Pages

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Lớp luyện chữ đẹp giữa phố cổ Hà Nội

Với khả năng viết chữ đẹp, thầy giáo trẻ Dương Thanh Tuấn ngày ngày dạy và luyện cho hơn trăm học viên đủ mọi lứa tuổi trong căn phòng nhỏ 40 m2 ở phố cổ Hà thành.


Sinh năm 1979, anh Dương Thanh Tuấn đã trải qua 12 năm làm công việc luyện chữ đẹp cho mọi người tại căn phòng nhỏ chỉ 40 m2 của mình tại phố Hàng Mành (Hà Nội).

Mỗi ngày có hơn 100 học viên, chia làm 6 ca, từ sáng tới tối. Đông nhất là các bạn trẻ, sinh viên sư phạm, giáo viên tiểu học hoặc các em nhỏ ở độ tuổi lớp 1 hoặc mẫu giáo lớn.

Thầy Tuấn kể, từng có một học viên 78 tuổi theo học. Để luyện tốt chữ cần dùng bút máy ngòi sắt do không bị trơn trượt, từ đó viết các nét thanh, nét đậm theo kiểu đưa nhẹ, kéo mạnh một cách chính xác, dễ tạo nên những vần chữ đẹp hơn.

Gia đình có truyền thống 3 đời hành nghề luyện chữ đẹp. Anh Tuấn vốn là cháu cụ Dương Khả, nổi tiếng những năm 40 về viết chữ. Người thầy thế hệ 7x này từng tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, cũng từng lên giảng đường dạy học, tuy nhiên chỉ được ít thời gian, năm 2000 anh quyết định về nhà nối dõi nghề truyền thống của gia đình.

Bé Đào Khánh Trang (7 tuổi) dù đau một bên mắt vẫn cố gắng đến lớp luyện chữ. Với chi phí 800.000 đồng/khóa (12 buổi), có người chỉ hai buổi đã viết đẹp ngay, nhưng có người học mãi không thành công đành bỏ cuộc giữa chừng.

Với người lớn tuổi việc tiếp thu cách thức viết sao cho đẹp khá dễ, nhưng với trẻ em thì vất vả.

Nhiều lần thầy Tuấn phải cầm tay các em hướng dẫn đặt từng đường bút, điểm xuất phát của từng nét chữ trên vở ô ly.

Chị Đào Thị Nhuyễn, giáo viên tiểu học An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) lặn lội từ quê lên Hà Nội học một khóa để về luyện chữ cho học sinh.

Thày Tuấn rèn cho học viên từng cách mở nắp bút, tư thế ngồi, vẽ mẫu từ trong vở cho đến trên bảng. Với mỗi lứa tuổi, anh có một giáo án, phương pháp truyền đạt riêng.

Anh bảo, viết chữ đẹp là phải làm sao không đứt rời mạch, không nhấc bút giữa chừng, đảm bảo bút nghiêng đủ 15 độ so với dòng kẻ dọc

Mỗi khi thầy viết, học trò chăm chú nhìn theo từng đường nét, nhiều người nhìn chữ mà như bị mê hoặc và trầm trồ "Ôi, đẹp quá"!

Thành quả sau những ngày được rèn luyện của một học viên. Anh Tuấn rất khen ngợi những nét chữ này, luôn mang ra làm mẫu.
Hoàng Hà

Tôi đã rút ra nhiều bài học sau khi trượt đại học

Tôi quyết định sang năm ôn thi lại. Tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho mình, không cắm đầu vào học nữa. Thời gian rỗi tôi giúp mẹ công việc nhà, lao động khiến đầu óc tôi sảng khoái và minh mẫn hơn.

Ước mơ, hai chữ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bao nhiêu khát vọng của tuổi trẻ. Tôi cũng vậy, cũng như bao bạn trẻ khác, sống và mơ ước. 18 tuổi, tôi bắt đầu cuộc hành trình chạm vào ước mơ của mình trong lo lắng, bồn chồn, háo hức, rộn ràng khó tả, những ngày thi đại học ghi dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình.
Tưởng chừng con đường ấy trải toàn hoa hồng thì ngay khi chập chững những bước đi đầu tiên cho một cuộc hành trình mới tôi đã vấp ngã, trượt đại học. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có một sự khởi đầu tồi tệ đến thế, cú sốc đầu đời của tuổi 18 làm tôi hoảng loạn và sợ hãi. Cuộc sống với tôi lúc ấy dường như địa ngục.

