Pages

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

9 Cách Giúp Trẻ Chăm Học

Để trẻ chăm học, cần thái độ bình tĩnh của cha mẹ trong việc tìm hiểu nguyên nhân. Hãy cùng con phân tích và tìm hướng giải quyết. Thái độ nhẹ nhàng của cha mẹ khiến trẻ không bị áp lực mà còn tỏ ra hối hận vì đã làm cha mẹ phải phiền lòng. Từ đó các em mới hợp tác để sửa lỗi của mình.

Làm cách nào để trẻ chăm chỉ học hành mà bạn không hề tỏ ra ép buộc và không làm nó khóc? Hãy thử thực hiện 9 cách sau đây.

1. Chấp nhận khả năng thật của bé
Nếu bạn đặt nặng mục tiêu là con mình phải trở thành học sinh giỏi nhất lớp thì bạn đã quá ảo tưởng rồi đấy. Mọi đứa trẻ đều phát triển theo một tốc độ khác nhau. 
Việc bạn hay so sánh khả năng của con mình với những đứa trẻ khác chỉ làm cho con bạn có cảm giác sợ: nếu không đáp ứng được sự mong đợi của bố mẹ thì nó là kẻ thất bại.

Trường hợp ngược lại, nếu con bạn sớm tỏ ra có năng khiếu về hội họa hoặc thể thao, hãy tạo mọi cơ hội để bé có thể phát triển năng lực của mình. Nhưng nhớ đừng bắt ép mà hãy động viên thật nhiều.
 Bạn không thể nào bắt một đứa trẻ phải chạy trong khi bé chưa biết đi, nhưng nếu bé muốn chạy, hãy hết lòng giúp đỡ bé.

2. Tạo cơ hội cho bé
Một trong những cách hay nhất và hiệu quả nhất để giúp trẻ phát huy năng khiếu là cho làm theo sở thích của nó. Nếu được quyền chọn lựa, trẻ sẽ nỗ lực hơn để thực hiện cái mà chúng quyết định theo đuổi. Nhưng dù gì đi nữa, trẻ rất cần sự hỗ trợ của các vị phụ huynh.
Mặc dù trẻ đã định thứ bảy này đi nghe nhạc, nhưng nếu bạn không dắt đi thì nó không thể nào đi đến đó được.
 Thông thường thì bọn trẻ thích rất nhiều thứ nên cha mẹ phải có giải pháp thu hẹp lại, giúp con phát hiện ra lĩnh vực nào nó quan tâm nhiều nhất. 
Đối với những đứa trẻ quá đặc biệt, nếu không hướng trẻ vào khả năng nổi bật của nó, trẻ sẽ mất dần sự tập trung vào năng khiếu của mình và chỉ thích ngồi xem ti vi hoặc chơi đùa với bạn bè mà thôi.

3. Kiểm tra xem có gì gây khó khăn cho trẻ không
Điều này nghe có vẻ dễ dàng và hiển nhiên, nhưng có bao giờ bạn hỏi con mình tại sao nó không muốn đi cắm trại, không thích tham gia hướng đạo sinh hoặc tại sao không làm bài tập về nhà... chưa? Có nhiều nguyên nhân: có thể khi đi học nó hay bị bạn bè chọc ghẹo, có thể nó không thích thầy phụ trách đội hay nó thấy chán học môn toán nên không làm bài về nhà.

