻ là một cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé khám phá năng lực, hứng thú của chính mình. Những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà, biết coi việc nhà là một điều bình thường của cuộc sống sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành hơn so với những trẻ không có tinh thần trách nhiệm với các công việc đó.

Nên để trẻ tham gia giúp việc nhà hết mức có thể ngay khi trẻ 2-3 tuổi. Lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… tìm nhiều việc vừa sức để trẻ làm giúp. Cha mẹ hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, tự rửa tay, buộc dây giầy, cài cúc áo, tự gấp quần áo cất vào tủ, tự dọn dẹp đồ chơi… Thông qua các công việc được giao, làm cùng người lớn, bé bắt đầu học khái niệm có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với những đồ dùng của bé. Và một khi bé đã cảm nhận được trách nhiệm của mình với những điều trên, cảm giác có trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội sẽ dần đến với bé một cách tự nhiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Khi bé được 4-6 tuổi, bạn có thể dạy bé cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo của bé, lau bàn ghế, giường tủ… thậm chí có thể hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Trẻ con rất thích được cọ rửa đồ. Những đứa trẻ 4 - 5 tuổi còn rất thích công việc phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào các ngăn tủ.

Khi bé 5–6 tuổi, bé có thể giúp đỡ bạn việc rửa chén, bát mỗi tối. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách làm công việc này như thế nào và giao từng phần việc cho trẻ (ví dụ: gạt những thức ăn thừa vào thùng rác, tráng bát bằng nước sạch…). Nhưng phải nhớ là cho bé làm với những đồ không dễ vỡ, còn những thứ dễ vỡ và các nồi bẩn thì bạn phải tự làm. Và điều quan trọng là vừa làm, vừa trò chuyện, tâm tình cùng trẻ để mở rộng sự hiểu biết và giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn.

Khi trẻ 7-8 tuổi, chúng có thể tự mình chuẩn bị một bữa ăn. Hãy hướng dẫn trẻ cách làm món ăn mà chúng thích nhất và chỉ cho trẻ cách chọn các loại thực phẩm khi bạn cùng con đi chợ. Bạn nên khuyến khích con ở lứa tuổi đến trường tự chuẩn bị bữa trưa cho mình. Bé có thể giúp bạn cho quần áo vào máy giặt và khi bé lên 10 thì có thể tự mình cho quần áo vào máy và vận hành máy giặt… có thể đi chợ mua thức ăn. Hãy tập dần cho bé làm quen với những công việc này.

Kiên trì hướng dẫn, khích lệ… không chê bai

Người lớn cần kiên trì hướng dẫn trẻ làm, ban đầu có thể chưa quen, vụng về, chậm chạp, thậm chí đổ vỡ. Không sao cả, mỗi lần làm chưa được, thay vì chê bai, cha mẹ cần giải thích tại sao và động viên trẻ kiên trì làm lại, tập dần trẻ sẽ có ý thức hơn về những công việc mình làm. Thông thường trẻ sẽ rất thích ăn những gì do tự tay mình làm ra. Một khi đã được dạy cách chuẩn bị bữa ăn, trẻ sẽ có thể tự mình vào bếp mà không phải cần phải quanh quẩn bên bạn. Những lúc đó, bạn cứ nghỉ ngơi thoải mái đi và nhớ nói cho mọi người trong gia đình cùng biết để cùng động viên trẻ.

Trẻ con ham học hỏi, thích tự mình làm lấy, làm thành công thì ý muốn được thoả mãn, sẽ có được lòng tự tin vào việc mình làm. Cứ như vậy trẻ lớn lên từng bước một. Ngược lại lúc nào bố mẹ cũng ra tay làm hộ, hình thành ở trẻ thói quen ỷ lại, ích kỷ. Nếu mẹ cứ rửa tay cho con, trẻ mất đi tính nhẫn nại.

Trẻ làm làm tốt dù là việc nhỏ, vẫn cần được khích lệ, động viên. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ. Cho dù trẻ làm chưa giỏi cũng phải khen. Có vậy trẻ mới có tự tin, để lần sau làm giỏi hơn.
Cha mẹ chê trẻ vụng về, không tin tưởng vào khả năng của chúng, sửa sai cái trẻ vừa làm trước mặt người khác… là kiểu dạy con tồi tệ nhất. Những bà mẹ không biết phương pháp giáo dục trẻ thường đối xử với con như vậy. Áp đảo sự phản kháng của trẻ. Dập tắt ý muốn tự làm lấy của trẻ bằng những câu đại loại như “Việc đấy ai chẳng làm được” hay “Ai thèm làm cái việc dở hơi ấy”.

Bí quyết dạy trẻ giỏi là thường xuyên “khen”, ngược lại dạy tồi sẽ là hay “chê”.
Giao cho trẻ những công việc "đặc biệt"
Tại sao trẻ không chịu làm một số việc người lớn muốn? Đơn giản là vì công việc đó không làm trẻ thích…Vậy làm sao để trẻ thích thú và làm một cách tự giác.

Bí quyết làm cho công việc trở nên vui vẻ và thú vị với trẻ là tạo ra nhiều việc để trẻ có thể chọn làm. Vạch rõ ràng các chi tiết của mỗi việc. Cha mẹ có thể lập biểu đồ để đánh dấu những công việc giao cho trẻ làm. Trước khi bạn bắt đầu phân việc, bạn hãy cho trẻ biết bạn mong đợi ở chúng điều gì và chúng sẽ nhận được gì từ công việc đó. Đừng quên nói với trẻ rằng những công việc mà trẻ đang làm đều là những công việc tuyệt vời. Và đa số trẻ sẽ rất hào hứng nếu làm việc mà có phần thưởng.

Ngoài ra, nếu giao cho trẻ một công việc nào đó dưới cái tên “đặc biệt”… thì công việc đó dường như được trẻ hoàn thành tốt hơn. Trẻ con thường có suy nghĩ: “chắc chắn mình phải là một người đặc biệt thì mới được giao cho công việc đặc biệt”.
Chẳng hạn, khi muốn dọn dẹp lại nhà, bạn hãy tuyên bố: “đã đến lúc chúng ta cần dọn nhà rồi”. Thử giao cho trẻ một công việc “đặc biệt” thu dọn, trang trí lại căn phòng để chúng được tự làm điều đó. Để giúp trẻ không bỏ dở, bạn hãy cùng làm với trẻ.

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh & ThS. Hà Thiên LýChuyên gia Trường Mầm Non Hoàng Gia, Equest Group, tel: 7624877

0 nhận xét:

Đăng nhận xét