Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

8 bài học cha nên dạy con gái

Ảnh minh họa:
Ảnh minh họa: Myopera.com.

Người cha không chỉ mang lại cảm giác vững chãi, an toàn cho cô con gái nhỏ mà còn có thể dạy con nhiều điều, không phải bằng cách ngồi xuống trò chuyện, mà qua chính cách cư xử thường ngày.

Dưới đây là phân tích từ các nhà tâm lý giáo dục trên trang Womansday về những điều cha có thể giúp con gái tạo lập được cuộc sống hạnh phúc khi trưởng thành.

Sự quyết đoán

Để xua tan định kiến phụ nữ thì phải nhường nhịn và tránh đối đầu, các bé gái cũng cần học cách chấp nhận cảm xúc giận dữ của bản thân và tự quyết định những gì mình cho là đúng. Điều này không có nghĩa là để các bé thích gì làm nấy và quên kiềm chế bản thân. Điều quan trọng là khi có xung đột giữa cha và con gái, người cha nên sẽ trực tiếp đối thoại với con gái để tìm cách giải quyết, thay vì để mẹ phải làm trung gian. "Một bé gái nên được thoải mái thể hiện cảm xúc của mình, kể cả sự tức giận với cha và dám đưa phản biện. Nếu bé không dám làm điều ấy với cha mình thì cũng sẽ không thể ứng xử như thế với ông chủ, bạn trai hay những người khác phái khác.

Để giúp con rèn tính này, người cha hãy cho phép và khuyến khích con thể hiện cảm xúc trung thực, ý kiến cá nhân, thay vì trừng phạt mỗi lần con dám cãi lại hay tỏ ra giận dữ.

Tìm kiếm những mối quan hệ lành mạnh

Một câu nói cũ nhưng luôn luôn đúng: "Điều tốt nhất mà một người đàn ông có thể làm cho con mình là yêu thương mẹ chúng".

Một gia đình luôn tôn trọng yêu thương nhau có ảnh hưởng lớn đối với trẻ. Người cha có thể giúp con gái xây dựng mối quan hệ tốt trong tương lai bằng cách dạy con hãy luôn là chính mình, chứ không phải thay đổi như một con tắc kè hoa để phù hợp với người đàn ông nào đó. Để làm điều này, bạn nên giao tiếp với con gái càng nhiều càng tốt. Qua đó, con gái bạn sẽ học cách giao tiếp với tất cả những người đàn ông khác trong cuộc sống của mình.

Phấn đấu để đạt được thành công

Một trong những thử thách lớn nhất trong cuộc sống là biết được bạn muốn gì và can đảm theo đuổi mục đích đó. Một người cha có thể giúp con gái tìm ra được ước mơ của bé là gì, sau đó dành cho con nền móng vững chắc để thực hiện ước mơ đó.

Điều quan trọng nhất là người cha hãy giúp con gái mình lựa chọn cơ hội và xây dựng lòng tự tin, rằng mình có thể thực hiện được những giấc mơ của bản thân.

Tự lập

Thật khó để các bậc cha mẹ làm lơ khi thấy con khó khăn, nhưng nếu luôn giải cứu cho trẻ, bạn sẽ làm hại chứ không phải giúp con gái, nhất là về tiền bạc. Bạn cần dạy con gái sự tự chủ về tài chính. Hãy để con hiểu rằng cô ấy không cần tiền hay bất cứ thứ gì từ một người đàn ông, và khi trưởng thành, cô ấy sẽ chọn một người mình quan tâm nhất chứ không phải một người đàn ông nhiều tiền nhất.

Sửa xe không chỉ là việc của nam giới

Hầu như bố luôn là người dạy các con lái xe, kể cả con trai và con gái. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ dừng lại ở việc này. Bạn có thể dạy con gái cách bảo dưỡng xe, cách kiểm tra xe an toàn, sửa những thứ đơn giản nhất. Việc này không chỉ khiến các em gái hiểu rằng mình có thể làm bất cứ điều gì nam giới có thể mà còn giúp các em luôn biết chuẩn bị và giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mình.

Chịu trách nhiệm khi làm sai

Đây là một điều khó khăn, ngay cả với người lớn, bởi nó đòi hỏi không chỉ là việc thừa nhận bạn đã sai mà còn phải sữa chữa những việc bạn đã làm. Cách tốt nhất để dạy điều này là thực hành những gì bạn nói với con. Việc thấy bố luôn biết xin lỗi và cố gắng khắc phục sai lầm sẽ tạo phản xạ tuyệt vời tương tự ở các con gái. Lưu ý, khi con gái tâm sự những khó khăn của mình, bố thay vì đưa ra cho con các giải pháp, hãy chỉ ra cho bé biết trẻ sai ở chỗ nào và để em tự tìm ra cách giải quyết của mình.