Tôi mệt mỏi, chán nản, lâm vào trạng thái trầm uất căng thẳng, hy vọng nhiều thì thất vọng càng lớn. Tôi khóc, mất ngủ, vật vã mấy ngày liền, đôi lúc thấy mình là người thừa và buồn hơn nữa kết quả thấp kém của tôi kéo theo không khí nặng nề của gia đình. Bố mẹ không nói gì, không trách mắng nhưng tôi biết lòng họ trĩu nặng.

Tôi nhớ những buổi tối không ngủ, nằm mê man trong cơn ác mộng. Tôi cố sức leo lên ngọn núi cao nhưng sao cứ có cái gì đó, vô hình thôi, kéo tôi lại, không thể vượt lên. Rồi tôi chới với, và trượt ngã. Trong cơn mê đầu óc tôi quay cuồng và tôi khóc nức nở như một đứa trẻ. Một sự thật dù có đau lòng đến đâu thì tôi vẫn phải chấp nhận, tôi sợ mình không thể vượt qua được thất bại quá lớn này, cú vấp váp đầu đời của tuổi trẻ.

Cho đến một ngày tôi nhận được lá thư của chị gái, lá thư rất dài, 5 trang giấy được chị nắn nót gửi gắm qua từng con chữ: "... Chị gái sẽ luôn ở bên cạnh, chia sẻ muộn phiền với em. Chị muốn em nghiêm túc nhìn lại bản thân, xét đoán những sai lầm, vì con người trưởng thành hơn từ những thất bại, những sai lầm. Và chị sẽ ở bên, giúp em sửa chữa, chị cần sự hợp tác của em. Thất bại không có nghĩa là em đã cúi đầu, mà chỉ đơn giản là em phải đủ can đảm để đương đầu với nó. Cố gắng lên nhé, em gái”!

Cầm trên tay lá thư mà nước mắt tôi nhòe nhoẹt, đọc từng dòng chữ ấy, tôi cảm thấy mình có lỗi nhiều hơn là đáng được thương hại. Tôi có lỗi với bố mẹ, với chị, với những người thân xung quanh bên tôi, yêu quý tôi. Tôi đã không cố gắng hết mình, phụ lòng tin của những người thân yêu.
Có lẽ là thế, như chị tôi nói “Thất bại không có nghĩa em đã cúi đầu, mà chỉ đơn giản là em phải đủ can đảm để đương đầu với nó”. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, gạt đi nước mắt, tôi biết mình phải đứng dậy, cố gắng hơn nữa, không chỉ vì bản thân mà còn vì những người thân yêu và vì ước mơ tôi đã ấp ủ từ khi con bé.

Ảnh:
Tôi đã cố gắng để thành công từ những thất bại đầu đời. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Với 19 điểm, tôi có thể đi NV2 một trường đại học công lập nào đó nhưng tôi đã không nộp đơn mà quyết định ở nhà ôn thi thêm một năm nữa. Việc đi học đại học có thể sẽ giúp tôi thoát khỏi tình trạng hiện tại nhưng sau này không dám chắc tôi sẽ hối hận về quyết định của mình. Tôi không muốn từ bỏ ước mơ và cũng không muốn chạy trốn.

Có lẽ với tôi công việc quan trọng nhất phải làm lúc đó là vạch ra những sai lầm của bản thân, vì sao tôi trượt đại học, lý do nào khiến tôi thất bại? Những năm đi học tôi là một người chăm chỉ cần mẫn, thời gian chính dành nhiều cho việc học tập, học tối ngày, đi học ở trường, ở nhà, ở thư viện.

Chính vì thời khóa biểu bị lấp kín nên tôi ít có thời gian đi chơi cùng bạn bè hay tự thưởng cho mình giây phút giải trí sau giờ học trên lớp. Tôi ít lao động làm đầu óc lúc nào cũng bị căng cứng và với việc học nhiều như vậy kéo theo cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, stress… Áp lực của bài vở đôi khi khiến tôi thấy mệt mỏi, hiệu quả tiếp thu bài không cao. Đó là cách học nhồi nhét.