Môi trường thích hợp cũng là yếu tố rất quan trọng. Một số trẻ chỉ có thể tập trung ý tưởng trong những phòng tuyệt đối yên tĩnh nhưng những đứa khác thì lại thích ngồi học ở sân chơi náo nhiệt. Nếu con trai bạn nói rằng nó không muốn ngồi học một mình trong phòng riêng thì hãy dọn dẹp cho bé ngồi học trong nhà bếp. Nếu trẻ trở nên ham học, không cần đến sự nhắc nhở của người khác thì chắc hẳn phải có một nguyên nhân tốt nào đó.
Dành thời gian buổi tối để tham gia việc học cùng con như soạn sách vở, kiểm tra lại bài cũ, xem con đã làm hết những bài cô giao chưa hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện với con về tình hình ở lớp xem mối quan hệ giữa con với thầy cô và bạn bè như thế nào.
4. Nói chuyện với con về công việc của bạn
Bạn cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc là việc không thể tránh khỏi, nhưng hãy dành một ít thời gian nói chuyện với con về cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Nói với con những suy nghĩ của bạn và nó sẽ tự suy nghĩ, biết đâu nó tự nhủ rằng mình cố gắng học giỏi thì sẽ thành công như mẹ.
Nếu bạn đang làm một công việc tẻ nhạt và không tìm ra được từ nào tốt đẹp để ca ngợi thì cũng nói cho con biết sự thật: tình hình là như thế nào với một người không có bằng cấp, chắc chắn họ sẽ không thể nào tìm được một công việc tốt. Đôi khi trẻ sẽ tự động viên mình học tập chăm chỉ chỉ vì chúng muốn cuộc sống sau này sẽ tốt hơn cuộc sống của cha mẹ.

5. Khen ngợi trẻ
Khen ngợi cũng là một cách để động viên trẻ học nhưng phải có chừng mực vì trẻ con không ngu dại gì mà tin mãi những câu "Giỏi lắm" hoặc "Tốt lắm". Nếu ngày nào nó cũng mang cho bạn xem những bài làm ở trường và nghe vẫn chừng ấy lời thì bọn trẻ hiểu rằng bạn không quan tâm thực sự đến chuyện học hành của chúng.
Vậy bạn có thể nói những gì? Đơn giản thôi, nhưng là rất cụ thể. Ví dụ: "Mẹ rất thích ý tưởng này trong bài văn của con, nó rất sâu sắc và ấn tượng" hoặc "Con đàn bài ‘trường làng tôi’ hay lắm". Cháu sẽ thấy rằng bạn rất quan tâm đến những hoạt động của nó và nó sẽ cố gắng hơn trong những lần sau đó.
Cha mẹ cần tìm ra những mặt tích cực của trẻ, khơi gợi động viên trẻ phát huy những việc làm tốt. Ví dụ, khi thấy con viết chính tả chữ đẹp hơn năm ngoái hay con trình bày bài toán này rất sáng sủa… cha mẹ đưa ra những lời khen ngợi, động viên sẽ khiến trẻ có thêm hưng phấn.

6. Thưởng cho trẻ
Một số phụ huynh thường hứa sẽ thưởng cho con một chiếc xe đạp nếu nó làm bài thi thật tốt và tất nhiên nếu thi rớt thì sẽ chẳng được gì cả. Cách đối xử như vậy không hẳn là một phương pháp tốt vì chỉ làm cho trẻ căng thẳng trước kỳ thi, sợ thi điểm thấp thì không được thưởng. Và nếu thi hỏng thật thì nó rơi vào trạng thái chán nản vô cùng.

Trên lý thuyết, kết quả thi tốt đã là phần thưởng cho bé nhưng trên thực tế, trẻ sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu có quà thưởng để khích lệ chúng. Thay vì hứa hẹn tặng cho bé một món quà thật lớn thì chỉ cần một món quà nhỏ cũng đủ khích lệ trẻ rồi. Phần thưởng sẽ động viên trẻ cố gắng hơn và cũng không làm cho trẻ quá hối tiếc nếu vuột mất cơ hội giành được phần thưởng đó.

7. Thỉnh thoảng, hãy để con tự do làm những gì nó thích
Trẻ con thường tiến bộ rất nhanh nếu chúng được cha mẹ quan tâm và khuyến khích. Tuy nhiên, trẻ cũng cần thời gian để đạt được sự tiến bộ đó. Những câu la mắng như: "Mày đang làm gì vậy? Sao không chịu học hành gì cả?" sẽ làm cho trẻ bị tổn thương.
Mọi người đều cần phải có thời gian để nghỉ ngơi, nghe nhạc hay thậm chí chỉ để ngồi và nhìn chăm chăm vào khoảng không trước mặt. Và khi năng lượng được phục hồi, chúng ta sẽ cảm thấy tỉnh táo, khỏe mạnh và sẵn sàng đương đầu với thử thách trước mắt.