Sự hoàn hảo chỉ là huyền thoại

Cuộc sống vốn có nhiều áp lực, nhất là để được sự hoàn hảo trong sự nghiệp, gia đình, nhất là với phụ nữ. Với cô con gái nhỏ, người cha có thể kể cho con nghe về những việc chưa hoàn hảo của mình, rằng bố cũng từng có những sai lầm, có lúc bố cũng cảm thấy xấu hổ với chính mình, bố thích nhất hay không thích điều gì ở mình, đặc biệt khi bằng tuổi con. Bố có thể giúp con hiểu trong cuộc sống hiện đại cả phụ nữ lẫn nam giới đều phải chịu những áp lực phải hoàn hảo để nhận được tình yêu. Ví dụ, đàn ông có nghĩa vụ phải kiếm tiền, trở thành người chồng lãng mạn, người cha tuyệt vời trong một quỹ thời gian ít ỏi... Những điều này sẽ giúp con bạn không quá tạo sức ép cho chính mình và biết thông cảm với người khác.

Tình yêu thực sự là tình yêu vô điều kiện

Thể hiện tình cảm với trẻ cũng là một các dạy con nhìn nhận về cuộc sống và chọn cách ứng xử phù hợp. Bạn hãy luôn khuyến khích con làm hết sức nhưng đồng thời cũng để trẻ biết rằng dù thế nào thì bạn vẫn luôn yêu con. Hãy luôn dành thời gian và sự chú ý cho con, có mặt ở những sự kiện quan trọng với trẻ, về nhà ăn tối và đừng ngại thể hiện tình yêu bằng những cử chỉ ân cần, âu yếm. Từ những điều giản dị này, con gái bạn cũng sẽ học được cách bộc lộ tình cảm và đón nhận tình yêu một cách vô điều kiện.

Minh Thùy

(Theo VnExpress.net)

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Nên sai vặt trẻ càng sớm càng tốt

Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, sai trẻ làm việc vặt là một trong những phương cách tốt nhất giúp bé luyện tập các kỹ năng, tạo dựng tính chủ động, tự tin và lĩnh hội những chuẩn mực giá trị đạo đức.

Hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, thích được “làm việc” cùng người lớn. Người lớn nên coi đây là cơ hội tốt để giáo dục trẻ. Hãy mạnh dạn giao cho bé một số công việc trong gia đình vừa sức với trẻ, để bé tập làm, ví dụ đặt quần áo bẩn vào chậu giặt, mang bát bỏ vào chậu rửa sau khi ăn xong, cất dọn đồ chơi, thay giấy vệ sinh, gấp quần áo... Người lớn động viên, khuyến khích bé tham gia tích cực, hướng dẫn, hỗ trợ bé kịp thời nếu bé không làm được. Khi làm việc nhà, bé sẽ cảm thấy mình có giá trị hơn, học được các kỹ năng và tự tin hơn vào khả năng của mình. Cũng qua đó, người lớn có thể phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để định hướng bồi đắp.

Nên giao việc vặt cho trẻ từ khi nào

Sang tuổi thứ 2, trẻ đã có thể làm được những việc lặt vặt trong nhà. Để duy trì sở thích của bé, hãy chọn những nhiệm vụ vừa sức, đặc biệt là những việc lặt vặt bé thích làm. Chẳng hạn có thể giao cho bé lấy ghế, gấp quần áo của bé, nhặt rau… cùng mẹ. Một bà mẹ kể rằng: “Tôi không thể nào cấm không cho con tôi (4 tuổi) động vào cái máy hút bụi được. Vì vậy tôi giao cho bé nhiệm vụ hút bụi sạch căn phòng gia đình. Nhờ vậy bé luôn bận rộn hút bụi còn tôi thì được bé đỡ đần bớt một việc”.



Nhà sư phạm học Elizabeth Pantley cho rằng, giao việc cho con trẻ là một cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé khám phá năng lực, hứng thú của chính mình. Những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà, biết coi việc nhà là một điều bình thường của cuộc sống sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành hơn so với những trẻ không có tinh thần trách nhiệm với các công việc đó.