Lớp 12, tôi dành nhiều thời gian học thuộc lòng vì thi trắc nghiệm lý thuyết đã chiếm đến 50%, tôi học như một con vẹt, thuộc làu làu từng bài trong sách giáo khoa. Tôi có thể nhớ được từng bài, từng chuyên đề về dạng bài nào đó nhưng tôi lại lúng túng trước những đề bài tổng hợp nhiều kiến thức.

Học không có chiều sâu, không hiểu rõ bản chất của vấn đề, học tủ, dùng trí nhớ mà không khái quát được những vấn đề trọng tâm của bài học. Chính vì lý do đó mà khi gặp những dạng bài lạ tôi không biết cách giải quyết và khi bị căng thẳng tôi thường dễ quên chúng. Đó là cách học hời hợt.

Cấp 3 lớp tôi có khá nhiều bạn học giỏi nhưng vì tính sĩ diện tôi rất ít khi hỏi bài bạn bè, tôi luôn tự mình giải quyết nhưng quá nhiều thắc mắc khiến tôi không thể tự làm được, khó là tôi bỏ. Đó lại là một sai lầm lớn nữa với tôi.

"Học thầy không tày học bạn", vậy mà tôi tìm cách giấu dốt chỉ vì sợ bạn bè coi thường. Tôi luôn đặt nặng áp lực về điểm số và bằng mọi cách để đạt được điểm cao, không muốn thua kém bạn bè. Điểm số luôn là áp lực đè nặng lên vai tôi, lo lắng trước những kỳ kiểm tra, tâm lý không thoải mái tôi không thể làm tốt.

Tính tôi nhút nhát và không nhiều bạn, cộng thêm với việc ít tham gia các hoạt động của lớp vì sợ tốn nhiều thời gian làm tôi lúc nào cũng như thu mình vào vỏ ốc. Giờ tôi mới ngộ ra một điều rằng những hoạt động ngoại khóa trên lớp thực sự bổ ích. Chúng khiến tôi gần gũi mọi người, tự tin và dạn dĩ hơn, giảm stress sau mỗi giờ lên lớp và hơn thế nữa thay bằng sự lo lắng tôi sẽ tự tin hơn khi tham gia những kỳ thi.

Tôi quyết định sang năm ôn thi lại. Tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho mình, không cắm đầu vào học nữa. Thời gian rỗi tôi giúp mẹ công việc nhà, lao động khiến đầu óc tôi sảng khoái và minh mẫn hơn. Tôi đăng ý tham gia một lớp 13 gần nhà. Việc học bài bản có thầy chỉ dạy là rất cần thiết vì thầy cô là những người hệ thống sườn kiến thức cho mình. Đừng ngại, đừng xấu hổ vì ở đâu chúng ta cũng kiếm được những người bạn mới.
Học lớp 13 tôi biết thêm nhiều bạn, tôi cởi mở thân thiện và cười nhiều hơn, ngoài giờ học chúng tôi còn trao đổi bài vở với nhau, tôi không còn ngại hỏi bài vở bạn bè, hỏi thật kỹ đến khi nào hiểu rõ bản chất mới thôi. Tôi phát hiện ra các bạn lớp 13 học không hề kém, có lẽ họ cũng giống như tôi sai lầm một chút về đường đi mà thôi.

Lớp 13, tôi không cố nhồi nhét kiến thức vào đầu, sắp xếp một thời gian biểu hợp lý cho từng môn học, tôi có nhiều thời gian hơn vì chỉ phải học 3 môn chính. Tôi đọc kỹ các dạng bài trong sách, nghiền ngẫm nó rồi thâu tóm những ý cần phải nhớ và học. Học phần nào chắc chắn phần đó, thà học 10 biết 5 còn hơn học 10 biết 8 mà hời hợt, đụng vào đâu cũng không hiểu rõ vấn đề.

Học xong chương trình, 2 tháng cuối tôi bắt tay vào làm đề thi, bấm thời gian và theo dõi tiến trình làm bài. Việc làm đề là một trong những khâu mấu chốt quan trọng nhất trong quá trình ôn thi của tôi. Những lần làm đề giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong cách trình bày bài là khâu mà tôi yếu nhất đối với môn Toán. Tìm ra cách giải nhanh nhất đối với những môn thi trắc nghiệm. Một ngày chỉ cần làm 2 đề thì trong một tháng kinh nghiệm dắt túi cũng được kha khá rồi đấy.