8. Giải thích cho trẻ hiểu tại sao bạn muốn trẻ học tập thật tốt
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không muốn con bỏ lớp học piano vì bạn chắc chắn là trẻ có năng khiếu về âm nhạc, đặc biệt là khả năng chơi đàn piano? Bạn phải làm gì?

Đừng la mắng trẻ vì chỉ một lúc sau, trẻ sẽ không để tâm đến việc bạn đang trách móc nữa. Bạn hãy nói chuyện và giải thích cho bé hiểu tại sao bạn cho rằng trẻ nên tiếp tục học đàn piano và mâu thuẫn giữa hai mẹ con sẽ được giải quyết ngay. Nếu trẻ vẫn không chịu vâng lời, biết đâu sau này trẻ chuyển hướng sang đam mê thanh nhạc và thích tham gia vào một nhóm tam ca, tứ ca nào đó... Dù trẻ đồng ý hay không đồng ý thì tất cả những gì trẻ học được trước đây vẫn được lưu giữ an toàn trong "ngân hàng kinh nghiệm" của nó và nó sẽ không bao giờ quên được.
9. Lập kế hoạch học tập sát với thời khóa biểu của con, nên chú ý đến thời gian thư giãn và giám sát con thực hiện nghiêm túc kế hoạch đó.
Kích thích trẻ tạo thói quen suy nghĩ, tìm tòi bằng cách đố vui, giải bài khó theo kiểu vừa học vừa chơi, những môn học mà trẻ có năng khiếu thì khuyến khích trẻ làm nhiều bài có tính chất nâng cao.




6 Điều Cha Mẹ Nên Dạy Con Từ Nhỏ

Bố mẹ luôn là đóng vai trò làm mẫu cho trẻ. Những điều đầu tiên trẻ học cũng từ bố mẹ. Vì vậy bố mẹ cũng cần biết truyền đạt cho con những gì là đúng đắn nhất.

Kinh nghiệm sống của bố mẹ giúp con cái hiểu hơn những gì nên và không  nên. Một vài chủ đề gợi ý sau có lẽ sẽ có ích cho bố mẹ trong phương pháp dạy con.
1. Làm việc chăm chỉ và tính kiên nhẫn
- Làm việc và học tập phải chăm chỉ.
- Làm việc gì cũng phải làm đến cùng, không bao giờ được từ bỏ giữa chừng.
- Khi học tập và làm việc đều phải có mối quan hệ.
 

2. Giao tiếp
- Không nên tức giận. Luôn luôn phải chia sẻ cảm xúc với người khác và cố gắng hiểu quan điểm của người đó. Tốt nhất nên đứng trên cương vị của họ để suy nghĩ. Hãy lắng nghe nhiều hơn là nói.
 
- Đừng nên chấp những điều nhỏ nhặt. 

- Luôn giao tiếp với người khác một cách chân thành và đừng hồ nghi.
 