Nên để trẻ tham gia giúp việc nhà hết mức có thể ngay khi trẻ 2-3 tuổi. Lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… tìm nhiều việc vừa sức để trẻ làm giúp. Cha mẹ hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, tự rửa tay, buộc dây giầy, cài cúc áo, tự gấp quần áo cất vào tủ, tự dọn dẹp đồ chơi… Thông qua các công việc được giao, làm cùng người lớn, bé bắt đầu học khái niệm có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với những đồ dùng của bé. Và một khi bé đã cảm nhận được trách nhiệm của mình với những điều trên, cảm giác có trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội sẽ dần đến với bé một cách tự nhiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Khi bé được 4-6 tuổi, bạn có thể dạy bé cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo của bé, lau bàn ghế, giường tủ… thậm chí có thể hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Trẻ con rất thích được cọ rửa đồ. Những đứa trẻ 4 - 5 tuổi còn rất thích công việc phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào các ngăn tủ.

Khi bé 5–6 tuổi, bé có thể giúp đỡ bạn việc rửa chén, bát mỗi tối. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách làm công việc này như thế nào và giao từng phần việc cho trẻ (ví dụ: gạt những thức ăn thừa vào thùng rác, tráng bát bằng nước sạch…). Nhưng phải nhớ là cho bé làm với những đồ không dễ vỡ, còn những thứ dễ vỡ và các nồi bẩn thì bạn phải tự làm. Và điều quan trọng là vừa làm, vừa trò chuyện, tâm tình cùng trẻ để mở rộng sự hiểu biết và giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn.

Khi trẻ 7-8 tuổi, chúng có thể tự mình chuẩn bị một bữa ăn. Hãy hướng dẫn trẻ cách làm món ăn mà chúng thích nhất và chỉ cho trẻ cách chọn các loại thực phẩm khi bạn cùng con đi chợ. Bạn nên khuyến khích con ở lứa tuổi đến trường tự chuẩn bị bữa trưa cho mình. Bé có thể giúp bạn cho quần áo vào máy giặt và khi bé lên 10 thì có thể tự mình cho quần áo vào máy và vận hành máy giặt… có thể đi chợ mua thức ăn. Hãy tập dần cho bé làm quen với những công việc này.

Kiên trì hướng dẫn, khích lệ… không chê bai

Người lớn cần kiên trì hướng dẫn trẻ làm, ban đầu có thể chưa quen, vụng về, chậm chạp, thậm chí đổ vỡ. Không sao cả, mỗi lần làm chưa được, thay vì chê bai, cha mẹ cần giải thích tại sao và động viên trẻ kiên trì làm lại, tập dần trẻ sẽ có ý thức hơn về những công việc mình làm. Thông thường trẻ sẽ rất thích ăn những gì do tự tay mình làm ra. Một khi đã được dạy cách chuẩn bị bữa ăn, trẻ sẽ có thể tự mình vào bếp mà không phải cần phải quanh quẩn bên bạn. Những lúc đó, bạn cứ nghỉ ngơi thoải mái đi và nhớ nói cho mọi người trong gia đình cùng biết để cùng động viên trẻ.

Trẻ con ham học hỏi, thích tự mình làm lấy, làm thành công thì ý muốn được thoả mãn, sẽ có được lòng tự tin vào việc mình làm. Cứ như vậy trẻ lớn lên từng bước một. Ngược lại lúc nào bố mẹ cũng ra tay làm hộ, hình thành ở trẻ thói quen ỷ lại, ích kỷ. Nếu mẹ cứ rửa tay cho con, trẻ mất đi tính nhẫn nại.

Trẻ làm làm tốt dù là việc nhỏ, vẫn cần được khích lệ, động viên. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ. Cho dù trẻ làm chưa giỏi cũng phải khen. Có vậy trẻ mới có tự tin, để lần sau làm giỏi hơn.
Cha mẹ chê trẻ vụng về, không tin tưởng vào khả năng của chúng, sửa sai cái trẻ vừa làm trước mặt người khác… là kiểu dạy con tồi tệ nhất. Những bà mẹ không biết phương pháp giáo dục trẻ thường đối xử với con như vậy. Áp đảo sự phản kháng của trẻ. Dập tắt ý muốn tự làm lấy của trẻ bằng những câu đại loại như “Việc đấy ai chẳng làm được” hay “Ai thèm làm cái việc dở hơi ấy”.

Bí quyết dạy trẻ giỏi là thường xuyên “khen”, ngược lại dạy tồi sẽ là hay “chê”.
Giao cho trẻ những công việc "đặc biệt"
Tại sao trẻ không chịu làm một số việc người lớn muốn? Đơn giản là vì công việc đó không làm trẻ thích…Vậy làm sao để trẻ thích thú và làm một cách tự giác.