Ngoài ra tôi còn tham gia một số hoạt động xã hội của đoàn thanh niên tổ chức vào những dịp cuối tuần như biểu diễn văn nghệ, đi thăm các làng trẻ em khuyết tật, tuyên truyền viên cho các hoạt động tình nguyện. Nó thực sự có ý nghĩa với tôi và thời gian tham gia cùng đội khiến tôi tự tin hòa đồng hơn với mọi người, cảm thấy mình sống có ích hơn.

Vậy là tôi bước vào kỳ thi đại học năm thứ 2 với tinh thần thoải mái, chỉ có đôi chút áp lực nhưng lòng tự tin cũng che đi được phần nào áp lực đó. Tôi tham gia vào hai khối thi, khối A làm bài khá tốt nên khối B tạo tâm lý thoải mái hơn, tôi tự tin hơn nhiều. Kết thúc kỳ thi đại học với một kết quả không đến nỗi nào, tôi đỗ vào 2 ngôi trường mơ ước. Niềm vui xen lẫn với niềm tự hào, tôi biết mình đã chiến thắng bản thân, chấp nhận thử thách và đương đầu với thất bại.

Cú sốc của tuổi 18 dạy tôi nhiều thứ, tôi đã không phải hối hận về quyết định mà mình lựa chọn như một lời dạy của bố từng nói với tôi: “Con vấp ngã chỗ nào con sẽ đứng lên chỗ đó, can đảm đối mặt với thất bại, đừng chạy trốn nếu con không muốn là một kẻ hèn nhát”.
Cuộc hành trình đi tìm ước mơ của tôi chẳng thấm gì với những cuộc hành trình khác dài hơi hơn rất nhiều, nhưng tôi may mắn hơn nhiều người là bên tôi có những người thân, họ cùng với tôi chia sẻ những khó khăn, họ động viên an ủi khi tôi cảm thấy mệt mỏi chán chường.

Tôi thầm cảm ơn những người bên cạnh đã cứu tôi ra khỏi hố sâu của sự thất vọng và tôi tự hào vì bản thân mình vì tôi dám mơ ước, dám cố gắng, dám thất bại và dám thành công. Tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình, tôi tự tin nói rằng: Tôi chiến thắng, tôi không hèn nhát.

Cuộc sống là những điều kỳ diệu đầy thú vị, nó như lăng kính vạn hoa đầy màu sắc và lăng kính đó nằm trong thế giới của ước mơ, khát vọng với những con người bình thường như bạn, như tôi và như hàng tỷ người đang sống trong hành tinh này. Hãy sống, hãy ước mơ và kiên trì biến ước mơ thành hiện thực.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có chông gai và thử thách, càng nhiều khó khăn chúng ta càng biết quý trọng nâng niu hơn những thành quả mình đạt được. Tôi đã thực hiện ước mơ của mình như thế đấy, còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ cho nhau để giúp nhau tiến bước nhé!

Lê Thu Hà

(theo VnExpress.net)

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Nhà Giàu Rèn Dạy Con Như Nào?

http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTCl6Ls7qYGcimjEvU_TPFBWy-90xFVwvUJXKRuU9mPJFwGwA0&t=1

Có nhiều gia đình bố mẹ mải làm ăn kiếm tiền nên không có thời gian chăm sóc, giao lưu, dạy dỗ con cái, dẫn đến việc con cái chán chường, đàn đúm bạn bè ăn chơi hư hỏng.

Những câu chuyện con ngoan thành hư ở các gia đình khá giả như thế này được các chuyên gia tâm lý cho rằng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân được cho là ngày nay trong áp lực cuộc sống hiện đại, nhiều bố mẹ chuyên tâm vào chuyện làm ăn không có thời gian dành cho dạy dỗ chăm sóc con cái. Mặt khác gia đình rủng rỉnh tiền bạc tạo cho trẻ thói quen được nuông chiều, tiêu dùng trên đồng tiền có sẵn do bố mẹ chu cấp; từ đó sinh hư.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, trẻ dễ bị hư hỏng vì các lý do sau đây nên các bậc làm cha mẹ phải cố gắng tránh để con mình có thể phát triển tốt:

Người lớn không tôn trọng nhân cách của trẻ. Trẻ mặc dù nhỏ, cũng có lòng tự tôn; người lớn nên tôn trọng chúng, căn cứ theo đặc điểm bản thân chúng để có cách giáo dục. Đừng nên lấy cách châm chọc, xoi mói, nhục mạ, chửi mắng để ảnh hưởng tâm lý của trẻ.