3. Sự kính trọng
- Phải luôn biết kính trọng người khác.
- Dù trong hoàn cảnh nào thì cũng luôn phải bày tỏ sự tôn kính với người khác.
- Nếu mắc lỗi, phải tự nguyện xin lỗi.
4. Khoan dung và tha thứ
- Con người không có ai là hoàn hảo cả, vì vậy hãy chấp nhận họ.
- Hãy tha thứ cho những lỗi lầm của người khác nếu họ biết lỗi. Sự tha thứ không chỉ giúp họ giải toả tâm lý và còn giúp người tha thứ nhẹ nhàng hơn vì chẳng ai thoải mái nếu luôn giữ trong mình nỗi ấm ức, khó chịu.
5. Sự chân thật
- Hãy sống thật cởi mở và chân thật với mọi người. Sự giấu giếm hoặc sống ẩn náu trong chiếc vỏ ốc của riêng mình chỉ càng làm bản thân mình thêm gò bó.
- Khi nói chuyện, hãy nói những điều chân thành. Những điều gian dối sẽ không tồn tại lâu và trước sau gì thì cũng bị bại lộ.
6. Làm việc theo nhóm
- Làm việc theo nhóm sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn.
- Khi làm việc theo nhóm phải tuân theo những quy tắc chung của nhóm, không nên tự tách mình ra khỏi nhóm.
- Làm việc theo nhóm nghĩa là phải chia sẻ hết ý tưởng của mình nhằm xây dựng nhóm, giúp nhóm đạt được mục đích. Không nên giữ ý tưởng của mình chỉ vì sự đố kỵ hay ghen ghét.

Dạy Bé Trách Nhiệm Việc Nhà

Nếu con bạn có thể tự làm việc gì đó, bạn nên hướng dẫn để bé làm tốt việc ấy thay vì làm hộ bé.

“Điều này nghe thì đơn giản nhưng chiều cha mẹ không tuân thủ được” – Jenn Berman (tác giả cuốn Superbaby: 12 Ways to Give your Child a Head Start in the First 3 Years of Life – tạm dịch 12 cách giúp bé tự lập trong 3 năm đầu đời) cho biết.
 
Phụ huynh thường thích tự làm việc nhà vì sợ giao cho bé sẽ mất thời gian hoặc bị bé làm hỏng. Ví dụ, sau khi bé ăn xong, cha mẹ luôn là người dọn bát, thìa xuống bồn rửa bát trong bếp chứ không phải yêu cầu bé mang bát đũa bẩn xuống bếp. Không chỉ vậy, việc lau dọn hoặc thu dọn đồ chơi vương vãi, cha mẹ cũng tự làm luôn cho nhanh vì sợ bé không làm nổi.

 
Cho bé được chọn để tìm việc vừa sức

Nếu bé đang trong giai đoạn nói “không” luôn miệng mà bạn lại yêu cầu: “Con có giúp mẹ nhặt đồ chơi vào hộp không?” thì hẳn nhiên, bé sẽ bất hợp tác bằng lắc đầu nói “Không”. Thay vào đó, chuyên gia Jenn gợi ý, bạn nên cho bé hai việc để chọn: “Con nhặt con thỏ bông hay các khối hình để vào hộp?”. Sự lựa chọn sẽ buộc bé phải làm một việc còn lại, thay vì từ chối ngay từ đầu. Bởi thế hãy để bé chọn một trong hai việc vừa sức tương tự, càng nhiều càng tốt.

Cha mẹ phải có trách nhiệm việc nhà trước

Đừng bỏ qua tầm quan trọng của thói quen chăm việc nhà. Chuyên gia Jenn nhắc nhở cha mẹ rằng, cha mẹ chăm chỉ và có trách nhiệm với việc nhà sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới bé vì ban đầu, các bé học hỏi bằng cách bắt chước cha mẹ.


 
Đừng dạy con cách quãng

Khi bé lớn dần và cuộc sống của bạn mỗi lúc một bận thì bạn cũng đừng lơ là giao việc vặt cho con. Không chỉ những năm ấu thơ mà ngay cả khi con bạn đã bước vào tuổi thiếu niên, bé vẫn cần có trách nhiệm làm việc nhà mỗi ngày. Một ý thức vững vàng ngay từ đầu sẽ tạo thói quen tốt suốt cuộc đời.
 

3 Mẹo Nhỏ Giúp Con Chăm Chỉ Hơn

Bây giờ, các con phải học hành rất nhiều ở trường lớp, rồi đi học thêm. Chính vì vậy các bậc phụ huynh thường làm hết việc nhà cho con mình. Đến khi lớn hơn, các con rất ngại làm việc nhà, bố mẹ lại la hét quát mắng. Vậy làm sao để giúp trẻ chăm chỉ hơn, và có ý thức hơn trong việc giúp đỡ gia đình. Các bậc phụ huynh cùng tham khảo những gợi ý sau nhé. 