Bí quyết làm cho công việc trở nên vui vẻ và thú vị với trẻ là tạo ra nhiều việc để trẻ có thể chọn làm. Vạch rõ ràng các chi tiết của mỗi việc. Cha mẹ có thể lập biểu đồ để đánh dấu những công việc giao cho trẻ làm. Trước khi bạn bắt đầu phân việc, bạn hãy cho trẻ biết bạn mong đợi ở chúng điều gì và chúng sẽ nhận được gì từ công việc đó. Đừng quên nói với trẻ rằng những công việc mà trẻ đang làm đều là những công việc tuyệt vời. Và đa số trẻ sẽ rất hào hứng nếu làm việc mà có phần thưởng.

Ngoài ra, nếu giao cho trẻ một công việc nào đó dưới cái tên “đặc biệt”… thì công việc đó dường như được trẻ hoàn thành tốt hơn. Trẻ con thường có suy nghĩ: “chắc chắn mình phải là một người đặc biệt thì mới được giao cho công việc đặc biệt”.
Chẳng hạn, khi muốn dọn dẹp lại nhà, bạn hãy tuyên bố: “đã đến lúc chúng ta cần dọn nhà rồi”. Thử giao cho trẻ một công việc “đặc biệt” thu dọn, trang trí lại căn phòng để chúng được tự làm điều đó. Để giúp trẻ không bỏ dở, bạn hãy cùng làm với trẻ.

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh & ThS. Hà Thiên LýChuyên gia Trường Mầm Non Hoàng Gia, Equest Group, tel: 7624877

Bí quyết chuẩn bị tâm thế cho bé vào lớp 1

"Lúc con 3-4 tuổi, mình nghĩ trẻ cần được chơi nên chẳng bắt học bao giờ, nhưng giờ thấy bạn cùng tuổi con đều đã biết viết, mình hoảng quá nên phải cho đi luyện chữ và toán cấp tốc", chị Nụ (Linh Đàm, Hà Nội) nói về cậu con trai sẽ vào lớp 1 năm nay.

Ngày ngày, anh chị tất bật thay nhau đưa đón con đến lớp luyện chữ và tập toán cách xa nhà 5 cây số.

Rút kinh nghiệm từ cô con gái đầu lòng, chị Ngọc (chợ Kim Liên, Hà Nội) đã cho cậu con trai gần 6 tuổi đi ôn luyện từ sau Tết.

"Hồi trước mình nghĩ lớp một thì cũng chỉ có tập đọc, viết, toán đơn giản thôi, đến lớp con học cũng được. Thế nhưng, vào năm học, cô giáo chê con viết chậm và kém nhất lớp, thế là tối nào hai mẹ con cũng phải đánh vật với nhau đến tận 11 giờ để hoàn thành các bài con làm dở trên lớp và làm thêm bài cô giao", chị Ngọc kể lại.

Sau "bài học" trên, với cậu con trai thứ hai, khi cháu được 5 tuổi chị đã đưa con đến nhà một giáo viên tiểu học nhờ cô rèn cho cháu cả tập đọc, tập viết lẫn làm toán. "Giờ thì khỏe re rồi, cháu đã đọc thông viết thạo. Dù vậy mình vẫn không chủ quan được, phải luyện tiếp", chị nói.

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa trẻ bước vào năm học mới. Nhiều ông bố bà mẹ có con vào lớp một sốt sắng chuẩn bị mọi thứ cho bé đến trường.Ngoài trang bị dụng cụ học tập, phần lớn các em đều đã được luyện chữ, học toán trước. Trên các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, những topic như "tìm gia sư cho con sắp vào lớp 1", "Cho con luyện chữ, luyện toán ở đâu?", "Tìm cô giáo lớp 1 cho con"... luôn nóng khi năm học mới đang đến gần. Đáp ứng nhu cầu này, các trung tâm luyện chữ, rèn toán, dạy kỹ năng cho trẻ sắp vào lớp một cũng nở rộ.

Ảnh: Minh Thùy.
Các bé 6 tuổi đang tập viết tại một cơ sở luyện chữ ở phố Chùa Bộc, Hà Nội, để chuẩn bị vào lớp 1 vào tháng 8 tới. Ảnh: Minh Thùy.

Chị Liên Hương, phụ trách một trung tâm luyện chữ cho trẻ tại phố Chùa Bộc, Hà Nội cho biết, từ sau Tết đã có nhiều bà mẹ đăng ký cho con tập viết để chuẩn bị vào lớp 1, thậm chí nhiều cháu sinh năm 2006, tức sang năm mới vào tiểu học, cũng được phụ huynh xin đến học. Có bà mẹ còn năn nỉ xin cho con học luôn hai ca một buổi vì nhà xa, nhưng cô không đồng ý vì với trẻ nhỏ, viết trong một ca(một tiếng rưỡi) đã là quá sức.