Có việc là lải nhải. Nhiều bậc phụ huynh chọn cách lảm nhảm suốt ngày để giáo dục con cái, cho rằng trẻ thế này không được, thế kia không xong, cái gì cũng bắt chú ý. Thói quen này sẽ làm trẻ chán ngắt, gây ra tâm lý chán và muốn làm ngược lại.

Kỳ vọng quá cao ở trẻ: Gia đình nào cũng đặt hy vọng vào con cái mình, họ muốn con học cái này cái kia, ví dụ quy định mỗi ngày học bao nhiêu từ, luyện tập đàn… nếu không sẽ bị phạt. Điều này dễ gây ra tinh thần đối lập ở trẻ.

Ít giao lưu với trẻ: Hầu hết người lớn thiếu sự “giao lưu” với trẻ. Nếu cha mẹ không chia sẻ tâm sự, không tôn trọng trẻ thì đừng hy vọng chúng sẽ tôn trọng lại bạn.

Quá nhân nhượng với trẻ: Khi chúng mắc lỗi nếu cha mẹ không phạt, chúng sẽ không phân biệt được phải trái sẽ càng trở nên hỗn.

Trẻ không thỏa mãn đối với cha mẹ và gia đình: Đặc biệt là tình cảm cha mẹ không được tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, chúng thường xuyên lấy những hành động ngỗ ngược để đối phó cho sự không thỏa mãn ấy. Khi cha mẹ đã không còn là tấm gương, trẻ càng chán nản, sa sút tinh thần và dễ cáu gắt, căng thẳng. Hơn nữa nếu cha mẹ bận không có thời gian chơi cùng, trẻ sẽ thiếu thốn tình cảm, thời gian dài sẽ làm cho hai bên xa cách. Trẻ dùng chính sự im lặng và ngỗ ngược của mình để thỏa mãn sự không hài lòng ấy.

Nhà giàu rèn con bằng sống khổ

Thảo - cô con gái út của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP HCM ngày nào cũng dậy thật sớm, điểm tâm rồi ra đường đón xe buýt đến trường. Một tiếng đồng hồ sau, bố cô xách cặp lên ôtô có tài xế đang chờ sẵn đi làm.

Nhà có xe hơi riêng, công ty sẵn ôtô với lái xe, nhưng Thảo cũng như chị gái của mình đều học cách sống tự lập ngay từ nhỏ. Thừa tiền mua xe máy song cô học sinh một trường cấp 3 có tiếng tại Sài Gòn vẫn chịu khó đón xe buýt đi học mỗi ngày. Cô cũng từ chối ý định chu cấp tiền du học nước ngoài của bố: "Con sẽ tự săn tìm học bổng du học bằng sức của mình, nếu không thì học trong nước".

Chị của Thảo hiện là sinh viên khoa kinh tế trường đại học quốc gia TP HCM, tối về vẫn tranh thủ đi làm thêm. Thời gian rảnh, cô chị lại đến công ty bố làm thêm và nhận lương như một nhân viên bình thường để trang trải chi phí sinh hoạt riêng.

Kể về hai cô con gái của mình, người bố - ông Hoàng Văn Dân không giấu niềm tự hào. Ông bảo rằng cả hai đứa con đều rất ngoan từ khi còn bé và biết quý trọng tiền bạc bố mẹ làm ra mà không hề đòi hỏi. "Tôi đã dạy con theo cách tôn trọng và trách nhiệm, có thể coi là phương pháp dạy con hiện đại nhất hiện nay giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện cả về trí tuệ, tình cảm và thể chất", ông bố nói.

"Các con tôi được tự lập, tự ra quyết định cho mình. Chúng phải bỏ công sức để làm ra tiền mới biết quý trọng đồng tiền. Chúng phải sống khó khăn một chút mới biết đồng cảm với những người nghèo khổ".

Ông bố tiếp: "Trẻ học được tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sẽ rất tự tin phát huy tính độc lập và cảm nhận giá trị bản thân. Chúng cũng thiết lập mối quan hệ với người khác trong cộng đồng dễ dàng và cực kỳ tốt".