1. Hướng dẫn trẻ làm việc nhà

Cha mẹ không nên giành hết việc nhà của con, hãy tạo cho trẻ thói quen làm việc bằng cách phân công việc nhà cho chúng, đây chính là cách giảng dạy tuyệt vời cho trẻ về trách nhiệm cá nhân và sự cần mẫn.

Cha mẹ cần phải cho con biết tầm quan trọng của việc chúng làm trong mối quan hệ gia đình để chúng ý thức được trách nhiệm phần việc của mình mà giúp đỡ cha mẹ.


Bạn hãy để trẻ thấm nhuần niềm tự hào bằng những lời khen ngợi, cảm ơn hay khích lệ khi chúng hoàn thành công việc mà bạn giao. Và cũng đừng bỏ qua việc thiết lập các hình phạt khi chúng không hoàn thành công việc.

2. Cha mẹ cần giành thời gian cho con cái

Khi con của bạn đã đến tuổi dậy thì, chúng thường không thích xuất hiện cùng cha mẹ trước bạn bè hay lúc vui chơi. Bạn vẫn cần phải dành thời gian cho con cái bằng cách cùng làm những việc ở nhà, cùng đi mua sắm hay có thể dẫn chúng đi bơi, chơi thể thao… 

Chỉ khi được ở bên cha mẹ, chúng mới thấy bạn quan tâm đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng và không cảm thấy sự nghiêm khắc, áp đặt. 

Trẻ cũng sẽ không thể lười biếng hay ỉ lại vì chúng cảm thấy luôn ở trong “tầm ngắm” của phụ huynh. Hãy khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ hay quản điểm về một vấn đề để chúng khó có thể giấu diếm bạn điều gì.

3. Hãy “thuê” con cái khi có công việc đặc biệt

Đến tuổi trưởng thành, con cái bạn rất cần tiền để đi chơi, mua sắm những đồ chúng thích hoặc chỉ đơn giản là ăn quà vặt. Bạn hãy tạo điều kiện cho chúng tiền bằng cách thuê chúng làm một số việc đặc biệt mà không phải việc nhà thường xuyên. Hãy phân biệt những việc đặc biệt với việc nhà nhé! Bạn không thể trả tiền cho con của bạn khi làm việc nhà, vì đó là trách nhiệm chia sẻ công việc đối với mỗi thành viên trong gia đình.


Bạn có thể “thuê” chúng vẽ một bức tranh cho phòng khách, sơn lại nhà vào dịp cuối năm thay vì thuê thợ, sửa đường ống nước hoặc một việc gì đó tương tự. Bạn hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể cho công việc đó và chỉ trả tiền cho trẻ khi chúng đã hoàn thành công việc một cách chính xác.

Yếu tố quan trọng nhất trong việc đối phó với một thiếu niên lười biếng là bạn cần phải cương quyết và nhất quán. Thực hiện mọi nỗ lực để liên tục động viên con bạn có một phong cách năng động thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ chúng. Cha mẹ không nên bỏ qua sự biếng nhác hoặc đồng tình khi chúng không chịu làm việc.

Nuôi dạy con là cả một quá trình khó khăn, vất vả, nhưng sẽ còn khó khăn hơn nếu bạn không thể dạy con sự siêng năng, cần cù và phát triển bản thân một cách tích cực. Hãy để con bạn biết rằng, niềm vui đến như là một kết quả của sự rèn luyện đạo đức tốt và làm việc trung thực.


Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

8 Cách Giúp Con Kiên Nhẫn Hơn

Kiên nhẫn là đức tính rất cần có để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Trẻ có tính kiên nhẫn sẽ làm việc đến nơi đến chốn, và đạt được nhiều thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. 

Chúng ta cùng tham khảo 8 cách sau để giúp con mình rèn tính kiên nhẫn từ nhỏ nhé.