"Các bé tuổi này còn non, vẫn đang quen chơi nên chưa tập trung, ngại học. Hơn nữa, tay các cháu rất yếu nên viết nhanh mỏi. Thực ra, ở tuổi này, mình chỉ cố gắng giúp các bé vững các nét cơ bản, đỡ bỡ ngỡ và làm quen với chữ cái", chị Hương nói.

Chị cho biết, nhiều bé đến học còn nước mắt vòng quanh, mẹ phải ngồi bên cạnh mấy buổi cho quen. Một số ông bố, bà mẹ sau hơn chục buổi đi học viết cùng con cũng phải thừa nhận "bọn trẻ khổ quá".

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn với các bé. Nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn lúc mới vào lớp 1, khi đang quen được chăm sóc, vui chơi phải chuyển sang môi trường mới, với hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài...

Theo bà Thủy, nhiều phụ huynh cố gắng trang bị thật nhiều tri thức cho con, để con biết đọc, biết viết trước vì sợ nếu con chưa biết sẽ không theo kịp các bạn, sẽ sợ học, mặc cảm. Thực ra, bố mẹ cho con học trước để yên tâm, tưởng có lợi nhưng lại là bất lợi.

Theo khoa học nghiên cứu, trẻ dưới 6 tuổi cơ tay còn yếu, khi cầm bút chỉ viết được những nét sổ, nghiêng, cong. Trẻ chỉ nên tô theo những nét có sẵn, tập điều khiển cơ tay để dần dần học viết nét chữ. Vì thế, ban đầu trẻ sẽ được học viết bảng. Khi học viết sớm, cơ tay yếu, trẻ dễ cầm bút tùy tiện, sai tư thế. Ngoài ra, khi phải ngồi nhiều tập viết, làm toán, trẻ sẽ căng thẳng, mệt mỏi, cảm thấy bị áp lực. Hơn nữa, khi đã biết trước các kiến thức của lớp một, vào năm học, bé dễ chán và chủ quan. Khi đó, điều cần rèn nhất cho bé chuẩn bị vào lớp một là khả năng tập trung, lắng nghe, sự tự tin, dám phát biểu đã bị thui chột. Trẻ sẽ thấy việc đi học là không quan trọng.

Nhà giáo cho rằng, để chuẩn bị cho con một tâm thế tự tin trong năm đầu tiên đi học, bố mẹ cần lưu ý:

- Cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, cái bút, quyển sách của mình. Có thể hướng dẫn con biết chiếc bút mở nắp rất nguy hiểm, nên con viết xong cần đậy lại. Dạy con cách giở sách, cách ghi nhớ, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, cách đeo cặp trên vai. Khi vào năm học, bố mẹ cũng cần quan tâm đến thời khóa biểu của con để cùng bé chuẩn bị sách, đồ dùng học tập theo đúng môn học mỗi ngày, tránh để trẻ ngày nào cũng phải mang quá nhiều thứ tới trường.

- Hướng dẫn bé cách ứng phó với các tình huống ở trường như khi muốn đi vệ sinh và cách tự đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến... Quan trọng nhất là giúp bé hòa nhập với môi trường, tăng khả năng tự lập, tự biết giữ sức khỏe, khi nào cởi áo, mặc áo, lúc nào cần rửa tay...

- Dạy trẻ khả năng tập trung, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học mới. Khi con ở nhà, bố mẹ có thể tạo ra các cuộc thi như cả nhà kể chuyện cho nhau nghe, tập tô xem ai khéo hơn, nói về các chủ đề gần gũi với bé trong khoảng 30 phút...

- Giúp con làm quen với ngôi trường mới. Bố mẹ có thể dẫn bé tới trường, lớp mới vài lần trước khi con đi học thực sự. Hãy chỉ cho bé thấy lớp mới có những khác biệt như thế nào so với lớp ở trường mầm non của con. Chỉ cho con thấy những đồ vật đáng yêu ở nơi mới, một cây bàng xòe tán như chiếc ô che nắng, chiếc trống trường biết kêu "tùng tùng tùng" gọi các con vào lớp hay báo hiệu đến giờ chơi... Hãy giúp con cảm thấy môi trường mới có nhiều điều thú vị, gần gũi với bé.

- Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn.

Minh Thùy

(Theo Vnexpress.net)