Như bao ông bố bà mẹ khác, những doanh nhân giàu có cũng muốn con cái mình học giỏi để nối nghiệp nhà. Thế nhưng họ quá bận rộn với công việc kinh doanh để có thể lo cho con. Ở hầu hết gia đình giàu có, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái chính là “tiền”. Vì vậy dẫn đến một thực tế là con trẻ không biết quý trọng sức lao động mà tiêu xài hoang phí, không chăm lo học tập chỉ biết dựa vào cha mẹ.

Song cũng có những doanh nhân mặc dù rất bận rộn với việc kinh doanh vẫn thực hiện trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ con cái một cách nghiêm khắc. Và con của họ khi trưởng thành đều là những người giỏi giang, thành đạt, có ích trong xã hội. Trường hợp như ông giám đốc Hoàng Văn Dân không phải là hiếm.

Bà Huỳnh Huệ Hoa, giám đốc một công ty kinh doanh dây cáp điện tại quận 5 cho biết, gia đình giàu lên từ khởi đầu nghèo khó nên bà rất chú trọng dạy con biết quý trọng giá trị đồng tiền và phải có tính tự lập.

Để làm điều đó, ngay từ khi hai con trai còn nhỏ, bà đã tập cho con biết quản lý thời gian và tài chính một cách khoa học, không chiều theo kiểu đáp ứng mọi yêu cầu của chúng. Bà hỗ trợ cho con mọi thứ tốt nhất trong học tập, song để có tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân thì các cậu bé phải giải thích rõ lý do.

Là con của sếp, nhưng các ông chủ nhỏ này mỗi mùa hè phải đến bán hàng cho các cửa hàng của công ty, hưởng lương như nhân viên bình thường. "Khó khăn giúp bọn trẻ phấn đấu hơn, xây dựng những hoài bão của mình trong tương lai", người mẹ nói.

Nhờ vậy, khi cậu con trai lớn đi du học, mẹ chỉ phải tài trợ 6 tháng đầu tiên. Chàng trai trẻ đã tự kiếm việc làm thêm và không xin tiền gia đình nữa. Ra trường về nước, cậu lập công ty riêng và phụ giúp mẹ điều hành doanh nghiệp gia đình.

Ông Huỳnh Lê Trung, Việt kiều Pháp về nước kinh doanh chia sẻ: "Con trẻ ngay từ nhỏ cần được tập để biết sống đơn giản, biết ba mẹ cực khổ thế nào khi kiếm đồng tiền, tập các cháu quen với từ "không" khi ba mẹ không thể đáp ứng được ước muốn của con".

Ông Trung kể, ban đầu bố cũng rất vất vả khi phải giải thích cho con biết tại sao nói không với những yêu cầu hoàn toàn có thể đáp ứng được. Lâu dần, các con quen đi, hiểu ra và học tập theo. "Sau giờ học chính khóa ở trường thì cháu chủ yếu tự học ở nhà, biết tiết kiệm tiền bằng cách bỏ ống heo".

Không chỉ dạy con biết quý trọng sức lao động, bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại quận 3 còn dạy các con cách ăn mặc, sống giản dị. Bà cho biết: “Tất cả là do giáo dục. Dạy con tiết kiệm, chăm chỉ học hành và chỉ cho con đường đi, thì chúng theo thôi. Hơn hết là cha mẹ phải làm gương. Bảo con ăn uống tiết kiệm mà mình mang tiền đi chơi, spa, shopping... thì sao làm gương được”.

Nhờ đó hai con của bà Tuyết thay vì mang tiền bạc của ba mẹ đổ vào những trò ăn chơi chưng diện vô bổ, thì lại dùng tiền mua sách vở học tập, sách văn học, đĩa nhạc, học ngoại ngữ, vi tính... Sắp tới đây người con lớn sẽ đi du học nhờ suất học bổng mới “săn” được.

Còn hạnh phúc nào bằng khi nhìn thấy con thành đạt một cách trọn vẹn. Đó không chỉ là niềm vui, mà còn niềm hãnh diện, tự hào của các bậc làm cha mẹ đối với sự thành công cho công trình dạy dỗ một con người.

Huy Đức

(Tổng hợp từ VnExpress.net)