1.Hãy kể cho trẻ những câu chuyện liên quan đến tính kiên nhẫn

Nên bắt đầu những câu chuyện nho nhỏ về tính kiên nhẫn, cả ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Lồng trong câu chuyện nên có những câu hỏi để tập cho trẻ suy nghĩ.

 
Chẳng hạn, một con chim làm tổ, trừ lúc tìm mồi, nó liên tục đi nhặt từng sợi rơm, sợi cỏ, vậy chim có đủ rơm để đan thành chiếc tổ không? Một người may áo nhưng chỉ may được một tay áo rồi bỏ làm việc khác, vậy có thành được chiếc áo không? Những câu chuyện như thế sẽ gieo cho trẻ những ấn tượng về ý nghĩa của tính kiên nhẫn cũng như hậu quả của sự thiếu kiên nhẫn.

2. Làm gương cho trẻ về tính kiên nhẫn

Tấm gương của bạn luôn có tác động rất tích cực trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ cần cho con thấy bản thân mình luôn kiên trì thực hiện bằng được một số việc.

Chẳng hạn, sửa một cái quạt, thường con trẻ thích ngồi xem bạn làm, nếu bạn không kiên trì cho đến lúc sửa xong, trẻ dễ có cảm giác tiếc nuối, hình tượng đẹp đẽ của bạn trong con ít nhiều giảm sút, khi bạn thuyết phục con phải kiên nhẫn trong việc gì đó, sẽ giảm tính thuyết phục. Do đó, với một số việc mà bạn khó có thể kiên trì khi thực hiện được thì cũng không nên để cho trẻ thấy.

3. Tạo điều kiện để trẻ kiên nhẫn

Rèn luyện tính kiên nhẫn là cả một quá trình, vì vậy bản thân cha mẹ phải kiên trì theo đuổi sự rèn luyện đó. Trẻ đang làm việc gì đó, hãy cố động viên để trẻ làm cho xong, đừng bảo trẻ làm việc khác.

Chẳng hạn, trẻ đang tập viết, bạn đi đâu về có đồ chơi mới, liền gọi trẻ nhận quà, tức thì trẻ sẽ bị món quà mới hấp dẫn, lúc đó bảo trẻ chơi một chút rồi viết bài tiếp e rất khó. Vì vậy, để trẻ làm xong một việc gì đó, với ý thức trách nhiệm cao (không được làm qua loa, đối phó) rồi mới yêu cầu hoặc để trẻ làm việc khác. Dĩ nhiên, cha mẹ không thể đòi hỏi ở con mình nhiều quá mà phải phù hợp sức khỏe, tính cách, thói quen, điều kiện thực tế…

4. Uốn nắn, động viên khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn

Trẻ thường mau chán, dù với việc mà ban đầu chúng rất yêu thích. Nếu để trẻ tự do thực hiện theo ý mình thì có thể có nhiều việc không được làm đến nơi đến chốn.

Do đó, khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn, cha mẹ cần động viên, uốn nắn ngay để không trở thành một thói quen xấu. Cần kết hợp hài hòa giữa biện pháp động viên (khen ngợi, thưởng…) với biện pháp uốn nắn (phạt). Nhất là với một số việc quan trọng (như tập tô màu, tập viết chữ, tập làm toán…), cần có khuôn phép nhất định để hình thành một nền nếp thường xuyên, ổn định.

5. Để trẻ học cách chờ đợi

Chờ đợi đương nhiên là sẽ rất sốt ruột và đây là điều mà trẻ không bao giờ thích. Khi trẻ muốn có được một món đồ, bạn có thể đáp ứng nhu cầu đó của con. Tuy nhiên, thay vì đưa ngay cho con thứ bé muốn thì người lớn hãy dạy trẻ học được một điều rằng “mọi thứ có được chẳng bao giờ là dễ dàng và cần phải chờ đợi”.



Hãy để trẻ chờ trong một vài phút và tăng dần số thời gian đó lên. 

Ngoài ra, mỗi khi con yêu cầu có được thứ gì, bạn cũng hãy ra điều kiện ngược lại. Con sẽ phải hoàn thành bài tập, làm việc nhà hoặc một điều gì đó rồi mới nhận được thứ mình muốn. Phương pháp này sẽ giúp trẻ học được cách có mọi thứ bằng chính năng lực của bản thân. Nó sẽ giúp trẻ biết chờ đợi là có ích. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của thời gian, nên nhẫn nại và biết mình cần phải chờ bao lâu.

6. Biến thời gian chờ đợi thành thời gian sáng tạo

Khi đưa trẻ ra ngoài cùng đi dạo, bạn có thể gặp gỡ một người bạn và cùng trò chuyện với người đó. Lúc này, trẻ sẽ có được một khoảng thời gian tự do. Bạn có thể hướng dẫn con làm một điều gì đó và vờ như không để ý tới bé trong khoảng thời gian này. 

Hãy quan sát một cách khéo léo xem trẻ sẽ làm gì trong lúc đó. Đây là phương pháp giúp trẻ sáng tạo tư duy và biết tận dụng thời gian. Với những đứa trẻ từ 3 tới 4 tuổi, người lớn hãy thông qua việc làm này để dạy trẻ biết có trách nhiệm hơn với những hành động mình làm.



7. Dạy trẻ cách giao tiếp

Giao tiếp là điều rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ thường xuyên được giao tiếp với mọi người bên ngoài. Lúc này, trẻ cần phải kiên nhẫn và học thói quen không được nôn nóng. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để người lớn dạy trẻ cách giữ im lặng trong những lúc cần thiết.

8. Nhắc nhở thường xuyên về tính kiên nhẫn

Dù trẻ đã ít nhiều thể hiện được tính kiên nhẫn, cha mẹ cũng không nên lơ là với trẻ. Bởi nếu chỉ cần thiếu rèn luyện một thời gian ngắn, trẻ sẽ mất kiên trì và khi đó, phải tốn thời gian để rèn luyện lại.

Hãy trải nghiệm và chia sẻ những kinh nghiệm hay của bạn nhé.


Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Cài Đặt Tư Duy Tự Lập Cho Trẻ

Tự lập là một tích cách rất cần thiết để giúp trẻ trưởng thành. Trẻ con có khuynh hướng làm theo những gì chúng thấy và nghe nhiều nhất. Chính vì vậy chúng ta cần "cài đặt" tư duy tự lập sớm cho trẻ.

1. Tự lập giúp trẻ hạnh phúc, nhanh nhẹn, hoạt bát  nổi trội hơn.
Yếu tố tạo nên tính tự lập ở mỗi cá nhân là khả năng tin tưởng vào những đánh giá của bản thân, cũng như khả năng tự vạch ra một con đường đi cho mình mà không cần lúc nào cũng nhờ đến sự chỉ bảo, hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.



Có được kỹ năng này là một điều tuyệt vời, bởi nó sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn, thu hút được sự chú ý của mọi người xung quanh, từ đó khuyến khích và tạo ra những cơ hội để trẻ thể hiện bản thân. Những đứa trẻ được cha mẹ giáo dục tính tự lập từ nhỏ thì nhanh nhẹn và hoạt bát, nổi trội hơn hẳn so với những trẻ khác.

2. Phụ huynh cần tin tưởng con, động viên và khuyến khích trẻ

Các bậc phụ huynh thường không muốn trẻ phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm khi chưa thực sự sẵn sàng, thế là lại tiếp tục làm mọi việc giúp trẻ như thường lệ mà ít nhận ra rằng con trẻ đã đủ khéo léo, có các kỹ năng phù hợp và đủ tự tin để tự bắt tay vào công việc nào đó. 
Để hình thành ở trẻ tính tự lập, phụ huynh cần tin tưởng con, động viên và khuyến khích trẻ làm những công việc trong khả năng đã có thể đáp ứng. Nếu cha mẹ kiểm soát trẻ quá chặt hay để trẻ phụ thuộc quá lâu thì trẻ sẽ bám riết lấy cha mẹ, chúng có thể trở thành những đứa trẻ lười biếng và mọi việc đối với trẻ đều trở nên khó khăn.

3. Cho trẻ cơ hội được hoạt động, trải nghiệm những việc tự chăm sóc bản thân.

Tùy theo mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau, cha mẹ tạo cơ hội và giao nhiệm vụ vừa sức thông qua những hành vi, việc làm cụ thể để dần dần trẻ có thể tự kiểm soát chính mình. Trên thực tế, tính tự lập của trẻ sẽ hình thành khi chúng có cơ hội suy nghĩ, cảm nhận và hành động cho chính mình. Vì lẽ đó, nên khuyến khích trẻ tự phục vụ bản thân, tự chăm sóc bản thân qua các hành động cụ thể như tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự đánh răng, đi vệ sinh, tự cầm vé của mình vào các khu vui chơi… 

(Trẻ tự tự mặc quần áo )

Khi trẻ có mong muốn làm những việc phức tạp hơn như lau nhà, nhặt rau, tưới cây, rót nước... cha mẹ cũng đừng ngăn cản, hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ làm. Có thể trẻ sẽ làm vỡ, hư hỏng một số thứ, nhưng đó là cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm giúp trẻ học hỏi và phát triển.

4. Hãy để trẻ làm theo suy nghĩ để trẻ tự nhận ra điều không phù hợp.

Tôn trọng trẻ để thúc đẩy tính tự lập ở trẻ qua việc hỏi ý kiến trẻ về các vấn đề lặt vặt trong gia đình như “Chúng ta nên trưng bình hoa này ở đâu?” và cũng nên dành cho trẻ một mức độ tự do phù hợp theo độ tuổi như việc tự lựa chọn trang phục cho bản thân. 

Trẻ có thể chọn một chiếc áo len mặc giữa trời nóng nhưng không sao cả, hãy để cho trẻ tự trải nghiệm và tự đúc kết. Phụ huynh đừng nên thúc ép hay yêu cầu trẻ phải làm mọi điều theo cách mà người lớn thường làm, hãy để trẻ làm theo suy nghĩ để trẻ tự nhận ra điều không phù hợp, điều chỉnh vào những lần sau hoặc có thể người lớn sẽ góp ý khi nhận thấy trẻ làm sai, cả hai đều phù hợp. Điều quan trọng ở đây là để trẻ biết rằng chúng luôn nhận được sự giúp đỡ mỗi khi cần, chính việc đón nhận và thực hiện các cơ hội được tạo ra sẽ cho trẻ có cảm giác mình lớn hơn.

5. Và nên khen ngợi trẻ

Cha mẹ nên cho trẻ những lời tán dương, khen thưởng, đừng xem thường hay chê trách khi trẻ không thể hoàn thành một công việc nào đó. Khen thưởng không chỉ nhằm vào những việc con đã hoàn thành một cách xuất sắc mà khen thưởng còn dựa vào chính những nỗ lực mà trẻ đã thực hiện. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, phụ huynh cần khiến trẻ phải chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được giao, nếu không trẻ sẽ có ý nghĩ là người lớn chưa thật sự tin tưởng mình. Quan trọng là hãy khen ngợi những việc trẻ đã làm rất tốt trước khi chỉ ra một số điều để trẻ rút kinh nghiệm ở các  lần sau.



Tự lập là một trong những đức tính quý báu của con người. Hình thành tính tự lập giúp trẻ tự tin trong cuộc sống, biết cách chăm sóc bản thân, phát triển các kỹ năng xã hội. Đó cũng là tiền đề giúp trẻ biết cách vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này. Phụ huynh hãy tạo những cơ hội và nhiệm vụ, tạo ra một chút tự do nhưng phù hợp với sự phát triển để khích lệ được tính tự lập ở trẻ ngay từ lúc ấu thơ.
MAI MỸ HẠNH
(Chuyên viên tâm lý)